Mùa Vọng – Mùa hướng về trung tâm điểm của Đời Người ( Thuyết trình )

0

TẬP VIỆN THUYẾT TRÌNH
ĐỀ TÀI: MÙA VỌNG – MÙA HƯỚNG VỀ TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA ĐỜI NGƯỜI

I. SINH HOẠT – CHÀO MỪNG:

II. GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH:

III. THUYẾT TRÌNH

1. TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA ĐỜI NGƯỜI:

a. Quan niệm “Trung tâm điểm của đời người” trong xã hội ngày nay:

Kính thưa gia đình, rảo mắt một vòng nhìn xã hội xung quanh, với một chút suy tư, chúng ta dễ dàng nhận ra đâu là những trung tâm điểm mà con người, gián tiếp hay trực tiếp, đã tự đặt ra cho chính mình ngày hôm nay. Đó là tiền bạc, là danh vọng và hưởng thụ, là một chủ nghĩa nhất định nào đó, và nhất là sống quan niệm cá nhân chủ nghĩa. Bằng mọi giá đặt chính bản thân mình là trung tâm – nên tôn thờ cái tôi– phóng đại tô màu khiến cái tôi đó thành cái rốn của vũ trụ, thành to lớn làm khuất lấp mọi sự. Và hiện có rất nhiều người đang liều mình vì những cái trung tâm điểm giả tạo đó.

121A

Nếu là người yêu môn đua xe đạp chắc hẳn sẽ không thể không biết đến vận động viên Lance Armstrong – người đã được Liên minh báo chí Hoa Kỳ bầu chọn là nam vận động viên xuất sắc nhất của các năm, từ 2002 đến 2005. Anh còn được hãng BBC bầu chọn là “Người nước ngoài nổi tiếng nhất” vào năm 2003.  Người hâm mộ toàn thế giới biết đến anh như một hình mẫu chuẩn mực về một vận động viên thể thao phi thường. Khi anh đã vượt qua căn bệnh ung thư vào năm 1996 để giành chiến thắng tại các cuộc đua xe đạp danh giá nhất hành tinh – giữa lúc sự sống đối với anh chỉ còn 20% hy vọng, bởi căn bệnh đã lây lan đến phổi, bụng và não. Tính đến năm 2011, anh đã nhận được 7 chiếc cup Tour de France. Câu chuyện về nghị lực của Lance Armstrong đã thu hút được một đội quân hâm mộ và kéo theo đó là một loạt các hợp đồng tài trợ béo bở với các tập đoàn lớn như Nike hay nhà máy bia Anheuser – Busch. Anh đã thành lập Tổ chức Livestrong vào năm 1997 nhằm hỗ trợ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Anh đang ở đỉnh cao của thành công với danh vọng và tiền tài.

Người ta hay ví cuộc đời mỗi con người giống như một trang sách nhưng với Lance Armstrong, chúng ta có thể ví cuộc đời anh với một đồ thị hình sin. Từ trên đỉnh dương của đồ thị ấy, cua-rơ áo vàng xuống dốc không phanh khi Ủy ban chống doping Mỹ (USADA) cáo buộc anh đã sử dụng doping -một chất kích thích bị cấm dùng trong thể thao. Với bản cáo trạng dài 1000 trang liệt kê chi tiết từng người, từng hoạt động dính đến nghi án doping của Armstrong và lời chứng của 26 người, gồm 11 đồng đội cũ của anh tại đội Bưu điện Mỹ – khẳng định cua-rơ này đã sử dụng doping một cách chuyên nghiệp, tinh vi và thành công nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) đã xác nhận thông tin này và ra quyết định cấm Lance Armstrong thi đấu suốt đời cũng như tước hết 7 chức vô địch Tour de France vì sử dụng doping. Sau khi bị Ủy ban chống doping Mỹ (USADA) và Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) trừng phạt, Armstrong đã bị tước hết các danh hiệu đồng thời mất đi những khoản tiền rất lớn khi các nhà tài trợ bỏ rơi Amstrong khi vụ bê bối của anh bị phanh phui.

Như Armstrong, vào nhiều thời điểm, chúng ta cũng vì một mục tiêu hay một địa vị cao sang nào đó, mà dốc hết toàn tâm toàn lực, thậm chí có thể đánh mất cả tuổi thanh xuân, đánh đổi rất nhiều thứ quý giá để đạt cho bằng được. Nhưng khi đạt được rồi, nhìn lại, rất nhiều người lại tự hỏi: “Những nỗ lực của tôi cho mục tiêu hão huyền ấy có đáng giá hay không”. Trên thế giới này còn vô vàn Armstrong như thế. Họ sống như thể thế giới sẽ vô tận và họ không bao giờ phải chết. Họ sống như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc, danh vọng trần thế. Họ bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại. Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi trung tâm điểm đích thực của đời người không phải là những “danh, lợi, thú” mau qua chóng hết này.

Vậy chung cuộc, con người phải dùng cả cuộc sống mình để theo đuổi điều gì? Và đâu là trung tâm điểm đích thực mà con người phải hướng tới?

b. Trung tâm điểm của cuộc đời người Ki-tô hữu.

Kính thưa gia đình, là Ki-tô hữu, chúng ta tin rằng: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại chúng ta đang sống và thế giới tương lai chúng ta hướng về. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Nơi thế gian này, Thiên Chúa làm chủ lịch sử. Thế giới hiện tại tuy tươi đẹp nhưng nó sẽ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Vạn vật trên đời đều có khởi đầu và có kết thúc, không có gì là trường tồn, như tác giả sách Giảng viên có viết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3,1). Con người có sinh có tử. Đó là định luật của muôn đời.

Theo sử sách, thành phố Pompeii là một thành phố cổ, có lịch sử lâu đời, gồm 10 bộ lạc lớn có tên Aus cùng nhau xây dựng. Thành phố này nằm ở phía Tây Nam nước Italia, dưới chân núi lửa Vesuvius. Đến năm 79 TCN, Pompei đã trở thành câu lạc bộ của những người giàu. Tầng lớp quý tộc đại gia kéo nhau đến đây tìm lạc thú, bởi vậy Pompeii đã trở thành một Thủ đô Tửu Sắc.

Vào năm 62 TCN, xảy ra một trận động đất cực mạnh tàn phá thành phố Pompeii khiến nhiều công trình kiến trúc bị đổ nát. Ngay sau trận động đất, người Pompeii tiếp tục bắt tay vào xây dựng lại, thậm chí họ còn muốn xây dựng một thành phố mới hoành tráng, tiện nghi, hào hoa hơn trước với số dân lên đến 25 000 nhân khẩu..

Nhưng Pompeii mới chưa kịp phục hồi thì ngày 24 tháng 8 năm 79 TCN, ngọn núi lửa Vesuvius lại bất ngờ phun nham thạch. Tuy phần lớn chạy thoát những vẫn có hơn 2000 người bị vùi dưới tro bụi và dung nham của núi lửa. Sau khi núi lửa ngừng hoạt động, một số người sống sót đã quay trở lại thành cổ dưới chân núi Vesuvius để tìm kiếm tài sản khi tháo chạy không kịp mang theo; nhưng họ đã không tìm thấy một thứ gì. Cùng với dòng chảy của thời gian, mọi người dần quên lãng thành phố Pompeii và thành phố cũng mất tích từ đó.

Đấy là chuyện của ngày xưa. Trở về với hiện tại, thực trạng của miền Trung quê ta thì sao? Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 16/10/2016, mưa lũ tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã có 15 người chết, 9 người mất tích, 18 người bị thương. Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập, 98.215 nhà hiện còn ngập, 1.598 ha diện tích lúa và 9.143 ha hoa màu bị chìm ngập trong nước. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông…(Theo BNEWS.VN)

Nhìn vào những gì đang diễn ra chúng ta rút ra được một kết luận: Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi mà cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất cũng không qua khỏi định luật tất yếu của thời gian.Trên thế gian này chẳng có gì an toàn, chẳng có gì trường cửu. Tất cả đều mong manh, kể cả kiếp người cũng mỏng dòn như loài hoa cỏ, nay còn mai mất, như lời thánh vịnh:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Thắm tươi như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở còn không biết mình.
Và khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu

Nghĩ đến cuộc sống trần gian nay còn mai mất con liên tưởng đến hình ảnh thánh Phêrô khi biết Chúa Giêsu đang đi trên mặt biển về phía mình, ngài đã xin Chúa được đi trên mặt nước đến với Chúa. Chúa Giêsu bảo: “Cứ đến!”. Hân hoan đi trên mặt biển hồ đến với Thầy, ông hoàn toàn hướng về một điểm nhắm là Chúa Giêsu nên ông đi ngon lành nhưng khi ông tập trung vào con người ông, nghĩ rằng mình thật giỏi, một chút kiêu ngạo len lỏi vào tâm trí ông –  Phêrô quên mất Chúa và ngay lúc đó ông mất định hướng và bị chìm xuống. Bừng tỉnh dậy, ông hốt hoảng và kêu lớn: “Thưa Thầy, xin cứu con với!”. Đáp lại lời ông, Chúa đã đưa tay ra và nắm lấy Phê-rô, kéo ông ra khỏi thế lực của thần dữ, không để biển sâu “nuốt chửng” ông.

Như thánh Phêrô, trung tâm điểm mà mỗi Kitô hữu cần hướng tới chính là Thiên Chúa, Ngài chính là nguồn sống đích thực, là Trung Tâm Điểm duy nhất, nơi chúng ta phát xuất và cũng là nơi chúng ta sẽ trở về.

Trong một thế giới tập trung quá nhiều vào tiện nghi vật chất, con người dễ bị đắm chìm trong những lạc thú vô luân. Họ dễ dàng quên đi chính Chúa là Tâm Điểm duy nhất và nguồn cùng đích cho con người hướng đến. Khi người ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ thì thế lực sự dữ sẽ làm chủ trên cuộc sống của họ. Chúng ta là những Ki-tô hữu, hơn nữa là tu sĩ, chúng ta phải sống thế nào để có thể giúp con người ra khỏi một thế giới hư ảo của đam mê và hưởng thục. Làm thế nào chúng ta minh chứng cho thế gian biết rằng chính Chúa Giê-su là trung tâm điểm duy nhất của lịch sử nhân loại, và lịch sử của cuộc đời mỗi người chúng ta. Chỉ có Ngài mới thực sự là đường, là sự thật và là sự sống dẫn chúng ta về nguồn sống đích thực của CHÂN – THIỆN – MỸ.

2. HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO ?

1. Hướng về Thiên Chúa với niềm hy vọng:

Vâng cuộc đời con người là một hành trình chờ Chúa đến, như mười cô trinh nữ kia. Sẵn sàng đèn dầu hay không là tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta. Vậy để đón chờ Chúa đến ta phải có thái độ như thế nào? Con xin trình bày phần tiếp theo của bài thuyết trình:

121B

Vẫn biết rằng để cuộc đời chúng ta phát triển phong phú và viên mãn, để chúng ta tìm được đích điểm cuối cùng, chúng ta phải hướng về Thiên Chúa. Nhưng hướng về bằng cách nào? Có một thực tế đau lòng đó là dù là tạo vật thượng đỉnh có lý trí, tình yêu và tự do. Nhưng so với các loài, các vật khác trong các tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, thì con người lại là tạo vật dễ bị hư hỏng, suy sụp nhiều nhất. Một cây cổ thụ có thể vượt bao khó khăn của môi trường, nào là bão tố mưa dông, nào là đất đai sỏi đá, thời tiết khô hạn…để sống tuổi thọ đến 100 năm; một con bê chỉ sau vài tiếng đồng hồ lọt lòng mẹ là có thể gượng đứng lên đi được và thậm chí chạy nhảy được; một vách đá bên bờ biển-suốt nhiều năm tháng chịu sức bào mòn của nắng gió, của sóng, của thủy triều nhưng vách đá coi như vẫn”trơ gan cùng tuế nguyệt”…Tất cả để lại cho cuộc đời những bài học về kiên trì, bền vững nếu muốn sống đẹp, sống tốt trên đời.

Mỏng manh là phận người, nên bị biến dạng, méo mó trước những đa đoan của cuộc sống âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng có một điều căn bản dù cho yếu đuối, ngay cả tội lỗi, chúng ta đừng thất vọng, Đó là, hơn tất cả các thụ tạo, con người mãi mãi vẫn là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương, nâng niu, dìu dắt và âu yếm trao ban ơn cứu độ. Và để khởi đầu cho tình yêu ân sủng ấy Chúa đã đến một lần rồi, vào đêm Giáng sinh lạnh lùng năm ấy. Chúa sẽ lại đến nữa, đến để mang chúng ta về thế giới của Chúa. Và hiện tại,  Chúa đang đến với chúng ta từng ngày từng giờ, từng phút ngay bây giờ, Chúa đang ở trước cánh cửa lòng của ta mong chờ, khắc khoải. Vậy ta hãy nhớ đến Chúa và hãy mở cửa lòng cho Chúa bước vào, để trong Chúa, chúng ta sống trọn đầy niềm hy vọng hồng phúc nơi Đấng đã vì phần rỗi chúng ta mà chấp nhận vào đời, mang thân phận con người để như lời thánh Irênê: Chúa chấp nhận trở nên “người” cho con người được hồng phúc trở nên “Chúa”.

2. Hướng về Thiên Chúa với thái độ tỉnh thức:

Tất cả các bài Tin Mừng của Mùa vọng được gửi đến cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta một mệnh lệnh khẩn cấp nhưng rất quen thuộc, đó là: “ Hãy tỉnh thức”, “ Hãy coi chừng, hãy chú ý, hãy cảnh giác, hãy ngẩng đầu lên”. Tất cả như muốn diễn tả một thái độ tỉnh thức.

Vậy tỉnh thức là gì ? Trong bài suy niệm của mình, Linh mục Nguyễn Cao Siêu- Dòng Tên có viết như sau : “Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa đến với đèn sáng trong tay. Tỉnh thức là trung tín chu toàn cả những điều bé nhỏ. Tỉnh thức là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao. Tỉnh thức đi đôi với cầu nguyện. Nhưng tại sao ta phải tỉnh thức ? Xin thưa, bởi vì Ngày Chúa đến thật bất ngờ, Chúa đến như kẻ trộm lẻn vào nhà lúc canh khuya, khiến chúng ta không thể biết được ngày nào giờ nào”.

Đi vào đời sống thực tế, đôi lúc từ “tỉnh thức” cho chúng ta cảm giác thật xa xôi. Tôi mới là 1 Thỉnh sinh, tôi mới là 1 Tập sinh, có nghĩa là tôi đang còn trẻ lắm. Và nếu như có ai đó hỏi bạn: Cái chết sẽ đến thế nào? Chúng ta dễ dàng trả lời không ngần ngại: Cái chết có thể đến bất ngờ. Nhưng dường như đó chỉ là câu trả lời trên sách vở, trên môi miệng, trên lý thuyết, còn trên thực tế, câu trả lời đó chỉ có giá trị bằng một cuộc đời có chuẩn bị nhưng điều này không phải ai cũng làm được. Ví dụ như ở quê con, có một gia đình rất giàu có, nhà ở cây số 136. Nhà có một cây xăng lớn, lại có khoảng 200 con bò và rất nhiều đất đai. Hằng ngày, ông chồng lái xe hơi đi uống café với bạn bè và đối tác. Ông làm việc với những người cấp cao. Vườn tược nhà ông đã có vợ và người làm thuê coi sóc, con cái của ông ai cũng giỏi giang và thành đạt. Thế rồi vào 1 ngày kia, con nghe ông đã bị đột quỵ và chết trong một khách sạn, khi đang vui thú với cô bồ nhí của mình. Một cái chết nhục nhã không một mảnh áo trên người. Ông để lại cho gia đình 1 tài sản kếch xù cùng với một nỗi nhục lớn. Vợ con ông vừa đau khổ và nhục nhã với hàng xóm láng giềng trước cái chết xem ra bất hạnh của ông. Người ta bảo ông giàu có mà xấu nết. Có lẽ ông chẳng bao giờ nghĩ ngày giờ kết thúc cuộc sống của mình lại xảy ra nhanh đến thế! Ông cứ ngủ vùi trong đam mê lạc thú, trong hưởng thụ vô luân. Thật bất hạnh cho ông, vì giờ Chúa đến ngay lúc ông đang làm điều mất lòng người.

Một trường hợp khác, con có một người bạn cùng lớp, bằng tuổi con, chúng con cùng chơi với nhau trong một nhóm. Học xong lớp 12, ngày con đi tu thì bạn ấy bước xuống cuộc đời, tập tành với nghề làm tóc. Vào Dòng được năm thứ ba, con nghe tin bạn ấy chết trong một cơn nhồi máu cơ tim. Với tuổi đời còn rất trẻ, mới tròn 21 tuổi. Bạn ấy để lại người chồng trẻ với đứa con côi cút chưa được 9 tháng. Đến nay con đã 23, còn bạn ấy, có lẽ mộ phần của bạn đã phải cạo rêu xanh đến mấy lần.

Cuộc sống con người thật mau qua chóng hết, với nhiều bất ngờ gây kinh ngạc. Thực ra, chẳng ai biết được ngày giờ của mình, vì Chúa đã căn dặn: “ngày đó thình lình đến với chúng con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người trên trái đất” ( Lc 21,34). Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây mê. Cuộc sống quá khó khăn hay quá tiện nghi đều làm chúng ta mất thái độ tỉnh thức. Chúa đã đến lần thứ nhất trong thân phận con người âm thầm, yếu đuối và không được ai biết đến. Ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để minh xét thế gian. Để đòi công bình cho những ai vì Chúa, vì sự công chính mà chịu thiệt thòi, mất mát! Cuộc đời con người thật mỏng manh và chóng qua!

Trong cuốn “Chân lý đời đời”, thánh Anphonso có viết : “Số phận con người thật là khổ. Dù giàu có hay nghèo hèn đều chung 1 số phận như nhau. Vừa tắt hơi, linh hồn liền ra khỏi xác mà vào kiếp đời đời, bỏ xác nằm đó chờ rữa tan” thân xác sẽ thối tha, mục nát, giòi bọ rúc rỉa, chúng bò ngang, bò dọc từng lớp như lời ngôn sứ Isaia: “ Bên dưới thân ngươi trải nệm là đàn giòi và cẩm bào là lớp bọ” (Is 14,11). Quả thực sau khi chết thân xác ta đâu khác chi một con vật, còn linh hồn thì phải ra trước mặt Chúa để chịu phán xét. Kinh qua cuộc sống, các bậc hiện nhân thường bảo: Cuộc đời là một cuộc hành hương về Nước Trời nên cuộc đời cũng là thời gian ân phúc vô giá, nơi đó Chúa nhân từ cho ta nhiều cơ hội làm cho mình trở nên có giá trị, trở nên những viên kim cương vô giá của Nước Trời, trở nên những vị thánh. Nhưng cũng cuộc đời đó có thể biến ta thành một viên đá sỏi tầm thường vô dụng hay một viên đá sắc nhọn gây thương đau cho kẻ khác tất cả tùy thuộc vào tự do lựa chọn của ta. Vì thế tỉnh thức chọn lựa là thái độ vô cùng cần thiết.

Mỗi Ki-tô hữu đã được mời gọi sống tỉnh thức, thì một nữ tu- người bạn nghĩa thiết của Chúa, người có bổn phận đánh thức thế giới, còn đòi hỏi phải sống tỉnh thức nhiều hơn nữa. Trong cuốn sách Chị nữ tu- đời sống hằng ngày, có viết: “Chị nữ tu, một thiếu nữ bỏ thế gian, bỏ của cải, bỏ xác thịt, bỏ ý muốn riêng để xin nhận Chúa làm gia nghiệp, làm bạn trăm năm của mình”. Ngày Chúa đến, Chúa sẽ phán xét ta về những điều ấy. Nếu Chúa thấy ta đang chọn thế gian: danh, lợi, lạc thú; đang chọn xác thịt, sự ươn lười; đang chọn ý riêng thì thật bất hạnh cho ta. Ta mất cả đời này lẫn đời sau. Khi ấy cả triều thần thiên quốc cũng phải khóc than rằng: “Ôi! Bạn trăm năm, người được chọn gọi, được yêu thương, được dọn sẵn chỗ trên thiên quốc nhưng chỉ vì sống chưa tỉnh thức, sống bội bạc và hất bỏ ân sủng và tình yêu của chúa nên đã mất linh hồn, thật đáng tiếc và đáng buồn. Vậy để đời nữ tu của ta không trở nên vô ích, chúng ta hãy tỉnh thức, hãy trở về với Chúa ngay trong Mùa vọng ngay trong năm nay, ngay từ giây phút này. Hãy noi gương thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giê-su đừng để một bông hoa nhỏ hi sinh nào qua đi mà không hái tặng Chúa Giê-su, đừng để một giây phút, 1 công việc nào qua đi mà chúng ta quên không hướng về tâm điểm của đời mình là Chúa Giê-su.

Con xin mượn lời thơ của Thánh vinh 89 mong diễn tả được niềm vui của con đối với kiếp sống cỏ hoa của loài người để kết thúc bài thuyết trình của con:

“Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !” (c.4)

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi. (Tv89,10)

“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (c.2)

Để rồi từ đó mỗi ngày, khi thức dậy trong hân hoan tín thắc và tin tưởng con dâng lời nguyện xin:

“Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (c.14)

Tập Sinh – 2016

Comments are closed.

phone-icon