Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa – SN ngày 24.09.2024

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Lc 8, 19-21)

19 Mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.
20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”
21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****

1. Đức Maria

Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì người ta chạy vào báo: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giêsu đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Và như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân. Và Đức Giêsu không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Theo lời kể của thánh Mát-thêu, lời của Đức Giêsu giữ khoảng cách với mẹ và những người thân yêu rõ nét và mạnh mẽ hơn “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”! (Mt 12, 48-49).

Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giêsu khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giêsu đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời của Đức Giêsu, suy đi nghĩ lại trong lòng, đã hiểu, và đi theo Đức Giêsu cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giêsu, trong đó có chúng ta.

2. Gia Đình mới

Thật ra, Đức Giêsu đã nhân cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng “một gia đình mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa”. Như thế, Đức Giêsu đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giêsu đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất: Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giêsu, vừa là mẹ Đức Giêsu, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giêsu hai lần.

Giáo Hội và cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giêsu: chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giêsu, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giêsu.

Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành “người thân” đích thực của Đức Giêsu.

3. Tái sinh trong Gia Đình Mới bằng Lời Chúa

Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, ngang qua việc xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27). Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng có đầy khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.

Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Đức Giêsu, chúng ta cũng phải được sinh ra một lần nữa. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.

*  *  *

Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Lương Thực nuôi sống, là Ánh Sáng soi đường và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa.

Ơn huệ Lời Chúa, ơn huệ Mình và Máu của Chúa, và nhất là ơn tha thứ của Chúa, và mọi ơn huệ đều hướng đến MẦU NHIỆM VƯỢT QUA, sẽ tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

*  *  *

Lời bài hát “Như hơi thở mong manh” (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob diễn tả rất hay ơn tái sinh bởi Lời Chúa:

Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.

Comments are closed.

phone-icon