Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana

0

Ngày 17 tháng 01 năm 2016
Chúa Nhật II Thường Niên, năm C

Năm Sự Sáng
Thứ hai thì ngắm

“ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀM PHÉP RỬA TẠI TIỆC CƯỚI CANA”

I. LỜI CHÚA: Ga 2, 1-12

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.

3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

II. SUY NIỆM:

1. Phép lạ đầu tiên

Theo thánh sử Gioan, phép lạ nước hóa thành rượu là phép lạ đầu tiên. Vì thế, phép lạ này mang ý nghĩa đặc biệt. Tương tự như dụ ngôn “Người Gieo Giống”, đó là dụ ngôn đầu tiên liên quan đến các dụ ngôn, đến lời của Đức Giêsu, đến sứ mạng của Người và diễn tả tất cả các mầu nhiệm lớn của đức tin: sáng tạo, lịch sử cứu độ, Nhập Thể, Thánh Thể và Vượt Qua.

(1) Vì là phép lạ đầu tiên, nên có thể nói, phép lạ nước hóa thành rượu là “phép lạ mẹ”, phép lạ của các phép lạ. Vì phép lạ này định hướng cho mọi phép lạ, và cho chính sứ mạng của Đức Giê-su; vì thế, Ngài đã hành động, cho dù có vẻ như chưa đến “Giờ của Ngài”. Đó là phục vụ sự sống, như chính Người tuyên bố: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Thế mà, sự sống được lưu truyền qua hôn nhân: tất cả chúng ta đều là “hoa trái” của bí tích và đời sống hôn nhân Chúa ban cho cha mẹ!

(2) Hơn nữa, con người không chỉ sống bằng lương thực, vốn vừa là của ăn vừa là hình ảnh diễn tả mọi phương tiện để sống, sinh hoạt…, nhưng còn sống bằng tương quan nữa, tương quan tình bạn, tình yêu, đón nhận, bao dung, chia sẻ, hiệp thông. Thế mà, rượu ngon cưu mang cả hai chiều kích này.

Thật vậy, theo khuôn mẫu của bí tích Thánh Thể, phép lạ này hướng tới chiều kích căn bản của sự sống là tương quan, nhưng lại không bỏ qua những phương tiện cụ thể tạo nên tương quan, đó là “rượu ngon”. Vì thế, sau này, các phép lạ chữa bệnh luôn hướng tới ơn tha tội, nghĩa là phục hồi tương quan với Chúa, với mình và với nhau.

(3) Trong tiệc cưới Cana, Đức Giê-su đã bày tỏ Ngài mới là “Tân Lang”, nghĩa là người đã mang lại rượu ngon dư tràn trong tiệc cưới. Sau này, Ngài sẽ thực sự trở thành “Tân Lang” mới và đích thật, ban cho chúng ta “rượu tuyệt hảo” là chính Máu của Ngài, để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

* * *

Như thế, tất cả các phép lạ đều hướng về “dấu lạ chữa lành” của Thập Giá, vì đó dấu lạ chữa lành và phục hồi sự sống của con người cách triệt để, và sức khỏe, thân thể lành lặn, ăn uống chỉ là tạm thời và là dấu chỉ của ơn chữa lành viên mãn.

2. “Có tiệc cưới tại Cana”

a. Khung cảnh tiệc cưới

Trình thật Tin Mừng kể lại tiệc cưới diễn ra vào “ngày thứ ba”; và trước đó, Đức Giêsu đã bắt đầu thu nhận các môn đệ. Chính vì thế, họ có mặt cùng với Đức Giêsu tại tiệc cưới.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. (c. 1-2)

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm tiệc cưới. Nếu không phải tiệc cưới của chính mình, thì tiệc cưới của người khác! Nhất là của những người thân yêu hay của những người bạn, mà chúng ta có cơ hội tham dự, thậm chí đóng góp! Cho dù là tiệc cưới của người khác, nhưng cũng đủ, để chúng ta dễ dàng hình dung ra khung cảnh và có thể chiêm ngắm, hoặc áp dụng ngũ quan: nhìn, nghe, ngửi, nếm và đụng.

Vậy, chúng ta hãy nhìn ngắm khung cảnh đám cưới, ghi nhận và cố gắng đi vào ý nghĩa của đám cưới, theo gương của Đức Maria, Mẹ của chúng ta: “ghi nhớ mọi biến cố và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), “giữ lại mọi biến cố trong lòng” (Lc 2, 51). Đặc biệt, chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng của đám cưới đối với đời người, gia đình, xã hội và Giáo Hội nữa. Ngoài ra, trong lịch sử cứu độ, đám cưới còn là những bước ngoặt quyết định: đám cưới nguyên thủy giữa Ông Bà Tổ Adam và Eva; sau đó là các biến cố hôn nhân vào thời các tổ phụ khởi đi từ tổ phụ Abraham, như bản gia phả trình bày cho chúng ta (x. Mt 1, 1-17). Ngoài ra, đám cưới và đời sống hôn nhân là hình ảnh diễn tả cách đặc biệt:

– Tình yêu. Hai người chọn nhau và được ban cho nhau.

– Hạnh phúc. Trong tiệc cưới, người ta thường chúc cho đôi tân hôn “trăm năm hạnh phúc” .

– Lưu truyền sự sống. Hôn nhân được Thiên Chúa chuẩn nhận và trao ban sứ mạng lưu truyền sự sống, vốn là hình ảnh của sáng tạo và của sáng tạo mới với ân huệ sự sống viên mãn. Và cùng với sự sống, các phong tục tập quán văn hóa và tôn giáo được lưu truyền cách bền vững. Vì thế, Đức Giê-su hay dùng hình ảnh tiệc cưới trong các dụ ngôn nói về Nước Trời.

b. “Họ hết rượu rồi”

Khi chiêm ngắm tiệc cưới, chúng ta hãy chú ý đặc biệt đến Đức Maria, và nhóm Đức Giêsu và các môn đệ. Trước hết, chúng ta cùng hiện diện với Đức Maria và đi vào tâm tư của Mẹ: Mẹ đã hiện diện ra sao trong đám cưới, để có thể biết được sự cố hết rượu giữa chừng và tại sao mẹ lại đi nói với Đức Giêsu:

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi Họ hết rượu rồi!”
Dường như các ngài đến đến từ hai “thiệp mời” khác nhau. Giống như ở Việt Nam, trong tiệc cưới, có những vị khách vừa đến dự tiệc, nhưng vừa phụ việc nữa, chẳng hạn người thân, bạn bè, hàng xóm; và có những khách mời chỉ đến dự tiệc rồi về. Giả định này giúp chúng ta hiểu hai phản ứng khác nhau, một của Đức Mẹ và một của Đức Giê-su. Trong tiệc cưới, Đức Maria đã hiện diện không như khách, nhưng như thành viên đóng góp vào biến cố niềm vui, chính vì thế Mẹ biết rõ tình trạng thiếu rượu; và có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm dự đám cưới như Đức Maria.

Hết rượu là mất vui, là đụng chạm đến ý nghĩa của đám cưới. Thật vậy, ở Palestine và những dân tộc quanh biển Địa Trung Hải, rượu không chỉ cần cho bữa tiệc, nhưng còn tượng trưng cho niềm vui gặp gỡ. Để hiểu sự nghiêm trọng của sự cố hết rượu trong tiệc cưới, chúng ta có thể nhớ lại những bữa ăn đãi khách trong gia đình chúng ta: giữa chừng thì hết rượu hay hết bia! Trước sự cố này, Đức Giêsu có vẻ giữ khoảng cách, khi nói:

“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”

Lời nói này làm chúng ta nhớ lại lời nói Người thưa với cha mẹ đã phải “cực khổ” tìm kiếm Người, ở Đền Thờ, lúc Đức Giêsu mười hai tuổi : « Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? » (Lc 2, 49). Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi “suy đi nghĩ lại” và nhận ra rằng, cả hai lời nói đều mang nặng ý nghĩa: Đức Maria phản ứng như người Mẹ hiền từ và như người hàng xóm tốt bụng, còn Đức Giêsu thì sống cho giờ của Người, nghĩa là cho kế hoạch của Chúa Cha.

Tuy vậy, mẹ vẫn tin tưởng nơi Đức Giêsu. Giờ của Ngài chưa tới, nhưng Mẹ tin rằng, Người có thể « chỉnh giờ » lại. Hay một cách sâu xa hơn, Đức Mẹ còn hiểu rõ hơn cả Đức Giê-su về ý muốn của Chúa Cha ; theo Mẹ, « Giờ » của Đức Giê-su, con của Mẹ, đã đến rồi, đã đến lúc phải hành động rồi và hành động từ đây, từ biến cố đám cưới hết rượu giữa chừng; vì biến cố tuy hạn hẹp, nhưng tượng trưng cho sự sống và Đức Giê-su đến là để phục vụ cho sự sống, để làm cho con người được sống và sống dồi dào. Hơn nữa, rượu ngon còn diễn ra cách con của Mẹ phục vụ cho sự sống, như Người sẽ nói:

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mt 20, 28)

3. Sáu chum nước và rượu ngon

Quả thực, Đức Giêsu đã hành động : vừa đáp lại lời cầu bầu của Đức Maria để cứu bữa tiệc, vừa mở rộng ý nghĩa của hành động này. Sáu chum nước lớn, vốn dùng để thanh tẩy, theo Luật cũ và đức công chính cũ, Ngài sẽ làm cho trở nên viên mãn khi làm cho chúng trở thành rượu, tượng trưng cho ơn tha thứ, hòa giải và niềm vui, cho đức công chính của Đức Giê-su, mà Thiên Chúa trao ban nhưng không cho loài người và cho mỗi người chúng ta. Tiến trình biến đổi ra sao, không ai biết, nhưng người quản tiệc công khai xác nhận hoa trái, đó là rượu ngon. Sự hiện diện và quyền năng của Chúa cũng vậy, thật kín đáo và mầu nhiệm, chúng ta chỉ nhận ra kết quả lạ lùng trong lịch sử và cuộc đời chúng ta mà thôi, như lời Thánh Vịnh diễn tả: “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người!” (Tv 77, 20)

Hình ảnh nước biến thành rượu do quyền năng của Đức Giêsu và sự can thiệp của Đức Maria rất phù hợp với con người và cuộc đời của chúng ta : chúng ta cũng nhặt nhẽo như nước rô-bi-nê ! Từ nước lạt lẽo, thành rượu, rượu ngon tràn trề, từ bất xứng (vì thế cần được thanh tẩy bằng dấu chỉ nước) sang phục hồi phẩm cách trọn vẹn (trường hợp người con hoang đàng trở về), từ lo sợ sang niềm vui tràn trề. Hình ảnh “đổ đầy tới miệng” diễn tả sự trọn vẹn và dư tràn. Thực vậy, cuộc đời chúng ta, hành trình theo Chúa của chúng ta trong ơn gọi, có thể ví như một niềm vui đứt đoạn ; một hành trình lạt lẽo : xin Mẹ quan tâm phù hộ, cầu bầu và xin Chúa hành động để ban niềm vui và làm cho thơm ngon như rượu mới của tiệc cưới Cana.

Như thế, Đức Giêsu không chỉ đáp ứng, nhưng còn đáp ứng quá sự chờ đợi, cả về số lượng lẫn chất lượng, để hướng chúng ta về ơn huệ sự sống viên mãn Ngài sẽ trao ban. Đó là dấu chỉ của ân sủng thần linh, tương tư như dấu chỉ bánh hóa nhiều. Thật vậy, thánh sử Gioan kể lại:

Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (c. 11)

Phép lạ nhỏ bé, nhưng lại bày bỏ “Vinh Quang” của Đức Giê-su, nghĩa là bày tỏ căn tính Con Thiên Chúa và Ngôi Lời Thiên Chúa của Người. Xin cho chúng ta cũng nhận ra dấu lạ “nước hóa rượu”, Chúa thực hiện nơi cuộc đời chúng ta, khi ban cho chúng ta đức tin và mời gọi chúng ta đi theo Người trong đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến, để làm chứng về lòng thương xót và “vinh quang” của Người.

Lời trách của ông quản tiệc đối với tân lang: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (c. 10) cho phép chúng ta nhận ra rằng, lúc này Đức Giêsu mới là « Tân Lang » thật, trong mức độ chính Người ban rượu ngon dư tràn. Thực vậy, Đức Giêsu mới là Tân Lang của một tiệc cưới mới, niềm vui mới, sự sống mới (nơi không còn dựng vợ gả chồng) và tương quan mới (vì nghe và sống Lời Thiên Chúa).

* * *

Chúng ta cũng cần chú ý, Đức Maria vẫn không rời Đức Giêsu trong thời gian sứ vụ công khai của Ngài (c. 2 và 12). Các Tin Mừng hầu như không nói gì về Đức Maria trong cuộc đời công khai, nhưng rõ ràng Đức Maria đi theo Đức Giêsu. Ở đây và một vài dịp khác, và nhất là dưới chân Thập Giá (bài Tin Mừng ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, ngày 15 tháng 09), khi mà các môn đệ bỏ trốn hết.

Nhưng tương quan giữa hai Mẹ Con từ từ được biến đổi cách sâu xa, như chính Đức Giê-su sẽ tuyên bố: “Mẹ tôi và anh chị em của tôi là những người lắng nghe và sống Lời Chúa”. Điều này thật ra đã được chuần bị từ từ, và biến cố lúc Đức Giêsu mười hai tuổi cho thấy điều đó. Giống như trong đời sống dâng hiến, “từ bỏ” gia đình, không có nghĩa là không còn tương quan với gia đình và những người thân yêu, nhưng để cho Lời Chúa tái tạo thành tương quan mới của Nước Trời. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Giê-su trong đời sống công khai, chúng ta đừng quên chiêm ngắm cách Đức Maria đi theo Đức Giêsu, như Người Mẹ hiền, như “Nữ Tỳ hèn mọn”, như “Người Môn Đệ”, như Người Thân Yêu trong Gia Đình mới Nước Trời.

“Người bảo gì các anh cứ làm theo”.

Đây là lời nói cuối cùng của Đức Maria, không chỉ dành cho những người phục vụ tiệc cưới, nhưng còn cho người môn đệ của Đức Giê-su, nam cũng như nữ, thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, vì đó còn là “Mầu Nhiệm Sự Sáng” thứ hai. Chúng ta hãy suy niệm thật lâu lời này, để hiểu Đức Maria, hiểu tương quan của Đức Maria trong quá khứ và tương lai với Đức Giê-su. Lời này của Mẹ giống với lời của Chúa Cha trong biến cố Biến hình: “Hãy nghe lời Ngài”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon