Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Mt 7, 15-20)
15 “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa.
20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
***************
Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7), để mời gọi chúng ta sống tương quan đích thực với Thiên Chúa, nghĩa là sống như những người con của Cha trên trời: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (5, 48), Đức Giê-su nói thật nhiều về cách chúng ta tương quan với người khác: đồng loại, người anh em, vợ chồng, đối thủ tranh chấp, kẻ thù, kẻ dữ, những người chào hỏi và yêu thương chúng ta, những không chào hỏi, không yêu thương chúng ta…
Nhưng trong bài Tin Mừng này, thuộc phần cuối của Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su về một nhóm người đặc biệt, đó là “ngôn sứ giả”.
1. Sói dữ tham mồi
Chắc chắn đó là những con người cụ thể, giống như những con người tìm mọi cách để tóm bắt, tố cáo, lên án và giết chết Người nhân danh Lề Luật và nhân danh Thiên Chúa hằng sống, trong cuộc Thương Khó. Nhưng Đức Giê-su lại mô tả cách hành động của họ giống như cách hành động của Satan:
Họ đội lốt chiên mà đến với anh em;
nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. (c. 15)
“Sói Dữ tham mồi” chỉ có thể là hình ảnh của Sự Dữ. Con Rắn được kể lại trong sách Sáng Thế, chương 3, đã dùng những lời ngon ngọt, nhưng là để phun nọc độc quên ơn, nghi ngờ và ham muốn hủy hoại sự sống của con người. Như thế, “ngôn sứ giả” được Đức Giê-su nói tới ở đây, chính là Satan hành động nơi con người cụ thể, hoặc đó là những con người hành động theo sự xúi dục của Satan, những con người tự biến mình thành tay sai của Satan.
Chúng ta hiểu “ngôn sứ giả” như thế, một đàng hoàn toàn phù hợp với thực thế cuộc sống của chúng ta, bởi vì hơn lúc nào hết, Satan hiện diện và hành động mạnh mẽ ở khắp nơi như “sói dữ tham mồi”, nhưng một cách rất kín đáo và với một vẻ bề ngoài tốt đẹp; đàng khác, cũng đúng với bản chất của lời Đức Giê-su, là lời ban sự sống. Thật vậy, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su ban lời để phục vụ cho sự sống của chúng ta, và sự sống của chúng ta cần được giải thoát khỏi Sự Dữ biết bao, như chúng ta vẫn cầu xin trong Kinh Lạy Cha:
Xin cứu chúng con
khỏi mọi sự dữ.
Và để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, lời của Đức Giê-su giúp chúng ta nhận diện Sự Dữ: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (c. 16 và 20). Và sự dữ sẽ hoàn toàn lộ diện trong cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.
2. Phân định thần loại
Và bởi vì đó là Satan, nên phạm vi hoạt động của nó không chỉ giới hạn ở bên ngoài, ngang qua những con người cụ thể; nhưng Satan còn hiện diện và hành động ngay trong nội tâm của chúng ta. Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh I-nha-xi-ô (thánh sáng lập Dòng Chúa Giê-su, và Việt Nam, được gọi là Dòng Tên) cho thấy rõ sự thật này:
“Đặc điểm của thần dữ là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồi tệ của nó”. (LT 332)
Và để nhận ra đó thần dữ, thánh I-nha-xi-ô cũng mời gọi chúng ta áp dụng nguyên tắc Đức Giê-su đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài Tin Mừng: xem quả thì biết cây (x. Sách Linh Thao, số 333-334). Trong Tông Huấn Gaudate et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxi cô cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của thần dữ:
“Quả thật, khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã yêu cầu chúng ta kết thúc bằng cách xin Chúa Cha giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Hạn từ được sử dụng ở đây không qui chiếu về sự dữ trừu tượng và phiên dịch chính xác phải là “Ác Thần” (le Malin). Nó ám chỉ một cá thể (être personnel) phá rối chúng ta. Đức Giêsu đã dạy chúng ta mỗi ngày cầu xin ơn giải thoát này, để quyền năng của nó không thống trị chúng ta.
Như vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng ma quỉ là một huyền thoại, một hình dung, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến việc buông tay, nới lỏng chú ý và để mình bị lộ ra hơn. Ma quỷ không cần chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng hận thù, buồn sầu, ham muốn, những thói xấu. Nó phá hoại cuộc đời của chúng ta, gia đình và cộng đoàn của chúng ta, khi chúng ta mất cảnh giác, vì nó rình mò “như sư tử gầm gừ, rảo quanh, tìm mồi cắn xé” (x. 1 Pr 5, 8). (Số 160-161)[1]
3. “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18)
Trong Bài Giảng Trên Núi, để nhận ra “ngôn sứ giả”, Đức Giê-su dạy chúng ta áp dụng nguyên tắc “xem quả biết cây”, vốn là nguyên tắc phát xuất từ kinh nghiệm trồng trọt và từ kinh nghiệm sống của loài người chúng ta thuộc mọi thời và mọi nền văn hóa.
Nhưng trong mầu nhiệm Vượt Qua, Người sẽ tự nguyện trở thành nạn nhân của “ngôn sứ giả”, vừa để giúp chúng ta nhận ra hình dạng thật của nó và vừa giải thoát chúng ta. Như thế, chính ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua, mới chính là “nguyên tắc sống động” mà chúng ta được mời gọi mặc lấy, để phân biệt ngôn sứ giả và ngôn sứ thật.
Thập Giá Đức Ki-tô là mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta. Chính vì thế, Thánh Phao-lô không rao giảng một Đức Ki-tô nào khác ngoài Đức Ki-tô chịu đóng đinh (x. 1Cr 1, 23). Vậy khi nhìn ngắm Thập Giá của Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi lắng nghe mặc khải của “Lời Thập Giá”[2]: