Con dại…

0

con dai

“Cô Giáo ơi…cô giáo ơi..con nè… con nè….”

Đang rà xe chầm chậm trên đường vì mải suy nghĩ không biết hôm nay sẽ vào thăm dòng nào (Bởi cứ mỗi Chúa nhật chúng tôi thường dành thời gian để đi thăm viếng, đặc biệt là những gia đình neo đơn, già cả, ốm đau bệnh tật ở những vùng xung quanh đó) thì chợt nghe tiếng gọi quen quen. Nhìn sang bên kia đường thấy hai cậu học trò “siêu quậy” đang vẫy vẫy tay. Vội nhìn trước sau để lên đèn xin sang đường kẻo sợ hai bé lại chạy vù sang thì tai nạn chết. Vừa tới thì bà ngoại của hai cậu bé cũng từ trong quán vội vàng bước ra. Chưa để tôi kịp phản ứng gì thì cậu anh nhanh nhảu:

– Cô vào nhà con chơi đi, cô chưa biết nhà con mà.

Nói rồi cậu bé chạy trước, tôi vội gật đầu chào bà ngoại của cậu bé và ngoan ngoãn rà xe theo sau – Vì đàng nào tôi cũng đang rất muốn tới thăm để hiểu thêm hoàn cảnh “đặc biệt” của hai cậu bé “siêu quậy” này. Vừa vào đến nhà tôi đã nghe bà ngoại kể cho một giăng tội của hai cậu bé, vừa kể bà vừa chỉ tay lên những dấu vết trên tường để lại sau những lần bị nhốt trong nhà: nào là cái tường toàn than với màu, nào là cái phên gỗ bị hai đứa chọc thủng bao nhiêu lỗ, nào là những đồ chơi mới mua giờ thành phế liệu hết….Tôi ngạc nhiên thắc mắc vì sao lại phải “nhốt” hai cậu bé “hiếu động” trong nhà suốt như vậy, bà buồn bã đáp:

– Chẳng giấu gì cô, mà cũng chẳng phải là “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng sự thật thì gia đình cháu có vấn để nên hai thằng bé phải thiệt thòi. Thôi thì “con dại cái mang”, nó cũng là cháu của mình mà, làm sao tôi có thể nhìn cháu mình chịu khổ được trong khi hai đứa nó còn quá bé. Nên như một người sau hơn nửa cuộc đời lại nuôi “con dại” vậy.

Thấy câu chuyện của bà kể có vẻ còn nhiều nỗi uẩn khúc, và lòng bà cũng còn nhiều ưu tư tôi tiếp tục:

– Vậy bây giờ bố mẹ cháu ra sao hả bà? Có ghé thăm hai đứa không? Có phụ với bà ngoại để nuôi nấng hai đứa không?

Như một người được cởi sợi dây trói lòng, bà từ từ kể câu chuyện đời của bà cùng với gánh nặng từ con đến cháu:

– Cô ạ, chẳng đứa nào phụ gì đâu vì chúng làm còn chưa đủ nuôi chúng và những trò chơi trác táng mà chúng nghiện phải. Nhưng tôi cũng không đòi hỏi kẻo chúng nó nghĩ mình thế này thế nọ. Tôi lập gia đình sớm và chỉ có ba mặt con thôi, mẹ nó là con cả, còn hai cậu con trai nữa. Ông nhà tôi mất sớm nên tôi quyết tâm ở vậy nuôi con cho nó thành người mặc dù cũng chỉ là nghề đi làm thuê làm mướn thôi. Lúc còn nhỏ ba đứa, đặc biệt là mẹ nó ngoan lắm, lại còn học giỏi nữa. Nhưng tôi chỉ đủ khả năng nuôi nó đến lớp 12 thôi. Cũng sớm hiểu hoàn cảnh gia đình nên nó đã đi làm phụ bán hàng cho người ta để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Một năm đầu nó cũng đều đặn gửi về phụ giúp tôi chăm lo cho gia đình, nhưng sau đó nó im luôn chẳng thấy gửi gắm gì cả. Tôi cũng không dám hỏi vì sợ con nó nghĩ mình chỉ vì tiền, với lại thời buổi khó khăn tôi cũng không muốn làm áp lực với con cái. Nhưng cuối cùng tôi đã chết lặng vì hay tin nó nghiện Game, bao nhiêu tiền làm được nó đổ vào Game cả, bao nhiêu thời gian nó cũng dành cả cho Game. Tôi cũng đã đi bắt nó về nhà nhưng rồi nó lại trốn đi rồi nhắn lại cho tôi rằng nó đi làm xa. Không dạy được con nữa tôi chua xót phó thác vậy, có đôi lần nó cũng về nhà nhưng mà ít lắm. Nhưng rồi bỗng đùng một cái nó dắt một anh về theo xin cưới. Làm mẹ tôi chẳng biết phải xử lí thế nào nữa, vì cho thì cũng cảm thấy áy náy lương tâm, con mình đã biết gì để lo cho gia đình đâu. Mà không cho cũng không được, vì rồi nó cũng bỏ đi, mà như vậy tội lỗi chết. Thôi thì tôi cũng kéo hai đứa về khuyên bảo rồi nói anh đó về nhà bảo người lớn lên nói chuyện. Khi mọi sự lễ nghĩa râu ria đều đã ổn, tôi tổ chức đám cưới cho nó mà trong lòng thấp thỏm không yên, và quả thực cái không yên của tôi đã xảy ra – Cô thấy rồi đó. Lấy nhau về có được với nhau hai mặt con thì con bé này lại “ngựa quen đường cũ”, không bỏ được Game mà cứ bỏ nhà đi hoài. Đã vậy lại còn lấy hết tiền, vàng tôi đã sắm cho trong ngày cưới để cho nó khỏi tủi thân với bạn bè cùng trang lứa để đi chơi Game. Chồng nó thấy vậy chán, nên vợ chồng khục khoặc cho nhau. Tôi cũng khuyên bảo nó “vợ chồng thì chín bỏ làm mười” nhưng có đứa nào nghe tôi đâu. Tôi cũng ngại với con rể lắm, vì phần lớn lỗi là ở con mình mà, con gái mà cứ như vậy thì hỏi ai có thể chấp nhận được. Đã vậy nó còn ngang bướng hết sức, không chịu chồng dù nửa lời, lòng tôi não nề lắm. Hai thằng em của nó thì nóng tính nên thấy chị như vậy nó cũng không chấp nhận được, đâm ra nhà có mấy người mà năm bè bảy mối. Làm mẹ mà chứng kiến con như vậy thì thử hỏi cô ai mà chịu cho nổi. Rồi chuyện gì đến đã đến, cách đây gần một năm chồng nó đã xin phép tôi được ly thân với vợ nó một thời gian vì không thể chịu nổi nữa, tôi có khuyên bảo nhưng nó quyết tâm đi thành phố để kiếm việc. Tết nó cũng về một hai tuần rồi lại đi. Còn con bé này thì ngày càng lún sâu hơn và thời gian nó đi càng dài hơn, đặc biệt thời gian này nó đi luôn không thấy về. Chỉ tội nghiệp hai đứa nhớ ba, nhớ mẹ, mà tôi thì làm sao bù đắp cho hết được. Nuôi chúng nó cũng đâu có đơn giản, hai thằng một tháng cả mấy triệu bạc nên tôi cứ phải tranh thủ ngoài giờ làm Công Ty ra còn làm thêm một số việc khác nữa để kiếm tiền đóng tiền học cho cháu. Chính vì vậy nên cứ thứ Bảy, Chúa nhật mà cháu nghỉ ở nhà là bà ngoại lại phải đóng cửa nhốt cháu trong nhà để đi làm vì không gửi được ai cả, để nó ở ngoài thì tai nạn chết lại mang tiếng ra. Khi đi làm tôi cũng để ít bánh lên bàn bảo hai đứa hễ đói thì lấy ăn tạm rồi ngoại về nấu cơm cho ăn. Thực tình nhiều lúc mệt mỏi chỉ muốn buông xuôi, nhưng nhìn hai đứa cháu thương nó quá nên cứ phải gắng hoài. Dù sao thì cũng phải lo cho nó tới nơi tới chốn chứ không thể để cho nó thiệt thòi. Cô thấy đấy, trong nhà tôi cũng không thiếu gì lắm những đồ chơi để phát triển cho các cháu. Chỉ mong rằng với thời gian bố mẹ nó nghĩ lại về mà đoàn tụ để con cái nó có tình thương của cả bố lẫn mẹ. Và tôi cũng e rằng sức tôi cũng có hạn với tuổi già nên chỉ mong sớm thấy được điều mong ước thì khi ấy có chuyện gì tôi mới yên thân được.

Lắng nghe bà kể, cộng với việc xâu chuỗi những ngày tháng khi dạy học ở trường tôi đã hiểu vì sao hai bé lại hiếu động đến vậy: Suốt ngày chạy nhảy như con sóc chẳng lúc yên, mà chỉ hai anh em chơi với nhau thôi. Tôi thường la các bé hoài vì nhiều lúc mệt mỏi và cũng sợ các bé bị tai nạn. Giờ đây có lẽ tôi đã tìm ra cách để dạy các bé có hiệu quả hơn để làm sao các bé vừa nghe lời, mà cũng vừa cảm nhận được tình thương cô dành cho các bé. Tôi thầm cám ơn những chuyến đi như vậy để giúp tôi được hiểu đời hơn, thông cảm với đời hơn. Hiểu chính những học trò của mình hơn để rồi khi lên lớp dạy học tôi có thể đến với trẻ bằng trái tim yêu thương chứ không phải là đến cho xong nhiệm vụ của một cô giáo.

Sr. Mar Bùi An 

Comments are closed.

phone-icon