Anh chị em thân mến,
Hướng tới sứ điệp của tôi trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo sắp tới, như năm Thánh Mẫu tôi đã tuyên bố để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 kết thúc, tôi ao ước mời gọi tất cả mọi thành phần Dân Chúa suy tư về khía cạnh đặc biệt của công cuộc loan báo Tin Mừng đó là : sự hiện diện của Đức Maria trong sứ mạng phổ quát của Giáo Hội.
Sứ mạng này bao gồm việc rao giảng tin mừng cứu độ, nhờ tin vào Đức Kitô, được sự ủy thác của chính Đấng Phục Sinh truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19); “Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị lên án” (Mc 16, 16).
I – Đức Maria, Ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng và mẹ của mọi dân tộc
Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, đã là người đầu tiên tin vào Con của Mẹ và Mẹ được công bố là người có phúc nhờ đức tin (x. Lc 1,45). Đời sống của Mẹ là một hành trình và là cuộc hành hương đức tin trong Chúa Kitô, nơi đó, Mẹ đã đi trước các môn đệ và luôn hiện diện trước Giáo Hội (x. Redemptoris Master 26).
Vì thế, bất cứ nơi nào Giáo Hội thực hành hoạt động truyền giáo giữa các dân tộc, thì nơi đó có sự hiện diện của Đức Maria: sự hiện diện của Mẹ như cộng tác viên cho việc tái sinh và đào tạo các tín hữu (x. LG 63); sự hiện diện của Mẹ như “Ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng” mà Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm của tôi đã khẳng định (x. EN 82), để hướng dẫn và an ủi các sứ giả Tin Mừng và nâng đỡ đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu mới, được thúc đẩy từ việc công bố truyền giáo nhờ quyền năng của Lời và ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Sự hiện diện và ảnh hưởng của Mẹ Đức Giêsu luôn đồng hành với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Các sứ giả Tin Mừng, khi trình bày mầu nhiệm Đức Kitô và chân lý đức tin cho các dân tộc không Kitô, họ cũng cho thấy con người và chức vụ của Mẹ Maria, “Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã quy tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin”, và “khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha” (LG 65). Và mỗi dân tộc, đón nhận Maria như là mẹ, cũng làm phong phú việc thờ phượng và lòng sùng kính của họ đối với những tước hiệu và những cách diễn tả mới, đáp ứng cho những nhu cầu cá nhân, đặc biệt là tinh thần tôn giáo. Nhiều cộng đoàn Kitô giáo, hoa trái của công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, trong tình thảo hiếu đối với Mẹ của Đức Giêsu, đã tìm được sự trợ giúp an ủi để duy trì đức tin trong những giai đoạn thử thách, bách hại.
- Maria mẫu gương thánh hiến cho sứ mạng
Giáo Hội, theo ơn gọi và sự quan tâm rao giảng của mình, lấy gương sáng và sự khích lệ của Đức Maria, người được báo tin đầu tiên (x. Lc 1, 26-38), và cũng là người loan báo Tin Mừng đầu tiên (x. Lc 1, 39-56). Chính Mẹ đã đón nhận tin vui cứu độ bằng lòng tin, biến lòng tin thành lời rao giảng, bài ca, lời ngôn sứ. Chính Mẹ đã trao ban cho mọi người chỉ thị tinh thần tốt nhất mà họ từng đón nhận: “hãy làm những gì Người nói” (Ga 2,5). Trong trường học của Đức Maria, Giáo Hội học cách tự hiến mình cho sứ mạng.
Nhận thức rằng hơn hai phần ba nhân loại chưa nhận biết hoặc vẫn chưa được chia sẻ niềm tin của mình trong Đức Kitô Đấng cứu độ, đã thúc đẩy Giáo hội để thường xuyên chuẩn bị các thế hệ tông đồ mới, gia tăng lời cầu nguyện và dấn thân hơn nữa, để mỗi cộng đoàn Kitô hữu phát sinh thêm số các ơn gọi truyền giáo.
Thực tế, nếu đúng vậy, theo Công đồng, tất cả các môn đệ của Đức Kitô đã được ủy thác việc truyền bá đức tin theo khả năng riêng của mỗi người, đặc biệt đối với những ai được Thiên Chúa kêu mời thông qua ơn gọi truyền giáo nhờ Chúa Thánh Thần, đấng khơi dậy các cộng đoàn trong lòng Giáo Hội mà có trách nhiệm như bổn phận riêng biệt, một sứ vụ loan báo Tin Mừng đầu tiên (x. AG 23).
Đó chính là lý do an ủi, hy vọng và tạ ơn Thiên Chúa vì quả thực những người phục vụ truyền giáo các Giáo Hội địa phương đang gia tăng qua việc gửi các linh mục giáo phận, những người đáng được gọi là “hồng ân đức tin”, các giáo dân và những người thiện nguyện, vừa giúp các Giáo Hội nghèo hơn, vừa mang lời loan báo đầu tiên của Tin Mừng và tình liên đới về đức ái giữa các dân tộc và các nhóm dân chưa là Kitô giáo.
Với niềm vui đặc biệt cần lưu ý rằng, bên cạnh các Giáo Hội có nền tảng cổ xưa, còn có các Giáo Hội Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ Latinh thường tham gia vào sứ mạng phổ quát của Giáo Hội. Việc gửi các nhà truyền giáo “đến với muôn dân” từ các cộng đoàn Giáo Hội này, vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển, cho thấy tinh thần công giáo và truyền giáo đích thực, mà các Giáo Hội mới phải linh hoạt, “gửi các nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng khắp nơi, ngay cả khi họ chịu sự thiếu thốn của hàng giáo phẩm” (x. AG số 20).
Những sứ giả Tin Mừng, thường bị phớt lờ, bị quên lãng hoặc bị bắt bớ, những người dành cả cuộc đời mình nơi tiền đồn cho sứ mạng của Giáo Hội, họ tìm thấy mẫu gương hoàn hảo về sự dâng hiến và trung thành nơi Đức Maria, “thánh hiến hoàn toàn chính mình như đầy tớ của Thiên Chúa cho con người và cho công cuộc của Chúa Con” (LG 56). Vì thế, nhân dịp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, tôi rất cảm cảm phục trước sự dấn thân quảng đại, đôi khi anh hùng cho đến tử đạo, của các nhà truyền giáo nam cũng như nữ, ngay cả trong thời đại của chúng ta, đang trải rộng khắp các châu lục, gửi đến họ và mọi gia đình dòng tu, các tu hội nam cũng như nữ đã dâng hiến cho sứ mạng như một phần cơ bản của sự thánh hiến, lời chào thăm quý mến và khích lệ chân thành nhân danh toàn thể Giáo Hội, kêu gọi anh chị em đừng nản lòng trước những khó khăn trong công tác tông đồ nhưng hãy đặt niềm tin nơi Đức Maria và noi gương người.
Với tất cả anh chị em, các nhà truyền giáo nam nữ, những người làm việc nhằm mở mang tình mẫu tử của Giáo Hội qua việc sinh ra và thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu mới, tôi chân thành nhắc lại huấn từ tôi đã gửi cho các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh năm Thánh Mẫu: “vậy nên, mỗi người trong chúng ta hãy đưa Đức Maria vào nhà của chúng ta, giống như tông đồ Gioan đã đưa Mẹ lên đồi Golgotha… Mẹ như người trung gian của “mầu nhiệm cao cả này” (x. Eph 5, 32), mà tất cả chúng ta đều mong muốn phục vụ bằng đời sống của chúng ta” (Thư gửi các Linh mục số 4, 25/3/1988: Giáo huấn của Gioan Phaolô II, XI, 1, [1988] 727).
III. Làm thế nào để chuẩn bị một cuộc truyền giáo mới với Đức Maria
Để chuẩn bị kỷ niệm Năm Thánh 2000 và bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba của đức tin kitô giáo với hy vọng và dấn thân của biến cố mới, Giáo Hội đề nghị làm mới lại và gia tăng nhiệt tình truyền giáo của mình để lời loan báo Tin Mừng có thể mang lại hiệu quả hơn cho các dân tộc vẫn còn chưa biết hoặc chưa được nghe Tin Mừng. Với Đức Maria, người chuẩn bị sự xuất hiện đầu tiên của Chúa, tôi xin uỷ thác niềm hy vọng này: qua sự trung gian từ mẫu của Mẹ, Mẹ sẽ có được cho toàn thể Dân Chúa một nhận thức sống động và tích cực hơn về trách nhiệm của mình đối với biến cố Nước Thiên Chúa thông qua công cuộc loan báo Tin Mừng.
Trước hết, tôi gửi đến các mục tử các Giáo Hội địa phương, các linh mục cộng tác với các ngài và những ai dấn thân trong hoạt mục vụ : qua lời nói, giáo lý và mẫu gương giáo dục các tín hữu được uỷ thác cho anh em với tinh thần truyền giáo thực sự, “với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, ý thức về trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người” (AG số 21). Các cộng đoàn Kitô hữu, dưới sự hướng dẫn của anh em, họ diễn tả sự trưởng thành và sức sống đức tin và tình hiệp thông của họ đối với Giáo Hội, mở ra cho sứ mạng phổ quát của Giáo Hội qua lời cầu nguyện, cổ võ ơn gọi truyền giáo, tình liên đới, và chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần với những người nghèo trên thế giới. Trước hết, các gia đình phải biết mang “sự đóng góp cụ thể của mình cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng cách nuôi dưỡng các ơn gọi truyền giáo trong các con trai con gái của họ” (“Familiaris Consortio”, 54).
Nói về sự năng động truyền giáo của các cộng đoàn kitô hữu cần phải nhắc tới các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, những Hội này đáng chú ý trong Giáo Hội, vì sự khởi xướng và tính nhẫn nại của họ trong việc đẩy mạnh việc cộng tác truyền giáo qua những sáng kiến đa dạng về linh hoạt, thông tin và hình thành tinh thần thực sự phổ quát truyền giáo. Vì họ quan tâm đến lãnh vực bác ái và hỗ trợ vật chất cách rộng lớn, nên tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy đóng góp cách quảng đại để nuôi dưỡng các chủng sinh, đào tạo người giáo dân, đặc biệt là các giáo lý viên, xây dựng nhà thờ, trường học, bệnh viện và các công trình xã hội.
Nhưng vai trò chính của các công trình này là linh hoạt truyền giáo, đầu tiên là việc truyền bá đức tin, vốn là nhiệm vụ chính của công tác giáo dục, thông tin và nhận thức truyền giáo.
Sau đó, tất cả một lòng cổ võ các ơn gọi cho Giáo Hội Truyền Giáo. Công việc này, có tầm quan trọng cơ bản đối với hệ quả của sứ vụ “đến với muôn dân”, được trao phó cách đặc biệt cho Hội Thánh Phêrô Tông đồ dành cho các ơn gọi linh mục và tu sĩ trong các Giáo Hội trẻ, và cho Hội Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo của các linh mục, các tu sĩ nam nữ dấn thân hình thành nên tinh thần truyền giáo, nhờ họ, Giáo Hội mở ra văn phòng mục vụ, các nhà linh hoạt và các nhân viên mục vụ. Về phần mình, Hội Thánh Nhi Truyền Giáo cung cấp cho ngành giáo dục và cho việc linh hoạt truyền giáo của trẻ em từ những năm đầu tiên.
Lặp lại ý tưởng cảm hứng từ sứ điệp này, tôi không thể không nhấn mạnh một lần nữa, sự năng động truyền giáo và ơn gọi truyền giáo đang được cổ võ và sống động trong Giáo Hội, họ tìm thấy nơi Đức Maria, một người mẹ, một mẫu gương truyền cảm hứng và nâng đỡ sự dấn thân của họ. Thật vậy, như tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu, Mẹ có thể đáng được xem là “người truyền giáo đầu tiên”, vì mẹ là mẹ của Chúa Giêsu, đấng được Chúa Cha sai đến, đấng loan báo tin mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, và với sứ mạng của mình, Người hiệp nhất và cộng tác với tình mẫu tử. Tại trường học của người Mẹ này, mọi con cái của Giáo Hội đều học được tinh thần truyền giáo, để từ đó, đời sống kitô hữu của họ được linh hoạt và tinh thần tông đồ được sinh động.
Tôi không thể kết thúc sứ điệp của tôi mà không mở rộng trái tim, nhất là đối với anh chị em, với các bạn trẻ là những dấu chỉ của sự sống và niềm hy vọng lớn lao của Giáo Hội. Tương lai sứ mạng và ơn gọi truyền giáo được liên kết với lòng quảng đại của anh chị em trong việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, tới sự kêu gọi sống đời thánh hiến để công bố Tin Mừng. Nơi Đức Maria, anh chị em cũng học được cách nói lời “xin vâng” tràn đầy, vui vẻ và trung thành theo ý Chúa Cha và kế hoạch yêu thương của Người.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, đấng chúng ta cầu xin Mẹ của Giáo Hội và của mọi dân tộc, chuyển cầu tới Con của Mẹ để tinh thần mới của Lễ Hiện Xuống có thể làm sống động nơi tất cả những ai đã lãnh nhận hồng ân đức tin qua bí tích Rửa tội. Xin Mẹ làm cho họ ngày càng nhận thức hơn về bổn phận truyền giáo của mình, qua đó, nhờ tính kiên trì và lòng quảng đại của họ, Tin Mừng được loan báo cho mọi dân tộc và niềm tin vào Đức Kitô mang lại ánh sáng và ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Tôi ưu ái ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người, dưới sự che của ân phúc bởi trời.
Từ Vatican, ngày 22 tháng 5, lễ Hiện Xuống năm 1988, năm thứ 10 triều đại Giáo Hoàng.
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP