Ông cho người này năm yến… Suy niệm ngày 27.8.2022

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt 25, 14-30):

14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “

24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

******************

 1. Nước Trời giống như “một người kia sắp đi xa” (c. 14-15)

Nước Trời giống như “một người kia sắp đi xa… Rồi ông ra đi”. Như thế, Nước Trời đâu có phải là một thực tại xa lạ, xa xôi hay quá cao vời, bởi vì hình ảnh mà Đức Giê-su dùng để làm cho chúng ta hiểu về Nước Trời là chính thực tại mà mỗi người chúng ta đang sống.

a. “Rồi ông đi xa

Khi loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta được lớn lên trong một gia đình, và trong đời dâng hiến, được đón nhận và được tháp nhập vào Hội Dòng, thì tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: sự sống và ngôi vị của chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống mỗi ngày, Lời và Mình Máu Đức Kitô được ban nhưng không mỗi ngày.

Bởi vì tương quan đích thật và trưởng thành không phải là tương quan hiện diện thể lí, nhưng là tương quan vắng mặt ngang qua các dấu chỉ. Xét cho cùng, làm sao hai người hiện diện thể lí với nhau mọi nơi mọi lúc được! Giống như khi chúng ta còn bé, có lúc bé phải ở nhà một mình; và mẹ chỉ thực sự hài lòng và hạnh phúc khi bé ngoan cả khi mẹ đi chợ vắng nhà. Khi chủ ở nhà, thì người tôi tớ buộc phải sống thân phận tôi tớ; nhưng khi chủ đi vắng, người tôi tớ vẫn sống, vẫn ứng xử như là tôi tớ, hay tự biến mình thành chủ? Như Đức Giê-su nói trong dụ ngôn về người tôi tớ: “Tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa” (Mt 24, 48-49)? Như thế, và tất cả chúng ta cũng đều có kinh nghiệm, khi tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa: thích thì giữ lại, quyến luyến; không thích thì bỏ rơi, loại trừ. Điều này đúng trong mọi cấp độ (đời mình, gia đình mình, cộng đoàn mình… và tất cả những gì thuộc về mình) và ở mọi vị trí xã hội và Giáo Hội (cha mẹ, giáo viên, bề trên, trưởng nhóm…).

b. “Tùy theo khả năng mỗi người

Theo các nhà chuyên môn, mỗi yến bạc trị giá sáu ngàn ngày công, tương đương với hai mươi năm làm việc. Số vốn quá lớn! Điều này có nghĩa là, dù có sự khác biệt khách quan năm, hai hay một nén, tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người chúng ta tự bản chất đều quá lớn, có thể nói là vô giá, vô giá như chính sự sống. Chúng ta có thể hiểu những yến bạc là những năm tháng cuộc đời Chúa ban cho mỗi người, dài ngắn khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu những yến bạc là tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống: chủng tộc, xã hội, gia đình, giới tính, ngoại hình, khả năng, số phận…

Như vậy, tất yếu có sự khác biệt. Chúng ta vẫn mơ là ai cũng y trang như nhau, thế là hết rắc rối. Không phải như vậy, sẽ rắc rối to hơn nữa, bởi vì sẽ chẳng còn niềm vui mở ra và chung hiệp, chẳng còn hạnh phúc chia sẻ và đón nhận, chẳng còn kinh ngạc và thán phục trước những điều kì diệu Chúa thực hiện đặc biệt cho mình hoặc cho người khác (chúng ta có thể nghĩ những đặc sủng Thiên Chúa ban cho Đức Maria, cho các thánh nam nữ, cho các Vị Sáng Lập), chẳng còn tâm tình ca tụng và tạ ơn, chẳng còn lời kêu cầu tín thác, chẳng còn tương quan tình bạn, tình yêu…!

Dụ ngôn của Đức Giê-su nói cho chúng ta về sự khác biệt, khác biệt giữa người này với người khác; và sự khác biệt này là một thử thách, thử thách lớn nhất và dài nhất, thuộc về thân phận con người, nghĩa là không ai được miễn trừ. Chúng ta có thể nghiệm ra được thử thách này trong lịch sử cứu độ, trong kinh nghiệm sống của con người và của mỗi người chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể vẫn thỉnh thoảng rầu rĩ ỉ ôi về mình, và chẳng bao giờ tự vượt qua được cảm thức này với nỗ lực của mình: khả năng của con lớn lắm mà, sao Chúa trao cho con có bao nhiêu đây? Tại sao con không là con gái? Hay tại sao con không là con trai? Tại sao “ngoại hình” của con như vầy, tại sao con lại bị thế này, tại sao người ta có mà con không có? Tại sao và tại sao, và có những “tại sao” sâu thẳm mà chỉ mình biết mình mà thôi.

Thử thách lớn nhất cuộc đời là chính bản thân mình. Hạnh phúc hay không hạnh phúc, tương quan của chúng ta với người khác và với chính Chúa, sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào cách chúng ta đón nhận bản thân mình như một quyền lợi phải có hay như một quà tặng nhưng không.

2. Người thứ ba

Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì hoàn cảnh của người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng về điều mình có và điều mình là luôn luôn là ít và là ít nhất. Và khi chúng ta rầu rĩ về mình, đó chính là lúc chúng ta đang ghen tị với người khác và tất yếu chúng ta sẽ kêu trách Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng, khởi đi hình ảnh lệch lạc về Người: tại sao Chúa ban cho con có bao nhiêu đó, tại sao Chúa “bất công”, tại sao Chúa hà khắc như vậy…?

Chúng ta nên cảm thông với người thứ ba, vì anh chỉ có một nén thôi. Tuy nhiên, anh phải bình an với sự khác biệt này, cho dù là rất khó, vì đây là sự khác biệt thua thiệt. Anh phải vượt qua và mọi người cần giúp anh vượt qua thử thách này. Trong xã hội và có khi ngay ở bên cạnh hay chung quanh chúng ta, có rất nhiều người ở trong tình trạng này. Chính chúng ta được mời gọi xác tín với tâm tình tri ân cảm tạ bản thân mình như thế đó là một ơn huệ và chúng ta có sứ mạng giúp người khác có cùng một xác tín như vậy. Và người khác có khi là chính anh em hay chị em của chúng ta trong gia đình hay trong cộng đoàn.

Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa: “tại sao anh lại may mắn hơn tôi?” Thái độ tự ti, mặc cảm, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Điều này có nghĩa là, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi, từ sâu thẳm tự bên trong.

3. Hưởng niềm vui

Dụ ngôn của Đức Giê-su, nhất là cuộc đời của Ngài mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn. Mỗi Thánh Lễ là một lời tạ ơn, là Lễ Tạ Ơn, là lời kinh Tạ Ơn: tạ ơn về chính mình, mình y như thế đó, tạ ơn vì sự tin tưởng quá lớn Chúa trao tặng chúng ta, tạ ơn vì quà tặng Đức Giêsu Kitô. Chính với tâm tình tạ ơn mà chúng ta mới có thể quảng đại làm sinh hoa kết quả cho vinh quang Thiên Chúa. Kết quả dù ít dù nhiều không quan trọng, miễn là chúng ta đã cho đi tất cả và lời hứa Chúa dành cho chúng ta đều như nhau: hưởng niềm vui khôn tả của Chúa. Chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày với tâm tình của kinh Dấng Hiến: Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả. Tất cả bằng tất cả (tất cả = tất cả); đó chính là sự cân xứng đến từ chính năng động vừa tự nhiên và vừa mạnh mẽ của tình yêu. Hay như trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, người cha nói với người con lớn: “mọi sự của cha là của con”; và người con được mời gọi đáp lại với cùng một lời: “mọi sự của con là của cha”.

*  *  *

Dụ ngôn còn mặc khải cho chúng ta một điều rất lạ lùng, mang lại cho chúng ta sự bình an và niềm hi vọng: yến bạc nếu được đầu tư, tất yếu sẽ sinh lợi một cách hoàn hảo: năm sinh lợi ra năm, hai sinh lợi ra hai và đáng lẽ ra một sinh lợi ra một. Vấn đề ở đây không phải là có tài kinh doanh hoặc nỗ lực tạo lập sự công chính hay sự hoàn hảo của mình trên bình diện luân lí và lề luật, nhưng là qui luật muôn đời của sự sống: sự sống, nghĩa là ân huệ nhận được, nếu được “đầu tư”, nghĩa là cho đi, tất yếu sẽ sinh hoa kết quả.

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô vừa khuôn theo qui luật của sự sống, vì Đức Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa mì để diễn tả mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Người, vừa là bảo chứng sự sống chiến thắng sự chết và sinh hoa trái gấp trăm và bền vững muôn đời.

Comments are closed.

phone-icon