Chư Huynh đáng kính và các con yêu quí của Giáo Hội!
1. Năm nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo có tầm quan trọng đặc biệt phát sinh từ việc cử hành Năm Thánh ngoại thường về ơn cứu chuộc. Như đã nói trong bài huấn dụ, tôi đã hướng tới thế giới ngay từ đầu sứ vụ của tôi: “Các con hãy mở cánh cửa cho Chúa Kitô”; và quả thật, Năm Thánh là lời mời gọi mạnh mẽ tới sự hoán cải và hòa giải, một lời mời gọi để nhận thức hơn về ân sủng của Bí tích Rửa tội, và để tiếp nhận Tin Mừng một cách quảng đại, đó là lời công bố ơn cứu chuộc và sự cứu độ dành cho tất cả mọi người.
Vì vậy, một lần nữa tôi mời gọi anh chị em kitô hữu hãy mang đến cho thế giới sự phong phú khôn lường của ơn cứu chuộc, do đó Năm Thánh mang một ý nghĩa truyền giáo nổi bật. Nó trở thành lời mời gọi mới mẻ về việc truyền giáo cho hàng triệu người, sau 1950 năm từ sự Hiến tế cứu độ ở Calvario, vẫn còn những người chưa là kitô hữu hoặc không thể khẩn cầu nhân danh Đấng Cứu Thế trong đau khổ hoặc vui mừng, vì họ chưa được nhận biết Người.
Do đó, nếu muốn trở thành các kitô hữu đích thực, người ta không thể không ước ao sự tham gia đầy đủ về ân ban tuyệt vời của ơn cứu độ, kể cả với những anh chị em này. Nói cách khác, tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô, sự xa cách không chỉ là mối liên hệ cá nhân, mà là mối quan hệ liên quan đến toàn thể nhân loại, và vì vậy, điều này cần thiết được lồng vào trong chiều kích truyền giáo.
Chúa Kitô là Đấng Cứu độ mọi người, vì mọi người mà Ngài đã chết, vì mọi người mà Ngài đã dâng chính mình làm giá cứu chuộc (x 2Cor 5, 15; 1Tm 2,6; 1Ga 2,2), và mời gọi mỗi người không chỉ hòa giải cá nhân, mà còn trở nên công cụ của ơn cứu chuộc cho những ai chưa được cứu độ: “Anh em hãy đi … và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19-20).
Thật là một vinh dự cao cả mà cũng là mệnh lệnh quan trọng chất vấn nhận thức của chúng ta về lệnh truyền lớn nhất trong sứ điệp của Chúa Kitô : “Anh em hãy yêu mến nhau như thầy đã yêu mến anh em” (x. Ga 15,12.17).
Như vậy, chẳng phải sự cứu chuộc chính là thực hành dấu chỉ tình yêu mà Chúa Kitô đã muốn chúng ta tiếp tục hay sao? Do đó, có thể nói : càng yêu thương anh em, chúng ta càng làm việc và thực hành để thông truyền cho họ Lời cứu độ của chính Chúa Kitô và hoa trái của ơn cứu chuộc. Ước chi mỗi người chúng ta thực hành lời của vị tông đồ: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi!” (2Cor 5,14).
Như tôi đã viết trong Văn thư trong phần mở đầu Năm Thánh: “sự tái khám phá và sự thực hành sống động của bí tích cứu độ của Giáo Hội, qua đó đến với từng cá nhân cũng như cộng đoàn ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, đó là để thấy ý nghĩa sâu xa và vẻ đẹp huyền bí của Năm mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để cử hành. Đàng khác, phải có một sự rõ ràng rằng thời điểm quan trọng này, trong khi mỗi kitô hữu được mời gọi để thực hiện sâu xa hơn ơn gọi hòa giải với Chúa Cha trong Chúa Con, sẽ đạt tới mục đích của mình một cách viên mãn trừ khi nó dẫn đến một sự dấn thân mới của mỗi người và của tất cả những ai phục vụ cho hòa bình giữa mọi dân tộc” (“Hãy mở cánh cửa cứu độ”, số 3).
Vì vậy, bước vào tinh thần của Năm Thánh, tương đương với với việc lao mình vào tinh thần truyền giáo, để hướng tới con tim không chỉ ở độ sâu về nhận thức, mà còn cho tất cả những ai là anh em của chúng ta, vì họ có quyền được biết Chúa Kitô và và có quyền tận hưởng sự phong phú từ trái tim “giàu lòng thương xót của Thiên Chúa”.
2. Không có sự phục vụ nào cho con người lớn hơn sự phục vụ truyền giáo
Do đó, Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay hoàn toàn hài hòa với nội dung thần học và mục vụ của Năm Thánh ngoại thường. Vậy tôi xin nhắc lại với trái tim đầy lòng trắc ẩn : “Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô!”. Chúng ta hãy đến với Đấng Cứu Độ, hãy mang Ngài đến cho tất cả mọi người! Chúng ta mang Ngài nơi mình nhờ sức lôi cuốn hấp dẫn của Chúa Thánh Thần, được khẩn cầu và đạt tới bằng lời cầu nguyện truyền giáo!
Chúng ta hãy mang lấy Ngài, kết hợp với Ngài qua những đau khổ hằng ngày của chúng ta, ngay cả những điều thầm kín và khiêm tốn nhất vào sự hy sinh lớn lao của Đấng chịu đóng đinh, để trân quý và làm cho chúng có giá trị cứu độ cho anh chị em của chúng ta.
Chúng ta hãy mang lấy Ngài, nâng đỡ tình liên đới của chúng ta bằng sự quí mến, bằng sự trợ giúp đa dạng của những tấm lòng quảng đại đang làm việc trong sự tách biệt hoàn toàn nơi biên cương của Nước Thiên Chúa để loan báo Tin Mừng.
Tôi đặc biệt hướng tới các bạn trẻ, là niềm hy vọng của Giáo Hội và cũng là niềm hy vọng của tôi. Các bạn trẻ xác định sự nhiệt tình của mình, năng lực, cảm xúc, nhiệt huyết và sự táo bạo của mình vào trong các sứ vụ thánh. Thánh Phanxicô Saviê, từ Ấn độ xa xôi, nơi ngài loan báo sứ điệp về ơn cứu độ, có lẽ ngài đã không nghĩ nhiều đến đồng nghiệp đại học của mình tại Paris, cho rằng, nếu họ biết được những nhu cầu to lớn của thế giới truyền giáo, họ sẽ không ngần ngại tham gia với ngài trong cuộc chinh phục tinh thần của thế giới cho Chúa Kitô sao?
Vì thế, tôi nói với bạn trẻ rằng: các con đừng sợ! Đừng sợ buông bỏ mình cho Chúa Kitô để dâng cho Ngài đời sống của các con trong việc phục vụ quảng đại cho lý tưởng cao đẹp hơn đó là truyền giáo. Một sự dấn thân thú vị, dày đặc các hoạt động đang chờ đón các con.
3. Sự cộng tác, bổn phận của mọi kitô hữu
Tương tự như vậy, tôi hy vọng tất cả các tín hữu tình nguyện tham gia và đóng góp một phần cá nhân của mình cho hoạt động cao cả của sự “hợp tác truyền giáo” mà chỉ trong các Hội Truyền Giáo mới tìm thấy những công cụ xác định, phù hợp hơn và hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy hoạt động tinh thần và vật chất của những người tiên phong của Tin Mừng (x. AG 38)
Nhưng bởi vì các tín hữu hoàn toàn có thể nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của sự hợp tác của họ là điều cần thiết mà họ đang nhạy cảm với các vấn đề của những người có nhiệm vụ quan trọng về sự năng động truyền giáo, nghĩa là của các linh mục và các tu sĩ nam nữ.
Sự năng động một phần là do sự hướng dẫn của Dân Thiên Chúa là điều cần thiết bởi vì những hướng dẫn đó tùy thuộc vào sự ý thức cụ thể của các tín hữu về vấn để loan báo Tin Mừng và vì vậy sự dấn thân của họ trong lãnh vực cộng tác. Sự dấn thân càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn nếu người ta coi hoạt động truyền giáo cũng bao gồm việc xây dựng cần thiết các nhà thờ, các trường học, các chủng viện, các đại học, các trung tâm y tế, v.v… để thăng tiến nền đạo đức và nhân bản của các anh em, đang bị chi phối nhiều bởi những khó khăn về kinh tế.
Và với cơ cấu cải thiện của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo mà tôi đã đề cập ở trên, có thể sử dụng để thực hiện chương trình nâng cao nhận thức toàn diện này và để tổ chức mạng lưới từ thiện phổ quát?
Tôi cũng được biết thời gian gần đây đang mọc lên các “trung tâm năng động truyền giáo” tại nhiều quốc gia. Nên tôi khuyên những sáng kiến sống động và hữu ích này dành một sự đào sâu thần học, mục vụ và linh đạo về giáo huấn truyền giáo. Bản thân tôi rất vui mừng khánh thành một trụ sở mới của các trung tâm này, trung tâm Linh hoạt Truyền giáo tại CIAM, được đặt bên cạnh trường Đại Học Urbaniana, rất thân thương với tôi.
Vì vậy, trong ngày Thế giới Truyền giáo này, Giáo Hội, là mẹ và là thầy dạy, vì lợi ích của tất cả mọi người, cách riêng qua các Hội Giáo Hoàng đã được nói đến, giang rộng đôi tay đón nhận sự trợ giúp của những người thiện nguyện.
Đề nghị trợ giúp quảng đại này là một bổn phận, một nghĩa vụ và là niềm vui, bởi vì nó mang ý nghĩa cộng tác để đem lại nhiều lợi ích vô giá của ơn cứu độ cho những người vẫn chưa biết “sự giàu có cần thiết của Chúa Kitô” (x. Eph 3,8).
Ngay cả Bộ luật mới trong Giáo luật cũng dành cho hoạt động truyền giáo một phần trong quyển thứ II (Giáo luật số 781-792) phê chuẩn cách rõ ràng nghĩa vụ của tất cả các tín hữu, mỗi người tùy theo khả năng của mình, cộng tác vào công việc loan báo Tin Mừng, trong sự nhận thức trách nhiệm riêng của mình, xuất phát từ bản chất truyền giáo của Giáo Hội (x. Giáo luật số 781). Như thế cũng thủ đắc được sự nhận thức nào đó theo pháp lý về sự cộng tác truyền giáo, như Giáo luật số 791 chỉ rõ, sự nhận thức này phải được thúc đẩy trong tất cả các giáo phận, theo bốn chỉ thị quan trọng đó là: sự phát triển về các ơn gọi truyền giáo, sự giúp đỡ linh mục thích đáng để có những sáng kiến truyền giáo, đặc biệt là sự phát triển về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo; việc tổ chức ngày Thế Giới Truyền Giáo; việc quyên góp tiền hàng năm trợ giúp kinh phí cho các xứ truyền giáo để gửi đến Tòa Thánh.
4. Năm Thánh mời gọi hướng tới niềm hy vọng
Thực vậy tôi hy vọng rằng mọi nỗ lực của Giáo Hội, của Dân Thiên Chúa, trong giờ phút khó khăn mà nhân loại đang phải trải qua, đúng là dày đặc với các mối đe dọa, nhưng cũng là dấu hiệu của niềm hy vọng, sẽ huy động, thúc đẩy một trách nhiệm tinh thần mới từ Năm Thánh Cứu độ này, để lời rao giảng Tin Mừng đạt tới tầm mức rộng lớn và sâu sắc nơi mọi người và mọi dân tộc trên trái đất.
Sau cùng, tôi muốn diễn tả lòng biết ơn tới các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả nơi tiền tuyến và trong các lãnh vực khác nhau của Giáo Hội cùng với các hoạt động đa dạng khác nhau, đóng góp cách hiệu quả cho việc mở mang Nước Chúa, tôi ưu ái ban phép lành tòa thánh cho họ và cho những người thân của họ như ân huệ bởi trời.
Từ Vatican, ngày 10 tháng 6, lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm 1983.
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP