Ở đời người ta vẫn khuyên nhau đừng bao giờ tự hào mình “Là số một, là nhất, là tất cả”… Hãy biết sống khiêm tốn, biết nhìn nhận sự bất toàn của mình mới mong sống hạnh phúc, vui vẻ với những người chung quanh. Nhưng thực tế, mỗi ngày chúng ta đi làm, đi học, đi chơi đâu đâu cũng thấy “Ma cũ thì bắt nạt ma mới”, “chó chê mèo lắm lông”, “công lại khoe đuôi dài hơn gà”… Ôi thôi, tóm lại ai ai trong chúng ta cũng đang mắc và gặp phải tình cảnh quá đề cao mình mà sinh muôn điều thị phi.
Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.
“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.
Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”
Người chồng đáp: “Không đâu em!Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
Thực ra mỗi người trong chúng ta, có thể cũng đã từng giống như cô vợ trong câu chuyện trên. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ từ chính tâm địa xấu của mình cộng với thành kiến và những kinh nghiệm thương đau bản thân. Chúng ta dễ phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là “lỗi lầm của người khác”.
Cha ông ta có lời khuyên rất thấm thía rằng “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Quả vậy, trước khi chỉ trích hay phán xét một ai đó, hãy học cách dừng lại và cho mình một ‘khoảng lặng’, một sự bình hòa.
Trước khi một ý nghĩ phán xét bắt đầu nổi lên, hãy học cách dừng lại và đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Phải chăng họ có lý do nào đó khi phải làm như vậy?”, “Mình đã có khi nào cũng sai lầm như vậy chưa?”…
Hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta hãy tự xét lỗi chính bản thân mình trước khi nghĩ đến cái sai của người khác. Thường thì ta dễ thấy những lầm lỗi của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất nhỏ. Còn những lầm lỗi của chính mình thì dường như lại không thấy, cho dù rất lớn. Nếu một tập thể hay một gia đình mà trong đó ai cũng đều có tính nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất khó chịu. Khi chỉ thấy lỗi của người khác, thì mình sẽ dễ dàng trách móc, bực bội, hờn giận người khác, và sẽ thấy thật đau khổ khi phải sống chung với những người ấy.
Rất nhiều lần chúng ta cũng có khuynh hướng kết tội người khác mà quên mình cũng đầy yếu đuối. Nếu chúng ta không ý thức và phản tỉnh, hay nói theo từ của Tin Mừng là không «tỉnh thức», thì chúng ta khó lòng thoát khỏi tật xấu đó. Rất có thể ta đang có tật đó mà không biết, chúng ta cần tự xét lại lương tâm mình để phản tình và ý thức hơn trong lời nói. Ước gì chúng ta biết nhận ra những lầm lỗi của mình, chứ không phải thấy lỗi của người khác. Thấy cái xấu của mình mà sửa mà canh tân. Xin đừng để ý chuyện người và đừng kết án khi mình chưa biết rõ về họ cũng như những nguyên nhân đang xảy ra. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền