Huấn từ của Đức Thánh Cha Pio XII ngày 11-2-1958

0

Huấn từ của Đức Thánh Cha Pio XII

Với các Bề Trên Thượng Cấp Dòng Tu ngày 11-2-1958

 Trích “Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh”

Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969, Văn thư XVI, tr. 111-121)

Nữ Tu viện Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp)

I. – GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA BẬC TRỌN LÀNH

1- Chúng con thân yêu:

Cha hân hoan gửi đến tất cả chúng con ở đây lời chào thân ái trong Chúa Kytô – Chúng con là những người Chúa quan phòng đặt làm đầu các đoàn người tiến theo đường trọn lành Phúc âm, và là những người cùng chung vai gánh trách nhiệm Tông đồ với Cha – Quả thật, như Cha đã nói ở đệ nhất Đại Hội các Dòng tu, cách đây mấy năm là: “Sở dĩ một Dòng Tu thành lập và có giá trị, là vì Dòng ấy đi sát với mục đích của Giáo Hội là dẫn đưa nhân loại về đàng thánh thiện” – Nhưng Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kytô, không thể đáp lại đầy đủ được ước nguyện của Người, và mắt người đời cũng không thể nhìn về Giáo Hội như về lá cờ hiệu của muôn dân với lòng đầy tin tưởng cậy trông được, nếu Giáo Hội không có những người phản chiếu ánh vinh quang xinh đẹp của Phúc âm bằng chính đời sống, hơn là bằng lời nói.

2 – Các con thân yêu! Cha đã cho chúng con thông phần trách nhiệm với Cha, bằng cách vừa trực tiếp theo Giáo luật, thông cho chúng con ít nhiều thẩm quyền tối cao của Cha, vừa lập nền tảng quyền cai trị cho chúng con theo Quy luật, Hiến pháp mà đã châu phê cho chúng con. Vì thế, can hệ nhất là chúng con phải thi hành quyền bính của chúng con theo ý Cha và theo tinh thần của Giáo Hội.

Trong bài khuyến dụ của Cha trong Năm Thánh 1950 trước đây, Cha đã giải bày sâu rộng rõ ràng những điểm mà các Tu sĩ dưới quyền các con phải giũ cẩn thận, nhất là ở thời đại này, và cả những ai phải nhắc nhớ và ứng dụng những điều ấy nữa. Hôm  nay Cha chỉ nói ít lời để chúng con ý thức rõ rệt mà làm việc với Cha cho được mục đích Cha theo đuổi.

II. – ĐƯỜNG CHẮC CHẮN CỦA CHÂN LÝ

3 – Điều Cha muốn nói với chúng con cũng như với những ai theo đường trọn lành là: không bao giờ được nhượng bộ theo chiều hướng gọi là “Hiện sinh”, mà để thiệt cho Chân lý ngàn đời, bổn phận người lãnh đạo là phải hướng dẫn một cách hết sức bảo đảm các Tu sĩ thuộc quyền mình đến sự sống đời đời, với một tinh thần sáng suốt, trên đường chắc chắn của Chân lý, không được ngã nghiêng thiên vị tả hữu, bằng sự hướng dẫn kiên cường, theo nhu cầu khẩn trương đòi hỏi. Đấng Tổ phụ của các người theo đường trọn lành Phúc Âm bên Tây Phương (tức Thánh Bênêđictô)đã nói: “Bề trên Dòng không được dạy gì, lập gì hay truyền gì trái với luật Chúa – Cách cai trị, lời dạy bảo của Bề trên phải như men Thánh thiện của Chúa rắc và các tâm hồn”.

4 – Vậy các Bề trên bậc trọn lành ( tức bậc Dòng) phải luôn luôn lấy các nguyên tắc, không phải ở ý kiến đa số hay ở dư luận, mà phế bỏ đường lối của các Thánh Tổ Phụ, để coi như bây giờ cứ phải dạy cái mới chỉ vì là mới – cũng không được lấy ở cái người đời thích hơn –  nhưng phải lấy ở nguồn tinh túy của Chân lý mạc khải và ở Giáo huấn của Giáo Hội. Thực tế, phải can đảm để đương đầu đối phó với những cái đa số người đời ưa thích; Nếu Bề trên lại không sẵn lòng bỏ qua “thời mốt” trong ít vấn đề, thì làm sao người có thể duy trì được nguyên vẹn Chân lý Chúa kytô. Chân lý ấy tuy thật vẫn luôn luôn mới mẻ, nhưng đồng thời cũng luôn luôn là cố cựu từ ngàn xưa truyền lại.

III. – GIÁO LÝ TRUYỀN THỐNG VỀ TU ĐỨC

5 – Về các nguyên tắc hướng dẫn về Giáo Lý tu đức, và đời sống bậc trọn lành, như Cha đã nói về một vấn đề quan hệ hơn trong Thông điệp “Humani generis = nhân loại”, người ta thấy: ngày nau có những tâm hồn “háo mới quá đáng”, họ cố tình trốn thoát quyền Giáo huấn của Giáo Hội, vì thế, họ bị nguy hiểm là xa cách các Chân lý mạc khải mà không biết, rồi còn lôi cuốn cả người khác vào lầm lạc nữa. Đã hẳn rằng, tôi lầm lạc về Luân lý không nặng bằng tội lầm lạc về Đức Tin, tuy mỗi lầm lạc một cách, nhưng lầm lạc nào cũng đều dẫn đến chỗ hư hèn của bản tính nhân loại, và nhất định nó sẽ chặn đứng ta lại, không cho ta tìm thấy Đấng ta phải tìm là CHân, Thiện, Mỹ tối cao được nữa.

6 – Vậy chớ gì các Bề trên hãy thiết tha khăng khắn với Giáo lý tu đức chắc chắn và quân bình, đúng như các Đấng sáng lập Dòng đã dạy từ đầu, và đã được Giáo Hội chấp nhận từ lâu đời. Các Bề trên, chớ có vì mấy cái mới mà xa lìa Giáo Lý ấy. Quả thật, lý do phải gắn bó với Chân lý, không bởi tại sự kiện Chân lý thường được nhiều người theo, như bởi tại chính nó là CHân lý được Chúa đặt trong thiên nhiên, hay được Chúa nhân lành mặc khải cho nhân loại. Đâu có phải rằng, cứ có người dèm chê là có lẽ để cho Chân lý không còn phải là Chân lý, là đường đưa đến Thiên Chúa nữa? Ai muốn được là một Bề trên khôn ngoan, phải biết khéo léo sẵn sàng tìm tòi nghe ngóng nhiều lời khuyên răn – Họ phải suy nghĩ và lấy ý kiến của những Đấng khôn ngoan, của những bậc Thầy làm như của mình – không bao giờ được tự tin đến nỗi như không có nguy hiểm sai lầm gì cho ai ở đời này cả.

7 – Họ phải tuần tự: Trước hết là nghe những người mà Hiến pháp đã đặt làm Cố Vấn cho họ – rồi cầu xin ơn “LO LIỆU”, đoạn cân nhắc kỹ lưỡng mọi sự, sau đó, mới quyết định rõ rệt. Bề trên phải ra lệnh cách cương quyết với tình phụ tử và khiêm tốn cho các người thuộc quyền mình, hướng dẫn họ hành độg và sống theo. “Các môn đệ có bổn phận phải vâng lời Thầy thế nào, thì Thầy cũng có bổn phận phải xếp đặt mọi việc với con mắt nhìn xa trước và công bình như vậy”(Luật Thánh Benedicto).

8 – Mặc cho có những người cho rằng ách Đức Vâng Lời bậc Dòng nặng quá, không thể đặt lên vai người thời nay được, chớ có bao giờ nhắm măt mà quên rằng: nhiệm vụ Bề trên là lấy hết lòng khiêm nhường và yêu mến Chúa kytô, nhưng cương quyết mà hướng dẫn những người tự tình khấn Vâng lời.

Chúa là Đấng thẩm phán các linh hồn, không những đòi từng người một phải trả lẽ, mà còn đòi cả những ai Người đã giao cho các linh hồn ấy nữa. “Bất kỳ số Tu sĩ đã trao cho là bằng nào, Bề trên đều có bổn phận phải trả lẽ với Chúa hết về tất cả các linh hồn ấy trong ngày thẩm phán”(Thánh Benedicto).

IV. – XA CÁCH THẾ GIAN

9 – Với thời đại tân tiến, các linh hồn đòi hỏi nhiều nhu cầu mới, Giáo Hội thấy phát sinh nhiều nếp sống mới khác để tới sự trọn lành theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tưởng cũng được phép hy vọng như thế. Mỗi nếp sống đều đòi hỏi khác nhau cho các phần tử của mình. Tuy có những đòi hỏi không giống nhau, cho Tu sĩ đan viện khác, cho Dòng Giáo sĩ khác, cho Tu sĩ ở Tu viện khác, cho Tu sĩ Dòng ở ngoài đời (mới được thành lập) khác; Tuy nhiên, lại vẫn có một điều chung cho hết mọi Tu sĩ, và sẽ còn mãi mãi như thế, đó là: Bất cứ ai muốn theo đàng trọn lành Phúc âm, nhất thiết phải tự rút mình xa lìa thế gian. Điều đó tùy ở tổ chức đời sống theo Ơn Thiên Triệu đặc biệt Chúa ban, nhưng đối với cảm tình, bao giờ cũng là phải tận tiệt. Cha nói: “xa lìa thế gian” là nói theo kiểu Chúa Kytô, Thầy Chí Thánh đã nói với môn đệ Người: “Chúng con không thuộc về thế gian này”(Jo 15,19) – và Môn đệ được Chúa yêu nói: “cả thế gian phải đầm đìa trong sự tội”( 1Jo 5, 19); Chính Thánh Tông đồ dân ngoại (Paulo) cũng nói: “Thế gian đã chịu đóng đanh cho tôi, và tôi đã chịu đóng đanh cho thế gian” (Gal 6, 14).

10 – Vậy điều quan hệ là: Người muốn sống cho Chúa Kytô và làm tôi người cách trọn vẹn, về cảm tình tôi đối với thế gian, họ phải hoàn toàn như xa lạ. Chúa Kytô là Đấng ta không thể làm tôi Người cách trọn vẹn được, nếu không chủ ý làm tôi một mình Người mà thôi. Quả thực,  không có thể lấy một tạo vật nào để so sánh cách nào được – chứ chưa nói đến đặt ngang hàng – với sự trọn lành của Chúa. Người không có tâm hồn tinh luyện sạch hết mọi kiêu căng ham hố thế gian, làm sao có thể có tình yêu thong dong như cánh để bay lên cùng Chúa, và sống kết hiệp với Người được? kết hiệp thực sự, không phải chỉ bằng đường sống ơn Thánh mà thôi, nhưng còn bằng một tình yêu nồng nàn đặc biệt của người theo đường trọn lành nữa.

11 – Tuy đã được vào số các người trọn lành vì một ơn riêng, nhưng ai là người một khi đã bị suy yếu vì hậu quả của nguyên tội, lại có thể đoạn tuyệt hoàn toàn mà không quyến luyến gì với sự đời được, nếu thực sự không xa cách nó một độ nào đó, và có can đảm để tẩy chay nó nữa? Ngoại trừ trường hợp vì trách nhiệm phải gánh trong Giáo Hội do Đức Vâng Lời đòi buộc, còn không ai có thể hưởng tiện nghi tràn ngập của thời nay, hay tự buông mình vào những thú vui giác quan đầy dẫy trong thời đại này, mà lại không thiệt mất phần nào về tinh thần Đức Tin và tình yêu mến Chúa. Hơn nữa, ai càng cởi mở xông xểnh đời sống, sẽ càng dần dần hết cố gắng trong đường nên thánh, và sẽ càng liều mình thấy nhiệt độ Đức Mến và ánh sáng Đức Tin hạ xuống cho đến độ họ sẻ phải rút lui một cách thảm thương khỏi  bậc cao trọng mà trước kia họ đã gắng theo.

V. – QUY TẮC SIÊU NHIÊN ĐỂ HÀNH ĐỘNG

12 – Về Giáo lý, ý nghĩ, cũng như việc làm, chúng con phải có những quy tắc để phán đoán khác hẳn với thế gian; Luật sống cũng phải khác, những quy tắc để phán đoán và phê bình phải lấy ở Phúc âm Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội: “Chúa đã muốn dùng lời giảng thuyết điên dại để cứu rỗi những ai tin Người” (1 Cr 1,23).

13 – Nếu thay vì đầu độc tinh thần bằng cách hằng ngày bôn chôn vào việc đời, người ta không biết lo lắng chăm chỉ nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách đọc và suy ngắm những sự về Chúa, và làm quen với các sách các tác giả xưa nay nổi danh chắc chắn về Đức Tin và đạo đức, thì làm sao còn có thể cảm thấy  được điều gì là hay là phải nữa?

14 – Đấy cũng chính là những khuôn thước để hành động, mà những người ở dưới quyền các con cũng phải theo nữa. Họ không được ham ước những cái vừa ý thích, những cái êm ả dễ chịu, những tiện nghi, nhưng chỉ được ao ước duy một mình Thiên Chúa mà thôi – mà Thiên Chúa họ sẽ chỉ tìm thấy được, khi nào họ liên lỉ hãm dẹp ngũ quan và ý muốn; Hãm ý muốn bằng đức khiêm nhường và Vâng lời chịu lụy; Hãm ngũ quan bằng đời sống nhiệm nhặt và tự tình khổ chế. Nếu không có những phương thế ấy, những phương thế đã được cả Cựu Ước Tân Ước và Truyền Thống Giáo Hội khuyên nhủ, thì việc một người Kitô hữu muốn đạt tới độ mến Chúa và vì mến Chúa và yêu người, sẽ chỉ còn là việc vô ích và là tự dối mình thôi.

15 – Hơn nữa, đường lối mà chúng con có thể đưa nhân loại về với Thiên Chúa là cùng đích của họ, lại không khác hẳn với những đường lối mà trí khôn tự nhiên người đời cho là hiệu nghiệm sao? Việc Tông đồ Cha nói đây, bất cứ cách nào, đều hệ tại ở ơn Chúa quan phòng, mở lòng mở tai nghe chúng con – và hệ tại ở ơn Chúa phù giúp, không có ơn ấy, không ai có thể làm được việc gì lành để được cứu rỗi, và không ai có thể bền chí trong đang lành được.

16 – Đường lối của Chúa khác, không phải như đường lối của chúng ta. Không bao giờ cũng có thể lấy “lời khôn khéo theo sự khôn ngoan loài người”(1 Co 2,4) mà có sức mạnh lôi cuốn được lòng người theo Đức Tin và làm việc rỗi linh hồn; Phải biểu lộ tinh thần và sức mạnh mới được; Và trong sự biểu lộ đầy bí ẩn ấy, bởi đơn sơ thành thực, bởi tình bác ái, bởi sức mạnh của tin tưởng, sẽ phát ra một khả năng lạ lùng có thể chinh phục lòng người và dẫn đưa họ về với Chúa.

17 – Không phải nhờ những ý tưởng mới mẻ, do óc loài người phát sinh ra mãi không ngừng, mà lôi cuốn được người ta về đàng lành, nhưng phải nhờ sức mạnh thiêng liêng của Ơn Chúa và các Bí Tích, nhất là phép Giải tội và phép Mình Thánh.

Và ít ra, nếu có lần nào xa cách thế gian được một kỳ, nhất là hồi tâm được mỗi ngày trong nơi tĩnh mịch nào đó, để yên ắng suy nghĩ về các Chân lý cách thâm thiết: lòng bên lòng với Đấng KHÔN NGOAN, người ta lại chẳng phải ngã ngửa ra hay sao, vì thấy mình quá háo động và háo động vô tích, bởi nó có lẽ hào nhoáng hơn là có công hiệu thực?

VI. – GIÁ TRỊ LIÊN VIỄN CỦA KỶ LUẬT

18 – Để con cái chúng con được sống với tâm hồn bình thản yên hàn, tâm hồn ấy giúp họ rất nhiều để phán đoán xác đáng các điều về Chúa, các Đấng sáng lập Dòng đã theo truyền thống từ ngàn xưa của Giáo Hội, do các Thánh Tổ Phụ xưa ẩn tu trong rừng vắng, theo sự khôn ngoan của  Phúc âm mà họ cho họ bản ngày nay gọi là Tu luật hay Hiến pháp. Tuy Hiến pháp của mỗi Dòng mỗi khác tùy theo mục đích của Dòng, nhưng buộc hết mọi Dòng phải có Hiến Pháp.

19 – Sỡ dĩ, cần phải có Hiến Pháp để đạt được mục đích chúng con theo đuổi, là vì sự yếu hèn của bản tính con người đã bị tội nguyên tổ làm tổn thương. Hiến pháp rất hiệu nghiệm để đạt tới sự trọn lành đời sống Kytô hữu; điều đó đã được kinh nghiệm lâu đời xưa cũng như nay chứng quả. Giáo Hội vừa bằng lời nói, vừa bằng việc làm, vẫn luôn  luôn ca tụng sự thánh thiện của Hiếp Pháp.

20 – Bản tính con người thích dễ dãi, nên bao giờ cũng ngán giữ kỹ luật bậc trọn lành dĩ nhiên là Hiến Pháp; và dĩ nhiên người thời nay lại càng chán ngán hơn nữa, tại vì trước khi vào bậc trọn lành, họ đã quá quen sống tự do hơn. Vậy về những điểm không phải là cốt yếu, mặc dầu chúng con có quyền thích nghi kỷ luật và hãy thích nghi tùy theo khả năng những người đến với chúng con, nhưng chúng con không được làm giảm giá kỷ luật đi, và càng không được bãi bỏ kỷ luật bao giờ.

21 – Lời sách Châm Ngôn sau đây ngày nay vẫn còn nguyên giá trị như xưa: “Con hãy trung tín với kỷ luật, con đừng bỏ kỷ luật; con hãy giữ kỷ luật vì kỷ luật là sự sống của con”(Pr 4,13). Điều mà tác giả Thánh Kinh được Chúa linh hứng vừa quả quyết về vấn đề kỷ luật đây, buộc mọi người phải chấp nhận, sao ta lại không có quyền đưa nói vào một kỷ luật đặc biệt mà bằng lời khấn sống trong bậc trọn lành, người ta đã tự nguyện buộc mình hứa giữ? Những người mà tình yêu thúc bách họ phải đi về sự sống đời đời và cũng chính đấy là lý do họ tự động đi trong đường hẹp,… thì không tìm đường theo ý riêng, không nghe theo sở thích và thú vui, nhưng theo quyết đoán chỉ huy của người khác, nên khi vào Dòng, họ không cầu ước gì khác ngoài sự phục tùng Bề Trên” (Luật Thánh Benedicto c. 5).

22 – Nếu nói đến bổn phận trách nhiệm của chúng con, chúng con phải thi hành nhiệm vụ với sự cương quyết của một người cha để khuyên bảo, cảnh cáo, răn đe và nếu cần, cũng phải sửa phạt nữa, để giúp những người Bề dưới của chúng con bước trên đường thẳng, và giữ gìn họ theo Luật Dòng. Nếu có người bề dưới nào ươn lười hay sai lỗi, không Bề trên nào được quyền trốn trách nhiệm mà nói rằng: “Họ đã có tuổi rồi, họ phải lo lấy”. Chúa sẽ không xét xử như vậy đâu, vì Người sẽ đòi chúng con phải trả lẽ về các linh hồn Người đã trao cho chúng con coi sóc: “Đây, Ta đến với các chủ chăn và Ta sẽ đòi tận tay chúng, những con chiên của Ta” (Ez 34,10). Bề trên nào đồng lõa để những con chiên của mình lang thang lạc lõng, không được dạy dỗ, vỉ họ không cầm gậy chăn chiên chắc chắn mà giữ cho chiên khỏi lạc đàn, Chúa sẽ đòi họ giá máu chiên!

23 – Tình yêu chân thật của Người Cha, không phải chỉ được tỏ ra bằng cách vuốt ve mơn trớn mà thôi, nhưng còn phải bằng cách khuyên dạy và sửa phạt nữa. Vậy, không bao giờ sự cương quyết được cứng cõi, không bao giờ được oán giận hay thiếu thận trọng; trái lại phải luôn thẳng thắn và bình tỉnh; Phải dịu dàng và khoan dung, sẵn sàng tha thứ, giơ tay hiền phụ ra đón nhận người con đang cố gắng sử lỗi chừa tội. Dầu sao, Bề trên cũng phải kiên nhẫn chờ đợi, chớ bao giờ nản lòng!

24 – Sự điều khiển và coi sóc của các con, không phải chỉ có ở đời sống mà người ta quen gọi là đời “tu dòng”. Nghĩa là nếp sống ở trong nhà Dòng, nhưng phải giăng giãi ra tới hết mọi hoạt động của mọi người thuộc quyền các con ở khắp vườn nho của chủ. Theo quy tắc mà hàng Giáo phẩm có thẩm quyền về từng việc một đã ấn định cho chúng con, chúng con phải  xem sóc công việc của người dưới quyền các con, để họ đừng  làm gì ô danh, hay gây thiệt hại cho linh hồn họ, hoặc cho Giáo Hội, và các linh hồn, nhưng trái lại, để họ nhiệt thành ganh đua mưu ích cho họ và cho tha nhân.

VII. – HIỆP HỘI CÁC BỀ TRÊN CẢ

25 – Hiệp hội các Bề trên cả chúng con vừa mới được tự động thành lập và vẫn còn tiếp tục tự do nhóm họp, đã được Tòa Thánh chấp nhận thành tổ chức vĩnh viễn và thành pháp nhân (Sắc lệnh ngày 28-3-1956). Hiệp hội ấy đòi chúng con phải có ý chăm chú cung cấp tất cả những gì mà Giáo Hội đòi chúng con phải giúp. Hẳn chúng con quá hiểu là tất cả chúng con hợp thành một đạo binh. Trong đó, có người là bộ binh, có người là kỵ binh, có người là xạ thủ, nhưng tất cả đều cùng một ý chí chiến đấu. Trong khi kẻ thù Danh Thánh Chúa Kytô mỗi ngày mỗi hiệp lực lại thành một khối như vô địch, thì chúng con phải hiểu: đã đến lúc cần thiết biết  chừng nào cho chúng con cũng như cho hết thảy những ai phụng sự Chúa, phải liên hiệp lực lượng lại, ai nấy và hàng ngũ chiến đấu với khí giới riêng, nhằm một chiến thắng chung.

26 – Mặt trận thống nhất này mặc dầu có vẻ mâu thuẫn vì khác dân tộc, khác tinh thần, khác phong tục hay những gì khác về con người, nhưng cũng sẽ phát triển cách rất mạnh mẽ lạ lùng được, nếu tâm hồn chúng con thấm nhuần Đức Ái chân thật của Chúa kytô, mà Chúa Thánh Thần rải khắp trên sự hiệp nhất này. Chớ gì Đức Ái siêu nhiên thiên phú ấy, khi hành động, được chúng con sẵn sàng đáp ứng lại ngay. Chính Đức Ái ấy sẽ cởi được dễ dàng hết các nút thắt quá chặt của mối tình riêng tây, tuy có đúng, nhưng lại quá thiên về Hội dòng của mình; Mối tình ích kỷ này đã len vào được dần dần vì sự yếu đuối của con người Chắc chắn là ai cũng có bổn phận phải yêu mến Hội Dòng mà Chúa quan phòng đã gọi họ vào, họ phải uốn nắn tinh thần cũng như tính tình theo Hiến Pháp Dòng ấy – Họ phải chọn và chu toàn cho đúng mức việc Tông đồ theo luật riêng của Dòng  ấy, nhưng buộc hết thảy mọi người phải luôn luôn hướng tất cả mọi sự vào việc phục vụ cùng một Giáo Hội duy nhất, là bạn của một Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

VIII. – GIÁO HOÀNG TIN CẬY Ở CÁC TU SĨ

27 – Lòng nhiệt thành tôn kính ngai Tòa Phêrô và Đấng đại diện Chúa Kytô – nói chung hết mọi tín hữu phải có – nhưng đặc biệt phải được chúng con là những người theo đàng trọn lành, sùng mộ. Tòa Thánh biết rằng, chúng con là những người ngoan ngoãn dễ bảo hơn ai hết, nên cậy chúng con làm sứ giả trung tín nhất cho Giáo Lý chân chính do Tòa Thánh dạy. Tòa Thánh tin tưởng rằng: hơn ai hết chúng con là gương mẫu, và là người bênh đỡ luật lệ của Giáo Hội – vì là số phận của Nước Thiên Chúa ở trần gian: nơi người lành vẫn lẫn lộn với kẻ dữ, lúa mì với cỏ lòng vực, nên nếu có khi nào  có những chuyện xảy đến ở đâu, gây nên nghiêng ngửa, lung lay, lạc lõng, chia rẽ, thì ít là, chúng con thân yêu! Chúng con hãy xiết chặt lại với Cha, hãy vững tâm cương quyết mà truyền bá “Nước Công bình, Yêu mến và An hòa”(Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua).

28 – Chúng con có thể chủ yếu như thế – không phải quá tự tin ở mình chút nào như Phêrô xưa lúc chưa được ơn Chúa Thánh Thần cũng cố đã vội kêu lên: dù hết mọi người bỏ Thầy…tôi cũng không…” (Mc 14,29) – Nhưng vì yêu mến sốt sắng như Phêrô và với lòng khiêm nhường tin cậy vào Chúa. Hãy hăng hái lên vì ơn Chúa gọi chúng con vào bậc trọn lành.

29 – Hoặc nếu xảy ra có những ai vì quên tinh thần con cái ngoan thảo mà gây ưu phiền cho Tòa Thánh, thì ít là chúng ta, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta hãy nhớ cho thật kỹ Lời Chúa Kitô sau đây: “Con là đá. Ta sẽ xây Giáo Hội Ta trên đá này…”, “Con… hãy củng cố anh em con”. (Mt 16,18; Lc 22,32).

IX. – TẤT CẢ ĐỀU HỆ Ở VIỆC TUYỂN LỰA ƠN THIÊN TRIỆU

30 – Để Dòng chúng con đáp ứng được những điều Đấng đại diện Chúa Kytô mong ước, chúng con phải làm sao để chỉ nhận những thanh thiếu niên hoàn toàn có đủ khả năng vào hàng ngũ chúng con, nghĩa là chỉ chọn người có nhân đức và có đủ trình độ học lực với các đức tính khác. Chúng con phải bỏ hẳn cái lo lắng thái quá, đừng thu nhận cả từng đoàn lũ người mà có thể sợ sau này họ sẽ ở bất xứng với ơn Thiên Triệu siêu việt của các con: vì họ sẽ chẳng làm được gì đẹp đẽ hay ích lợi cho Giáo Hội. Trái lại, sẽ chỉ gây nên thiệt hại và buồn thảm mà thôi.

31 – Ngược lại, nếu chúng con trung thành theo các quy tắc Giáo Hội vẫn tiếp tục đặt ra, mà chỉ nhận vào hàng ngũ chúng con, những người thật xứng đáng, thì Chúa sẽ lo gây nên những ơn kêu gọi ưu tú, và sự người ta tôn trọng chúng con sẽ dọn đường cho ơn Chúa ở rất nhiều linh hồn, chúng con hãy tin cậy Chúa, nếu chúng con phụng sự Người cho xứng đáng, chính Người sẽ lo cho chúng con cũng như cho Hội Dòng chúng con. Người sẽ gìn giữ và làm cho Dòng chúng con hưng thịnh.

32 – Nguyện xin Chúa giãi ánh sáng và lửa nhiệt thành Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên đội quân ưu tuyển, mà Chúa và Cha đây cùng yêu quý nhất trong đạo binh. Và trong lúc, với lòng cảm mến kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm hiện ra ở hang đá Lộ Đức, Cha xin “Đấng thông ơn Thiên Chúa” cầu cho chúng, những tôi tớ nhiệt thành, được ơn siêu việt ấy.

Chúng con thân mến! để bảo đảm ơn nhân hậu của Chúa, để chứng quả mối tình thương yêu của Cha, Cha hết lòng âu yếm ban phép lành Tòa Thánh cho chúng con, cho các người cộng sự với chúng con để điểu khiển Dòng, cho hết mọi Tu sĩ thuộc quyền chúng con đang chiến đấu ở khắp thế giới, nhất là cho những người đang bị kẻ thù của Danh Thánh Chúa hành hạ.                                                                                                                                                                                                 

   PIO XII

 Les Enseignements Pontificaux (Les Instiiuts de vie parfaite) P.343 …

 

Comments are closed.

phone-icon