INCLYTAM AC PERILLUSTREM- Trích Thông điệp ra ngày 6-3-1934

0

INCLYTAM AC PERILLUSTREM

Trích Thông điệp Đức Thánh Cha Pio XI ra ngày 6-3-1934 gửi Bề Trên Cả Dòng Thuyết Giáo

Dịp kỷ niệm đệ thất bách chu niên Thánh Đa Minh được phong Thánh (ngày 11-7-1234)

Trích “Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh”

Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969, Văn thư X, tr. 77-80)

Nữ Tu viện Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp)

  1- Trong các vị anh hùng (chiến sĩ đức tin) đặc biệt nhất là Thánh Đaminh, người của hoàng tộc Guzman. Từ Tây Ban Nha qua Pháp, Ngài chiến đấu hết sức anh dũng với bè rối Albigeois. Ngài đã lấy việc giảng thuyết về Mầu Nhiệm Chúa Kytô, lấy lời cầu nguyện sốt sắng dâng lên Chúa, lấy sự khinh chê của phu vân thế tục, mà thu phục rất đông người của bè rối đã xa lìa Giáo Hội trở về với Đức Tin. Tuy đã chiến thắng nhiều trận ngay từ đầu, nhưng vị Tông đồ siêu việt ấy vẫn không tưởng là đã được nghỉ ngơi – vì sự xấu đã thành cố tật đã đâm rễ sâu chưa dễ mà tuyệt căn ngay được. Kẻ thù tuy đã bị hạ, nhưng rất có thể còn chỗi dậy được và quyết tử phục thù. Nên Ngài đã phải tổ chức những công trình phòng thủ kiên cố và thành lập những cơ binh thánh thiện để luôn luôn sẵn sàng đẩy lui các cuộc xung phong của bè rối để bảo toàn Đức Tin Chúa Kytô cho quần chúng.

I. – THIẾT LẬP DÒNG THUYẾT GIÁO

2- Sau khi đã suy nghĩ chín chắn lâu ngày, Thánh Đaminh đã quyết thiết lập một Hội Dòng giống như những đội quân trong nhà binh, lưu động để yểm hộ nơi xung yếu. những đội quân đó sẽ kịp thời tiếp viện đắc lực cho tất cả những nơi có nguy hiểm đe dọa Giáo Hội. Phải vượt biết bao khó khăn, Ngài mới lập được Dòng “Anh em Thuyết Giáo” mà chính Đức Thánh Cha Honorius III đã đích thân đứng ra bảo trợ, và như Tiên tri, Đức Thánh Cha đã tặng cho các Thầy Dòng Thuyết Giáo một tước hiệu cao quý là: “Ánh sáng thật của thế gian”, là “chiến sĩ vô địch của Đức Tin”. Chính vì thế, mà Tu viện đầu tiên “Sainte – Marie de Pruille” được thành lập –  Tu viện này còn là nơi phát sinh ra Kinh Mân Côi của Đức Mẹ nữa. Rồi tiếp theo đó, các Tu viện khác cũng được thành lập ở khắp Châu Âu như ở Toulouse, Paris, ở Bologne và ở Tây Ban Nha quê hương của Thánh Nhân.

II. – SỨ MỆNH GIÁO LÝ TRƯỚC NHẤT

3- Tước hiệu cao quý và sứ mệnh chính yếu của Dòng, đúng như danh hiệu Thuyết Giáo nói lên là: Thuyết trình và quảng diễn cho quần chúng về Giáo lý Chúa Kitô, để các tín hữu được học hiểu Lời Chúa và được phấn khởi hy vọng vào phần thưởng trên trời, mà ngoan ngoãn vâng giữ các Giới Răn và Lề Luật của Giáo Hội. Đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo lại còn thâm hiểu rằng: việc rao giảng Phúc âm không thể có kết quả nếu không được tiên phòng và hậu thuẫn bằng hai việc cốt yếu khác là: cầu nguyện hằng ngày, và ân cần suy niệm về những điều thánh thiện. Những lời cầu nguyện khiêm nhường dâng lên Chúa, sẽ lôi kéo được ơn trời xuống cách dễ dàng. Những ơn ấy làm cho lời người giảng thuyết không chỉ dừng lại ở tai người nghe, mà còn thâm nhập tới tận tâm can họ, để giáo hóa họ, rèn luyện họ và làm cho họ nên ngoan ngoãn thuần phục. Còn việc ân cần suy niệm về những sự về Chúa, sẽ rút ở trong Kinh Thánh ra một thứ lương thực vô tận, một sức mạnh phi thường, và khám phá ra được những biện chứng chắc chắn làm cho lời nói của loài người có sức mạnh vô biên của Thiên Chúa.

III. – ĐỜI SỐNG KINH NGUYỆN VÀ TÔNG ĐỒ

4- Chính vì thế, mà Thánh Đaminh Tổ Phụ chúng con – với sự không ngoan siêu việt, khi làm Hiến Pháp cho Dòng mới, đã mượn một số lớn các Luật Kinh Nguyện và Tu luật của các Dòng Kinh sĩ – Tuy nhiên, Ngài vẫn đặt những khoản luật đặc biệt khác riêng cho Dòng Ngài, theo mục đích và tổ chức riêng của Dòng. Vì thế, mà trong giờ phụng vụ Kính Thánh Đaminh, ta đọc thấy câu: “Virum canonicum auget in apostolicum”, Ngài hoàn thiện đời sống kinh nguyện bằng đời Tông Đồ.

5- Việc rao giảng Lời Chúa phải đi liền với việc sưu tầm học hỏi về các khoa học thánh, nên Đấng sáng lập đã thấy cần phải đặt các trụ sở Dòng đầu tiên của Ngài tại các Thành Phố đã kể trên, nơi có các trường Đai Học. Vì chính vị tiến sĩ này, khi còn thanh niên đã là sinh viên Đại Học Valence, nên đã hiểu rõ về cái sức mạnh và hiệu lực của các khoa học thánh trong việc bênh vực Đức Tin và Giáo Hội. Vì thế, mà trong Dòng chúng con có 1 điều luật quan trọng là không được thành lập một nhà Dòng nào, nếu không có một thầy Tiến sĩ.

VI.- SỨ MỆNH HIỆN THỜI CỦA CÁC TU SĨ ĐAMINH

6- Dòng dõi vinh quang của Thánh Đaminh, Tổ phụ chúng con qua các thế kỷ, đã trải nhiều cuộc thăng trầm và chịu nhiều thử thách, nhưng vẫn tiếp tục, ngày nay cũng như ngày xưa nuôi dưỡng và phát triển ở các phần tử, lòng nhiệt thành cứu các linh hồn, mà họ đã nhận được bởi Tổ phụ như một luật gia truyền. Bản Hiến Pháp mới nhất vừa lập đây, không phải là gì khác hơn là giải thích bản Hiến Pháp đầu tiên ngày xưa, nhưng thích ứng với hoàn cảnh ngày nay hơn, đến nổi có thể nói được rằng, tính chất và đường lối cơ bản mà chính Đấng sáng lập đã ấn định cho Dòng xưa, cho đến nay, qua một thời gian dài dặc thế, mà  vẫn chưa đổi gì! Ta âu yếm nhìn đoàn con cái Thánh Đaminh và Ta lấy làm vinh hạnh vì được đích thân bảo trợ Dòng. Vậy với một niềm hân hoan và một mối thịnh tình đặc biệt, Ta chung vui với các con mừng ngày đại lễ thất bách chu niên sắp tới đây. Ta nhiệt liệt khuyên dụ các Tu sĩ Đaminh hãy trung thành bước theo vết chân Thánh Tổ Phụ mình, và giữ cho cặn kẽ, tỉ mỉ những Quy luật rất khôn ngoan và Hiến Pháp mà cả thời gian thịnh hành cũng như bao nhiêu những Đệ Tử khôn ngoan thánh thiện của Người đã công nhận.

7- Không kém gì ngày xưa, ngày nay Giáo Hội vẫn còn cần những Tông đồ có đời sống liêm chính và trong sạch để hiến thân hoàn toàn vào việc sưu tầm học hỏi những khoa học thánh, vào việc đạo đức chắc chắn, và vào việc rao giảng Lời Chúa. Ngày nay, cũng còn như hồi thế kỷ XII, có biết bao lầm lạc về tôn giáo cũng như về phong hóa đang lan tràn khắp nơi . Cũng chẳng hiếm thấy cảnh Luật Chúa và Luật tự nhiên bị khinh thị công khai chán chường. Hầu như khắp nơi, người ta thấy khoái lạc, thú vui để kích thích quần chúng chỉ nghĩ đến của phù vân, và ác liệt xô đẩy họ đi tìm của giả trá hay hư nát, coi đời tạm ở trần gian này như là một đời sống thực sự bất diệt. Vậy cần phải suy niệm Lời Chúa và chăm chú học hành để người tín hữu được hiểu biết tinh tường mà nhớ rằng:  Phải lấy đời sống tạm này mà mưu lấy phúc trên trời trọng hơn. Đấy mới là mục đích Chúa dựng nên ta. Ngày nay, các dân các nước ít cầu cứu Chúa – họ chỉ cầu cứu nhân loại và thiên nhiên, nên phải gắn bó với đời sống siêu nhiên, phải lấy đấy làm thỏa mãn, và hằng ngày phải chạy đến cầu xin cùng Thiên Chúa, nếu không, chúng ta không thể làm được việc gì lành.

                                                                                                                                       PIO XI

 Les Enseignements Pontificaux (Les Instiiuts de vie parfaite)

Desclée et Cie – p.343

Comments are closed.

phone-icon