Chiếc phong bì và trang nhật ký dở dang

0

CHIẾC PHONG BÌ

VÀ TRANG NHẬT KÝ DỞ DANG

Tôi là chiếc bao bì bằng giấy người ta gấp lại để đựng thư hay thiệp mời. Tên của tôi là phong bì hay còn gọi là bao thư. Tôi có dáng dấp quá ư đặc biệt với hình thoi, hình vắt chéo cánh tay hoặc một con diều. Những hình dạng ấy tạo ra cấu trúc của tôi bằng cách gấp hai tấm xung quanh một khu vực trung tâm hình chữ nhật.

Tôi thường được dán kín để bảo vệ, chở che, bảo mật những cánh thư và chuyển trao những tâm sự riêng tư mà người ta đã dày công viết trên giấy trắng hoặc những tư liệu quan trọng đã được in ấn cách cẩn thận, kỳ công. Trên mặt tôi thường có vài dòng chữ ghi tên người gửi, người nhận và có đóng dấu của bưu điện. Theo thời gian, vì lịch thiệp giao tế mà đôi khi tôi còn được hiểu theo nghĩa rộng, để chỉ những phong bao màu đỏ của trẻ con, bên trong có mấy đồng tiền mới tinh gọi là lì xì để lấy hên trong ngày đầu năm mới hoặc ám chỉ về một món quà có tính cách hơi tiêu cực, dùng để hối lộ, đút lót hay mua chuộc người ta. Trong thời đại công nghệ thông tin hóa, tôi trở thành biểu tượng cho tin nhắn điện thoại di động, tin nhắn đến trong yahoo, gmail…. hoặc trong nhiều phiên bản của trang web wikipedia khi có một thông tin liên lạc vào trang cá nhân của người dùng.

Tổ tiên tôi có niên đại từ 3200 đến 3500 năm trước công nguyên. Phát hiện của Jacques Jean Marie de Morgan tại thành phố cổ Susa (Iran) năm 1901 và Roland de Mecquenem năm 1907 cho thấy chúng tôi đã xuất hiện từ khá lâu trong lịch sử loài người dưới dạng các bao bì mỏng với mục đích chứa đựng nội dung giao dịch tài chính. Tôi hãnh diện vì được sinh ra trong dòng dõi danh giá ấy, mặc dù anh công nhân ngày đó quá mệt mỏi và vụng tay để đến nỗi ngay lúc sinh ra tôi đã mang khiếm khuyết. Khuôn mặt méo xệch khiến cô nhân viên kiểm hàng phải gạt tôi qua một bên. Một ngày kia, cha già cố nhân hiền ghé qua phân xưởng thăm các con chiên xa xứ đi làm công nhân, ngài tiện tay đem tôi về đặt trên bàn ghi lễ.

Ở xứ nghèo vùng quê ấy, người làng khá thân thuộc với nhau, lời kinh cầu vang vang trong xóm ngõ nhưng lâu lâu mới có người ghé qua bàn ghi lễ một lần. Chẳng biết tại tôi kém duyên hay bởi nguyên do nào khác mà mấy năm rồi, tôi vẫn cứ nằm yên một góc bàn để tủi cho duyên phận lỡ làng và lắng nghe bao câu chuyện vui buồn của người đi xin lễ. Sau đây là vài mẩu chuyện tôi nghe được và ghi lại trong nhật ký hàng ngày.

 ***

Ngày … tháng … năm …

Chiếc đồng hồ nhỏ trên tường đã gõ liền 9 tiếng mà nhà cha già cố vẫn lặng yên như tờ. Tôi đang ngẫm nghĩ mấy vần thơ thì thấy anh kiến thợ nép vội vào khe tường nứt nẻ. Có tiếng dép lê lẹt xẹt ngoài hiên. Một chị nhà quê đến xin lễ giỗ cho mẹ chồng. Sau khi đặt trên bàn chục trái bắp non, chị mấy phen tần ngần nhìn vào cái túi áo bà ba lép kẹp. Rồi chị lấm lét lôi ra mấy đồng bạc nhăn nheo, nhét vội vào chiếc phong bao méo mó. Đồng tiền lẻ của người đàn bà nghèo khó có mang theo vị mặn của mồ hôi và cả nỗi ngại ngùng, tự ti mặc cảm.

Khoảng 10 giờ kém thì chị em con Tèo tới thăm Cha Già Cố. Con chị khệ nệ ôm trái mít, còn thằng em diện chiếc quần rách đít cứ đứng mân mê cục chặn giấy trên bàn. Con Tèo nạt em, bắt nó đứng vòng tay sau ghế rồi lễ phép chào cha già cố và lấy ra tờ giấy 2 chục ngàn: “Má dặn con đến gặp ông xin lễ. Con heo nái nhà con sắp đẻ rồi. Ông Cố thối lại 10 ngàn để lát nữa má con đi chợ”.

2 giờ chiều ngày hôm đó, cha già cố đón mấy vị khách ở xa. Họ về mở khóa huấn luyện cho các Giáo Lý Viên trong xứ. Trong lúc nghỉ ngơi gần bàn ghi lễ, họ râm ran kể lại hành trình vượt chặng đường dài hơn trăm cây số bằng Honda. Rồi họ thì thầm, nhỏ to bàn bạc: “Hồi nãy, xe chúng ta bị phạt vì chạy quá nhanh. Biên lai ghi phạt 3 trăm, chú cảnh sát giao thông thấy mọi người vét đến đồng bạc cuối cùng thì động lòng trắc ẩn nên đưa lại 1 trăm để xin lễ cho linh hồn Gioan Baotixita. Chúng ta xin cha già dâng lễ, còn 1 trăm kia thì chắc phải xin cha cố để khi về mới có tiền đổ xăng”.

 Nắng chiều dần tắt, một bà cụ run run chống gậy bước vào khoảng sân trước nhà xứ. Bà cẩn thận treo cái nón cũ lên cánh cửa sổ rồi mới loay hoay kiếm một chỗ ngồi. Cụ cầm bút viết luôn tay, những con chữ nghuệch ngoạc to tròn như chiếc bóng bay đổ ngả nghiêng đầy trên phong bì giấy. Cụ chậm rãi đọc lại những ý lễ mình xin: ông Đa Minh giỗ 1 năm, bà Maria thì giỗ 3 năm 4 tháng. Con Cún, thằng Cu thì đang đau bệnh, đứa con dâu sắp nhập viện mổ sanh, rồi thằng con rể mới bị gãy chân, xin cho nó gặp được thầy lang giỏi. À, mà cũng phải cầu nguyện cho ông Ba nữa. Ông ấy mù lòa mà con cái thì ở xa, tội quá.

Cụ còn đang đợi cha già cố thì cô giáo Ánh đi vào. Biết cha đi xức dầu cho kẻ liệt, phải chờ lâu nên cụ nhờ cô chuyển giúp chiếc phong bì xin lễ. Trong lúc ngồi chờ cha già cố, cô giáo liếc qua chiếc phong bì kín chữ. Thương cha già cố đã cao niên, mắt mũi chẳng còn được tinh tường mà bà cụ viết chữ thế kia làm sao ngài đọc được. Cô mở xắc lục tìm mảnh giấy rồi cặm cụi viết lại ý lễ mà bà cụ vừa xin để cha cố dễ đọc hơn. Cách đó một dãy hành lang, Bà Quản Thìn đã nhìn thấy bà cụ và cô giáo Ánh. Bà quan sát mọi việc bởi bà chuyên quét dọn phòng Thánh kiêm thêm nhiệm vụ cắm hoa và giặt đồ lễ. Có lẽ vì đảm nhiệm nhiều việc quan trọng như thế nên bà thấy mình có bổn phận của người quản gia, phải lo lắng cho cha già cố.

 Trời tối lọ mặt, cô giáo Ánh vẫn ngồi đợi cha già. Cô muốn thưa với cha về việc mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trong xứ. Khi cha già về tới và câu chuyện được bàn bạc xong thì trời đã tối hẳn. Bà Quản Thìn cáu cẳn, lầm bầm: “Người già xứ này sao lẩm cẩm, kỳ cục quá chừng, cứ nhè lúc cha đi vắng mới vào xin lễ. Mà cái phong bì ấy thì mỏng lắm, chắc lại cũng chỉ có 2 chục như lần trước thôi. Thời buổi này cái gì cũng đắt. Đã dặn rồi, lễ xin phải là 5 chục, công nhật nhổ cỏ mướn cũng đã 3 chục ngàn. Của dâng Chúa mà lúc nào cũng mọn hèn, lấp ló cửa lỗ mà vẫn tham lam, keo kẹt”. Bà ra về với bước chân mỏi mệt, đầu óc bà rối như mớ bòng bong. Bà không dám tin vào hình ảnh mà bà vô tình nhìn thấy lúc nãy. Cái cô giáo ấy nghèo khó đến mức nào, sao lại có chuyện động trời thế này kia chứ? À, thì ra nó mặt dày mày dạn, cái thứ người ranh ma, quỉ quyệt dám lấy vải thưa che mắt thánh hiền, đi xin lễ mà chẳng đưa tiền, ngữ ấy thì chỉ có loại đàn bà trắc nết. Xin lễ kiểu chùa, keo kiết thế thì có chết người không. Khéo lại kiếm cớ ra vào nhà xứ để quyến rũ cha già cố cũng nên ấy chứ.

 Tin cô giáo Ánh đi xin lễ mà không có tiền loan ra khắp xứ. Người ta thì thào bàn tán về cái cô thuộc giới trí thức mà lọc lõi khôn ranh, muốn bày trò xin lễ chùa và giở thói lưu manh, gian lận cả trong việc cầu xin ơn thánh… Chẳng biết cô giáo có vô tình nghe biết chuyện thiên hạ nói về mình không mà cô cứ lặng lẽ, dửng dưng. Cô cố tỏ ra khinh khỉnh, lạnh lùng, không quan tâm hay là đang ngấm ngầm khiêu khích? Trong màn đêm tĩnh mịch, cô bó gối lặng thinh. Cũng có thể cô đang tìm cơ hội để thanh minh hay đang cố dẹp yên những đợt sóng ngầm nhân danh tình thương và đạo đức muốn nhận chìm cả sự thật và những tấm lòng thành. Con thuyền tải đạo nghiêng ngả, tròng trành, nó nhỏ bé và mong manh quá đỗi.

***

Đêm khuya lắm rồi, sương đêm rơi ướt lạnh một khoảng trời mà trang nhật ký của tôi vẫn dở dang. Những câu chuyện kể vẫn lan man, chưa có hồi kết thúc, bởi vì  tôi – chiếc bì thư với kiếp sống nổi trôi, hóng hớt nhưng không nhiều lời, dẫu ăn không ngồi rồi không buôn dưa lê, lắm chuyện vẫn đang tiếp tục sống cuộc đời bình lặng, âm thầm để  lắng nghe những câu chuyện kể bên chiếc bàn ghi lễ ở xứ đạo miền quê.

 Trần Huyền Thê

Comments are closed.

phone-icon