Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXVII: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không“ (Mt 10,8)

0

Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXVII: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8)

Anh chị em thân mến!

Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8). Đó là những lời mà Chúa Giê-su đã nói với các Tông Đồ khi Ngài sai các ông đi loan báo Tin Mừng, để Triều Đại Ngài được khuếch trương nhờ vào những cử chỉ Đức Ái hào hiệp.

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 27 sẽ được cử hành cách long trọng vào ngày 11 tháng 02 năm 2019 tại Calcutta, Ấn-độ, với tư cách là Mẹ, Giáo hội nhắc nhớ con cái mình, đặc biệt là các bệnh nhân rằng, những cử chỉ trao hiến được chia sẻ cách nhưng không, giống như cử chỉ của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, chính là con đường đáng tin cậy nhất của việc loan báo Tin Mừng. Việc chăm sóc bệnh nhân cần tới sự chuyên nghiệp và sự ân cần, cũng như cần tới những cử chỉ hồn nhiên và giản dị, mà chúng được cho đi cách nhưng không, chẳng hạn như một cử chỉ vỗ về mà qua đó người ta làm cho người khác cảm nhận được rằng, mình “hoàn toàn có giá trị”.

Sự sống là một ân lộc của Thiên Chúa; Thánh Phao-lô nhắc nhớ rằng: “Điều mà anh em đang có, phải chăng không phải là do anh em đã lãnh nhận?” (1Cor 4,7). Và vì đó là một ân lộc, nên sự sống của chúng ta không được phép bị coi là một tài sản thuần túy hay một tài sản riêng, kể cả khi nó là thành quả của y khoa hay của công nghệ sinh học mà chúng có thể xui khiến con người sa vào cơn cám dỗ muốn sản xuất “cây sự sống” (xc. St 3,24).

Khi phải đối diện với nền văn hóa vứt bỏ và thờ ơ lãnh đạm, Cha muốn đặc biệt nhấn mạnh rằng, ân sủng phải là kiểu mẫu mà nó có thể thách thức chủ nghĩa cá nhân và sự phân tán của xã hội ngày nay để thúc đẩy những mối tương quan mới và những hình thức hợp tác mới giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Với tư cách là điều kiện tiên quyết để đi tới với ân sủng, sự đối thoại sẽ mở ra những cánh đồng tương quan cho sự phát triển và lớn mạnh của nhân loại, mà sự phát triển và lớn mạnh ấy sẽ có thể phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống của việc thi hành quyền bính trong xã hội. Ân sủng không đồng nhất với hành vi trao tặng, vì người ta sẽ chỉ nhắc tới nó, khi mà ở đây, người ta trao hiến chính bản thân mình; ân sủng không được phép bị giới hạn vào việc chuyển giao thuần túy một tài sản hay một đồ vật nào đó. Vì thế, ân sủng cũng khác với sự trao tặng một cách đơn giản, vì người ta trao hiến bản thân mình trong ân sủng, và ân sủng giả thiết một ý muốn bước vào trong mối tương quan. Vì thế, trước tiên ân sủng chính là một sự nhìn nhận lẫn nhau, mà về phía mình, sự nhìn nhận ấy chính là điểm đặc trưng không thể thiếu của mối liên kết xã hội. Trong ân sủng, chúng ta nhận ra ánh phản chiếu của Tình Yêu Thiên Chúa, mà Tình Yêu ấy đạt tới cao điểm của nó trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa cũng như trong sự tuôn đổ Thánh Thần.

Bất cứ ai cũng đều nghèo túng, thiếu thốn và đầy khổ đau. Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta cần tới sự chăm sóc của cha mẹ để sống, và không có bất cứ một giai đoạn nào trong cuộc sống mà chúng ta thành công trong việc hoàn toàn giải phóng mình khỏi việc cần tới người khác, và đặc biệt là cần tới sự giúp đỡ của họ. Không có bất cứ người nào thành công trong việc hoàn toàn thoát ra khỏi những mối liên hệ của sự bất lực đối với một con người hay một hoàn cảnh. Đó cũng là một trạng huống mà nó cho thấy chúng ta chỉ là “thụ tạo”. Việc thừa nhận sự thật một cách chân thành sẽ giúp chúng ta tiếp tục khiêm nhượng, và can đảm thực hiện tình liên đới với tư cách là một đức hạnh thiết yếu của cuộc sống.

Niềm ý thức đó sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện hành vi có trách nhiệm, và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nhờ vào một sự thiện mà nó không thể tách rời cá nhân cũng như xã hội. Chỉ khi con người không coi mình là một thế giới độc lập, nhưng như là một hữu thể mà tự bản chất của mình, nó được liên kết với tất cả những người khác, mà nguyên thủy, người ấy tiếp nhận họ với tư cách là „những người anh chị em“, thì những hành vi liên đới và hướng về phúc lợi chung, sẽ trở nên có thể. Chúng ta đừng sợ thú nhận rằng, chúng ta là những người thiếu thốn và không có khả năng tự kiếm cho mình tất cả những gì chúng ta cần. Vì duy một mình chúng ta và chỉ nhờ vào sức riêng chúng ta thôi, thì chúng ta không thể vượt qua được tất cả mọi giới hạn. Chúng ta đừng sợ hãi trước sự hiểu biết đó; chính Thiên Chúa đã hạ mình xuống trong Chúa Giê-su (xc. Phil 2,8) và Ngài đã cúi mình xuống với chúng ta cũng như trên sự nghèo hèn của chúng ta để giúp chúng ta, và tặng ban cho chúng ta tất cả những gì mà chỉ một mình chúng ta thôi, chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới được.

Nhân dịp Ngày Quốc Tế được cử hành trọng thể tại Ấn-độ, với tất cả niềm vui và sự khâm phục, Cha muốn nhắc tới Mẹ Tê-rê-sa Calcutta như là một mẫu gương của Lòng Nhân Hậu mà nó làm cho Tình Yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với những người nghèo và các bệnh nhân. Như Cha đã nói trong lúc Tôn Phong Hiển Thánh cho Mẹ rằng: “Trong toàn bộ cuộc đời mình, Mẹ chính là một Nữ Thừa Tác Viên quảng đại ban phát Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, bằng cách là Mẹ hiện diện ở đó cho tất cả, thông qua sự đón nhận và bảo vệ sự sống con người – cả những sự sống chưa được sinh ra lẫn những sự sống bị bỏ rơi và bị loại trừ. […] Mẹ cúi mình xuống trên những con người kiệt lực mà người ta để họ sống dở chết dở bên những vệ đường, vì Mẹ nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ nâng cao giọng nói của họ trước những kẻ nắm giữ quyền lực thế giới để họ nhận ra những lỗi lầm của mình khi chứng kiến những tội ác […] và sự nghèo túng mà chính họ đã gây ra. Đối với Mẹ, Lòng Nhân Hậu chính là “muối” mà nó đem lại hương vị cho bất cứ công việc nào của Mẹ, là “ánh sáng” soi sáng cho sự tăm tối của những con người chưa hề có lấy một giọt nước mắt để khóc cho sự nghèo hèn và đau khổ của mình. Sứ mạng của Mẹ tại những vùng ngoại vi của các thành phố và tại những vùng ngoại vi của cuộc sống vẫn là một chứng tá hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người nghèo nhất trong số những người nghèo của thời đại chúng ta” (Bài giảng ngày 04.09.2016).

Mẹ Thánh Tê-rê-sa giúp chúng ta hiểu rằng, một số tiêu chuẩn hành động phải là Tình Yêu nhưng không đối với tất cả, mà không hề bận tâm tới ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẫu gương của Mẹ vẫn đang còn hướng dẫn chúng ta để chúng ta mở ra một đường chân trời mới của niềm vui và niềm hy vọng cho nhân loại đang cần tới sự đồng cảm và sự trìu mến, nhưng trước tiên là cho những người khổ đau.

Tính nhưng không nơi hành vi của con người chính là lực đẩy đối với các tình nguyện viên mà họ rất quan trọng trong lãnh vực xã hội và y tế, cũng như đang sống theo linh đạo của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu trong một cách thế anh hùng. Cha xin cám ơn tất cả các tổ chức thiện nguyện đang chăm lo cho việc chuyên chở các bệnh nhân và công tác cứu hộ, cũng như chăm lo cho sự hiến máu, hiến mô cũng như hiến các cơ quan khác, và Cha xin khuyến khích họ hãy tiếp tục như thế. Một lãnh vực đặc biệt mà trong đó sự hiện diện của anh chị em diễn tả mối quan tâm của Giáo hội, chính là sự bảo vệ quyền lợi của các bệnh nhân, đặc biệt là của những người  đang phải khổ đau vì những chứng bệnh thể lý, hay đang cần tới những sự chăm sóc đặc biệt. Xin đừng quên rằng, đó cũng là lãnh vực làm tăng sức đề kháng và phòng ngừa. Việc tình nguyện phục vụ của anh chị em trong các bệnh viện và những chăm sóc tại gia đình mà chúng trải dài từ việc chăm sóc thể lý cho tới việc trợ giúp tinh thần, có một tầm quan trọng đặc biệt. Điều đó đem đến lợi ích cho nhiều bệnh nhân, cho những người cô đơn và những cụ già, kể cả cho những người có những vấn đề về tâm lý và sự đi lại. Cha kêu gọi anh chị em, hãy tiếp tục trở thành những dấu chỉ cho sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới tục hóa này. Người tự nguyện giúp đỡ chính là một người bạn vô vị lợi mà người ta có thể trao phó cho họ cả những cảm nghĩ của mình; nhờ vào việc lắng nghe, người ấy sẽ giúp các bệnh nhân đi từ chỗ là một người tiếp nhận sự chăm sóc cách thụ động trở thành một tham dự viên đầy tích cực cũng như một nhân vật chủ chốt trong một mối tương quan hỗ tương, tái tiếp nhận niềm hy vọng và tiếp nhận sự điều trị đối với một quan điểm tích cực. Thời gian thực tập sẽ chuyển giao những giá trị, những cách thức hành xử cũng như phong cách sống, mà trung tâm điểm của chúng chính là lực đẩy của sự trao ban. Như thế, sự chăm sóc cũng sẽ mang một dung mạo nhân linh hơn.

Chiều kích nhưng không sẽ truyền cảm hứng cách đặc biệt cho các tổ chức chăm sóc Công giáo, vì thái độ của Tin Mừng sẽ huấn dậy hành vi của họ, cả trong những khu vực đã phát triển cao lẫn trong những khu vực vẫn còn đang bị coi thường của thế giới. Các tổ chức chăm sóc Công giáo nên thể hiện ý nghĩa của ân sủng, của sự nhưng không và của tình liên đới như là câu trả lời cho lô-gích lợi nhuận bằng mọi giá, cho lô-gích của sự cho đi, của sự đón nhận và của sự bóc lột cách tàn nhẫn.

Cha kêu gọi anh chị em hãy thúc đẩy nền văn hóa nhưng không và trao tặng trên mọi bình diện khác nhau, mà nó rất cần thiết để thắng vượt lối suy nghĩ vì lợi nhuận và nền văn hóa vứt bỏ. Các tổ chức chăm sóc Công giáo không được phép sa vào lối suy nghĩ của ngành sản xuất xí nghiệp, nhưng phải đặt sự chăm sóc con người cao hơn công trạng. Chúng ta biết rằng, sức khỏe rất tương đối, nó phụ thuộc vào các mối tương quan giữa con người với nhau, và cần tới sự tin tưởng, tình bạn và tình liên đới. Nó là một sự thiện mà người ta chỉ có thể “hoàn toàn” nếm hưởng nó khi người ta chia sẻ nó. Niềm vui về việc trao tặng cách nhưng không, chính là nét đặc trung nơi sự lành mạnh của người Ki-tô hữu.

Cha xin trao phó tất cả anh chị em cho Đức Maria, cho sự chữa lành các bệnh nhân – Salus infirmorum. Ước gì Mẹ sẽ giúp chúng ta biết chia sẻ với nhau những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận trong tinh thần đối thoại và đón nhận lẫn nhau, cũng như biết sống với tư cách là những người anh chị em, và tôn trọng những nhu cầu của người khác, cho đi từ một tấm lòng quảng đại, và học biết niềm vui trong sự phục vụ vô vị lợi. Với mối thiện cảm to lớn, Cha xin bảo đảm với tất cả anh chị em về sự gần gũi của Cha trong lời cầu nguyện, và với tất cả tấm lòng, Cha xin ban phép Lành Tông Tòa cho tất cả anh chị em.

Từ Vatican, ngày 25 tháng 11 năm 2018

Nhân dịp Đại Lễ Kính Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ

(Công bố ngày mồng 08 tháng Giêng năm 2019)

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon