Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
trong Thánh lễ Chúa Nhật
Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin
***
Trong Thánh Vịnh chúng ta vừa hát, vang lên như sau: “Hãy hát mừng Thiên Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện những điều kỳ diệu” (Tv 97, 1).
Hôm nay chúng ta ở trước một trong những điều kỳ diệu đó: Đức Maria! Một tạo vật khiêm hạ và yếu hèn như chúng ta, được chọn để làm Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Tạo thành Mẹ.
Chính khi nhìn vào Đức Maria, dưới ánh sáng của các bài đọc mà chúng ta vừa nghe, Tôi muốn suy tư với anh chị em về 3 thực tại:
– Thiên Chúa làm ngạc nhiên
– Thiên Chúa xin chúng ta trung thành
– Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.
1. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên.
Sự cố ông Naaman, trưởng đạo quân của Vua Nước Aram, là điều thật duy nhất: để chữa lành khỏi bệnh phong cùi, ông đến với ngôn sứ của Thiên Chúa, ông Eliseo, là người không làm những hành động ma thuật, cũng không đòi hỏi nhà quan những điều khác thường, nhưng chỉ xin nhà quan tín thác nơi Thiên Chúa và dìm mình trong nước sông; tuy nhiên không phải là con sông lớn của vương quốc Damasco, mà là con sông nhỏ Giorđanô. Đó là lời xin làm cho nhà quan Naaman lúng túng, mà còn có thái độ ngạc nhiên nữa: Thiên Chúa có thể là Đấng đòi hỏi một vài điều gì đơn sơ như vậy không? Nhà quan muốn trở về nhà, nhưng rồi ông tiến thêm một bước, ông dìm mình xuống sông Giorđano và ngay lập tức ông được khỏi bệnh (xem 2V 5, 1-14). Này, Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên; tuy nhiên chính trong sự nghèo khó, trong sự yếu đuối, trong sự khiêm hạ mà Thiên Chúa tỏ mình ra và ban cho chúng ta tình yêu của Ngài là tình yêu cứu rỗi, chữa lành, ban cho chúng ta sức mạnh. Ngài chỉ xin chúng ta là hãy theo lời của Ngài và tín thác vào Ngài.
Đó là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria: trước lời truyền tin của Thiên Thần, Mẹ không giấu sự ngỡ ngàng của Mẹ. Đó là sự ngạc nhiên nhìn thấy rằng Thiên Chúa, để làm người, đã chọn chính Mẹ, một thiếu nữ đơn hèn của Nazareth, là thiếu nữ không sống trong lầu đài của quyền lực và giầu sang, là người không làm những dự án khác thường, nhưng chỉ mở ra cho Thiên Chúa, biết tín thác nơi Thiên Chúa, cả khi Mẹ không hiểu được tất cả: “Này Tôi là tôi tá của Chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Đó là lời đáp của Mẹ. Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Ngài bẻ tan các lược đồ chúng ta làm ra, Ngài làm cho thành khủng hoảng các dự án của chúng ta, và Ngài nói với chúng ta: con hãy tín thác nơi Ta, không sợ hãi gì, hãy để cho mình bị ngạc nhiên, hãy ra khỏi chính mình con và hãy theo Ta.
Hôm nay tất cả chúng ta hãy hỏi chính mình xem chúng ta có sợ điều mà Thiên Chúa có thể đòi hỏi chúng ta hoặc điều mà Ngài đang đòi hỏi nơi chúng ta không. Tôi có để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, như đã làm nơi Mẹ Maria, hoặc tôi đóng kín mình lại trong các điều an toàn của tôi, các điều an toàn trong phạm vi vật chất, an toàn trong phạm vi trí thức, an toàn trong phạm vi ý thức hệ, an toàn trong các dự phóng của tôi? Tôi có đích thực để Thiên Chúa đi vào trong đời sống của tôi không? Làm sao tôi trả lời cho Ngài?
2. Trong đoạn sách thánh trích từ thư của Thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe đọc, Thánh Tông đồ nói với môn đệ Timothê khi nói với ông này: Con hãy nhớ tới Chúa Giêssu Kitô, nếu chúng ta kiên tâm, chúng ta cũng sẽ hiển trị với Ngài (xem 2Tm 2, 8-11). Và đó là điểm thứ hai: luôn nhớ tới Đức Kitô, ký ức về Chúa Giêsu Kitô, và điều này là kiên trì trong Đức Tin; Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên với tình yêu của Ngài, nhưng đòi hỏi sự trung tín trong việc đi theo Chúa. Chúng ta có thể trở nên “không trung tín”, nhưng Chúa thì không, Ngài là “Đấng Trung Tín” và xin chúng ta sự trung tín đó. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu lần chúng ta hứng khởi vì một vài điều gì đó, vì một vài sáng kiến nào đó, vì một dấn thân nào đó, nhưng rồi, trước các vấn đề thứ nhất, chúng ta đã vất bỏ xuống. Và rất tiếc, điều này xẩy đến ngay cả trong các chọn lựa nền tảng, như vấn đề hôn nhân. Khó khăn để sống kiên trì, sống trung thành với các quyết định đã làm, với các dấn thân đã đảm nhận. Thường thì dễ dàng nói “phải”, nhưng rồi không thể lặp lại “tiếng có” mỗi ngày. Người ta không thể trung thành.
Đức Maria đã nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa, một tiếng “xin vâng” bao gồm cả cuộc đời khiêm hạ của Mẹ tại Nazareth, nhưng không phải là duy nhất, trái lại đó là tiếng “xin vâng” thứ nhất trong số bao nhiêu tiếng “xin vâng” được nói ra trong con tim của Mẹ trong những lúc vui, cũng như trong những lúc đau đớn, bao nhiêu tiếng “xin vâng” đạt tới tột đỉnh trong tiếng “xin vâng” dưới chân Thánh Giá. Hôm nay, ở đây có biết bao nhiêu người mẹ; hãy nghĩ rằng tới điểm nào sự trung thành của Mẹ Maria đã thực hiện với Thiên Chúa: nhìn thấy người con duy nhất của Mẹ trên Thánh Giá. Người đàn bà trung tín, đứng thẳng, bị tiêu hủy bên trong, nhưng trung tìn và mạnh mẽ.
Và Tôi tự hỏi: tôi là người Kitô hữu “bị nấc cụt” từng lúc, hoặc người Kitô hữu luôn luôn như thế? Văn hóa của cái tạm bợ, của cái tương đối đi vào trong cả việc sống đức tin. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trung tín với Ngài, mỗi ngày, trong các hành động hằng ngày và thêm rằng, ngay cả đôi khi, chúng ta không trung tín với Ngài, thì Ngài luôn trung thành và với lòng từ bi của Ngài, Ngài không biết mệt mỏi giang tay ra để nâng chúng ta dậy, để khích lệ chúng ta bắt đầu lại hành trình, trở lại với Ngài và nói với Ngài sự yếu đuối của chúng ta để Ngài ban sức mạnh cho chúng ta. Và đó là hành trình sau cùng: luôn luôn với Chúa, ngay cả trong các yếu đuối của chúng ta, ngay cả trong các tội của chúng ta. Đừng bao giờ đi vào con đường của tạm bợ. Điều này giết chúng ta. Đức Tin là trung thành quyết định, như Đức Tin của Mẹ Maria.
3. Điểm cuối cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ tới 10 người phong cùi trong Phúc Âm được Chúa Giêsu chữa cho lành: Họ đi gặp Chúa, họ đứng ở đàng xa và kêu lên: “Lạy Ông Giêsu, lạy Thày, xin thương đến chúng tôi” (Lc 17, 13). Họ bệnh tật ốm yếu, cần được yêu thương, cần có sức mạnh và họ đi tìm một người nào đó có thể chữa họ lành bệnh. Và Chúa Giêsu trả lời khi giải thoát họ khỏi mọi bệnh tật của họ. Tuy nhiên Ngài bị ngỡ ngàng, mang ấn tượng, khi nhìn thấy rằng chỉ một người trở lại để ca tụng Thiên Chúa lớn tiếng và cám ơn Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu lưu ý điều đó: 10 người đã kêu lên để xin được chữa lành và chỉ có một người trở lại để cám ơn Thiên Chúa và nhận ra rằng chính Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Hãy biết tạ ơn, biết chúc tụng vì những điều Chúa làm cho chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn vào Mẹ Maria: sau biến cố Truyền Tin, cử chỉ thứ nhất Mẹ làm là cử chỉ bác ái với bà chị họ già cả Elisabeth; và các lời nói đầu tiên Mẹ nói ra là: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa“, nghĩa là một bài hát ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa không chỉ vì điều mà Chúa đã làm nơi Mẹ, nhưng cả vì hành động của Thiên Chúa trong tất cả lịch sử cứu rỗi. Tất cả là ơn của Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể hiểu rằng tất cả là ơn của Thiên Chúa, thì thật hạnh phúc biết bao trong con tim của chúng ta! Tất cả là ơn huệ của Thiên Chúa. Ngài là sức mạnh của chúng ta! Nói tiếng cám ơn thì thực là dễ, nhưng cũng thực là khó! Bao nhiêu lần chúng ta nói với nhau tiếng cám ơn trong gia đình? Đó là một trong những lời nói chìa khóa của cuộc sống chung. “Xin phép“, “xin lỗi“, “cám ơn“: nếu trong gia đình người ta nói 3 lời này, thì gia đình tiến lên. “Xin phép“, “xin tha lỗi cho tôi“, “cám ơn“. Biết bao nhiêu lần chúng ta nói “cám ơn” trong gia đình? Bao nhiêu lần chúng ta nói tiếng cám ơn với những người giúp đỡ chúng ta, gần gũi chúng ta, tháp tùng chúng ta trong cuộc sống? Thường chúng ta cho tất cả là xong cả rồi! Và điều này cũng xẩy đến với Thiên Chúa. Dễ dàng đi đến với Thiên Chúa để xin điều gì, nhưng đi để cám ơn Chúa: “Mà! tôi không nghĩ là phải làm như vậy!”. Bây giờ chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể, chúng ta kêu cầu sự bàu cử của Mẹ Maria, để Mẹ giúp chúng ta để cho mình ngạc nhiên từ Thiên Chúa mà không cưỡng lại, để chúng ta trung thành với Chúa hằng ngày, để chúng ta ca ngợi Chúa và cám ơn Chúa vì Ngài là sức mạnh của chúng ta. Amen.
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo chí của Tòa Thánh phổ biến ngày 13-10-2013. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 13-10-2013).