Anh em đáng kính và các con thân mến,
Trong bối cảnh những ngày đại lễ của Giáo Hội, được dự kiến trong năm nay, nơi có tầm quan trọng đặc biệt cho ý nghĩa mục vụ sâu sắc chắc chắn sẽ là Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được thành lập cách đây 50 năm bởi vị tiền nhiệm vĩ đại của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Pio XI vào ngày 14 tháng 4 năm 1926, và sẽ diễn ra như mọi khi trong ngày Chúa Nhật áp chót của tháng 10.
Được đón nhận ngay từ đầu với sự quan tâm đặc biệt và nhiệt tình của toàn thể hàng Giám mục, được ủng hộ cách quảng đại của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, Ngày Thế Giới Truyền Giáo đã mang lại cho Giáo Hội nhiều hoa trái an ủi và phong phú không chỉ liên quan trực tiếp đến việc tông đồ truyền giáo, mà còn bảo tồn và gia tăng niềm tin trong các Giáo Hội cổ truyền cũng như các Giáo hội mới được thành lập.
Theo ý định của Vị khởi xướng, Ngày Thế Giới Truyền Giáo hằng năm trước hết nhằm mục đích huấn luyện ý thức truyền giáo trong toàn thể Dân Chúa đối với cá nhân cũng như cộng đoàn; đối với việc chăm sóc các ơn gọi truyền giáo; đối với việc gia tăng không ngừng sự hợp tác tinh thần cũng như vật chất và đối với hoạt động truyền giáo trong mọi chiều kích Giáo Hội.
Bản thân chúng tôi, kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng, theo gương các vị tiền nhiệm của chúng tôi, chúng tôi đã cố gắng với quyền của chúng tôi, với những giáo huấn và những lời khuyên của chúng tôi để tăng cường sự tái diễn này càng nhiều càng tốt, với sự tin tưởng là để thực thi bổn phận thiêng liêng. Trong năm thánh này, chúng tôi mong muốn thực hiện sớm huấn từ thường lệ của chúng tôi cho việc cử hành ngày Chúa Nhật Truyền Giáo đã được ấn định chính xác vào ngày 14 tháng Tư.
TÍNH PHỔ QUÁT TRUYỀN GIÁO CỦA DÂN THIÊN CHÚA
Trong sứ điệp chúng tôi gửi cho Đức Hồng Y Alessandro Renard, tổng giám mục Lyon năm 1972, nhân dịp Đại Hội Truyền Giáo được cử hành tại đó, chúng tôi đã đề cập tới sự cần thiết phải gia tăng tầm quan trọng cho việc cử hành Ngày trọng đại này. Như chúng tôi đã nói : những ngày này được chuẩn bị nghiêm túc, để các kitô hữu hướng đến cái nhìn mới về sứ vụ và xem xét việc loan báo Tin Mừng địa phương và loan báo Tin Mừng ở phương xa, cũng như sự phối hợp tương tự trong mục vụ truyền giáo, mà nền tảng duy nhất chính là Đức Kitô (ASS 64 (1972) 732).
Chúng tôi mong muốn rằng trong năm 1976, việc cử hành này sẽ có tầm quan trọng đặc biệt nhờ các bài giáo lý chuyên sâu toàn diện về tính phổ quát truyền giáo của Giáo Hội. Chủ đề rất quan trọng này tạo thành một trong những đề tài giáo lý chính của toàn thể Công đồng Vaticano II, cũng như của thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây và Tông huấn “Loan Báo Tin Mừng” vừa được phát sinh từ đây.
Giáo lý đã được phổ biến cẩn thận trong Dân Chúa về tính phổ quát truyền giáo, mục đích đầu tiên và quan trọng nhất dành cho Ngày này kể từ khi một văn kiện công khai của Tòa Thánh được gọi là “Ngày vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo” (x. Thư của Đức Hồng Y Van Rossum, bộ trưởng bộ Truyền giáo, gửi cho các Giám mục tại Italia, năm 1926). Chính sự phổ quát này cũng đã tạo nên một lý do nền tảng cho tất cả những giáo huấn mục vụ của chúng tôi trực tiếp gửi đến những người Kitô giáo, nhân dịp kỷ niệm Truyền Giáo tháng 10.
Tính phổ quát truyền giáo diễn ra cách liên tục từ Tin Mừng. Điều này không mấy ngạc nhiên kể từ khi Tin Mừng là một tập sách thu nhỏ về các hành vi và lời nói của Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến thế gian để thực hiện dấu chỉ của ơn cứu độ phổ quát của Người. Vì vậy, tất cả những gì Đức Kitô đã làm, mọi lời Người đã nói không thể không có liên quan đến sứ mạng của Đấng cứu chuộc loài người.
Trong tất cả các trang Tin Mừng, chúng ta bắt gặp những cái nhìn luôn luôn mới mẻ, rạng rỡ và sâu sắc chung quanh sứ vụ cứu chuộc phổ quát của Đức Kitô, Đấng truyền cho Giáo Hội mà Ngài thiết lập. Chúng ta không được quên rằng sứ vụ này phải thiết lập một trung tâm huấn giáo năng động cho mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội, cho dù thời đại, bối cảnh lịch sử hoặc môi trường có thay đổi. Điều này cho thấy rằng chính quy tắc, những đặc tính thường hằng và phổ quát phải được áp dụng cụ thể từ Giáo Hội cho đến con người của mỗi thời đại.
Rất tiếc, chúng ta phải nhận ra vấn đề này, là gần hai ngàn năm, kể từ khi Giáo Hội được thành lập, tình trạng tôn giáo ngày nay của nhân loại dường như không tương ứng với hiệu quả của hoạt động tông đồ này, nhằm thực hiện lệnh truyền đã được lãnh nhận. Ngay trong thời đại mình, thánh Phaolô đã tự hỏi tại sao rất nhiều người không tin vào Đức Giêsu Kitô; nhưng thay vì gán cho trách nhiệm bướng bỉnh của các dân ngoại hoặc niềm tin sai lầm của họ, thì ngài nói nguyên nhân là do thiếu sự dấn thân tông đồ của các tín hữu : Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?15 Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô (Rm 10, 14tt).
Và đây, một trong những mầu nhiệm lớn lao mà nội dung được dành cho Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi là một phần của dân Thiên Chúa và Người muốn chúng ta là những người tiếp nhận chương trình cứu độ phổ quát của Người. Người đã cho chúng ta một vinh dự vô giá, nhưng đồng thời Người cũng đặt nơi chúng ta một trách nhiệm lớn lao. Người thiết lập Giáo Hội như bí tích cứu độ, nhưng cũng ban cho Giáo Hội tất cả các phương tiện cần thiết để thực hiện đầy đủ sứ mệnh siêu việt của Người; nhưng trong những dấu chỉ bí nhiệm Người đã thiết lập, chính những phương tiện cứu độ này, đạt hiệu quả bởi Thiên Chúa, lại tùy thuộc một cách nào đó, trong việc thực hành bởi lòng nhiệt thành nhiều hay ít của chúng ta, nghĩa là tình trạng ý muốn của chúng ta, quảng đại ít hay nhiều tùy vào sự tương ứng mong manh và giới hạn do tội lỗi của chính chúng ta.
Chúng tôi cũng có thể trả lời rằng tình trạng tôn giáo của thế giới hiện đại sẽ khác, nếu tất cả các kitô hữu được nuôi dưỡng sống động trong tâm hồn mình tình yêu dành cho Đức Kitô và anh chị em mình; và nếu họ dấn thân hơn nữa để truyền bá Tin Mừng khắp thế giới để giữ vững niềm tin vào việc nộp mình của Đức Kitô. Chúng ta có thể thấy trong các trang sử, đúng vậy, các dân tộc đóng kín chính mình với Tin Mừng, hoặc họ đã bắt bớ Giáo Hội đã được vun trồng giữa họ một cách mãnh liệt; nhưng cũng có nhiều trang sử – truyền đi cho mọi thời đại – rằng họ nhìn nhận những thiếu sót và sự ích kỷ của mình, nên đã làm trì trệ hoặc làm thiệt hại công việc loan báo Tin Mừng một cách trầm trọng.
Theo chỉ dẫn của tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, chúng tôi đã chỉ ra đặc biệt về sự chia rẽ giữa các kitô hữu, sự chia rẽ đó – theo Công đồng Vaticano II – gây tai hại cho công việc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo và khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người (AG 6).
TRÁCH NHIỆM TRUYỀN GIÁO CỦA TOÀN DÂN CHÚA
Tất cả các thành viên của Giáo Hội, không phân biệt một ai, phải nhận thức sống động về trách nhiệm của mình trước thế giới, tự tạo cho mình một tinh thần thực sự công giáo, thánh thiện và cống hiến hết sức mình cho công việc truyền giáo (AG 36). Tinh thần truyền giáo và tinh thần công giáo thì như nhau, vì thế, thông điệp “Hồng ân Đức tin” của Đức Pio XII đã xác định tầm quan trọng này : Công giáo – còn tiếp tục – là dấu hiệu chính của Giáo Hội tại thời điểm mà người kitô hữu không có cách nào kết hợp với Giáo Hội và được ràng buộc với Giáo hội, nếu không kết hợp và không ràng buộc với tính phổ quát của tất cả các tín hữu và nếu không ao ước nhiệt thành rằng chính Giáo hội này bén rễ và nở hoa trong tất cả các vùng miền của trái đất (PII XII, Fidei Donum : ASS 49 (1957) 237). Hai điều kiện thiết yếu này nhờ tinh thần công giáo thực thụ cũng xứng đáng để được nhắc đến trong dự kiến của ngày Thế giới Truyền giáo tiếp theo của tháng 10.
Trong tông thư của chúng tôi “Graves et Increscentes” đối với Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền giáo, chúng tôi có nhắc nhở tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ trên toàn thế giới rằng, đó là bổn phận riêng của họ và rất quan trọng để giúp Dân Chúa tiếp nhận trực tiếp và đầy đủ sự nhận thức về Giáo Hội như thân thể sống động bao gồm mọi thành viên được liên kết giữa họ… rằng họ học cách suy nghĩ và hành động như các phần tử, như những người con và người anh em trong một cộng đoàn Giáo Hội này… rằng họ tiếp nhận ý thức đầy đủ về mầu nhiệm của Giáo hội và do đó tạo ra một tinh thần năng động truyền giáo (Phaolô VI, Graves et Increscentes: AAS 58 (1966) 753-754). Thật vậy, không có điều gì thuộc về Giáo Hội là hoặc phải xa lạ đối với người kitô hữu; bởi vì trong cùng một hình thức, đức tin của mỗi người là đức tin của Giáo hội phổ quát, và đời sống siêu nhiên của mỗi người là đời sống riêng của toàn thể Giáo Hội, cũng vậy, những an ủi và đau khổ của Giáo hội cũng sẽ là những đau khổ và an ủi của mỗi người; tương tự như vậy, những quan tâm và tầm nhìn phổ quát của Giáo hội phải là mối quan tâm và tầm nhìn của các kitô hữu trong đời sống hằng ngày của họ (PII XII, Fidei Donum, AAS 49 (1957) 238).
Đàng khác, trách nhiệm truyền giáo của chiều kích phổ quát này phù hợp hoàn toàn với những đòi hỏi truyền giáo phổ quát mà chúng bắt nguồn từ một trong những ghi nhận chính yếu của Giáo Hội là tính Công giáo; bí tích Rửa tội và Thêm sức; phụng vụ, cử hành Thánh Thể; trách nhiệm truyền giáo nặng nề của Đức Giáo Hoàng và của các Giám mục; rộng lớn hơn, từ huấn quyền của Đức Giáo Hoàng lặp lại rõ ràng liên quan đến bổn phận cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; sau cùng từ các tài liệu của Công Đồng Vaticano II.
TÍNH ƯU VIỆT CỦA SỰ CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO PHỔ QUÁT
Sự cộng tác có đặc tính phổ quát này không chỉ là bổn phận của toàn thể dân Thiên Chúa, mà còn là một nghĩa vụ ưu tiên đối với bất kỳ hình thức cộng tác nào khác của một trình tự cụ thể nào mà nó bao gồm; ngoài các thành phần cá nhân của thân mình mầu nhiệm ra, còn có tất cả các cộng đoàn và các tổ chức của Giáo Hội. Nó phù hợp với đòi hỏi ban đầu và không thể loại bỏ mỗi tế bào trong cơ thể sống động: là sự cộng tác để nuôi dưỡng, phát triển và cải thiện toàn bộ con người. Chỉ trong sự cộng tác cho tới mức hoàn hảo toàn bộ, mỗi phần tử sẽ tìm thấy sự bảo đảm của ơn cứu độ, của sự tăng trưởng và sự hoàn thiện của mình.
Sắc lệnh về “Truyền giáo” khi nói về những người trợ giúp truyền giáo, được trao bởi Giáo Hội bản địa cho một Giáo Hội khác, Giáo Hội đó phải chấp nhận họ và giới thiệu họ; nhưng thêm lời cảnh báo quan trọng: Cũng sẽ rất hữu ích, miễn là để đừng xao lãng công việc truyền giáo phổ quát, nếu giữ được mối liên lạc với những nhà truyền giáo xuất thân từ chính cộng đoàn, hoặc với một giáo xứ hay giáo phận nào đó trong các xứ truyền giáo, để mối thông hiệp giữa các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau (AG 37; x. Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, s. 61-64.
NGÀY TRUYỀN GIÁO, SỰ DIỄN TẢ LOAN BÁO TIN MỪNG THƯỜNG XUYÊN
Nhiều Kitô hữu tin rằng việc cầu nguyện và bố thí vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo là đã đủ để đáp ứng cho bổn phận truyền giáo của họ. Điều đó có nghĩa là họ chưa hiểu rõ tầm quan trọng thực sự của việc cử hành này, bởi vì đó là bổn phận phát sinh từ chính bản chất của Giáo Hội và không ngừng đè nặng trên lương tâm của chúng ta – cũng như mỗi ngày trong năm chất trên chúng ta nghĩa vụ của tình yêu huynh đệ – ngay cả khi chỉ một ngày trong năm được dành riêng cho mục đích này.
Trong tự sắc “Ecclesiae Sanctae”, các quy tắc được thiết lập nhằm áp dụng một vài sắc lệnh của Công đồng vào việc thực hành mục vụ, chúng tôi có kèm theo ghi chú quan trọng liên quan đến Ngày đã được nói đến : để tăng cường tinh thần truyền giáo trong các kitô hữu, họ cần phải cầu nguyện và hy sinh hằng ngày, bằng cách cử hành Ngày Truyền Giáo hàng năm là một biểu hiện tự phát của tinh thần đó (Phaolô VI, Ecclesiae Sanctae, III, 3).
CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO, SỰ DIỄN TẢ CHỦ YẾU VÀ THƯỜNG XUYÊN VỀ VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO CỦA TOÀN THỂ DÂN CHÚA
Chúng tôi muốn kết thúc sứ điệp này bằng cách trình bày một lần nữa các Hội Truyền Giáo như những người mang tính phổ quát truyền giáo – mà nó đòi hỏi – như đã nói – mọi thành viên trong Giáo Hội, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.
Thực vậy, chính tính phổ quát truyền giáo đã phân biệt các Hội ngay từ đầu và thúc đẩy Tòa Thánh nâng chức vụ của các “Hội Giáo Hoàng” theo nghĩa chính xác là công cụ chính thức của Giáo Hội qua sự cộng tác truyền giáo của Dân Thiên Chúa. Chính tính phổ quát và danh hiệu này đã cho Công đồng Vaticano II cơ hội để tuyên bố các Hội cũng là công cụ chính thức của các Giám mục cho hoạt động mục vụ mà các ngài thực hiện có lợi cho các sứ vụ.
Vì vậy, đây không phải do đặc quyền độc đáo nào được ban cho bởi phẩm trật Giáo Hội, mà các Hội Truyền Giáo phải được ưu tiên hơn so với sự cộng tác truyền giáo đặc thù; đây là danh hiệu phát xuất từ chính bản chất và mục đích riêng của các Hội. Có thể nói, các Hội Truyền Giáo được sinh ra, được cấu thành và được phát triển với mục tiêu rõ ràng là để cộng tác với mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tùy theo các nhu cầu đa dạng, chu cấp dựa trên một chương trình rõ ràng trong tầm nhìn phổ quát của các vấn đề. Nhờ lý do này, các Hội Truyền Giáo có đầy đủ lý do để tiếp nhận sự trợ giúp của toàn bộ Dân Chúa, kể cả cá nhân cũng như các tổ chức khác nhau.
Một hệ thống cộng tác về hoạt động truyền giáo của Giáo hội như bao trùm tất cả các thành viên, từ Giáo Hoàng cho đến cuối cùng là các tín hữu (…). Mỗi Giám mục, linh mục, tín hữu, ngay cả khi thực hành một số hoạt động tông đồ truyền giáo, trực tiếp hay gián tiếp, trong các lãnh vực cá nhân, cũng phải đem sự cộng tác của mình cho hoạt động chung của Giáo Hội : nghĩa là cho các Hiệp Hội Giáo Hoàng, trong đó, có của Đức Giáo Hoàng, của tất cả các Giám mục, và toàn Dân Chúa (Phaolô VI, Sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền giáo,1968).
Các Hội này cố gắng tìm cách diễn đạt trong thực tế phương châm có ý nghĩa của một trong những nhà tổ chức có hiệu quả về tính phổ quát truyền giáo trong thế kỷ XX, cha Phaolô Manna, phương châm khắc trên ngôi mộ của ngài là: Toàn thể Giáo hội cho khắp thế giới.
Chính mục đích phổ quát của các Hội này cũng thúc đẩy họ đặt ra trong hành động tất cả các phương tiện hiệu quả để giáo dục Dân Chúa trong tinh thần thực sự phổ quát truyền giáo; để cổ võ trong sự khác biệt đa dạng của họ về các ơn gọi truyền giáo; để phát triển cách thường xuyên đức bác ái trong một khía cạnh kép vừa tinh thần vừa vật chất luôn theo tiêu chuẩn của Công giáo (Phaolô VI, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo, 1974)
Đặc biệt một trong những Hội này, đó là Hội Truyền bá Đức Tin đã có công đề xuất với Đức Giáo Hoàng Pio XI, năm 1926, một sáng kiến thích hợp để kêu gọi ngày này hàng năm ủng hộ cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Hội Truyền bá Đức tin vẫn còn nhận một nhiệm vụ nặng nề nữa là cổ võ và tổ chức, với sự hỗ trợ của các Hội Giáo Hoàng khác dưới sự chỉ đạo của các Giám mục tương ứng. Chính Ngày này, cũng như ngày để phân phối đồng đều cho các xứ truyền giáo những của đã quyên góp được trong khung cảnh đức ái của thế giới công giáo.
Chúng tôi thực sự mong muốn rằng, trong năm thứ 50 này, các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo có được sự gia tăng mạnh mẽ, cả trong các Giáo Hội Kitô giáo truyền thống cũng như trong các Giáo Hội mới được thành lập. Nhờ các Hội này, mỗi Giám mục sẽ đạt tới một cách dễ dàng và hiệu quả mà toàn Giáo phận của mình được nên một (AG 38), nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc cộng tác trong sứ vụ phổ quát của Giáo Hội; đồng thời, chính họ sẽ trở nên sự bảo đảm chắc chắn cho sự đổi mới sâu sa của đời sống kitô giáo.
Với hy vọng rằng những lời khích lệ của chúng tôi, sẽ nhận được lời đáp trả quảng đại của tất cả anh chị em đang hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng diễn tả lòng biết ơn của chúng tôi lúc này, và như một bằng chứng của các ân huệ bởi trời, chúng tôi ban Phép lành Tòa Thánh cho anh chị em.
Từ Vatican, kỷ niệm lần thứ 50 của tổ chức Ngày Thế giới Truyền giáo, 14 tháng 4 năm 1976, năm thứ 13 triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.
GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP