Sau một buổi nói chuyện với các bạn trẻ Tuổi Mới Lớn về tâm sinh lý nam nữ, tôi đã đặt câu hỏi:
– Bạn có học được điều gì tốt hơn sau khi nghe chuyên đề này không?
Đa số các bạn đều cảm thấy thích thú vì được hiểu biết hơn về giới tính. Nhờ đó các bạn có thể tránh được những ngộ nhận về tình yêu và đề phòng những lầm lỗi đưa đến ân hận suốt đời. Một bạn nữ phát biểu: Nhóm bạn rất thân của em trong lớp 12 gồm 6 đứa, ngay trong niên học đã có 2 bạn đi phá thai. Mới đây vào thành phố thi Đại học lại thêm một bạn nữa cho biết: bạn đó đậu đại học nhưng hiện đang có thai được hơn 6 tháng rồi, chẳng biết làm sao bây giờ? Em nghĩ cũng tại vì các bạn đó không được hướng dẫn để hiểu biết về tâm sinh lý nam nữ như chúng em hôm nay.
Trong tư vấn tôi cũng gặp khá nhiều trường hợp do ảnh hưởng phim ảnh, sách báo văn hóa phẩm xấu, các em đã học làm người lớn, đánh mất niềm vui và sức sống của tuổi trẻ. Điều tệ hại hơn là các em cứ nối tiếp từ sai lầm này đến sai lầm khác do sợ hãi, thiếu tin tưởng nơi tình yêu thương của gia đình.
Tâm là bạn gái ở tỉnh vào thành phố luyện thi đại học, Hùng là bạn trai cùng xứ đã dùng mọi thủ đoạn để chinh phục chiếm hữu Tâm. Cuối cùng thì Tâm đã ngã theo quan niệm: yêu là cho tất cả. Từ hôm đó Hùng đòi Tâm phải cung cấp tiền bạc cho anh tiêu xài. Khi Tâm là sinh viên năm 3, Hùng vẫn chưa thi đậu vào đại học nào. Lúc này Tâm rất chán Hùng nhưng không thể bỏ vì Hùng hù dọa sẽ kể tất cả những gì đã xảy ra cho ba mẹ Tâm nghe. Tâm rất sợ vì ba đang bị bệnh cao máu, mẹ bệnh đau tim, nếu các vị nghe biết chuyện tồi tệ của mình sẽ ngất xỉu và chết mất nên Tâm cứ phải kéo lê mối tình khổ nhục với Hùng…
Hơn lúc nào hết, tôi nhận thấy tuổi vị thành niên rất cần được giáo dục về giới tính: tâm sinh lý nam nữ, sức khỏe sinh sản để các em biết mình, biết người, có khả năng cảnh giác, đề phòng những ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội hôm nay. Việc giáo dục này trước tiên phải từ gia đình và cha mẹ nên gần gũi hướng dẫn con qua những tình huống cụ thể thường ngày.
Theo nghiên cứu của Trung Tâm Sức Khoẻ Phụ Nữ và Gia Đình thì cha mẹ cần tạo không khí để nói chuyện với con trẻ trong gia đình, giúp chúng có thái độ đúng đắn với những vấn đề giới, hiểu biết hơn về những chuyện thông thường như: tại sao có hành kinh, tại sao con trai con gái khác nhau, tại sao có con… Rồi khi trẻ lớn hơn, chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ sẽ nói về tình bạn, tình yêu, nguy cơ mắc HIV/AIDS, cách phòng tránh…
* Với trẻ nhỏ, nên tránh trả lời qua quít cho xong chuyện, không bao giờ nên nói sai sự thực như “con chui ra từ rốn mẹ”. Cha mẹ cũng có quyền nói “không biết” hoặc hoãn binh “để sau này bố mẹ sẽ giải thích cho con” khi gặp những câu hỏi không tiện trả lời ngay (nhưng không bao giờ nên mắng át đi).
Sự tự nhiên và thoải mái của cha mẹ khi nói những chuyện liên quan đến sinh sản và tình dục sẽ giúp trẻ cởi mở và tin cậy hơn vào cha mẹ. Trẻ sẽ không đặt ra những câu hỏi nếu chúng cảm thấy cha mẹ ngại trả lời hoặc biểu lộ thái độ làm cho chúng dè dặt.
* Việc nói chuyện với trẻ về sinh sản là việc phải học, cha mẹ cần tìm đọc sách hoặc tạp chí nói về những vấn đề này nhưng cần nhớ rằng cách sống của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách nói chung và hành vi tính dục ở con cái.
* Không phải lúc nào cha mẹ cũng nói mà nhiều khi cha mẹ cũng phải biết nghe. Sự lắng nghe giúp cha mẹ hiểu biết thêm về con mình để giúp đỡ cụ thể. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên thích tò mò, thử nghiệm nên dễ mắc sai lầm trong đời sống cũng như trong hành vi tình dục nếu chúng không tín nhiệm tâm sự với cha mẹ hay người lớn những tình huống khó khăn của chúng.
* Không nên ngần ngại cho con cái tuổi vị thành niên hiểu biết về các bệnh lây truyền qua đường tính dục, HIV/AIDS. Sự hiểu biết về mặt này giúp các em tránh những nguy cơ có hại cho sức khỏe sinh sản.
* Hiểu biết về tình dục đứng đắn và những nguy cơ của hành vi này cũng là cách tốt nhất để giúp các em biết sống tự chủ, biết nói không với điều xấu gây tác hại cho cả một đời người.
Các nhà tâm lý giáo dục đều nhất trí rằng: giáo dục những hiểu biết về tính dục và sinh sản cần bắt đầu từ gia đình. Đó là phương pháp giáo dục không chính thức nhưng có tác dụng tích cực đến sự hình thành nhân cách tốt đẹp của các em trong tuổi dậy thì.
Sr. Teresa Phạm Thị Oanh
Trích từ Phạm Thị Oanh, Gia đình mái trường thân yêu