Trong Thánh Lễ bế mạc WYD, Đức Thánh Cha nói với người trẻ hãy chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của họ, và nhớ rằng họ không phải là ‘tương lai,’ nhưng là ‘hiện tại’
Nhắc nhớ rằng Thiên Chúa và sứ mạng của Người không phải là ‘tạm thời,’ và cũng chẳng phải ‘những mốt nhất thời’, nhưng là ‘cuộc sống của chúng ta’
27 tháng Một, 2019 19:44
Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các bạn trẻ ở Panama hãy chọn Chúa làm gia nghiệp của họ, và nhắc họ nhớ rằng họ không phải là ‘tương lai,’ nhưng là ‘hiện tại.’
Ngài nói điều đó trong Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ XXXIV ở Panama, trong ngày cuối cùng của chuyến Tông Du của ngài đến đất nước này để mừng Ngày Giới trẻ Thế giới 2019, từ ngày 22 đến 27 tháng Một năm 2019, và tại đây thông báo chính thức cho biết Lisbon, Bồ Đào nha, sẽ là chủ nhà của WYD tiếp theo vào năm 2022.
Ngài nhắc nhở họ rằng bước theo Chúa, là Đấng vô cùng yêu thương họ, sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và cho phép người trẻ đạt được những giấc mơ mà họ khao khát.
“Các bạn trẻ thân mến, chúng con không phải là tương lai nhưng là hiện tại của Thiên Chúa,” Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Người mời gọi và kêu gọi chúng con trong các cộng đồng và các thành phố hãy tiến bước ra ngoài và đi tìm ông bà của chúng con, những người lớn tuổi; hãy đứng dậy và cùng với họ cất lên tiếng nói và thực hiện giấc mơ mà Chúa đã ấp ủ cho chúng con.”
“Không phải là ngày mai nhưng là ngay bây giờ, vì gia nghiệp của chúng con ở đâu thì tâm hồn của chúng con cũng sẽ ở đó.”
Kêu gọi các bạn trẻ không kháng cự lại những sự đam mê và những ước mơ mà Thiên Chúa đã khơi gợi cho họ, Đức Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cho phép Thiên Chúa làm cho chúng ta biết yêu!”
“Với Chúa Giê-su, không có cái gọi là “thời gian chờ đợi,” nhưng chỉ là một tình yêu thương xót muốn đi vào và chiếm được trái tim của chúng con. Người muốn là gia nghiệp của chúng ta, vì Người không phải là “thời gian chờ đợi,” một quãng thời gian nghỉ trong cuộc đời hay là một mốt nhất thời chóng qua; Người là tình yêu quảng đại mời gọi chúng ta hãy phó thác bản thân cho Người.”
Đức Thánh Cha dòng Tên nhắc nhở rằng Chúa Giê-su là rất cụ thể, gần gũi, là tình yêu đích thực và là niềm vui của ngày hội.
“Thưa anh chị em, Thiên Chúa và sứ mạng của người không phải là một “thời gian chờ đợi” trong cuộc sống của chúng ta, một điều gì đó mang tính tạm thời; nhưng đó là cuộc sống của chúng ta!”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong những ngày này, theo một cách rất đặc biệt, lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria đã “thì thầm như một bản nhạc” nền.
“Mẹ không những vững tin vào Thiên Chúa và những lời hứa của Người sẽ được thực hiện, Mẹ còn vững tin vào chính Thiên Chúa và mạnh dạn nói lời “xin vâng” để dự phần vào ngay hiện tại lúc này của Chúa. Mẹ cảm thấy Mẹ có một sứ mạng; Mẹ yêu và điều đó quyết định tất cả.”
Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:
***
“Ánh mắt của tất cả mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Và Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe’” (Lc 4:20-21). Với những lời này, Tin mừng trình bày sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Nó bắt đầu ngay trong hội đường nơi chứng kiến sự trưởng thành của Ngài; Người ở giữa những người hàng xóm và những người Ngài quen biết, và thậm chí có thể là những “giáo lý viên” dạy Ngài Lề luật lúc còn nhỏ. Đó là một thời khắc quan trọng trong đời của Thầy: một thiếu nhi đã được dạy bảo và lớn lên trong cộng đoàn đó, đã đứng dậy và lên bục giảng để công bố và thực hiện ước mơ của Thiên Chúa. Một câu nói trước đó được công bố như một lời hứa cho tương lai, nhưng bây giờ, trên chính môi miệng của Chúa Giê-su, được phát lên bằng thì hiện tại, vì nó đã trở thành một thực tại: “Hôm nay đã ứng nghiệm”.
Chúa Giê-su mạc khải hiện tại của Thiên Chúa, Đấng đến để gặp gỡ chúng ta và kêu gọi chúng ta cùng thông phần trong cái hiện tại của Ngài để “công bố tin vui cho người nghèo … công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19). Đây là hiện tại của Thiên Chúa. Nó trở thành hiện tại nơi Đức Giê-su: nó có một khuôn mặt, nó trở thành xác thịt. Nó là một tình yêu thương xót không chờ đợi những hoàn cảnh lý tưởng hay hoàn hảo để tỏ lộ, mà nó cũng chẳng cần những lý giải cho sự xuất hiện. Đó là thời gian của Thiên Chúa làm cho mọi hoàn cảnh và nơi chốn đều trở nên phù hợp và thích hợp. Trong Đức Giê-su, tương lai được hứa ban đã bắt đầu và trở thành sự sống. Khi nào? Ngay bây giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đang lắng nghe đều cảm thấy được mời gọi hay kêu gọi. Không phải tất cả mọi người trong làng Na-da-rét đều sẵn sàng tin vào một người mà họ đã biết và nhìn thấy lớn lên, và bây giờ lại mời gọi họ thực hiện một giấc mơ được chờ đợi từ lâu. Không chỉ có thế, nhưng “họ còn nói, ‘Ông không phải là con Giu-se sao?’” (Lc 4:22).
Chuyện tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng tin rằng Chúa có thể là một người cụ thể và bình thường, là gần gũi và thực tế, và thậm chí khó tin rằng Người có thể hiện diện và làm việc thông qua ai đó như một người hàng xóm, bạn bè, người thân. Chúng ta không phải luôn luôn tin rằng Chúa có thể mời gọi chúng ta làm việc và để đôi bàn tay chúng ta cùng lấm bẩn với Ngài theo cách đơn giản và rất cụ thể đó trong Vương quốc của Ngài. Thật khó chấp nhận rằng “tình yêu của Thiên Chúa có thể trở nên cụ thể và hầu như được trải nghiệm trong lịch sử với tất cả những thăng trầm đau khổ và vinh quang của nó” (BENEDICT XVI, Tiếp Kiến chung, 28 tháng Chín, 2005).
Chúng ta cũng thường cư xử như những người hàng xóm ở Nazareth: chúng ta thích một Thiên Chúa xa xôi hơn: đẹp đẽ, tốt lành, quảng đại nhưng xa cách, một Thiên Chúa không gây phiền phức cho chúng ta. Vì một Thiên Chúa gần gũi hàng ngày, là một người bạn và người anh em, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến mọi điều xung quanh, mọi công việc hàng ngày và trên hết là tình huynh đệ. Thiên Chúa không chọn cách tỏ lộ mình như một thiên thần hay theo một cách thật ấn tượng nào đó, nhưng trao tặng cho chúng ta một khuôn mặt huynh đệ và thân thiện, cụ thể và quen thuộc. Thật vậy, “sự tỏ lộ cụ thể của tình yêu này là một trong những đặc tính then chốt trong đời sống của người Kitô hữu” (BENEDICT XVI, Bài giảng, 1 tháng Ba, 2006).
Chúng ta cũng có nguy cơ có thái độ giống như những người làng Na-da-rét. Khi trong cộng đoàn của chúng ta, có người tìm cách sống Tin Mừng một cách cụ thể, thì chúng ta lại bắt đầu thì thầm rằng: “Nhưng mấy đứa thanh niên này, chúng chẳng phải là con của Maria và Giu-se ư? Chúng chẳng phải là anh chị em của nhau ư? và v.v… Chúng lại chẳng phải là mấy đứa trẻ mà chúng ta nhìn thấy lớn lên ở đây sao? Cậu đứng đằng kia kìa, đấy chẳng phải là người thường xuyên làm vỡ cửa sổ bằng trái banh của cậu ta sao? Những gì được sinh ra là lời ngôn sứ và công bố về nước của Thiên Chúa đều bị xem thường và hạ bệ. Những mưu toan xem thường Lời Chúa xảy ra hàng ngày.
Các bạn trẻ thân yêu, chúng con cũng có thể cảm nhận thấy điều này bất cứ khi nào chúng con cho rằng sứ mạng của chúng con, ơn gọi của chúng con, thậm chí là chính cuộc sống của chúng con, là một lời hứa xa vời trong tương lai, chẳng có gì liên quan đến hiện tại.
Dường như tuổi trẻ là một loại phòng chờ, nơi chúng ta ngồi chờ cho đến khi chúng ta được gọi. Và trong “thời gian chờ đợi”, người lớn chúng ta hoặc chính chúng con phát kiến ra một tương lai được đóng niêm phong kín, không hề có hậu quả, nơi mọi thứ đều an toàn, chắc chắn và “được bảo hiểm tốt”. Một hạnh phúc “giả tạo. Như vậy chúng ta “ru ngủ” chúng con, chúng ta làm chúng con tê liệt trong sự im lặng, không hỏi cũng không đặt vấn đề; và trong “thời gian chờ đợi” đó những ước mơ của chúng con bị mất sinh khí của chúng, chúng bắt đầu trở nên phẳng lặng và ảm đạm, nhỏ nhen và ai oán (x. Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá, 25 tháng Ba, 2018). Chỉ vì chúng ta cho rằng, hoặc chúng con nghĩ rằng, hiện tại của chúng con vẫn chưa đến, rằng chúng con còn quá trẻ để can dự vào những ước mơ và làm việc cho tương lai.
Một trong những hoa trái của Thượng Hội đồng vừa qua là sự phong phú đến từ việc có thể gặp gỡ và trên hết là lắng nghe nhau. Sự phong phú của cuộc đối thoại liên thế hệ, sự phong phú của việc trao đổi và giá trị của việc chân nhận rằng chúng ta cần có nhau, rằng chúng ta phải làm việc để tạo ra các kênh và những không gian để khuyến khích mơ ước và làm việc cho ngày mai, bắt đầu ngay từ hôm nay. Và việc này tạo ra một không gian chung, không phải trong sự cô lập, nhưng là sánh bước bên nhau. Một không gian không chỉ đơn giản là sự tình cờ, hoặc do trúng xổ số, nhưng là một không gian mà để có nó chúng con phải chiến đấu.
Các bạn trẻ thân yêu, chúng con không phải là tương lai nhưng là hiện tại của Thiên Chúa. Người mời gọi và kêu gọi chúng con trong các cộng đồng và các thành phố hãy tiến bước ra ngoài và đi tìm ông bà của chúng con, những người lớn tuổi; hãy đứng dậy và cùng với họ cất lên tiếng nói và thực hiện giấc mơ mà Chúa đã ấp ủ cho chúng con. Không phải là ngày mai nhưng là ngay bây giờ, vì gia nghiệp của chúng con ở đâu thì tâm hồn của chúng con cũng sẽ ở đó (x. Mt 6:21). Chúng con yêu mến điều gì thì nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của chúng con, nhưng nó sẽ tác động đến tất cả mọi điều. Nó sẽ là điều khiến chúng con phải bật dậy vào mỗi buổi sáng, là điều giúp chúng con tiếp tục tiến bước trong những lúc mệt mỏi, là điều mở rộng tâm hồn của chúng con và làm chúng con đầy tràn sự kinh ngạc, niềm vui và lòng tri ân. Nhận ra rằng chúng con có một sứ mạng và yêu thương; điều đó sẽ quyết định tất cả (x. PEDRO ARRUPE, S.J., Nada es más práctico). Chúng ta có thể sở hữu mọi thứ, nhưng nếu chúng ta thiếu nhiệt huyết yêu thương, chúng ta sẽ chẳng có gì. Chúng ta hãy cho phép Thiên Chúa làm cho chúng ta biết yêu!
Với Chúa Giê-su, không có cái gọi là “thời gian chờ đợi,” nhưng chỉ là một tình yêu thương xót muốn đi vào và chiếm được trái tim của chúng con. Người muốn là gia nghiệp của chúng ta, vì Người không phải là “thời gian chờ đợi,” một quãng thời gian nghỉ trong cuộc đời hay là một mốt nhất thời chóng qua; Người là tình yêu quảng đại mời gọi chúng ta hãy phó thác bản thân cho Người. Người là tình yêu cụ thể, gần gũi, và đích thực. Người là niềm vui của ngày hội, xuất phát từ sự lựa chọn và dự phần vào một mẻ lưới diệu kỳ của hy vọng và bác ái, của tình đoàn kết và huynh đệ, gạt bỏ đi những ánh mắt bị tê liệt và gây tê liệt phát xuất từ sự sợ hãi và loại bỏ, sự đầu cơ và thao túng.
Thưa anh chị em, Thiên Chúa và sứ mạng của người không phải là một “thời gian chờ đợi” trong cuộc sống của chúng ta, một điều gì đó mang tính tạm thời; nhưng đó là cuộc sống của chúng ta! Trong những ngày này, theo một cách rất đặc biệt, lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria đã “thì thầm như một bản nhạc” nền. Mẹ không những vững tin vào Thiên Chúa và những lời hứa của Người sẽ được thực hiện, Mẹ còn vững tin vào chính Thiên Chúa và mạnh dạn nói lời “xin vâng” để dự phần vào ngay hiện tại lúc này của Chúa. Mẹ cảm thấy Mẹ có một sứ mạng; Mẹ yêu và điều đó quyết định tất cả.
Cũng như trong hội đường ở làng Na-da-rét, một lần nữa Chúa đứng dậy giữa chúng ta là những người bạn và người thân quen của Ngài; Ngài cầm lấy quyển sách thánh và nói với chúng ta “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).
Chúng con có muốn sống tình yêu của mình theo một cách thiết thực không? Ước mong rằng tiếng “thưa vâng” của chúng con tiếp tục là cửa ngõ để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một Lễ Ngũ Tuần mới cho toàn thế giới và cho Giáo hội.
[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Văn bản diễn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]
© Libreria Editrice Vaticana
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2019]