Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 11, 1-13).
Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bọ cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
*******
“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Lời hứa của Đức Giêsu có vẻ táo bạo và liều lĩnh quá! Kinh nghiệm sống hàng ngày của chúng ta đều phủ nhận lời khẳng định này của Người. Ai trong chúng ta cũng có những ví dụ cụ thể, trong đời sống cá nhân của mình cũng như của những người chúng ta quen biết. Chúng ta đã khẩn khoản cầu xin với đầy sự tin tưởng, chúng ta cầu xin những điều rất chính đáng và hợp lý, chúng ta đã cầu nguyện một cách không vụ lợi cho những người khác hơn là cho chính mình, cho những việc chính đáng, nhưng Chúa vẫn thinh lặng, Chúa vẫn không nhận lời, Chúa vẫn làm ngơ. Tình thế vẫn không thay đổi: kẻ ác tiếp tục hoành hành, người công chính vẫn tiếp tục chịu oan, chịu khổ. Tôi cầu nguyện liên lỉ cho một bạn trẻ kia đang bị nghiện ma túy, nhưng bạn ấy chết vì dùng thuốc quá liều. Tôi cầu xin Chúa cho một người cha trong gia đình một mình vất vả nuôi đàn con thơ, nhưng căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của ông ấy!
Và câu hỏi này được đặt ra: có phải chúng ta cầu nguyện không đúng, hay không đủ? Có phải chúng ta chưa đủ niềm tin? Hay là Chúa muốn thử thách chúng ta, thử lòng tin và sự kiên trì của chúng ta?
Chúa đã giao cho chúng ta quản lý thế giới mà Người đã tạo ra. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó. Chúa ở cùng chúng ta. Người hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Người can thiệp trong Giáo Hội và trên thế giới, nhưng sự can thiệp của Người không bao gồm việc sửa đổi tiến trình của các sự kiện. Ví dụ, Chúa có thể chữa lành bệnh cho chúng ta, nhưng Người không làm cho chúng ta trở nên bất tử!
Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Thiên Chúa là Cha. Đức Giêsu khẳng định là Chúa Cha luôn ban ơn cho những ai cầu xin Người: “Cứ xin thì sẽ được…”. Người muốn cho chúng ta những điều tốt đẹp, nên có thể Người sẽ không nhậm lời cầu xin của ai đó nếu những gì được ban cho sẽ bất lợi và thảm họa cho họ. Nếu một cậu bé 10 tuổi xin cha mẹ mình một xe gắn máy, cha mẹ có chấp nhận ước muốn của em không?
Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng Chúa ban ơn, nhưng không phải ơn mà chúng ta xin không? Chẳng hạn, chúng ta cầu xin Chúa ban hòa bình cho thế giới. Rõ ràng là Chúa vẫn chưa nhậm lời chúng ta, nhưng Người lại ban cho chúng ta có đủ can đảm để đi hòa giải với kẻ đã làm chúng ta tổn thương. Chúng ta xin Chúa cho bầu không khí gia đình tốt hơn, nhưng Người lại ban cho chúng ta nghị lực để tạo cơ hội đối thoại và gặp gỡ với những người thân của mình. Chúng ta xin Chúa để nạn phân biệt chủng tộc được xóa bỏ, nhưng Người lại ban cho chúng ta có cái nhìn cởi mở và khoan dung đối với những người ngoại quốc đang sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta xin Chúa cho một thế giới công bằng hơn, nhưng Người lại ban cho chúng ta có một trái tim rộng lượng, sẵn sàng tham gia vào các chương trình từ thiện, bác ái. Chúng ta xin Chúa cho giáo xứ, cho cộng đoàn chúng ta quan tâm hơn đến nhu cầu của người vô gia cư, nhưng Người lại ban cho chúng ta sức mạnh để tham gia tích cực trong một hiệp hội bảo vệ quyền lợi của họ.
“Cứ xin thì sẽ được, nhưng có thể bạn không nhận được những gì bạn mong đợi!”
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” Chúng ta cầu xin Chúa ơn này, ơn kia, nhưng Chúa lại ban Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu muốn nói gì thế? Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, tức là Người ban chính mình Người. Người đến với chúng ta. Nếu chúng ta tiếp đón Người, nếu chúng ta để Người hoạt động trong chúng ta, chúng ta sẽ sống trong Người, yêu thương tha nhân với tình yêu của Người: nhìn mọi sự, mọi biến cố bằng cái nhìn của chính Thiên Chúa.
Nói một cách khác, cụ thể hơn: trong lời cầu xin của chúng ta có những ưu tư, lo lắng, những buồn khổ, những dự án của chúng ta. Chúa sẽ ban cho chúng ta Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta cầu nguyện và cầu thay nguyện giúp chúng ta, như lời thánh Phaolô (Rm 8, 26). Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta, ban sức mạnh và khôn ngoan. Nhờ đó chúng ta biết cách quản lý sức khỏe hay bệnh tật, thành công hay thất bại, công lý hay bất công theo cách của Chúa, nghĩa là bằng tình yêu thương.
Chúa luôn ban ơn cho chúng ta. Người còn ban cho chúng ta món quà cao quý nhất, đó là Chúa Thánh Thần, là Thánh Thần tình yêu, là hơi thở của sự sống, là Sự Sống và chính là sự sống của Thiên Chúa!