Một Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo Thật Ý Nghĩa

0

Cảm ơn Chúa đã cho chúng con – những học viên của lớp Tâm Lý Lứa Tuổi, dưới sự dẫn dắt của Sr Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, có được một ngày Khánh Nhật Truyền Giáo đến với những cụ già neo đơn tại Viện Dưỡng lão tình thương Suối Tiên, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, thật vui và đầy ý nghĩa.

Ra đời từ tấm lòng trắc ẩn trước cảnh khốn cùng của một bà lão neo đơn, đến nay Viện Dưỡng lão tình thương Suối Tiên đã trở thành mái nhà chung của gần 150 cụ bà không nơi nương tựa. Các cụ vào đây hầu như là người có bệnh, nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, có cụ nặng hơn là bị liệt nửa người, cụ nặng nhất là nằm liệt giường, đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp lên xuống, gây ra đột quỵ… Những cụ bệnh nặng là phải hỗ trợ 100% từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa, ở đây trẻ nhất là hơn 50 còn già nhất cũng phải hơn 90, các bà đều có hoàn cảnh khác nhau, bà thì đi xin ăn, bà thì nằm bệnh viện không có thân nhân, bà thì con cái không chăm… Tất cả đều được gửi vào đây hoặc họ tự tìm đến đây để tìm chút hy vọng yên ổn chút tuổi già… Trên mỗi gương mặt già nua hoặc bệnh tật ấy, trong từng ánh mắt nhạt nhòa ấy, đoàn chúng con không khỏi rơi nước mắt khi thấy được sự phản chiếu một tâm tình nhớ thương hoặc đợi chờ, dù con cháu hoặc ai đó có còn thương nhớ đến thăm mình hay không.

Khoảng 4, 5 thập niên trước, những con người này cũng đã từng có một thời hân hoan, chan chứa hạnh phúc tình đời. Nào bạn bè, thân hữu, nào con cái cháu chắt, … bao cuộc truy hoan mừng vui những ngày lễ kỷ niệm. Tuổi trẻ tài cao, hạnh phúc, chẳng thiếu thứ gì, … Còn đâu nữa tuổi thanh xuân và tinh thần minh mẫn; còn đâu nữa chuỗi ngày ấm áp bên cạnh con cháu. Tuổi già đen bạc hay tình người bạc đen? Cuộc đời đến đây chẳng còn tha thiết hưởng thụ, chỉ còn lại ánh mắt bâng quơ như muốn tìm về chút ấm áp tình người, tình thân đâu đó. Nỗi cô đơn trống vắng khi ở trong viện dưỡng lão thì mấy ai thấu hiểu? Khi thấy chúng con đến thăm, các cụ mừng rơi nước mắt cầm tay chúng con, khóc khi được có người đến hỏi thăm, cắt giùm mái tóc, móng tay móng chân hay xoa bóp, khóc khi cảm nhận hơi ấm tình người từ những cái ôm, có cụ đã nói: “Bà chẳng còn con cháu ruột thịt nào đến thăm nữa, nhưng ai đến thăm bà thì đều là cháu bà hết! Nghĩ vậy cho vui!”.

Khi thấy bóng dáng Sr Elizabeth Trần Thị Kim Hường, Dòng Đa Minh Tam Hiệp – Giám đốc Viện Dưỡng lão tình thương Suối Tiên xuất hiện, các cụ bà lại râm ran gọi “Dì Hường, Dì Hường…”. Cái tên Dì Hường đã trở nên thân thuộc với các cụ bà nơi đây. Mỗi ngày Sr Elizabeth lại đi thăm tất cả các phòng và hỏi thăm tình hình sức khỏe, siết tay động viên các cụ. Từ chỗ ốm đau, bệnh tật, tâm thần hoảng loạn, nhiều cụ bà đã có thể phục hồi nhờ sự chăm sóc, giúp đỡ của quý Sr Dòng Đa Minh Tam Hiệp nơi đây. Được chứng kiến các Sr luôn vui vẻ, kiên nhẫn chịu đựng, phục vụ bằng tất cả tình yêu thương, kể cả những việc riêng tư dơ bẩn, những việc đúng ra chỉ có con cái mới có thể đủ sức chịu đựng giúp bố mẹ già, chúng con chỉ biết thầm ca ngợi và cảm phục các Sr vô cùng. Trong viện có gần 150 cụ, nhưng không sót một ai, Sr Elizabeth luôn nhớ hết tên các cụ, nhớ sở thích ăn uống, nhớ nhược điểm như là hay xé bỉm, không chịu đi tất, đi ngủ không đắp chăn, sợ nước, không chịu đi tắm, như một đứa trẻ, hờn dỗi khóc lóc. Quả thật là “Một mẹ có thể nuôi 10 con, nhưng 10 con không thể nuôi một mẹ”.

Chúng con cũng không thể cầm được xúc động khi nghe Sr Elizabeth chia sẻ: “Nhiều người khuyên nên cứ để viện xập xệ nhằm dễ kêu gọi lòng thương của mọi người. Thế nhưng, tôi không nghĩ như vậy. Đây đã là trạm “chót” cuộc đời của các cụ nên tôi muốn mang lại điều kiện sống tốt nhất có thể cho các cụ”. Từ đó, người nữ tu này đã đứng ra vận động các nguồn lực để cải tạo khuôn viên, làm hành lang an toàn trên các lối đi lại, dùng máy xịt rong rêu trên các lối đi, đồng thời tổ chức các bữa ăn chất lượng với phương châm “mở cửa phòng ăn để đóng cửa phòng thuốc”. Không chỉ lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các Sr còn trực tiếp lo hậu sự cho những cụ bà già yếu khi họ ra đi. Đến nay, đã có gần gần 150 cụ bà an nghỉ tại nghĩa trang của viện. Nhiều cụ bà còn cười tươi bảo nhau: “Cứ nghĩ rồi đây mình chết ở đầu đường xó chợ, chứ không ngờ sẽ được mồ yên mả đẹp tại đây…”. Có lẽ, tuổi đời của các bà tuy đã cao và đã hằn trên trán các bà những nếp nhăn, nhưng niềm vui được sống trong ân thánh Chúa qua những việc hy sinh đón nhận những khổ đau, những giờ cầu nguyện, chầu thánh thể, bằng sự yêu thương quan tâm phục vụ lẫn nhau đã giúp tâm hồn các bà tươi trẻ lại.

Tạ ơn Chúa đã ban cho các cụ, Sr Elizabeth Kim Hường và quý Sr nơi đây – những con người đã luôn âm thầm hy sinh để phục vụ, đã cho đi sự yêu thương để thay thế những người con cái mà Chúa sai đến để chăm sóc các cụ. Thế nên, chúng con hy vọng rằng tất cả những người con người cháu, những ai còn ông bà cha mẹ, hãy thể hiện sự yêu thương, chăm sóc một cách tốt nhất hết sức có thể, những người đã có công sinh thành. Hãy làm cho Cha Mẹ vui, đừng để buồn trên mắt Mẹ, bởi “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.

Một chút thời gian ngắn ngủi đoàn chúng con đến thăm và phục vụ cùng các cụ được khép lại trong giây phút chia tay rưng rưng nước mắt, “nhớ đến thăm bà nữa nhé”, “bây về rồi mai ai đút bà ăn đây?”. Chắc chắn rằng chúng con sẽ quay trở lại và mong sao sẽ có nhiều hơn nữa những cánh tay nối dài, sẽ cùng chúng con đến hầu việc Chúa, để thăm hỏi, trò chuyện và để trao gửi sự yêu thương. Tạ ơn Chúa về một ngày sống và hoạt động với nhiều cung bậc cảm xúc, với những trải nghiệm vui buồn, suy tư và lắng đọng vô cùng ý nghĩa. Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành trên các cụ để các cụ luôn có niềm vui và sự bình an trong cuộc sống.

Người Chúa Yêu
Học Viên Lớp Tâm Lý Lứa Tuổi tại Trung Tâm Mục Vụ

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenthihongque70

Comments are closed.

phone-icon