Cầu nguyện giữ chúng ta không đi vào đám đông

0

cau nguyengiup ko di vao dam dong

Gần như trong tất cả các tiểu thuyết của mình, Milan Kundera biểu lộ một sự khó chịu cực kỳ và không chấp nhận tất cả mọi dạng hệ tư tưởng, khoa ngôn, và xu hướng nhất thời, những thứ gây nên kiểu suy nghĩ nhóm hoặc kích động đám đông. Ông nghi ngờ các khẩu hiệu, biểu tình và diễu hành dưới mọi hình thức, bất kể với lý do gì. Ông gọi tất cả những thứ này là cuộc diễu hành khổng lồ, và trong suy nghĩ của ông, tất cả chúng, không chừa cái nào, luôn luôn dẫn đến bạo động. Kundera thích các nghệ sĩ vì họ có khuynh hướng tránh xa lý lẽ và động cơ, họ muốn vẽ và viết hơn là đi diễu hành.

Có những động cơ đáng để chiến đấu, và có những bất công và nỗi đau trong thế giới này đòi hỏi chúng ta phải dấn sâu hơn, xa hơn cái mong muốn viết và vẽ của mình. Vậy mà, phán xét khắc nghiệt của Kundera về mọi kiểu diễu hành và biểu tình, hay nói cách khác là cuộc diễu hành khổng lồ, vẫn là một lời cảnh báo công tâm. Tại sao?

Vì trong những giây phút suy nghĩ nhiều hơn, chúng ta biết khó đến như thế nào nếu không nắm được một hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông, để không trở nên ngu xuẩn mất tỉnh táo. Chúng ta cũng biết thật khó để nhận ra những gì chúng ta thật sự nghĩ gì và tin, khi đối lập với những gì mà quỹ đạo văn hóa đang vây hãm chúng ta. Thật khó để tránh được những kiểu thức đương thời.

Nhưng còn khó hơn nữa khi chúng ta muốn xây một nền tảng cho chính mình dựa trên một cái gì đó thâm sâu hơn, hay muốn được bén rễ nơi một quan điểm nằm ngoài cái mà Thomas Hardy đã từng gọi là đám đông điên loạn. Làm sao chúng ta có được nền tảng là một chiều sâu sẽ giải thoát chúng ta khỏi những hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông đầy tinh vi vốn đang làm băng hoại mọi nền văn hóa?

Trong Tin mừng thánh Luca, các môn đệ cảm nhận Chúa Giêsu lấy sự khôn ngoan, điềm tĩnh, sức mạnh, và năng lực từ một sự gì đó nằm ngoài Ngài. Có nghĩa là Ngài đặt bản thân nơi một sự gì đó vượt ngoài những cạm bẫy và đe dọa của giây phút hiện tại. Họ cảm nhận được Ngài tìm thấy sự thâm sâu đó nơi cầu nguyện. Họ cũng muốn được nối kết với chiều sâu và sức mạnh đó, và họ nhận ra chính lời cầu nguyện là con đường, và là con đường duy nhất cho họ. Rồi họ xin Chúa Giêsu dạy họ cách để cầu nguyện. Ngài đã dạy họ điều gì? Làm sao để chúng ta có thể cầu nguyện theo cách xây dựng nền tảng của chúng ta trên một sự gì đó thật sự vượt ngoài những ái kỷ cá nhân và tập thể?

Một cách ẩn dụ, chúng ta có thể thấy được con đường đó qua đoạn Kinh Thánh ghi lại cái chết tử đạo của thánh Stephano như sau: Một đám đông những con người, dù lầm lạc nhưng rất thật tâm, được thúc đẩy bởi lòng mộ đạo, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi kích động đám đông, đã cùng nhau ném đá Stephano đến chết. Đây là đoạn Kinh Thánh mô tả việc này: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephano. Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.’ Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Cv 7: 54-58). Cái chết của Stephano là thật, nhưng mô tả về cái chết của ngài đầy những ẩn dụ cho chúng ta thấy cầu nguyện và không cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào.

Vậy không cầu nguyện là như thế nào? Đám đông, cho dù mộ đạo và thật tâm, nhưng lại không cầu nguyện. Đoạn Kinh Thánh đã nói rõ: Họ nhìn vào Stephano với ánh mắt hiểu lầm và đầy căm ghét. Hơn nữa, ngay lúc đó, thông điệp tình yêu của ngài là một sự thật khó chịu nên họ bịt tai không thèm nghe. Và chính lúc đó họ đang nằm trong gọng kềm của sự kích động đám đông. Họ không thấy trời đang mở ra, mà chỉ thấy một con người rất bình thường mà họ đang căm ghét,và họ không ở trong tay Thánh Thần mà lại ở trọn trong sự điều khiển của kích động. Đó là lý do vì sao họ không bao giờ nhìn được xa hơn cái nhìn giận dữ chua cay nhắm vào Stephano. Trong thời điểm đó, họ chỉ biết có họ, và họ chỉ thấy được những gì thuộc về trần thế này và những điều này là những điều không nằm trong lời cầu nguyện. Dù chúng ta có mộ đạo đến đâu đi nữa, khi không cầu nguyện, chúng ta sẽ làm như những gì vừa kể trên. Thật sự, đôi khi, việc cầu nguyện chung dù chân thành nhưng cũng chẳng hơn gì việc dấn sâu vào tính ái kỷ nhóm và bị nô lệ hóa thành một đám đông điên loạn. Con mắt của chúng ta vẫn chỉ nhìn vào nhau chứ không nhìn về Thiên Chúa.

Trái lại, Stephano có cầu nguyện. Đoạn Kinh Thánh mô tả ông đang hướng mắt lên trời (một ẩn dụ chứ không phải là mô tả hình tượng) và ông cứ đăm đăm nhìn trời và thấy cửa trời mở ra. Cái nhìn của ông vượt ngoài đám đông, vượt ngoài thời khắc, vượt ngoài tầm nhìn của con người, vượt ngoài căm ghét, và vượt ngoài nỗi sợ trước cái chết của chính mình. Ông nhìn vào một cái gì cao vượt hơn đám đông và thời khắc hiện tại. Chính điều này, và chỉ có điều này, mới là cầu nguyện.

Tôi cùng chia sẻ với Kundera nỗi sợ về cuộc diễu hành khổng lồ và việc tôi cũng như gần hết mọi người khác, sẽ thật quá dễ dàng và mù quáng dấn bước vào đó. Kundera cảm thấy nghệ thuật có thể giúp chúng ta đặt nền tảng ở một nơi nằm ngoài đám đông điên loạn. Tôi sẽ thêm vào một sự sẽ còn hữu ích hơn thế nữa, đó chính là cầu nguyện.

Fr. Ron Rolheiser OMI

***

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,

hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,

trong cô đơn và thầm lặng,

với tấm lòng thanh tịnh,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,

huyên náo vì đấu tranh,

giữa đám đông hối hả lăng xăng,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,

lạy Thiên Chúa muôn loài,

một mình, lặng lẽ,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

 

Comments are closed.

phone-icon