Anh chị em thân mến!
“Máu của các vị tử đạo là hạt giống của các Kitô hữu” (Tertulliano, Apologeticus, 50: PL 1, 534).
Trong chuyến tông du gần đây của tôi tại Viễn Đông, tôi vui mừng phong thánh cho 103 vị tuyên xưng đức tin Công giáo, rao giảng tin mừng Hàn Quốc bằng việc công bố sứ điệp của Chúa Kitô, các ngài có một đặc ân để minh chứng sự hy sinh cao cả về đời sống này của các ngài, một sự bảo đảm về sự sống vĩnh cửu trong Chúa phục sinh.
Bối cảnh này đã nảy sinh trong tôi vài ý tưởng mà tôi muốn nhấn mạnh đến sự quan tâm của mọi tín hữu nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo sắp tới.
1. Giá trị cứu độ của thập giá
Thực tế, các thư và sách Công vụ Tông đồ khẳng định đó là ân sủng đặc biệt để có thể chịu đựng “vì danh Đức Giêsu”. Chẳng hạn chúng ta đọc thấy các tông đồ “vui mừng ra khỏi công nghị, vì thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41), bằng việc theo sát hoàn toàn những điều Đấng Cứu Độ đã công bố trong bài giảng trên núi: “Phúc cho anh em khi vì thầy mà người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa, anh em hãy vui mừng, hớn hở…” (Mt 5, 11).
Chính Chúa Kitô đã thực hiện công trình cứu độ của Ngài cho nhân loại trước hết bằng cuộc vượt qua đau khổ và tử đạo thật khủng khiếp, Ngài cũng chỉ ra một con đường cho các môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 10, 24). Vì thế, tình yêu chắc chắn vượt qua thập giá, và trong tình yêu này, thập giá trở nên sáng tạo và là nguồn phát sinh sức mạnh cứu độ. Thánh Phaolô viết: “Anh em biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn vô tì tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1, 18-19; x 2 Cor 6, 20).
Chúng ta đã suy gẫm sâu về thập giá, mầu nhiệm phi thường của tình yêu Thiên Chúa trong năm thánh cứu độ mới vừa kết thúc. Hàng triệu tín hữu đã suy niệm và sống mầu nhiệm này cách sâu xa, nhiều người trong họ đã đổ xô tới Roma để lặp lại lời tuyên xưng đức tin của mình trước mộ của các thánh tông đồ, là những người đầu tiên đã chia sẻ cuộc tử đạo của Thầy mình. Một đức tin mà người ta tìm thấy sự xác tín đầu tiên của nó dưới chân thập giá trong lời của viên bách quản và của những người lính canh giữ Chúa Giêsu: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54).
Từ biến cố mấu chốt đó, đối với lịch sử nhân loại, các tông đồ và những người kế vị vẫn tiếp tục loan báo sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta qua mọi thời đại : “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. (Cv 4,12). Nhưng Ngài đã trở thành chứng nhân đặc biệt về sự đau khổ tột cùng, sự dâng hiến của Chúa Kitô cũng như của các môn đệ Ngài đã mở tâm trí và con tim của nhân loại tới sự hoán cải theo Tin Mừng: chứng từ trổi vượt của tình yêu; thật vậy, “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Và đây chính là chứng từ mà đoàn tử đạo và những người tuyên xưng đức tin đã chịu đau khổ trong thời gian, nhờ hy sinh và hiến tế của họ có thể làm trổ sinh hoa trái trong các Hội Thánh – cũng như sự hy sinh và hiến tế của các thánh tử đạo Đại Hàn mà tôi đã công bố từ đầu – và làm phong phú bằng máu của các ngài trên những miền đất mới để biến những vùng đất đó thành những cánh đồng phì nhiêu của Tin Mừng; Thật vậy, “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Các anh hùng đức tin này đã hiểu và đã thực hiện tốt khái niệm nền tảng – mà tôi đã diễn tả trong bức thư ý nghĩa kitô giáo về sự đau khổ của con người – theo nghĩa, Chúa Kitô đã thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại bằng thập giá và đã chịu đau khổ thay cho con người và vì con người, mỗi người “cũng được mời gọi tham dự vào sự đau khổ nhờ đó mọi khổ đau của con người cũng được cứu chuộc. Khi thực hiện ơn cứu độ bằng đau khổ, Đức Kitô đồng thời cũng nâng cao đau khổ của con người đến nỗi thông ban cho nó một giá trị cứu độ. Như vậy, qua đau khổ của mình, mọi người đều có thể tham dự vào đau khổ cứu độ của Đức Kitô” (Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris về ý nghĩa đau khổ, 19).
2. Đau khổ, công cụ quý giá để loan báo Tin Mừng
Những kết quả truyền giáo xem ra rõ ràng về những gì tôi đã trình bày. Vì vậy, tôi mong rằng trong sứ điệp dành cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 1984, khuyến khích mạnh mẽ mọi tín hữu coi trọng giá trị đau khổ trong nhiều hình thức khác nhau, kết hợp nó với đau khổ của thập giá để loan báo Tin Mừng, nghĩa là vì sự cứu chuộc của biết bao người vẫn chưa nhận biết Chúa Kitô.
Vẫn còn hàng triệu anh chị em chưa nhận biết Tin mừng và chưa được hưởng kho tàng lớn lao từ tình yêu của Đấng cứu độ. Đối với họ, đau khổ không giải thích đủ; đau khổ là một nghịch lý rất nặng nề và không thể giải nghĩa được, nó tương phản cách thê thảm với khát vọng của con người mong đạt được hạnh phúc hoàn toàn.
Chỉ có thập giá Chúa Kitô mới chiếu ra tia sáng về mầu nhiệm này; chỉ nơi thập giá, con người mới có thể tìm ra câu trả lời đúng về sự đau khổ bí ẩn phát sinh từ kinh nghiệm đau khổ. Các thánh đã hiểu điều đó cách sâu sắc và đã chấp nhận nó, có khi họ còn ao ước chịu đau khổ cách cháy bỏng để được liên kết với cuộc vượt qua của Chúa, để làm cho mình nên giống như lời của thánh tông đồ: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col, 1, 24).
Vì thế, tôi mời gọi tất cả các tín hữu đang chịu đau khổ, và không ai được miễn trừ khỏi đau khổ, để đem ý nghĩa tông đồ này cho những đau khổ của họ.
Thánh Phanxicô Saverio, bổn mạng các nhà truyền giáo, sự nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, trực tiếp mang danh Đức Giêsu đến tận cùng trái đất, ngài đã không ngần ngại đối đầu với mọi khó khăn nảy sinh như đói khát, rét mướt, đắm tàu, bắt bớ, ôn dịch; chỉ khi chết mới cắt đứt cuộc chạy đua của ngài.
Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo, người tù của tình yêu trong dòng Carmelo thành Lisieux, đã muốn chạy đi khắp thế giới để cắm cây thập giá Chúa Kitô ở khắp mọi nơi. Chị viết: “Em muốn là nhà truyền giáo không chỉ trong vài năm, nhưng em muốn là như vậy từ khi có vũ trụ này cho đến tận thế” (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Chuyện một tâm hồn, Manoscritto B, trang 3). Và chị đã thực hiện được tính phổ quát và tính tông đồ như lòng mong ước trong việc xin Thiên Chúa được chịu đau khổ và dâng hiến cao quí của mình như vị tử đạo tự nguyện cho tình yêu thương xót. Sự đau khổ đạt tới đỉnh cao và đồng thời ở mức độ cao hơn nữa của sự phong phú tông đồ trong việc tử đạo tinh thần, trong đau khổ của đêm tối đức tin, được hiến dâng một cách anh hùng để đạt tới ánh sáng đức tin cho nhiều anh chị em vẫn còn đắm chìm trong bóng tối.
Giáo Hội chỉ ra hai hình thức ánh sáng này, mời gọi chúng ta không chỉ suy tư nhưng còn bắt chước nữa.
Vì vậy chúng ta có thể cộng tác một cách tích cực cho việc mở mang nước Chúa Kitô, và cho sự phát triển thân mình mầu nhiệm của Ngài theo ba hướng:
- Học hỏi để đưa vào trong đau khổ cá nhân chúng ta một mục đích xác thực hơn, mà nó bắt nguồn từ sự tham dự năng động của Giáo hội vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô.
- Mời gọi các anh chị em đang đau khổ trong tinh thần và thể xác hiểu được chiều kích tông đồ này về sự đau khổ và đánh giá những thử thách của họ, những nỗi đau của họ trong ý nghĩa truyền giáo;
– Bằng tình yêu vô biên hãy làm cho đau khổ của chúng ta, sự đau khổ mà hàng ngày nó gây xúc phạm nhiều nơi trong nhân loại, gây rắc rối do bệnh tật, đói khát, bách hại, bị tước các quyền cơ bản như tự do; nhân loại đang đau khổ, trong đó người ta phải biện phân khuôn mặt của Chúa Kitô, “một trong những người đau khổ”, chúng ta phải tìm cách làm dịu đi cũng như làm điều gì đó tốt hơn khi có thể.
3. Giá trị của đau khổ: một chương trình cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Chương trình này, rộng lớn và toàn diện, đòi hỏi tất cả các tín hữu một trách nhiệm quảng đại. Tôi mong ước đề nghị với tất cả các tín hữu, nhớ lại khi chúng ta mới lãnh nhận bí tích rửa tội là đã được sai đi truyền giáo, mặc dù ở các mức độ và hình thức thức khác nhau (xem Ad Gentes, 36, GL 781).
Tôi phó thác cách đặc biệt cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, một công cụ đặc quyền về sự năng động truyền giáo của Giáo Hội chứ không chỉ riêng trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo, nhưng trong suốt năm, các Hội phải đẩy mạnh tinh thần truyền giáo, một yếu tố không phải bên lề, nhưng thiết yếu của bản chất thân thể mầu nhiệm.
Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ dành cho chủng sinh, ơn gọi linh mục và tu sĩ trên các miền truyền giáo, Hội Thánh Nhi, Hiệp Hội Truyền Giáo của các linh mục, tu sĩ nam nữ và các Tu Hội đời, tạo thành nhiều phương tiện, đã được thử nghiệm từ mười năm kinh nghiệm, để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong các lãnh vực khác nhau.
Tôi biết rất rõ những công việc đáng khen này, cũng như việc quyên góp vật chất tài chính được dâng cúng từ lòng quảng đại của các tín hữu – vật chất cần thiết để thực hiện cho các nhà thờ, các chủng viện, trường học, nhà trẻ, bệnh viện – thực hiện một công việc năng động truyền giáo. Kể cả giá trị về sự đau khổ nhằm mục đích truyền giáo mà tôi muốn đặt ra với sự xem xét đặc biệt của toàn dân Chúa cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo 1984, thiết lập một trong những cách diễn tả cao quí hơn về sứ vụ tông đồ của họ mà nó nhanh chóng thúc đẩy sự gắn bó giữa những người bệnh, người già, người bị bỏ rơi, người tị nạn, cũng như giữa các tù nhân.
Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa. Thật vậy, có rất nhiều đau khổ của con người vẫn chưa tìm thấy mục đích cao cả và công việc tông đồ của họ, từ đó mới có thể rút ra một việc tốt lành rộng lớn nhằm phát triển cho việc loan báo Tin Mừng, mở rộng nhiệm thể của Chúa Kitô.
Đây có thể là hình thức cộng tác truyền giáo cao nhất, vì nó đạt tới hiệu quả tối đa trong sự hiệp thông với đau khổ của con người cùng với hiến tế của Chúa Kitô trên đồi Calvario không ngừng đổi mới trên bàn thờ mỗi ngày.
Anh chị em thân mến, những người đau khổ nơi linh hồn và thể xác, anh chị em biết rằng Giáo Hội tin tưởng nơi anh chị em, Giáo Hoàng tin tưởng nơi anh chị em để danh Đức Giêsu được công bố cho đến tận cùng trái đất. Tôi cũng muốn nhắc lại điều mà tôi đã viết trong thư về ý nghĩa kitô giáo về sự đau khổ của con người: “Tin Mừng về sự đau khổ đang được viết không ngừng, và không ngừng nói bằng những lời nghịch lý lạ lùng: suối nguồn về sức mạnh thần linh phát sinh nhờ sự yếu đuối của con người. Những ai tham dự vào sự đau khổ của Chúa Kitô, họ duy trì trong những đau khổ của mình hạt giống rất đặc biệt của kho tàng vô tận về sự cứu độ của thế giới, và họ có thể chia sẻ kho tàng này cho những người khác. Con người càng bị đe doạ bởi tội lỗi, thì cơ cấu tội lỗi mà thế giới ngày nay mang trong mình càng nặng nề hơn, và khả năng hùng biện mà con người phải chịu càng lớn. Và Giáo Hội càng cảm thấy cần phải dùng đến giá trị của sự đau khổ của con người để cứu độ thế giới” (Gioan Phaolo II, Salvifico Doloris, 27).
Đức Maria, “Nữ vương tử đạo” và “Nữ vương tông đồ”, đánh thức mọi người ước muốn được kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đấng cứu độ hoàn vũ.
Trong ngày Chúa Nhật lễ kính Chúa Thánh Thần, được sống trong tinh thần truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, tôi ưu ái ban phép lành tòa thánh đặc biệt cho những người, trực tiếp hay gián tiếp, những người đã dùng hết khả năng và đau khổ của mình để truyền thông cho nhân loại ánh sáng của Tin Mừng.
Từ Vatican, ngày 10 tháng 6 năm 1984, Lễ Ngũ Tuần, năm thứ sáu triều đại Giáo Hoàng.
GIOAN PHAOLÔ II
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP