Tiếp đón Hiệp hội các Nhà điều hành Điện ảnh Công giáo nhân kỷ niệm bảy mươi năm ngày thành lập
Ngày 7 tháng Mười Hai năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico trao ba nhiệm vụ cho các thành viên của Hiệp hội các Nhà điều hành rạp Chiếu phim Công giáo – những Nhà hát Cộng đồng (ACEC).
Đức Thánh Cha đã tiếp nhóm trong Điện Tông tòa Vatican, đánh dấu kỷ niệm năm thứ bảy mươi ngày thành lập của tổ chức. Ngài nói với nhóm rằng rạp chiếu phim có thể là một sức mạnh để xây dựng sự hiệp thông.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Vì lý do này, tôi muốn trao cho anh chị em vắn tắt ba nhiệm vụ mà tôi rút ra từ bối cảnh làm việc của anh chị em.”
1. “Sự hiệp thông. Như chúng ta biết, điện ảnh là một khí cụ tuyệt vời cho sự hiệp nhất. Đặc biệt là trong thời kỳ hậu chiến, nó đã có sự đóng góp đặc biệt cho việc tái cấu trúc kết cấu xã hội với nhiều khoảnh khắc hiệp nhất.
2. “Tính sáng tạo. Nghệ thuật điện ảnh, giống như mọi hình thức thể hiện nghệ thuật, là thành quả của sự sáng tạo, nó cho thấy tính độc đáo, nội tâm và chủ ý của của con người.
3. “Tầm nhìn. Việc xem một tác phẩm điện ảnh có thể mở ra những luồng ánh sáng khác nhau trong tâm hồn con người. Mọi điều phụ thuộc vào mức độ cảm xúc được trao cho tầm nhìn.”
Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):
Anh chị em thân mến,
Tôi xin chào anh chị em và xin cảm ơn ông Tổng thư ký của CEI vì những lời giới thiệu của ông. Tôi rất vui khi chia sẻ khoảnh khắc mừng vui này trong ngày kỷ niệm của anh chị em với các tổ chức khác trong Giáo hội Ý hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí. Kỷ niệm này tự nó không phải là một điểm kết thúc, mà là một cơ hội để làm mới lại những cam kết được đưa ra bảy mươi năm trước. Vì lý do này, tôi muốn trao phó cho anh chị em vắn tắt ba nhiệm vụ mà tôi rút ra từ bối cảnh làm việc của anh chị em.
Thứ nhất: sự hiệp thông. Như chúng ta biết, điện ảnh là một công cụ tuyệt vời để tập hợp. Đặc biệt là trong thời kỳ hậu chiến, nó đã có sự đóng góp đặc biệt cho việc tái cấu trúc kết cấu xã hội với nhiều khoảnh khắc hợp nhất. Có bao nhiêu quảng trường, bao nhiêu khán phòng, bao nhiêu diễn giả, được tiếp thêm nhiệt huyết bởi những người truyền lại những hy vọng và những mong đợi khi xem phim ảnh. Và từ đó họ can đảm nhận lấy những âu lo và những khó khăn hàng ngày, với một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nó cũng là khoảng thời gian mang tính giáo dục và rèn luyện, để kết nối lại những mối quan hệ bị hao mòn bởi những sự đau buồn đã trải qua. Làm sao chúng ta lại không nhớ đến những sản phẩm tuyệt vời kể lại những năm đó? Tôi muốn nhắc đến bộ phim “I bambini ci guardano”, vì tôi cảm thấy nó rất thân thương với cuộc họp này. Đó là một tác phẩm đẹp, đầy ý nghĩa. Nhưng tất cả phim ảnh sau chiến tranh, những con người vĩ đại đó … Tất cả điện ảnh sau chiến tranh là một trường dạy tính nhân văn. Người Ý anh chị em đã làm điều này, với những con người vĩ đại, đừng quên điều này. Và tôi nói vì lợi ích của nó. Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ đưa chúng ta đi xem những bộ phim đó và chúng hình thành nên tâm hồn của chúng ta. Chúng ta phải xây dựng lại những điều này. Tôi đề cập đến một bộ phim cho gia đình, nhưng có rất nhiều, rất nhiều phim … Anh chị em là những người thừa kế của ngôi trường nhân văn vĩ đại này, của nhân tính là điện ảnh của thời kỳ hậu chiến.
Các hiệp hội của anh chị em cũng được đánh giá cao về khả năng tập hợp, hoặc tốt hơn thế là xây dựng tình hiệp thông: “Người Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi thể hiện tình hiệp thông là đặc tính đánh dấu bản sắc của chúng ta là những người tín hữu. Thật vậy, bản thân đức tin là một mối quan hệ, một sự gặp gỡ; và dưới sự thúc đẩy của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiếp xúc, chào đón và hiểu được món quà của người khác và hồi đáp lại nó” (Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53, 24 tháng Một năm 2019). Như vậy, lời mời gọi là để xây dựng sự hiệp thông giữa các anh chị em, nhưng cũng là sự hiệp thông giữa các hiệp hội và tổ chức trong thế giới Công giáo hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, để truyền tải nét đẹp của việc cùng chung sức trong các sự kiện mà anh chị em là những người quảng bá. Không có tình hiệp thông, sự tập hợp thiếu đi linh hồn.
Thứ hai: tính sáng tạo. Nghệ thuật điện ảnh, giống như mọi hình thức thể hiện nghệ thuật, là thành quả của sự sáng tạo, nó cho thấy tính độc đáo, nội tâm và chủ ý của của con người. Khi một nghệ nhân tạo hình cho tác phẩm của mình, anh ta làm công việc đó bằng sự kết hợp giữa cái đầu, trái tim và bàn tay theo một mẫu thiết kế rõ ràng và xác định. Tôi khuyến khích anh chị em hãy dành không gian cho sự sáng tạo, hình dung và xây dựng những con đường mới. Sáng tạo là nền tảng: chúng ta biết rất rõ các nền tảng kỹ thuật số mới thể hiện một thách thức đối với phương tiện truyền thông truyền thống là như thế nào.
Điện ảnh cũng bị thách thức bởi những phát triển do những công nghệ hiện đại cung cấp. Nếu các hiệp hội và tổ chức của anh chị em không muốn trở thành “những bảo tàng viện”, họ phải chủ động và sáng tạo nắm bắt những vấn đề này. Noi gương những người sáng lập, sự táo bạo một lần nữa đòi hỏi phải đặt lên hàng đầu, nhưng không trong tình trạng bị cô lập hoặc theo một trật tự bị phân tán, mà tất cả phải cùng chung sức. Anh chị em có thể nói gì về sự thay đổi? Tất nhiên, chúng ta cần một sự chuyển đổi tổng thể, điều này đặt vấn đề về sự phong phú và sâu sắc của mọi người. Sự táo bạo và sáng tạo để tiến về phía trước và không nằm bên lề của sự đổi mới.
Thứ ba: Tầm nhìn. Việc xem một tác phẩm điện ảnh có thể mở ra những luồng ánh sáng khác nhau trong tâm hồn con người. Mọi điều phụ thuộc vào mức độ cảm xúc được trao cho tầm nhìn. Có thể có lối thoát, cảm xúc, tiếng cười, sự tức giận, sự sợ hãi, sự quan tâm … Mọi thứ đều được liên kết qua sự chú tâm trong cách xem, nó không chỉ là một cách thực hành của mắt, mà còn hơn thế. Đó là một cái nhìn được rèn luyện về thực tế. Quả thật, cái nhìn cho thấy sự định hướng đa dạng nhất của nội tâm, bởi vì nó có khả năng nhìn thấy mọi thứ và nhìn thấy bên trong mọi thứ. Cái nhìn cũng khơi gợi lương tâm có sự kiểm tra cẩn thận. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: cái nhìn của chúng ta như thế nào? Đó có phải là một cái nhìn chăm chú và gần gũi, không lờ đờ không? Đó có phải là một cái nhìn tổng thể, một cái nhìn hiệp nhất không? Đặc biệt, với anh chị em là những người hoạt động trong điện ảnh: đó có phải là một cái nhìn khơi dậy những cảm xúc? Đó có phải là một cái nhìn truyền đạt sự hiệp thông và sáng tạo? Câu trả lời không phải là điều hiển nhiên nhưng đòi hỏi sự hoạt động nội tâm rất nhiều. Cái nhìn là giao tiếp và không phản bội, nó gắn kết trong cách sống và hành động phối hợp vì một lợi ích rộng lớn hơn là lợi ích cá nhân. Cái nhìn là nền tảng của việc xây dựng cộng đồng. Và anh chị em biết rất rõ tầm quan trọng của việc vượt qua những rào cản của quá khứ để đặt mình vào những con đường của tương lai. Tất cả anh chị em đều có một cảm thức hội thánh trong DNA của mình. Tôi khuyến khích anh chị em hãy sống đam mê và sống tài năng của mình với cảm thức và phong cách của hội thánh: liều thuốc tốt nhất là không xem mình là trung tâm, đó là điều luôn luôn phá hủy.
Xin Chúa giúp anh chị em bước đi trong tình hiệp thông, với sự sáng tạo, và với cái nhìn chăm chú. Tôi chúc lành cho anh chị em, tôi cầu nguyện cho anh chị em; và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/12/2019]