Cầu nguyện và truyền giáo

0


Giáo Hội trong thời đại chúng ta ngày càng ý thức hơn về ơn gọi truyền giáo của mình. Chỉ cần nhắc lại ở đây lời khẳng định của Công đồng Vaticano II: “tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (AG 2), và Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”: “Chúng tôi muốn xác định một lần nữa rằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi người là sứ mệnh chính yếu của Giáo Hội. Ðó là một công việc và là một sứ vụ khẩn trương hơn bao giờ hết trước những đổi thay rộng lớn và sâu xa nơi xã hội hiện đại. Việc rao giảng Tin Mừng thực là một ân huệ và là một ơn gọi xứng hợp với Giáo Hội, với căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng” (EN 14).

Được đổi mới theo tinh thần của công đồng Vaticano II, Giáo Hội đã và đang dấn thân truyền giáo trong những bối cảnh có nhiều vấn đề rất phức tạp luôn xảy ra trong thế giới hôm nay, đó là sự nghèo nàn, đói khổ, bất công, nguy cơ chiến tranh, tham vọng của các quốc gia về chủ quyền, về nền độc lập và bản sắc văn hoá v.v… Trong bối cảnh của những vấn đề khác nhau này, sự dấn thân truyền giáo của giáo hội trong những năm gần đây, cả trong những suy tư thần học truyền giáo và việc thực hành dường như tăng lên theo hai hướng: đó là thiết lập cộng đoàn các tín hữu địa phương và đẩy mạnh việc phát triển toàn bộ con người, nhằm đem lại sự giải phóng đích thực cho các dân tộc.

Tất cả những vấn đề nêu trên rất quan trọng, nhưng không phải là duy nhất. Thật vậy, ngoài những vấn đề về con người, còn có những vấn đề mang tính chất tôn giáo mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là sự coi thường các giá trị và việc thực hành của đời sống tinh thần. Thật là khó xác định các chiều kích đích thực của những vấn đề này, nhưng thực tế, không còn nghi ngờ gì nữa, những chiều kích sâu sa nhất của Giáo Hội phải là một Giáo Hội hay một cộng đoàn cầu nguyện. Cầu nguyện để trở thành chứng nhân loan báo Tin Mừng, nhất là nên dấu chỉ đích thực của người đem ơn cứu độ. Chính trong ý nghĩa này mà tông huấn “Loan báo Tin Mừng” xác định rõ: “Đối với Giáo Hội, đời sống chứng tá của người Kitô hữu đích thực hiến mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì có thể chia cắt được”, và nhiệt thành giúp đỡ anh em là phương thế thứ nhất của việc Loan Báo Tin Mừng” (EN 41).

Vì vậy, thật cần thiết để suy tư đề tài “Cầu nguyện và Truyền giáo” để làm rõ những nghi ngờ và tái khám phá giá trị của lời cầu nguyện trong sự dấn thân truyền giáo của Giáo Hội. Với những lý do trên, bài viết được chia thành ba phần chính: phần đầu nhằm xác định vai trò của cầu nguyện trong truyền giáo; phần thứ hai trình bày các chiều kích truyền giáo của cầu nguyện và phần thứ ba đề cập tới một số vấn đề cầu nguyện phát sinh từ tình trạng truyền giáo.

I – Vai trò của cầu nguyện trong truyền giáo

1. Sự cần thiết của cầu nguyện

Sau một thời coi thường các giá trị tinh thần, nhất là việc cầu nguyện, thì ngày nay người ta tin rằng cầu nguyện là quan trọng và rất cần thiết đối với Giáo Hội trong đời sống cũng như trong sứ vụ của Giáo Hội. Sự cần thiết này có thể được diễn tả qua những bối cảnh khác nhau.

a) Sự nhạy cảm và chờ mong của thế giới

Nếu không đào sâu để phân tách, thì người ta không thể ghi nhận một cách dễ dàng những ảnh hưởng “kinh dị” của nhiều lãnh vực khác nhau, đặc biệt là trong các đô thị như kỹ thuật số, các trào lưu vô thần, sự lãnh đạm tôn giáo, ngay cả việc từ chối Thiên Chúa và coi thường các giá trị đạo đức như cầu nguyện… Tuy nhiên, trong cùng một thời điểm, cũng có nhiều dấu chỉ mà trong thế giới Kitô giáo cũng như thế giới ngoại giáo, đặc biệt là những người trẻ, đang tìm kiếm các phương pháp nội tại, chiêm niệm, sống kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Các hiện tượng tuy khác nhau, thậm chí cũng có khi mâu thuẫn, nhưng có cùng kết quả của việc truyền giáo và trở thành thách đố đối với đời sống của Giáo Hội, nghĩa là, Giáo Hội cần hiện diện cách rõ ràng hơn như một cộng đoàn các môn đệ gồm những người nam, người nữ biết cầu nguyện. Thật vậy, “Thế giới mặc dầu đã tỏ ra muôn ngàn dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, nhưng thực ra lại đang đi tìm Người bằng những đường lối bất ngờ và đang thiết tha cảm thấy cần có Người. Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói về một Thiên Chúa mà họ đã biết và tiếp xúc như thể thấy Đấng Vô hình (x. Dt 11, 21). Thế giới kêu nài và mong thấy nơi chúng ta một đời sống đơn sơ, một tinh thần cầu nguyện” (EN 76).

b) Tình trạng đặc biệt của truyền giáo

Ngày nay, nhiều quốc gia trên toàn thế giới bị chi phối bởi các chế độ độc tài, chính trị hay tôn giáo. Họ tìm cách “độc quyền” trên toàn bộ đời sống của người dân. Nếu xem số dân mà họ phải sống dưới các loại chế độ này, thì đối với Giáo Hội, họ được coi như là đối tượng của việc truyền giáo. Tình trạng này được coi là tình trạng đặc biệt, và trở thành tình trạng chung trong truyền giáo, bởi vì nó tạo nên một phần lớn trong công tác truyền giáo.

Dưới các chế độ độc tài thì mọi hoạt động tông đồ đều bị giới hạn, nhiều trường hợp hoàn toàn bị cấm cách. Những hoạt động và dấn thân như thế được xem là quan trọng trong các tình huống khác nhau, nhưng Giáo Hội không thể dấn thân trong mọi tình huống. Tuy nhiên, kể cả trong những tình huống không thể dấn thân này, Giáo Hội vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng và trở nên dấu chỉ cũng như dụng cụ của ơn cứu độ. Vậy chính tình trạng tạo nên vấn đề về sự hiện diện của Giáo Hội và hoạt động rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

Kinh nghiệm còn cho thấy, trong các tình huống như thế thì lời cầu nguyện chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, và được coi như  dấu chỉ và công cụ của ơn cứu độ. Giáo Hội vẫn có thể rao giảng nhờ lời chứng của một đời sống đích thực là lời cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện chính là nguồn mạch đời sống của Giáo Hội. “Cầu nguyện để chuyển cầu, để tha thứ; cầu nguyện như một cuộc gặp gỡ trong thinh lặng và phó thác như Chúa Giêsu trên cây thập giá, nhưng ở đó mở ra một nguồn ơn cứu độ” (Zago).

c) Bản chất của truyền giáo

Sự cần thiết của cầu nguyện trong truyền giáo không chỉ là kết quả của các tình trạng và hoàn cảnh bên ngoài, mà còn xuất phát từ bản chất của sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Loan báo Tin Mừng là công trình của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội chỉ là dụng cụ để lan toả Chúa Thánh Thần, như tông huấn “Loan báo Tin Mừng” khẳng định: “Không bao giờ có thể loan báo Tin Mừng nếu không có sự tác động của Chúa Thánh Thần … Chúa Thánh Thần chính là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng: Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng và cũng chính Ngài tác động trong thâm cung tâm hồn để giúp ta chấp nhận và hiểu biết Lời cứu độ” (EN 75). Vì vậy, công việc đầu tiên sâu sa của Giáo Hội trong truyền giáo là trở nên dấu chỉ đích thực của Chúa Thánh Thần, chấp nhận để Ngài biến đổi, để Ngài hướng dẫn là chủ yếu đối với Giáo Hội trong truyền giáo. Giáo Hội không thể thực hiện sứ vụ của mình mà không có những lúc để tâm hồn lắng nghe bên trong và để thờ lạy.

2. Sự cần thiết của chiêm niệm

Càng ngày người ta càng khám phá nhu cầu và giá trị của việc chiêm niệm trong truyền giáo. Họ không chỉ nói về sự hiện diện của các tu sĩ dâng hiến hoàn toàn cho đời sống nhiệm nhặt và chiêm niệm, mà còn nói đến tinh thần chiêm niệm nơi các nhà truyền giáo cũng như mỗi tín hữu, đã sống những giây phút trầm lắng nội tâm trong công việc tông đồ.

a) Chiêm niệm là một nhu cầu có đặc điểm nổi bật trong đời sống của các tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo. Sự có mặt của các tôn giáo này cho thấy một sự tìm kiếm thường xuyên nào đó thẩm thấu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa nhờ chiêm niệm. Tại Thái Lan, dân số có khoảng 40 triệu, trong đó có 25.000 tu viện với 189.887 tu sĩ và 114.927 tập sinh; tại Lào có 3 triệu dân, trong đó có 2000 tu viện; tại Tivert, số tu sĩ giảm xuống 720.000. Nhìn chung, trong thế giới Phật giáo, số phật tử có khoảng 1.300.000 người, trong khi ở các nhà thờ Kitô giáo, nhà chiêm niệm chỉ có khoảng 100.000[1].

Vì vậy, trong công tác truyền giáo, người tông đồ gặp thấy những người đã từng có kinh nghiệm về Chúa và tinh thần chiêm niệm rất sâu. Những người này đặt vấn đề một cách trực tiếp về những kinh nghiệm mà người tông đồ đã từng trải nghiệm về Thiên Chúa và về Chúa Giêsu. Chỉ những tông đồ đã từng trải nghiệm trong chiêm niệm, thì mới biết và trình bày cho những người này.

b) Tuy nhiên, cần phải lưu ý là sự có mặt của việc chiêm niệm không phải là vấn đề chiến thuật mong lấy được tình cảm của các tín hữu ngoài Kitô giáo, nhưng đó là một nhu cầu riêng nảy sinh từ sứ vụ.

Cũng cần nhắc lại điều chúng tôi đã xác định ở trên: rao giảng Tin Mừng là công trình của Thiên Chúa, và ơn cứu độ là cuộc gặp gỡ – hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Tất nhiên, Thiên Chúa có thể dành riêng cho ngài công việc này, nhưng ngược lại, Ngài muốn bước vào sự hiệp thông với con người qua con người. Chính trong viễn tượng này mà ngài giới thiệu sứ vụ của Hội Thánh. Và sứ vụ chỉ có thể được thực hiện bởi những người đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa, đã gặp gỡ Thiên Chúa. Hành động này đòi hỏi Gíao Hội và mỗi tông đồ một tinh thần chiêm niệm sâu sa.

Ngoài ra, trong tầm nhìn của Công Đồng Vatican II (x. AG 2-5) về nguồn gốc truyền giáo của Gíao Hội, chúng ta tìm thấy một mầu nhiệm thật lớn lao không thể hiểu thấu về Thiên Chúa Ba Ngôi. Truyền giáo của Giáo Hội là sự nối dài và tham dự vào hoạt động tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó chính là mầu nhiệm không thể hiểu thấu, trước mầu nhiệm đó, chúng ta cần ở lại trong sự kỳ diệu, trong thinh lặng và trong chiêm niệm để chiêm ngắm. Vì vậy, chiêm niệm không đơn giản chỉ là nhu cầu để đáp ứng sự nhạy cảm của con người, mà là nguồn gốc của truyền giáo, là điểm khởi đầu của sứ vụ. Chiêm niệm là sứ vụ có nguồn gốc và căn bản của nó, là nền tảng biến đổi người tông đồ và thực hiện điều ngài làm là kết hợp hài hoà với người mà ngài yêu mến.

II – Cầu nguyện truyền giáo của người tông đồ

Cầu nguyện là sự biểu lộ tâm tình cụ thể trước mặt Thiên Chúa, và con người hướng về Thiên Chúa luôn khởi đi từ tình trạng cụ thể của mình. Bởi thế, bất kỳ là hình ảnh nào người tông đồ làm việc trong tinh thần dấn thân truyền giáo, đều là “sự mặc khải và sự hiện diện của Thiên Chúa cho thế giới, đồng thời còn là sự hiện diện và lời cầu nguyện cho tất cả trước mặt Thiên Chúa” (Raguin). Lời cầu nguyện của người tông đồ phải diễn tả tình trạng cụ thể ơn gọi của mình. Vì vậy, chúng tôi xem lời cầu nguyện truyền giáo của các tông đồ theo bốn điểm sau:

1 / Cầu nguyện thờ lạy

Sự thờ lạy Kitô giáo đích thực là thái độ của người con thảo, đó là một tiến trình học gọi Thiên Chúa “Abba” (cha ơi) không bằng môi miệng, nhưng bằng tất cả con người của chúng ta. Đó là cách sống khó nghèo, tin tưởng và phó thác luôn trong tay Cha, cho đến khi trống rỗng hoàn toàn để chỉ dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

Thái độ của người con thảo đòi hỏi một sự vét rỗng chính mình, không phải để ở lại trong sự trống rỗng mà là để đón nhận những gì Chúa Cha muốn: nhìn mọi sự như cha nhìn, tìm ý muốn của Cha trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh phải quên đi chính mình, và thích làm những gì Cha ưa thích. Đó là một tiến trình vét rỗng hoàn toàn để lấp đầy Thiên Chúa; là một sự tự hiến cho Thiên Chúa để Thiên Chúa có thể hành động trong đời sống của mình.

Nếu không có thái độ thờ lạy như là con, thì sẽ có nguy cơ rao giảng chính mình hay ý riêng mình; rao giảng một lí thuyết suông chứ không phải là chính Thiên Chúa và sứ điệp của Ngài. Từ “rao giảng” ở đây nhắc đến các từ “nói” và “công bố”. Tuy nhiên, chúng ta thấy rao giảng đích thực trước hết đòi phải có một khả năng thinh lặng: thinh lặng để nghe rõ tiếng Chúa, để đón nhận các tiêu chuẩn của Chúa và để khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cầu nguyện là một phần không thể thiếu trong sứ vụ tông đồ và sự diễn tả đích thực về sự sống còn của con người. Vì vậy, người tông đồ không thờ lạy Chúa Cha nhân danh mình, mà cầu nguyện nhân danh mọi người. Người tông đồ dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện của mọi dân tộc mà họ tìm thấy một dư âm nào đó trong lời cầu nguyện của mình. Nơi người ấy, tiếng nói của mọi dân tộc kêu lên cùng Chúa Cha. Sứ vụ này vượt quá khả năng nhân loại của người tông đồ mà tự nó có giới hạn, nhưng lại có thể được nếu như người tông đồ biết kết hiệp với Chúa Kitô, “Đấng Hằng Sống để chuyển cầu cho ta” (Dt 7, 2).

Trong các tình trạng truyền giáo hiện nay, việc thờ lạy của con cái là sự nối dài lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao ngài đành bỏ con?” (Mc 15, 34). Đó là lời cầu nguyện cô đơn và thầm lặng của Chúa. Trong thế giới hôm nay, dường như không còn chỗ dành cho Thiên Chúa – Đấng kéo thế gian ra khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện của người tông đồ xem ra rơi vào trống rỗng…

Chính Chúa Kitô đã trải qua kinh nghiệm bị bỏ rơi này và đã muốn sống kinh nghiệm này cho đến cùng: “lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”. Tuy vậy, càng bị bỏ rơi trong đau khổ, Ngài càng cầu nguyện. Người tông đồ của Chúa cũng sẽ đi cùng con đường của Thầy mình, để khám phá sự trống rỗng là tràn đầy Thiên Chúa, khám phá sự thinh lặng là tình yêu hấp dẫn của Chúa Cha. Chỉ khi người tông đồ trải qua kinh nghiệm cầu nguyện này trong cô tịch và thinh lặng của Chúa, mới có thể hiểu được những khó khăn của con người, trong sự kiếm tìm mệt mỏi về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và tỏ cho họ con đường để bước theo.

2. Cầu nguyện tạ ơn

Theo Thánh Phaolô, tội căn bản của con người không phải là để tôn vinh Thiên Chúa, cũng không phải đem lại ân sủng cho Ngài dù họ nhận biết Ngài, vì vậy Thiên Chúa bỏ mặc họ cho sự ô uế, cho các đam mê các dục vọng của tâm hồn họ là nơi phát xuất những sự xấu xa và tội lỗi (x. Rm 1, 21-32).

Lời của Thánh Phaolô cũng là lời mời gọi đối với nhà truyền giáo đang dấn thân phục vụ. Trong lãnh vực truyền giáo, người tông đồ gặp nhiều khó khăn khác nhau và những ngăn trở mà con người truyền giáo không thể vượt qua như hiểu lầm, khinh thường, đánh giá thấp của bạn bè; sự bất lực của Giáo Hội trong việc giải quyết những vấn đề khẩn cấp, sự chống đối, đôi khi là bạo lực, quyền lực… Trước những hoàn cảnh bất lợi như thế, người tông đồ dễ có nguy cơ chán nản, buông xuôi hơn là vượt qua những trở ngại để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.

Nhưng dù có nhiều khó khăn ngăn trở, người tông đồ vẫn có thể hát lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa, nếu không muốn để những nỗi buồn và sự bi quan chi phối. Ngoài ra, người tông đồ học biết khám phá những niềm vui nho nhỏ, giản đơn.

Ngoài ra, người tông đồ được mời gọi để rao giảng một Thiên Chúa tình yêu cho toàn thế giới và mọi dân tộc, nên phải có một tâm hồn của vị mục tử nhân lành vô biên: tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người và mọi ơn lành Thiên Chúa ban xuống cho mọi người trên thế giới. Toàn thể nhân loại và các thụ tạo đang mong chờ một trái tim tông đồ của người tông đồ, để biến đổi thế giới thành một bài ca ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa.

Trong thế giới ngày nay, sự ác dường như vẫn còn là một thực tại hiển nhiên: bạo lực, áp bức, bất công.v.v… Mặc dù có những khó khăn này, nhưng các Giáo Hội trẻ trung vẫn không ngừng gia tăng không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Các Giáo Hội này, chỉ trong thời gian ngắn đã tiếp nhận sứ điệp của Tin Mừng, nay đến lượt họ, họ cũng muốn mang sứ điệp của Chúa Kitô cho những người chưa nhận biết Ngài. Thời đại của chúng ta cũng vậy, không thiếu các Kitô hữu đã hy sinh tiền bạc, công việc …. vì Chúa Kitô, không thiếu những nhà hảo tâm cống hiến đời sống riêng của mình để phục vụ Lời. Như vậy, chúng ta có thể nhìn bằng mắt, thấy bằng tai những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Không có lý do gì để người tông đồ đưa mình vào những cái nhìn bi quan, buồn bã, chán nản hay thất vọng, trái lại, trái tim người tông đồ phải đầy tràn niềm vui và tâm tình biết ơn như các Kitô hữu tiên khởi, họ đã từng nghe những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nơi các dân ngoại, và tất cả mọi người đều ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa (x. Cv 11,18) .

Nhưng lý do sâu xa hơn thúc đẩy người tông đồ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là vì tình yêu của Ngài. Chính tình yêu đó đã thúc đẩy Đức Maria cất lên bài ca Magnificat. Thiên Chúa yêu thương mọi người một cách cá vị, với một tình yêu dứt khoát, không thể từ bỏ. Như vậy, tình yêu cá vị của Thiên Chúa không dành riêng cho một nhóm người hoặc một lớp người nào đó, nhưng được dành cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Ngay cả các dân ngoại, những người đang sống tại chân trời xa xăm mà thế giới không hề biết đến “cũng được mời gọi trong Đức Kitô Giêsu, để được thừa hưởng gia nghiệp cùng với người Do Thái, làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 6). Dự phóng này đặt để trong tình yêu đối với chúng ta và mọi dân tộc được Thánh Phaolô nhắc tới như một “huyền nhiệm”, một “bí mật” “ẩn dấu trong Thiên Chúa từ bao thế kỷ và giờ đây, được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Về điều đó, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ được mời gọi để trở nên những người thừa tác”. Cũng như Thánh Phaolô, mỗi tông đồ phải cảm thấy niềm vui sâu sa khi công bố cho các dân ngoại dấu chỉ huyền nhiệm của Thiên Chúa, và toàn bộ cuộc sống của mình phải trở thành một sự cử hành về tình yêu của Thiên Chúa. Những khoảnh khắc cầu nguyện là những lúc mạnh mẽ nhất để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa, nhưng tất cả cuộc sống càng là một lời cầu nguyện lâu dài và liên tục để khen ngợi và chúc tụng Thiên Chúa.

Lời tạ ơn thường là tâm tình của người con thảo. Chúa Giêsu không bao giờ ngừng tạ ơn Cha cho muôn loài (Lc 10, 21; Cor 11, 41) và dấn thân, hy sinh cho đến cùng như của lễ toàn thiêu để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa Cha. Người tín hữu đã vậy, người tông đồ còn có lý do hơn để lời cầu nguyện tạ ơn luôn đi kèm với quyết định làm hài hòa ý riêng của ta với ý muốn của Cha, mối quan tâm của ta với mối quan tâm của Cha, để dâng hiến mình như của lễ tình yêu, đó là sự biểu lộ cao nhất của lời khen ngợi và tạ ơn.

3 . Cầu nguyện xin tha thứ

Thế giới ngày nay có một cơn khát lớn về Thiên Chúa. Nhiều Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo muốn trải nghiệm về Thiên Chúa nên họ tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa. Trong đời sống của Giáo Hội, người ta thấy có sự quan tâm đặc biệt đối với việc cầu nguyện: mọi người muốn học cách cầu nguyện, các trường học tổ chức cầu nguyện, các nhóm khác nhau dành một tuần để cầu nguyện, họ tìm các kỹ thuật mới để cầu nguyện.

Về kỹ thuật, chắc chắn là tốt cho sự xếp đặt thể chất và tinh thần để cầu nguyện, nhưng cản trở thực sự đối với việc cầu nguyện không phải ở chỗ khó khăn về tập trung hay vấn đề kỹ thuật hoặc phương pháp, mà “chỉ có một cản trở thực sự là sự cố chấp ước muốn sâu xa ở trong ta là chống lại Thiên Chúa. Ước muốn sâu xa này khống chế toàn bộ con người của ta, chứ không chỉ là ước muốn thoáng qua hay chốc lát”. Đó là vấn đề của con tim và tinh thần. Chúng là tính kiêu ngạo, hãnh diện, tự tôn làm cản trở cho cuộc gặp gỡ cá nhân của ta với Thiên Chúa.

Về việc người ta muốn thực hành kinh nghiệm về Thiên Chúa và chạm vào Thiên Chúa trong cầu nguyện, thì họ chỉ có thể có được “khi cảm nghiệm về những giới hạn của mình và cần đến Chúa Giêsu Kitô”. Vì vậy, để gặp gỡ Thiên Chúa, lời cầu nguyện của họ phải là lời cầu nguyện của tội nhân, của người thu thuế nghèo không dám ngước mắt lên và cầu nguyện với lòng khiêm tốn thực sự: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18, 13). Đó là tiến trình nhận ra mình là một người nghèo để cậy dựa hơn nữa vào Chúa. Đó chính là thái độ của Đức Maria, Đấng chẳng hề mắc tội, nhưng nhận mình là người nghèo và là người tôi tớ khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa (Lc 1, 46 – 48). Đó cũng là thái độ của Phaolô, một trong các tông đồ cột trụ, đã nhận mình không đáng được gọi là tông đồ, bởi vì đã bắt bớ Giáo Hội của Chúa (1Cr 15, 9).

Trong cánh đồng truyền giáo, lời cầu nguyện của người tông đồ là lời cầu nguyện của người nghèo. Dầu vậy, tất cả các phương tiện vật chất, bất chấp mọi nỗ lực, mồ hôi, đôi khi cả máu, người tông đồ không bao giờ nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Mặt khác, trong dấn thân truyền giáo, người tông đồ cảm nghiệm thường xuyên trong chính mình sức mạnh của sự ác. Dù đã đặt tất cả thiện chí tốt lành của mình, thì không phải lúc nào người tông đồ cũng là người đầy tớ khiêm tốn của Lời. Sức mạnh của sự ác thì mạnh hơn ý muốn tốt lành của người tông đồ. Tình trạng này là cơ hội thuận lợi để gặp gỡ Thiên Chúa nhưng với điều kiện phải nhận ra sự nghèo nàn của chính mình. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa mạc khải không chỉ trong sự thành công của người tông đồ, mà ngay cả và thường xuyên hơn trong đau khổ và tội lỗi. “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5, 20). Để tình yêu Thiên Chúa có thể biểu lộ trong sự nghèo nàn và tội lỗi, thì con người cần nhận biết mình là tội nhân, đáng thương và nghèo túng của Thiên Chúa.

Nhận biết mình là tội nhân và nghèo túng của Thiên Chúa là điều kiện cơ bản để gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều kiện này tạo nên một trở ngại nặng nề trong truyền giáo. Nhiều người, dù là người có phẩm chất nhân bản tốt và nhạy bén với tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô, vẫn bị ngăn trở trên đường tiến tới sự hoán cải, bởi vì họ từ chối nhận mình là tội nhân và nghèo túng của Thiên Chúa.

Trong viễn tượng truyền giáo, lời cầu nguyện của người tông đồ phải vượt qua các ranh giới thuộc lãnh vực cá nhân để đạt tới một thế giới toàn vẹn, một thế giới chống lại Thiên Chúa và không muốn nhận ra tội của mình. Lời cầu nguyện của người tông đồ là nối dài lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Chúa Cha tha thứ cho nhóm người này, tha thứ cho dân tộc kia, tha thứ cho thế giới nọ, bởi vì họ không biết tình trạng khốn cùng thật của mình là những kẻ có tội. Chúng ta cần cầu nguyện cho những nhu cầu vật chất xã hội của thế giới, nhưng trước hết là xin cha tha thứ tội lỗi của thế gian và cho thế gian nhận ra tội lỗi mình mà quay về với Chúa.

 4. Cầu nguyện xin ơn

Cầu nguyện xin ơn được xác định từ những quan tâm mà họ có. Người ta chỉ xin Thiên Chúa điều mà họ quan tâm, điều quan trọng. Vậy thì đâu là những quan tâm của người tông đồ Chúa Kitô?

Những quan tâm của người tông đồ phải là những quan tâm của chính Chúa Kitô mục tử nhân lành, Đấng rất mực yêu thương loài người. Tất cả những điều nhỏ nhặt, những vấn đề con người quan tâm tới thì Ngài coi chúng như thể là của riêng mình, chúng không phải là cái gì ở ngoài cuộc sống của mình, mà là sự quan tâm của chính Ngài. Đó chính là lý do để Ngài hiện hữu. Ngài có lòng thân thiện với mọi người, đặc biệt là mỗi người. Tất cả mọi người cảm thấy một dư âm nào đó trong trái tim của Ngài bởi vì Ngài chính là trung tâm của sự sáng tạo và của lịch sử nhân loại nhằm dẫn đưa họ về với Chúa Cha.

Người tông đồ cũng phải có trái tim của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu, Đấng yêu cho đến cùng để có thể hoà hợp những vấn đề của con người và của mỗi người với mục đích đưa họ vào cuộc đối thoại với Chúa Cha. Nếu người tông đồ cảm thấy mệt mỏi khi cầu nguyện và không biết phải nói gì với Chúa Cha, là bởi vì người ấy chưa yêu thật và sâu sắc. Các vấn đề của con người, xa cũng như gần, thì rất nhiều. Chỉ cần có tâm hồn nhạy bén để khám phá chúng và đưa chúng vào cuộc đối thoại với Chúa Cha trong lời nguyện xin ơn và chuyển cầu. Lời cầu nguyện tuỳ thuộc vào tình yêu tông đồ mà người tông đồ có đối với anh em mình. Không cầu nguyện tốt thì không có tình yêu tông đồ.

Lời cầu nguyện của người tông đồ phải là lời chuyển cầu của toàn thể nhân loại dâng lên Chúa Cha. Họ phải mang tất cả những vấn đề của con người và mọi người cho Chúa Cha. Lời cầu nguyện mà không có cái nhìn phổ quát này, thì có nguy cơ không còn là lời cầu nguyện tông đồ nữa.

Nếulời cầu nguyện của người tông đồkhông phải là lời cầu nguyện phổ quát, là bởi vì người đó bắt đầutạo ra những biên giớitrongtâm hồn mình. Do đó, người tông đồ phảimở mắt để nhìn thế giới; phải vượt quanhững rào cản củanhu cầucá nhân và nhu cầu củathế giới bé nhỏ của mìnhđểquan tâm tới cácnhu cầu củatoàn thể Giáo Hộivàtoàn thế giới. Vậy tiếng nói của người tông đồsẽ không cònlà tiếng nói duy nhất nữa, nhưng làtiếng nói của mọi dân tộc để cầu nguyện và xin ơn cùng Chúa Cha.

Thế giới, đặc biệt là “thế giới truyền giáo”, được đánh dấu bởi sự nghèo nàn, khốn khổ, áp bức, bất công, bạo lực, chiến tranh và xung đột giữa các nhóm và các quốc gia. Tâm hồn người mục tử sẽ biến đổi tất cả những tình trạng đau khổ này bằng lời cầu nguyện khiêm tốn và nhiệt thành để khẩn cầu Chúa Cha  trợ giúp.

Những thực trạng đau khổ này, trong khát vọng sâu xa nhất của họ là lời kêu xin Thiên Chúa Cứu độ. Toàn thế giới, ngay cả khi xem ra xa cách với Thiên Chúa cũng đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng ơn cứu độ của Chúa Kitô. Do đó, lời cầu xin của người tông đồ phải là một tiếng vang cho toàn thế giới và cho tất cả các dân tộc lên Thiên Chúa: “Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu” (Kh 22, 20). Vì vậy, lời cầu nguyện xin ơn được sống trong thái độ chờ đợi, mong mỏi Thiên Chúa tự mạc khải cho thế giới và cứu thế giới.

Trong cầu nguyện, người tông đồ mong muốn có sự mặc khải và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Biết rằng “cuộc trở về vĩ đại của nhân loại với Chúa Cha là kết quả hoạt động chậm chạp của Chúa Thánh Thần. Một Thiên Chúa ẩn dấu hoạt động mà không gây tiếng động trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, và khi nhà truyền giáo ý thức được điều đó, thì lời cầu nguyện của họ không thể không gia tăng sự quan tâm đến sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng dựng nên thế giới”, để trở nên sự hiện diện và mặc khải của Thiên Chúa cho thế giới. Đồng thời, nhà truyền giáo ý thức về sự bất lực của mình trong việc chuyển trao sứ điệp của Chúa Kitô cho người khác. Vì vậy, nhà truyền giáo kêu cầu một cách khiêm tốn để xin Chúa Cha dạy cho mình cách để đem Tin Mừng đến cho thế giới.

Trong viễn tượng truyền giáo này, các nhu cầu và những vấn đề cá nhân trở nên có liên hệ với nhau. Sự quan tâm thực sự và chủ yếu là Chúa Cha được biết đến và được yêu mến, và dấu chỉ của Chúa Cha dành cho thế giới đã được thực hiện.

III- Những vấn đề của cầu nguyện trong tình trạng truyền giáo

1. Cầu nguyện Kitô giáo và ngoài Kitô giáo: đặc trưng của kinh nguyện Kitô giáo.

Trong mối tương quan với các tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo, nhà truyền giáo thường được ngưỡng mộ, ngạc nhiên về những kinh nghiệm cao cả và sâu sắc về tinh thần và về chiêm niệm trong các chiêm niệm của những người ngoài Kitô giáo. Những kỹ thuật và các phương pháp nội tâm trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo xuất hiện khá phát triển và hoàn hảo. Nhưng nhà truyền giáo, người thực hành kinh nghiệm đức tin, cho biết: trong những kinh nghiệm đạo đức và chiêm niệm ngoài Kitô giáo, “thiếu một cái gì thiết yếu, ít là trong liên hệ với các công thức rõ ràng của giáo lý Kitô giáo: một Thiên Chúa cá vị, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa của tình yêu “.

Đặc trưng của kinh nguyện Kitô giáo là mầu nhiệm của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã sai Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm chứng chúng ta là con của Thiên Chúa, và do đó, chúng ta có thể kêu lên “Abba, Cha ơi” (Rm 8, 15). Chính ở điểm này mà kinh nguyện Kitô giáo có tính đặc trưng và phân biệt với những lời cầu nguyện của các tôn giáo khác.

Kinh nguyện Kitô giáo cơ bản là một biểu hiện của lòng hiếu thảo. Cách thức cầu nguyện hiếu thảo là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong cơn hấp hối ở Giêtsimani và trên cây thập giá khi Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26, 42). “Lạy Cha, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã dâng hiến chính mình như sự thử thách tuyệt vời nhất của tình yêu thảo hiếu của Ngài đối với Cha. Vì lý do này, kinh nguyện Kitô giáo được liên hệ mật thiết với Thánh Thể. Lời cầu nguyện thảo hiếu thật sự phải vượt lên trên sự khẩn cầu Thiên Chúa cho các nhu cầu của cá nhân, để dâng chính mình và cuộc sống cho Thiên Chúa, để có thể tổ chức vì lợi ích của anh em mình. Lời cầu nguyện hiếu thảo dẫn đến một sự sống và biến đổi cuộc sống trong ân sủng cho anh em.

2 . Cầu nguyện và phát triển con người

Một vấn đề quan trọng trong sứ mệnh của Giáo Hội ngày nay là mối tương quan giữa cầu nguyện và dấn thân nhằm phát triển con người. Trên nguyên tắc, cầu nguyện và dấn thân để thăng tiến con người là những yếu tố toàn vẹn của chính thực tại, thay vì, dấn thân để thăng tiến con người đòi hỏi một lời cầu nguyện.

Thực tế, sự kém phát triển, nghèo đói vật chất, sự bất công xã hội, mặc dù nghiêm trọng, nhưng chúng chỉ là một khía cạnh của đời sống con người. Có những hình thức khác kém phát triển và nghèo đói, những con người, đạo đức và tinh thần. Con người phải thoát khỏi cảnh nghèo đói vật chất, nhưng con người cũng phải phát triển như nhau trong các giá trị của con người về đạo đức và tinh thần. Trong mọi trường hợp, có thể nói về sự đẩy mạnh con người toàn bộ trong tất cả các khía cạnh của nó. Vì vậy, thế giới đang cần các chuyên gia về khoa học và công nghệ và các chính trị gia, nhưng thế giới còn tìm các chuyên gia về Thiên Chúa nữa. Thế giới tìm kiếm Thiên Chúa “bằng những cách không ngờ, và cảm thấy cần Ngài cách đáng thương, một thế giới cần có các nhà truyền giảng Tin Mừng để nói với họ về Thiên Chúa, Ðấng mà các nhà rao giảng phải biết và quen thuộc như thể họ thấy được Đấng Vô Hình (EN 76)

Hơn nữa, sự dấn thân phát triển con người cần lời cầu nguyện bởi vì cầu nguyện làm cho người Kitô hữu liên đới với người nghèo và người bị áp bức; cầu nguyện giúp biện phân các công việc; cầu nguyện giải phóng con người khỏi ích kỷ để sự dấn thân của họ có thể là một sự phục vụ đích thực vì lợi ích của anh chị em.

Tuy nhiên, trong thực tế, có những người sống đời cầu nguyện lại tách mình ra khỏi thực tế của cuộc sống, cũng như có những “nhà hoạt động xã hội” khác dấn thân phục vụ nhưng sau đó họ kết thúc bằng việc theo đuổi một ý thức hệ đi ​​ngược với những điều tốt lành của những người nghèo mà họ muốn phục vụ.

Câu hỏi đặt ra không phải là để tìm một vị trí thích hợp giữa cầu nguyện và phát triển. Việc làm này có nguy cơ hạ thấp một yếu tố nào đó để nâng cao yếu tố khác lên, làm giảm thực tế chỉ còn một khía cạnh duy nhất. Câu hỏi thực sự được đặt ra theo cách này, những gì nên được cầu nguyện để giúp các Giáo Hội biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho con người trong vấn đề khủng khiếp của họ, và những gì nên tham gia phát triển con người để giúp anh chị em về những vấn đề của họ? Đó là vấn đề để khám phá lời cầu nguyện Kitô giáo và việc phục vụ đích thực như một biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa.

3 . Hội nhập văn hoá của cầu nguyện

Cần thích nghi lời cầu nguyện theo não trạng của một dân tộc với những cách diễn tả văn hóa của nơi đó, điều này giúp cảm nhận mỗi ngày một mạnh mẽ hơn. Sự cần thiết này đã ý thức từ Công đồng Vatican II, khi Công đồng nói về đời sống chiêm niệm như sau: ” Cũng đáng đặc biệt nhắc tới những tổ chức nhằm đặt định đời sống chiêm niệm… mọi người phải cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Thực vậy, vì đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo Hội, nên phải được thiết lập khắp nơi trong các Giáo Hội trẻ trung” (AG 18)

Dù mang tính Kitô giáo đích thực, lời cầu nguyện có thể và cần được làm giàu bằng các hình thức và những cách diễn tả, hoa trái của một thiên tài văn hóa của một dân. Tuy nhiên, cử chỉ, hình thức và những diễn tả lời cầu nguyện của một dân tộc, một nơi, không phải là một thực tại trừu tượng đúng nghĩa, nhưng là các cử chỉ và biểu hiện của những người có tôn giáo của một tôn giáo hay một tín ngưỡng ngoài Kitô giáo. Vì vậy, công việc của hội nhập văn hóa của cầu nguyện phải được đồng hành một cách chặt chẽ, được đối thoại liên tôn giáo để hiểu ý nghĩa đích thực và những cách diễn tả để phân biệt những gì là đúng theo tinh thần Kitô giáo.

Như vậy, hội nhập văn hóa của cầu nguyện không phải là một chủ nghĩa hỗn tạp tôn giáo, nhưng là nỗ lực để khám phá những yếu tố “phản ánh một hạt giống chân lý chiếu soi mọi người” (NA 2) để hoà nhập một cách tổ chức vào kho tàng truyền thống Kitô giáo. Điều này chỉ có thể khi có một cuộc đối thoại cởi mở chân thành với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và đặc biệt, phải vâng phục Chúa Thánh Thần, Đấng chỉ đạo và dẫn đưa Giáo Hội trong cuộc sống và sứ vụ của mình.

Kết luận

Mục đích của suy tư này không chỉ đơn giản là cố gắng làm rõ các khái niệm và các vấn đề, mà còn cung cấp các yếu tố hữu ích vì Giáo hội là một cộng đoàn cầu nguyện đích thực, kết quả không thể là điều gì khác hơn là một sự dấn thân cụ thể cho tương lai: cần biết rằng đời sống cầu nguyện được đổi mới trong Giáo Hội, đặc biệt trong cộng đoàn tôn giáo, trong các nhà huấn luyện như chủng sinh, tập viện. Vì sự đổi mới này rất cần thiết, trước hết, cho các nhà huấn luyện, những người gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện và chiêm niệm, và vì vậy họ phải thắp sáng trong tâm hồn của những người khác ước muốn nhiệt thành của lời cầu nguyện và đồng hành lâu dài với họ trong suốt hành trình.

Sr. Maria Phạm Thị Hoa

(Phỏng dịch từ: Giuse Đinh Đức Đạo, Preghiera e Missione, in “Missiologia Oggi”, Pontificia Università Urbaniana, Roma, 1985.)

[1] Mondo e Missione, 106 (1977), tr. 533.

Comments are closed.

phone-icon