Huấn từ của ĐTC Piô XII với Đại Hội Đồng Dòng Thuyết Giáo

0

HUẤN TỪ

Của  Đức Thánh Cha Pio XII Với Đại Hội-Đồng Dòng “THUYẾT GIÁO”

ngày 22-9-1946

(Trích Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969,

Văn thư XI, tr. 81-83)

Nữ Tu viện Đaminh B.C. (Tam Hiệp)

I. TÌM AN HÒA

1- An hòa là kết quả của các nhân đức hòa hiệp cùng nhau hành động. Vậy chúng con phải luôn luôn gắng gỏi làm sao cho thể xác phục linh hồn, linh hồn phục Thiên Chúa, thì những ước vọng suy tư của chúng con, như hoa nở bởi ơn Chúa, mới đẹp mắt các Thiên Thần – và công việc chúng con làm, mới thỏa mãn được lòng người. Tất cả những gì phá rối tình huynh đệ, phải xa cách chúng con, bởi tình huynh đệ mới là cái hay, cái đẹp nhất của người Tu sĩ, nhờ đó, Tu sĩ mới được sự khôn ngoan thông thái sung túc vẻ vang. Ở chúng con quyền bính (của Bề trên) phải là một sự giúp đỡ bề dưới cách thành thực, và sự phục tùng (của bề dưới) phải là một của lễ hy sinh liên lỉ dâng lên. Chớ gì đời sống của chúng con trở nên rực rỡ sáng ngời trước mặt người khác để nên mẫu mực sống động cho họ và nên gương xán lạn cho người theo Chúa Kitô.

II. HỌC GIÁO LÝ

2- An hòa không có nghĩa là ươn lười ngồi rỗi, trái lại sức hoạt động của nó cũng mãnh liệt, cũng vĩ đại, cũng quan trọng ngang với tất cả các ngành hoạt động khác. Cái nghề của chúng con là phải giãi sáng Giáo lý ra, nên đặc biệt là chúng con phải luôn luôn tìm hiểu Thần học một cách đầy đủ sâu sắc hơn – phải nghiền nghĩ, diễn giảng và bênh đỡ các chân lý Chúa truyền. Mỗi người chúng con phải hiên ngang hăng hái đoạt lấy cho được cái khoa sống thánh thiện một cách thực sự sung mãn dồi dào như lời khôn ngoan Thánh Giêrônimô nhủ: “Không bao giờ sách được rời khỏi tay và mắt được bỏ khỏi sách – Các Thánh Vịnh phải học thuộc lòng – Cầu nguyện phải liên lỉ – Phải tỉnh táo luôn luôn – Không bao giờ được nghĩ điều chi xấu – Cả xác hồn đều quy hướng về Chúa luôn”.

3-  Chính chúng con là những người được dành để chuyên chăm Thần học và Triết lý hơn cả. Chúng con có quyền được hưởng cái vinh dự lớn lao nhất ấy – Quả thực, chính nhờ ở chúng con mà Giáo Hội có Thánh Tôma Tiến sĩ cả hai phân khoa ấy. Thế giá của người thật là độc nhất vô song trong việc dạy dỗ các sinh viên, cũng như trong việc hướng dẫn những ai muốn sưu tầm chân lý nhiệm mầu. Uy tín của người được công nhân một cách tuyệt đối trong chính Giáo Luật khoản 1366 triệt 2 “Các Giáo sư khi dạy những vấn đề về Triết lý Thần học cho sinh viên, phải theo sát phương pháp lý thuyết và nguyên tắc của Thánh Tiến sĩ Thiên Thần (tức Thánh Tôma), và phải kiên trung sùng mộ đường lối của người”.

4- Khoản luật trên đây có tầm quan hệ của một đạo luật buộc ráo riết trong các trường Thần học và Triết học Công Giáo – Vậy Ta càng mong ở chúng con hơn – Chớ gì: chẳng những về cách ăn nết ở bên ngoài, mà lại cả về trí phán đoán bên trong cũng như về việc học hành, chúng con đều đặt mình trong khuôn vàng thước ngọc ấy, vì nó bao quát cả Giáo Lý Công Giáo và cả những gì có liên quan đến luật lệ và trật tự xã hội nữa.

5- Chúng con hãy chăm chỉ lần mở tra cứu những sách vở có liên hệ đến sự thiết lập, quy pháp và lịch sử Tôn Giáo – Hãy cân nhắc, khảo sát cách sáng suốt và tinh vi tất cả những gì thời mới này đưa ra, và bắt nó phải phục vụ khoa Thần học.

6- Chớ gì sự an hòa của chúng con vì liên kết khăng khít với hoạt động, mà trở nên sáng lạn rực rỡ dưới ánh sáng của các nhân đức từ trời chiếu xuống!

III. THUYẾT GIÁO

7- Dĩ nhiên cái vinh dự hiển hách xứng đáng này là kỷ phần của chúng con vì cái danh hiệu đặc biệt của chúng con. Vậy, chúng con hãy ở sao cho xứng danh – Hãy thực hiện cái nghề chuyên biệt của chúng con. Chớ có ai vì ươn lười hay nhát sợ mà bỏ bổn phận Thuyết giáo. Hơn nữa, về việc giảng thuyết, nhiệm vụ chúng con còn đòi chúng con phải nổi vượt hơn các Dòng khác nữa. Chớ gì ở chúng con, ngôn hành như nhất (lời nói với việc làm hợp nhau như một): điều gì chúng con đã giảng là chúng con phải có gương sáng việc làm chứng quả ngay.

8- Dẫu phải học tập văn chương đời (điều đó tuy có ích thật) kẻo Lời Chúa bị thiếu cái vẻ đẹp xứng đáng phải có – nhưng với lời cầu nguyện hy sinh, sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa không phải là bị giảm kém đi trong ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Âutinh nói: “Người giảng thuyết của Chúa Kytô phải làm như thế khi nói về các vấn đề công chính, thánh thiện, đạo đức – vì không được nói về các vấn đề khác. Khi giảng về các vấn đề trên, phải cố hết sức mà nói đơn sơ rõ ràng, hấp dẫn và cảm phục. Phải thâm tín rằng, được kết quả ngần nào, chừng nào là do bởi lời cầu nguyện sốt sắng, chứ không phải bởi văn chương lưu loát – Vì thế, phải cầu nguyện cho mình và cho người sắp nghe mình. Phải là người cầu nguyện đã, rồi mới là người giảng thuyết sau.”

9- Tìm An hòa, học Giáo lý và Giảng Thuyết – ba điều ấy  phải luôn luôn là mục tiêu cho mọi suy tưởng, hoạt động của chúng con, nếu chúng con muốn thực danh, thực sự là Tu sĩ Đaminh (Dòng Thuyết Giáo). Không được bỏ rơi điều nào – không được tách rời ra – phải liên kết cả ba lại làm một – không được thích điều nọ hơn điều kia – Phải yêu mến cả ba một trật. Hãy lấy sức mạnh ấy mà làm cho Dòng chúng con được tôn trọng – mà giúp việc Ta – mà cứu vãn thế giới đang nghiêng ngửa…”.

PIO XII

Les Enseignements Pontificaux

(Les Instiiuts de vie parfaite)

Desclée et Cie – p.408

Comments are closed.

phone-icon