Mẹ như cây tùng cây bách – Mẹ Êmilia Nguyễn Thị Sê

0

 

 Hướng về tháng 11, tháng cầu nguyện cho các Linh Hồn đã khuất, chúng ta nhớ về Cội nguồn, hướng lòng về các Mẹ, các Chị là những bậc Tiền Nhân đã dày công xây dựng Hội dòng và tạo nên những truyền thống tốt đẹp cho chúng ta được kế thừa. Ban Truyền Thông xin trích đăng đôi nét lịch sử về Mẹ Bề trên Tiên khởi ÊMILIA NGUYỄN THỊ SÊ (nhiệm kỳ: 1954 – 1966) – người như cây bách cây tùng, vững vàng che chắn và kiên trì bảo vệ cho Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp qua bao bão giông, sóng gió cuộc đời.
Vì lòng từ bi thương xót, xin Chúa ban thưởng cho Mẹ trên Thiên Quốc.    

*****

Mẹ Bề trên tiên khởi Êmilia Nguyễn Thị Sê (Soi) sinh ngày 15.5.1899 tại Thọ Cách, Thái Bình (Bắc Việt Nam), trong một gia đình có 6 người con. Song thân là Cụ Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Điều, và Maria Lê Thị Mến.

Dòng họ của Mẹ chưa theo đạo được lâu. Bà ngoại là người ngoại giáo. Một hôm, con gái của bà (thân mẫu của Mẹ Sê) đi chơi rồi bị lạc. Thấy em bé lạc lõng bơ vơ, một gia đình Công giáo thương em, đưa về làm con nuôi và đoán chắc em là con nhà “bên lương” nên đã rửa tội cho em. Và khi em khôn lớn đã lập gia đình cho em. Gia đình mới này có 6 người con: 2 trai, 4 gái. Mẹ Êmilia là con thứ tư. Mẹ có một em gái út tên là Rẫn (Ngượi) tu tại Nhà Phước Ninh Cù, chết lúc còn rất trẻ”.

Khi vào Nhà Phước, mọi người gọi Mẹ bằng cái tên quen thuộc: cô Maria Soi. Tu được mấy năm thì cô Soi được cử sang coi các em Nhà Dục Anh (viện mồ côi). Sau đó làm Bà Nhất nhà Dục Anh và giữ mãi nhiệm vụ này cho đến Năm 1943 thì về làm Bà Nhất Nhà Phước Bùi Chu, một nhà phước lớn nhất trong các nhà phước giáo phận lúc đó.

Thời Mẹ làm Bà Nhất tại Nhà Phước Bùi Chu (Bắc Việt Nam), cũng là thời gian Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn lập Dòng Mân Côi (1946). Khi ấy, Đức Cha muốn thâu nạp các Nhà Phước hiện đang có trong Địa Phận Bùi Chu để lập Dòng mới, nên kêu gọi tất cả các chị em Nhà Phước hưởng ứng. Ngài cũng muốn lấy Nhà Phước Bùi Chu làm Trụ sở chính, nên hết sức thúc giục Bà Nhất và chị em thuộc Nhà Bùi Chu gia nhập Dòng Mân Côi. Nhưng vì muốn trung thành với lý tưởng Đa Minh, vì biết mình được thành tựu là do các cha Thừa sai Dòng Đa Minh; mặt khác không muốn Dòng Ba Đa Minh bị xóa tên trong địa phận Bùi Chu, nên Bà Êmilia Nguyễn Thị Sê và Bà Maria Lương Thị A (Phú Nhai) đã can đảm đứng lên xin Đức Cha một trong hai điều:

–  Một là, cứ để chị em ở lại Nhà Phước Dòng Ba Đa Minh như trước;

–  Hai là, sửa lại những Nhà Phước này thành Hội dòng Đa Minh có lời Tu thệ.

Việc này đã làm Đức cha phật lòng. Ngài tuyên bố sẽ chẳng bao giờ có dòng Đa Minh bao lâu ngài còn sống.

Tuy nhiên, ngày 22.11.1948 khi Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi về nhậm chức Giáo phận Bùi Chu ngày 04.08.1950, đã bắt tay ngay vào việc cải tổ. Việc đầu tiên, Ngài gọi các chị em của các Nhà Phước về Bùi Chu huấn luyện. Bấy giờ còn 7 Nhà Phước Đa Minh trong địa phận. Đức Cha mời cha Hoàng Mạnh Hiền về phụ trách việc huấn luyện. Lớp huấn luyện đầu tiên được 37 người. Chị em nhỏ tuổi hơn được gọi về nhà Đệ Tử để theo học văn hóa. Nhà Bùi Chu bấy giờ số người lên tới gần 200.

Với con số đông như vậy mà toàn người ăn học, không có người làm. Đức Cha và cha Bề trên Hiền đặt Bà Soi hiện đang làm Bà Nhất Nhà Phước Bùi Chu xuống làm quản lý, lo việc làm ăn và tài chánh.

Từ địa vị Bà Nhất Nhà Phước, phải nói là một địa vị cao trọng. Theo truyền thống lúc bấy giờ, Bà Nhất đương nhiệm cũng như  các Bà Nhất Cựu luôn được ngồi theo ngôi thứ đặc biệt. Rõ rệt nhất là ở nhà cơm, các Bà ngồi mâm cơm riêng, dọn ở bàn riêng, ăn bát đũa bạc. Các món ăn phải làm riêng, gọi là cơm hầu. Ngủ ở phòng riêng, có người phòng bộ. Bây giờ xuống là một chị em coi đồng áng, bếp núc, người làm. Bà Soi đã từ bỏ tất cả những vẻ tôn kính bên ngoài để sống hòa đồng: ăn, làm, ngủ nghỉ với các chị giúp việc. Trước cảnh này, nhiều người rất mến phục, họ vẫn gọi Bà bằng danh xưng: Bà Nhất, Bà Me … Nhưng cũng không thiếu những kẻ không tốt bụng, tìm cách để tố cáo với cha Bề trên về nhiều điều không hay; thậm chí cả những điều bịa đặt. Cha Bề trên thẳng tính, nên đã khiển trách và thẳng thắn phạt Bà. Trong một bữa cơm trưa, cha bắt chị em ngồi hai bên, quay vào giữa; kể cả các chị giúp việc. Cha truyền cho Bà Soi phải qùy gối hôn chân gần 200 người. Hầu hết mọi người khóc. Riêng Bà, Bà vẫn bình tĩnh làm như lời cha Bề Trên truyền.

Trong khi các chị dưới quyền Bà được ăn học, được gọi vào Nhà Tập, khấn Dòng, được nhiều ưu đãi khác, Bà chỉ âm thầm làm việc, không đặt vấn đề gì. Thỉnh thoảng để khuây khỏa, Bà lẩm bẩm mấy câu thơ câu vè Bà đã học thuộc từ bé, như vè “Cha Thánh Đa Minh”. Bà có trí nhớ rất đặc biệt, nên đã có lần phóng viên báo “Ánh Sáng” phỏng vấn Bà, Bà đã đọc một lèo cả cuốn Luật cũ, gọi là Lề Luật Nhà Mụ.

Trước mặt Bề trên, Bà không còn hy vọng được vào Nhà Tập nữa. Cho nên lớp Tập thứ II được mặc áo mà Bà vẫn không được Bề Trên nói đến. Hơn nữa, cha Bề trên đã khẳng định với Đức cha: “Chị Soi nó không xứng đáng được vào Nhà Tập”.

Năm Tập thứ II gần hết thì có sự thay đổi, cha Bề trên được bổ nhiệm giữ chức vụ trọng đại hơn: Làm Bề trên các Cha Dòng Nhất tại Nam Định. Đức cha Phêrô cắt đặt cha Giuse Phạm Năng Tĩnh thế vào nhiệm vụ Bề trên Hội Dòng. Và năm Tập thứ III, Bà Soi được gọi vào Nhà Tập lớp thứ III ngày áp lễ thánh nữ Catarina de Sienna năm 1953, lấy tên mới là Êmilia Nguyễn Thị Sê.

Ngày 30 tháng 04 năm 1954, Bà được tuyên khấn lần I

Lúc này Hội Dòng coi như đã có đủ người đảm nhận các trách vụ theo Giáo luật và Hiến pháp. Ngày lễ Chúa Thánh Thần năm ấy – ngày 06.6.1954, Đức cha cho phép triệu tập Đại Hội Đồng Chung để bầu Bề trên Cả và Ban Tổng cố vấn. Kết quả:

Nữ tu Êmilia NGUYỄN THỊ SÊ

đắc cử BỀ TRÊN CẢ TIÊN KHỞI của Hội dòng Nữ Đa Minh Việt Nam.

NHIỆM KỲ I (1954 -1960)

Mới lãnh trách nhiệm được hơn một tháng, cuối tháng 7 năm 1954, qua biến cố to lớn của đất nước, Mẹ cùng với một số chị em khấn và Tập sinh gạt nước mắt ra đi vào Nam, bỏ lại Tu viện thân yêu, nơi lưu dấu bao lao khó của những ngày cải tổ.

Vào tới Nam, các chị em rất khổ sở, cơm không đủ ăn, chỗ ở thì bấp bênh. Mẹ lao đao gian khổ, qua nhiều truân chuyên, sau cùng mới định cư được tại Tam Hiệp ngày 27.10.1955.

Khó khăn về đời sống vật chất, dẫu có nhiêu khê nặng nề đến đâu, chúng ta cũng có thể chia sẻ, vác đỡ gánh nặng cho nhau, nhưng khó khăn về tinh thần, về tâm linh thì khó có thể mà sớt chia đoạn trường. Quả thế, trong những năm định cư này, cũng như những năm kế tiếp, Mẹ đã chịu bao gian truân, khổ cực về tinh thần. Những cuộc ra đi của các chị em. Một số bỏ Dòng, tình nguyện ở lại Hội dòng Đa Minh mới thành lập tại Hố Nai; nơi mà những chị em này được gửi tới để đào tạo người cho Dòng mới; một số chị em theo đường lối cha Giuse Phạm Ngọc Toản, đã bỏ Dòng để đi lập Dòng Nazareth (1962). Rồi đột nhiên, toàn Ban Tổng Cố Vấn mới làm việc được một năm (1960-1961) làm đơn xin từ chức. Mẹ phải triệu tập Đại Hội Đồng để bầu Ban mới.

Ngoài ra, còn thêm những đau khổ do bệnh nạn cũng như hoàn cảnh gây nên cho Mẹ.

Do đau bệnh, Mẹ nghỉ một năm để đi chữa trị bệnh (1958-1959). Sau khi bình phục trở về, Mẹ đã chịu bao khổ nhục vì chị em dư luận về căn bịnh truyền nhiễm “lao phổi” nơi Mẹ, có những ý kiến táo bạo, cho Mẹ là vô dụng, là tai hại lớn cho Dòng, nhiều ý kiến đả đảo Mẹ kỳ thị người Bùi Chu. Ngoài ra, còn những thư nặc danh, những truyền đơn vô lễ, chống đối, đánh giá không tốt về Mẹ …

Mẹ đã căn cứ vào Lời Kinh Thánh để sống: Cha mẹ nào không chịu đau khổ; nghĩa là trốn tránh khổ tâm vì con cái, chắc chắn không phải là cha mẹ thật.

Hơn nữa Mẹ còn chịu ray rứt: Phải chăng vì Mẹ mà những sự kiện trên mới xảy ra? Và rồi, trong nhiệm kỳ đầu (1954-1960), đã hai lần Mẹ đề đơn xin từ chức, nhưng không được Đức cha chấp thuận.

NHIỆM KỲ II (1960 – 1966)

Theo Hiến Luật, nhiệm kỳ của Mẹ đã mãn hạn, cũng là thời điểm Dòng tạm ổn định các mặt. Mẹ triệu tập Đại Hội Đồng Tam Hiệp II.

Kết quả: Mẹ đắc cử Bề Trên Cả lần II, nhiệm kỳ 1960 – 1966

Nhận rõ Ý Chúa, Mẹ cúi đầu lãnh trách nhiệm mà Mẹ cảm nhận được “thánh giá sứ vụ” hết sức nặng nề.

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Từ năm 1966, Mẹ nghỉ việc quản trị, nhưng hằng ngày, Mẹ vẫn sang phụ giúp với chị em bên Cô nhi viện Tân Mai trong việc chăm sóc các em cô nhi cho tới khi sức không còn đi bộ được nữa. Mẹ đã nghỉ hưu tại Trụ sở Trung Ương Tam Hiệp.

Cơn bệnh cuối cùng của Mẹ là bệnh phổi. Thời gian này, Mẹ được các thầy Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa chăm sóc cẩn thận. Ngày 29.3.1975, Mẹ đã an giấc sau một đời phục vụ hết mình. Hưởng thọ 76 tuổi.

Thánh lễ an táng được cử hành ngày 31.3.1975, giữa lúc đất nước ngập lửa chiến tranh, nên thật đơn sơ và thiếu thốn, khổ sở như  cuộc đời nhiều gian lao của Mẹ. Thi hài Mẹ được an táng tại Đất thánh Giáo xứ Đa Minh, Tam Hiệp, Biên Hòa.

Mẹ ra đi giữa cảnh tao loạn của đất nước nói chung và sự chao đảo của Dòng nói riêng trong biến cố lịch sử của quê hương trong thời chiến chinh.

Mẹ chết đi để lại cho con cái một mẫu gương khiêm nhường, nhẫn nhục, bác  ái, vị tha đượm nét hy sinh. Đối với các cha Bề trên, các cha Tuyên uý và Linh hướng, Mẹ rất kính trọng với lòng yêu mến biết ơn. Đối với chị em, Mẹ luôn tỏ ra là người Mẹ nhân từ, tế nhị, yêu thương và luôn thông cảm. Mẹ rất gần gũi chị em, ngay từ  một em Đệ tử, Mẹ chỉ vẽ từng việc làm, nhắc nhủ từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử một cách thân thương, chân tình.

*****

Chúng con mãi mãi GHI NHỚ CÔNG ƠN MẸ, Hội dòngTRI ÂN MẸ – Người Mẹ khả kính – Bề trên tiên khởi của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp.

(Trích từ Lịch sử Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp) 

Comments are closed.

phone-icon