
RỖI
Này bà, năm nay chúng nó bảo khó khăn không về được. Bà nhớ đừng mua hạt dưa đấy.
– Ừ, răng đâu mà cắn ông nhỉ – bà cười móm mém.
– Khỏi mua lôtô, bầu cua, cờ tướng… mất công.
– Ừ, tay đâu mà chơi ông nhỉ – giọng bà nghèn nghẹn.
– Khỏi ngâm kiệu, hành. Đừng nấu bánh chưng chi cho mệt. Hàng xóm cho là đủ ăn rồi.
– Vậy mình làm gì cho hết tết ông nhỉ? – mắt bà hoe hoe.
*****
HẮT HIU BÓNG MẸ
Vân Tùng
Gió quật hàng cây nghiêng ngả. Mái lá như sắp bay lên trời. Tôi khóc:
-Trời bão, nhà gần tróc nóc mà ba cũng không về!
Mẹ dỗ dành:
– Mẹ sẽ biến nơi này thành lâu đài cho ba trở lại.
Bây giờ, mưa gió không làm rung chuyển ngôi biệt thự mà mẹ dốc sức tạo nên. Nhưng ba vẫn ít khi về. Ông mê một cô gái trẻ.
Và, tôi vẫn sợ bão. Gió sẽ lùa mái tóc bạc phơ của mẹ, sợ bóng mẹ hắt hiu, di động giữa gian phòng mênh mông, trống trải.
*****
BẠN
Nguyên Vũ
Ra trường. Thời gian thử việc bài được bài mất, nhuận bút chẳng là bao. Thói quen phung phí nên dây nợ dây nần.
Hôm qua, đành muối mặt khất nợ tiền trọ, bà chủ cười:
– Tụi nó đóng luôn cho em rồi.
Chao ôi! Những đồng tiền bạn tôi chạy xe ôm.
*****
QUYỂN SÁCH
Tăng Khắc Hiển
– Sao em gian dối với thầy?
Nó không nói, òa khóc. Đứa bạn bảo:
– Mẹ nó nghèo, mua sách cũ đó thầy.
Tim tôi như rạn nứt. Ở trường sư phạm tôi đâu có học điều này.
*****
TẾT THẦY
Trần Hoàng Trúc
Bố hôm ấy khác hẳn thường ngày. Không còn vẻ bệ vệ quyền uy. Không xế hộp sang trọng, không cặp samsonite kiểu cách.
Bố hôm ấy dậy sớm hơn bình thường. Bố không mặc những bộ vét đắt tiền mọi khi mà chọn một chiếc sơmi giản dị. Bố chải tóc rẽ ngôi ngay ngắn rồi dắt chiếc xe máy cũ ra khỏi nhà dù tay lái bố không còn vững.
Bố đi chúc tết thầy.
*****
BÊN SÂN
Nguyễn Thị Quyên
Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro run rẩy tội nghiệp. Bệnh tim của nó đã cướp mất quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng xóm, dù chỉ trong một trận đánh giả. Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó:
– Khi nào mẹ có tiền chữa bệnh cho con, rồi con hãy chơi cùng chúng nó.
Chiều vàng. Nắng sắp tắt. Mẹ nó thẫn thờ ngồi bên bát nhang. Tôi cay sống mũi, thế là bên sân nhà tôi không còn một đứa trẻ thèm thuồng chăm chú nhìn chúng tôi dàn trận nữa.
*****
BỮA CƠM TRƯA
Nguyễn Thị Nga
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo., khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba …
*****
XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI
– Sưu Tầm –
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính để mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!”
*****
EM TÔI
Nguyễn Chiến
Ngày tôi ra chiến trường, em tôi đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về, tôi liệt nửa người. Nó chăm sóc tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn.
Mấy hôm trở trời tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu tôi đi, rồi gọi chim phụng hoàng ùa vào nhà cho lộng lẫy.
*****
TINH KHÔN
Trần Hoàng Trúc
– Đại ca ơi, tết năm nay “vả” rồi, gia chủ toàn cất đồ ăn trong tủ lạnh, ở ngoài chỉ còn hai bịch hạt dưa khác loại hớ hênh.
– Có còn hơn không! – Chuột Chù tặc lưỡi.
– Mà em nghe lũ gián đồn loại hạt dưa nhuộm màu có hóa chất gây bệnh đó đại ca. Chắc mình ăn loại không màu cho nó lành.
– Chớ có mà dại dột. Tao chưa thấy thằng nào chết vì màu, nhưng khối đứa chết vì thuốc tẩy.
*****
BÀ TÔI
Lê Xuân Hòa
Bà mất. Tôi xa nhà, ăn cơm bụi chợt thấy dáng ai còng – miếng cơm bỗng khô khốc, quán không khói mà cay cay
*****
BÀ NỘI
Thúy Bắc
Ba và chú giận bà nội nên bà phải ở riêng một mình trong căn lều nhỏ. Hàng ngày, tôi mang cơm ra cho bà. Ngày đó, tôi đã chín tuổi nhưng vẫn bắt bà phải đút cơm.
Năm sau, bà bị bệnh gan, cái bụng chướng lên. Tôi mang cơm ra cho bà nhưng ba tôi không cho, thấy ba tôi xách cơm vào, bà hỏi:
– Thế thằng Cún đâu?
– Tôi không cho nó mang cơm sang nữa, sang đây bà đút cơm cho nó, nó bị lây bệnh thì sao, bệnh gan là hay lây lắm.
Bà không nói gì, chỉ im lặng xúc vài miếng cơm. Hơn một tuần sau, bà mất.
*****
BỐ
Phùng Thành Chủng
Không hiểu bố, một lần tôi bảo: “Bố uống ít thôi!”. Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: “Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!”
… Tôi đi làm xa. Bố mất. Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc.
*****
BA LÀ MẸ
Hữu Thành
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”
Tôi nói với các em: “Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
– Sao con khóc?
– Con nhớ mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
– Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
*****
TỘI NGHIỆP
Trần Hoàng Trúc
Một bầy chim én vừa tung cánh vào trời xanh vừa tự hào chíu chít:
– Phía dưới bao người đang ngóng đợi chúng ta, những sứ giả của mùa xuân mang niềm vui đến muôn nhà.
Bất giác chúng trông thấy vài con chim vật vã bay loạng choạng như sắp đứt hơi bèn lấy làm kinh ngạc:
– Này, mùa xuân ấm áp đẹp tươi sao các bạn lại tả tơi đến thế?
Một chú chim xơ xác thều thào:
– Chúng tớ là chim phóng sinh. Sáng giờ được phóng năm lần rồi.
*****
MẸ & CON
– Sưu Tầm –
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
*****
NHỮNG ĐÔI CHÂN
– Sưu Tầm –
– Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp mới.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và em mừng rỡ ra đón. Cậu tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng.
*****
LÃI
– Sưu Tầm –
Con trai càu nhàu:
– Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.
Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nguệch ngoạc: “Lãi của quán, dành cho con”. Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.
*****
BÁNH KEM CHÁY
Quân Thiên Kim
“Chị Hai,” em òa khóc nói, “bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem”… Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem…
Chị nghỉ học lên thị trấn. Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có 1 bông hồng. “Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem”
Em ăn ngon lành… mắt chị ngấn lệ… Cái bánh cháy chủ bỏ, chị lén bắt bông hồng tặng em …
*****
THẤT SỦNG
Trần Hoàng Trúc
– Chúng ta là loại trái cây sang quý, suốt năm bao người thòm thèm. Thế mà tết đến lại phải chịu cảnh ra rìa, nhìn lũ quê mùa Cầu, Dừa, Đủ, Sung lên ngôi, thật mất mặt.
Măng Cụt ngáp dài tự thán:
– Ai biểu tên chúng ta đẹp quá làm gì!
Ở quầy hàng gần đó, Tiêu hóng chuyện nãy giờ quay sang nói với Điều:
– Hic, tưởng chỉ có chúng ta hẩm hiu, ế ẩm.
Nguyễn Phúc Cương tổng hợp