Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2,16-21):
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
***
Ngày lễ hôm nay có nhiều chủ đề. Thứ nhất, chúng ta mừng trọng thể Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thứ hai, đây là tuần bát nhật của lễ Giáng sinh, ngày con trẻ được cắt bì và nhận tên Giêsu. Thứ ba, đây là Tết Dương lịch, là ngày đầu năm mới của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Và cuối cùng, ngày 1 tháng 1 là Ngày Thế giới Hòa bình.
Trước tiên chúng ta nói về ngày lễ hôm nay: Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa. Có lẽ đây là lễ mừng Đức Maria cổ xưa nhất. Các lời nguyện, kinh Tiền Tụng và bài đọc II trong thánh lễ hôm nay nhấn mạnh tính chất cổ xưa của ngày lễ. Thánh Phaolô, trong bài đọc II, nói rằng Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi một người phụ nữ. Đây là bản văn cổ xưa nhất mà chúng ta biết nói về Đức Mẹ. Sự kín đáo và dè dặt của thánh Phaolô có thể được giải thích bởi việc vào thời điểm viết thư, có lẽ Đức Maria vẫn còn sống. Nhưng mọi ý tưởng đã được gói ghém trong câu nói này rồi, đó là vinh quang của Mẹ Maria là được làm Mẹ Chúa Giêsu. Vì là Mẹ của Chúa Kitô, Đức Maria cũng là Mẹ của chúng ta và là Mẹ của Giáo Hội.
Điều thứ hai. Tin Mừng hôm nay thuật lại con trẻ nhận phép cắt bì và nhận tên Giêsu. Ngày nay nghi thức này của người Do-thái vẫn còn được thực hiện trên khắp thế giới. Người Do-thái đã cho nghi thức vệ sinh này một ý nghĩa tôn giáo, đó là đứa trẻ được gia nhập cộng đoàn Do-thái, hơi giống với lễ Thánh tẩy hoặc lễ rửa tội của Kitô giáo chúng ta. Máu đổ ra trong cuộc phẫu thuật là dấu chỉ của giao ước với Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, máu của phép cắt bì biểu lộ sự thuộc về Thiên Chúa Cha của Người một cách sâu đậm hơn và chuẩn bị việc đổ máu cho giao ước mới trên thập giá.
Điều thứ ba. Trước thềm năm mới Dương lịch, chúng ta có thể cầu xin Chúa chúc lành cho chúng ta, cho những người thân yêu của chúng ta và cho toàn thế giới bằng cách dùng công thức chúc lành trong Kinh Thánh mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I. Đó là công thức chúc lành mà các tư tế tại đền thờ Giêrusalem công bố vào cuối các nghi lễ phụng vụ. Đối với đức tin của người Do-thái, mọi sự đều hướng về Chúa, vì mọi điều tốt lành đều đến từ Người: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con.”
Điều thứ tư. Lời cầu nguyện của chúng ta cho Ngày Thế giới Hòa bình hôm nay, đó là “Xin Chúa ban bình an cho các bạn”. Đây cũng là lời chúc của tôi đến với quý ông bà và anh chị em! Tôi cầu chúc mọi người được ơn bình an của Chúa. Tôi chân thành cầu mong thế giới của chúng ta sẽ chấm dứt tất cả những cuộc xung đột làm đẫm máu hành tinh, những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc, giữa các tôn giáo… Tôi cũng cầu chúc cho mỗi người chúng ta được bình an với gia đình của mình, với người hàng xóm, láng giềng, với đồng nghiệp của mình. Sâu xa hơn, đó là bình an của Thiên Chúa, bình an theo nghĩa Kinh Thánh, đó là sự hòa hợp, hài hòa với chính mình, với những người xung quanh, với thế giới và với Thiên Chúa. Hòa bình theo nghĩa Kinh Thánh cũng là sự thịnh vượng kinh tế, một thế giới không còn những người bị loại trừ, bị bỏ rơi, những người vô gia cư. Hòa bình, đó là sự hạnh phúc, không phải là hạnh phúc ích kỷ nhỏ nhoi, mà là niềm hạnh phúc của cả một thế giới cùng hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Liệu những điều ước này sẽ thành hiện thực hay không? Chúng ta không biết, nhưng đó là điều chúng ta mong ước từ tận thâm sâu tâm hồn. Ít nhất, chúng ta có thể cầu nguyện cho hòa bình. Chính vì thế, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra sắc lệnh lấy ngày đầu tiên của năm Dương lịch là ngày cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta tin rằng hòa bình luôn luôn có thể hiện diện giữa chúng ta nếu mỗi người trong chúng ta mơ ước và nỗ lực xây dựng sự hòa bình.
Trước thềm năm mới Dương lịch, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về “Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa”. Không phải chúng ta thán phục Mẹ khi Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Cứu Tinh, nhưng vì Mẹ đã biết thưa “xin vâng” về một tương lai xa lạ, vì Mẹ đã tin tưởng vào lời sứ thần Gáp-ri-en trong ngày Truyền Tin. Ước mong chúng ta cũng biết thưa “xin vâng”, phó thác và chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến với chúng ta, tất cả những gì nằm ngoài ý muốn của chúng ta. Ước mong chúng ta biết thực thi thánh ý Chúa. Thánh ý của Chúa là chúng ta được hạnh phúc, là chúng ta làm cho người khác hạnh phúc, thế giới của chúng ta được sống trong hòa bình.
Giống như Mẹ Maria đã ghi nhớ tất cả mọi biến cố và suy niệm trong lòng, chúng ta tự hỏi tương lai sẽ ra sao? Chúng ta hãy nhớ tới thái độ sẵn sàng và sự phó thác của Mẹ Maria. Chúa luôn ở với chúng ta. Người sẽ đồng hành và gìn giữ chúng ta trong mọi biến cố, vui cũng như buồn. Đó là niềm hy vọng của chúng ta và và lý do để chúng ta được sống bình an.
Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta trong năm mới này. Amen.