Hãy tin vào con đường phía trước

0

 Rất nhiều lần quanh tôi vang lên những câu hỏi xen lẫn với sự bồn chồn không yên của những bậc cha mẹ, của các thầy cô, nói tắt của các nhà giáo dục : Làm thế nào để cho đứa trẻ kia thay đổi ? Sở dĩ nỗi băn khoăc cứ còn đó vì dù được nhắc nhớ nhiều lần, nó chẳng mảy may thay đổi. Vẫn những thứ quá quắt đó. Có người lại than “nó chỉ đổi được hai ba ngày, rồi chứng nào tật ấy, luôn bị chúng bạn bè xấu rủ rê .”

Thú thật, khi nghe những điều đó, tôi chẳng có câu trả lời nào sẵn cả. Mỗi đứa trẻ là một thế giới bí ẩn, nên không thể áp dụng cùng một câu trả lời, cùng một giải pháp. Mỗi em là cả một mầu nhiệm, nên làm sao mà có thể lấy câu trả lời của em này đem qua em khác được. Cần phải đi vào từng em để biết được con đường dài hun hút của tấm lòng em, song chắc chắn dẫn đến một điểm hẹn.

Tuy thế, có một điều mà tôi đảm bảo với các cha mẹ và nhà giáo dục rằng : “Đừng bao giờ ‘bó tay’ khi còn có thể. Đừng bao giờ thất đảm. Nhưng hãy can thiệp khi chưa quá trễ”. Con đường vẫn đang chờ ở phía trước. Hãy tin vào khả năng phục thiện có nơi con người.

Tôi có suy nghĩ này và bỗng lo sợ khi nghe cùng một tiếng kêu rên về giáo dục từ mọi nơi. Tôi cảm nhận ẩn phía sau đó một sự thất vọng nào đó. Nếu nhà giáo dục nào đó mà gieo vào tâm tư thanh thiếu niên rằng nó chẳng hề thay đổi, chẳng có một tương lai nào cho chúng, thì quả là một nhà giáo dục đáng sợ. Họ vô tình chặn mọi nẻo về của người trẻ. Có lẽ điều họ cần trước khi có bất kỳ giải đáp nào chính là “hãy để cánh cửa luôn rộng mở, để bất kỳ lúc nào, người con hoang đàng vẫn có thể trở về. Dù là lúc nửa đêm hay chợp tối, bình minh hay hoàng hôn, dẫu là lúc sắp kết tận”. Nhà giáo dục cần có tâm hồn tin tưởng vào sự biến đổi của thanh thiếu niên. Đó chính là thử thách lớn lao cho nhà giáo dục : hy vọng dẫu không còn hy vọng nào.

Có một câu chuyện trong cuộc đời Don Bosco đáng chúng ta suy nghĩ. Sau khi thụ phong linh mục, Cha Gioan  thường đến các trại cải tạo dành cho thanh thiếu niên. Ngài đến, mang đến sự vui sống cho chúng, dẫu chính Ngài đau khổ nhìn thấy nhiều thanh thiếu niên uổng phí cuộc đời trong lao tù, Ngài thường băn khoăn vì nhiều em vừa ra khỏi tù thì chỉ một thời gian sau lại  trở về chính nơi chốn mà em không bao giờ muốn. Các em đâu phải cục gỗ mà không thấy xấu hổ. Nhưng hỡi ơi ! vì chẳng được một bàn tay đỡ nâng chúng tận tình. Chúng cần được một nhà giáo dục như niềm hy vọng đỡ nâng sự yếu đuối của chúng, nhưng rõ ràng chúng không tìm thấy.

Khi thăm các trại tù như thế, Ngài quen biết một người trẻ 22 tuổi. Cậu bị kết án tử, vì một tội ác ghê gớm. Hay tin ấy, Don Bosco đến thăm cậu lần cuối. Cậu xin Don Bosco hãy đi với cậu đến pháp trường. Don Bosco không có can đảm nhận lời, vì biết rằng mình không thể chịu đựng được nỗi đau lòng đó. Đối với Ngài, nỗi đau ấy vắt kiệt sức Ngài.

Thế rồi chàng thanh niên đó được chuyển sang một trại tù ở Alessandria để chuẩn bị cho ngày hành hình. Khi hay tin Don Bosco từ chối đi hết chặng đường với thanh niên đáng thương đó, Cha Cafasso là cha Linh hướng của ngài đã la lên : “Bộ Cha không biết rằng như thế là rất tàn ác sao ? Nhanh lên chúng ta phải đến Alessandria ngay  ? Họ không đợi chúng ta đâu ?”.

Thế là Don Bosco đi Alessandria cùng với Cha Cafasso. Bị biệt giam trong gian phòng, chàng thanh niên đó không ngờ Don Bosco lại đến. Thấy Don Bosco tiến vào phòng của mình, chàng chạy ào đến ôm cổ Don Bosco và khóc. Cả hai đã thức suốt đêm cùng nhau cầu nguyện và nói về Thiên Chúa. Lúc 2 giờ sáng Don Bosco giải tội cho cậu và dâng lễ với cậu trong căn phòng nhà tù; Ngài cho cậu rước lễ cũng như Tạ ơn Chúa với cậu. Những giây phút không thể nào quên ! Giờ đã điểm, những lý hình đi vào. Theo thói quen, họ quì xuống trước kẻ bị án tử và xin lỗi vì phải chu toàn phận vụ. Đoạn họ bịt mắt cậu dẫn cậu đi và buộc thòng lọng vào cổ cậu. Don Bosco đi bên cậu, im lặng trong đau khổ. Khi nhìn thấy đoạn đầu đài, mặt Don Bosco trắng bạch ra và Ngài ngất xỉu. Luôn để mắt theo dõi Don Bosco đang quá đớn đau trước cảnh tượng tột cùng đối với một nhà giáo dục, Cha Cafasso lập tức xin người ta mang Don Bosco đi.

Khi Don Bosco trở lại thì cuộc hành hình kết thúc. Ngài thực sự buồn tủi và nói với cha Cafasso : “Xin lỗi, con quá buồn vì người trẻ đó. Anh ta đã tin tưởng con quá nhiều …” Cha Cafasso đáp lại : “Cha đã  làm những gì có hể, mọi sự khác để lại cho Thiên Chúa”.

Rõ ràng Don Bosco đã chẳng lật lại được quyết định của toà án. Thế nhưng, con đường trước mắt chưa hết. Nhà giáo dục không được phép dán mắt vào những gì xem ra thất bại. Không.Cũng cần phải nhìn ra sức mạnh  của những điều cao quí, của chính Đấng cao cả, chiến thắng những cứng cỏi của con người vào phút cuối. Kết cục của chàng thanh niên bi thương thật. Thế nhưng đâu phải là bóng đen như mực. Vẫn có một chút loé sáng của một cây bạch lạp hy vọng; và chút ánh sáng yếu ớt đó cũng soi lối để cậu không vấp ngã nữa trên đường tiến vào cõi vĩnh hằng; cậu đã thành tâm hối hận. Cậu đã có được người tin tưởng. Cậu tìm gặp lại ý nghĩa cuộc đời, cho dù muộn màng. Thiên Chúa vẫn cho đời cậu trở về. Cánh cửa luôn mở sẵn. Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi để thứ tha. Và như thế, tình thương trung tín ấy càng gợi lên trách nhiệm của nhà giáo dục chúng ta : Hãy hành động cho các thanh thiếu niên để không khi nào trở nên quá muộn.

Văn Am, SDB

Trích Chuyên đề Don Bosco số 30

Comments are closed.

phone-icon