Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: The Word among Us
Suy Niệm và Cầu Nguyện Các Mầu Nhiệm
Chúng ta càng yêu mến Chúa Kitô nhiều bao nhiêu, Đức Trinh Nữ Maria luôn có thể dẫn chúng ta đến một tình yêu sâu sắc hơn và một cái nhìn đức tin cao hơn vào Người.
Vì lý do này, chúng ta tôn kính Đức Maria khi chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Mẹ Mân Côi vào tháng Mười hàng năm.
Vẻ đẹp của Chuỗi Mân Côi là lời kinh ấy có thể được cầu nguyện ở rất nhiều mức độ, trong rất nhiều nơi, cá nhân hay cộng đoàn. Hơn nữa, Chuỗi Mân Côi là một lời cầu nguyện trải rộng trên những tương tác khác nhau của con người. Bởi vì những lời cầu nguyện của Chuỗi Mân Côi được ghi nhớ, chúng ta có thể cầu nguyện trong khi đang làm những công việc khác, như thể chúng ta đang rửa chén nhưng đồng thời vui hưởng sự đồng hành cùng gia đình. Chúng ta có thể cầu nguyện Kinh Mân Côi với những người khác, giống như với một buổi họp mặt gia đình. Hoặc chúng ta có thể dành những giây phút thân mật với Chúa Giêsu khi chúng ta suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời và cái chết của Người.
Hầu hết những người Công Giáo đều rất quen thuộc với Kinh Mân Côi, nhưng nhiều người ngạc nhiên khi họ khám phá ra mức độ chiều sâu có thể có được trong khi “đọc chuỗi hạt”. Một thành phần thiết yếu của Chuỗi Mân Côi là sự liên kết của một trong các mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Kitô với mỗi chục kinh. Tầm quan trọng của những mầu nhiệm này được diễn tả bởi Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ngài gọi chúng là “linh hồn” của Chuỗi Mân Côi (Marialis Cultus, 47) bởi vì chính trong những suy niệm này chúng ta biết được những khía cạnh khác nhau về công trình của Chúa Giêsu Kitô nhằm cứu độ thế giới khỏi tội lỗi và sự xa cách với Thiên Chúa. Phần thứ nhất trong năm mầu nhiệm được gọi là “Sự Vui” và suy niệm về sự ra đời, thơ ấu, thiếu niên, đặc biệt như được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Các Mầu Nhiệm Sự Sáng nhắc đến những biến cố quan trọng trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô. Các Mầu Nhiệm Thương thì lưu ý đến sự đau khổ và cái chết của Người, và các Mầu Nhiệm Mừng lưu tâm đến sự phục sinh và hậu phục sinh của Người.
Suy Gẫm về Các Mầu Nhiệm. Trong khi đọc mười Kinh Kính Mừng trong mỗi chục, chúng ta học tiếp cận từng mầu nhiệm từ cái nhìn của Đức Trinh Nữ Maria. Hãy nhớ lại rằng Đức Mẹ của chúng ta đã hiện diện ở nhiều trong những biến cố này, không chỉ trong những biến cố xung quanh sự ra đời của Chúa Giêsu, mà còn tại tiệc cưới Cana và khi Chúa Giêsu vác thập giá và bị đóng đinh. Mẹ đã ở phòng trên lầu cùng với các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, vì thế chúng ta cũng có thể an tâm cho rằng Mẹ đã thấy Chúa Giêsu phục sinh và có lẽ cả khi Người lên trời. Và dĩ nhiên, Mẹ đã trải nghiệm về sự lên trời và vinh quang trên trời của chính mình.
Bằng cách lặp lại Kinh Kính Mừng, chúng ta thưa với Mẹ bằng những lời chào của Thánh Gáprien và Thánh Êlisabét, và sau đó chúng ta xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm các mầu nhiệm. Trong tiến trình này, cứ như thể chúng ta đang cố gắng nhìn vào mỗi mầu nhiệm của ơn cứu độ từ quan điểm mẫu tử của Mẹ, tìm cách để yêu mến Chúa Giêsu Kitô, trung tâm của mỗi mầu nhiệm, như Mẹ làm. Tôi cho rằng Đức Trinh Nữ Maria có tình yêu cá vị và động cơ yêu thương Chúa Kitô cao hơn so với chúng ta, những người tội lỗi. Chúng ta càng yêu mến Chúa Kitô nhiều bao nhiêu, Đức Trinh Nữ Maria luôn có thể dẫn chúng ta đến một tình yêu sâu sắc hơn và một cái nhìn đức tin cao hơn vào Người.
Cân Bằng và Nhịp Điệu. Một lý do khác để tiếp tục trở lại với những mầu nhiệm này là phải hoà hợp chu kỳ của tất cả hai mươi mầu nhiệm vào trong nhịp điệu của cuộc sống chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ tập trung vào các mầu nhiệm mình thích – có lẽ sự ấm áp của Lễ Giáng Sinh hoặc vinh quang của Lễ Phục Sinh hay quyền năng của Lễ Ngũ Tuần. Trong khi được phép cảm thấy bị lôi cuốn nhấn mạnh một khía cạnh nào đó của mầu nhiệm cứu độ, như nhiều dòng tu – Dòng Thương Khó hoặc Dòng Chúa Phục Sinh, chẳng hạn – thì đức tin Kitô giáo bao gồm tất cả mọi khía cạnh của ơn cứu độ. Cầu nguyện qua chu kỳ của hai mươi mầu nhiệm sẽ nhắc nhở chúng ta cân bằng việc suy niệm của chúng ta về tất cả các mầu nhiệm chính yếu của ơn cứu độ.
Một số người đọc Kinh Mân Côi trong khi đang lái xe hoặc đi dạo; bởi vì những lời cầu nguyện này đã được ghi nhớ, nên điều này dễ thực hiện. Và trước sự cám dỗ mà tất cả chúng ta phải đối mặt khi tức giận với các tài xế khác, chúng ta có thể nhận ra rằng việc lần chuỗi Mân Côi trong khi lái xe là một điều có tính xây dựng nên làm! Đó cũng là một cách để duy trì thái độ cầu nguyện trong khi thực hiện một công việc có thể dẫn đến sự chia trí. Hai người bạn có thể vừa đi bộ vừa lần chuỗi Mân Côi lớn tiếng, hoặc toàn thể giáo xứ có thể đọc Kinh Mân Côi với nhau.
Sự Uyển Chuyển. Nhiều người lần Chuỗi Mân Côi trong nhà thờ hoặc trong một phòng riêng ở nhà nơi không bị chia trí. Sự yên lặng và tập trung nhiều hơn có thể có được trong một môi trường như thế có thể giúp chúng ta dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào các mầu nhiệm riêng lẻ của Chuỗi Mân Côi. Có sẵn nhiều phương tiện trợ giúp cho việc suy niệm về các mầu nhiệm, bao gồm những cuốn sách hay tập sách nhỏ được gọi là “Kinh Mân Côi”, cung cấp một câu Kinh Thánh cho mỗi Kinh Kính Mừng trong mỗi chục Kinh, hoặc những câu có những suy niệm ngắn về mỗi mầu nhiệm.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các mầu nhiệm trong Kinh Thánh và đọc một phần nhỏ của đoạn đó, ở đầu mỗi chục kinh hoặc trong những phần nhỏ giữa mỗi Kinh Kính Mừng. Hoặc đơn giản chỉ tập trung vào khả năng tưởng tượng của bạn về mỗi mầu nhiệm. Một số người tập trung vào những lời của Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha hoặc Kinh Sáng Danh. Mọi người đều được tự do tiếp cận với Chuỗi Mân Côi theo sở thích riêng của mình. Tuy nhiên, chúng ta càng cởi mở lòng và trí đối với các lời cầu nguyện và các mầu nhiệm, chúng ta càng cảm nghiệm được sâu xa hơn chiều sâu của lời cầu nguyện.
Đoạn trích này được lấy từ cuốn sách của Cha Mitch Pacwa, có tựa đề Làm Cách Nào Lắng Nghe Khi Thiên Chúa Đang Nói: Một Hướng Dẫn cho Những Người Công Giáo Hiện Đại Ngày Nay (The Word Among Us Press, 2011), có sẵn tại www.wau.org/books.