Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về
SỨ VỤ CỦA NGƯỜI CAO NIÊN
“Chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì những ơn ích nhận được, và lấp đầy khoảng trống vô ơn bao bọc quanh Người. Chúng ta có thể cầu bầu cho những kỳ vọng của các thế hệ trẻ…. Chúng ta có thể nhắc nhở những người trẻ đầy tham vọng rằng một cuộc đời không có tình yêu là một cuộc đời cằn cỗi. Chúng ta có thể nói với những người trẻ đang sợ hãi rằng nỗi lo âu về tương lai có thể được khắc phục. Chúng ta cũng có thể dạy cho những người trẻ chỉ biết yêu mình rằng cho đi còn vui hơn là nhận lại.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 11 tháng 3 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về ơn gọi và sứ vụ của những người cao niên.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về ông bà, bằng cách xét đến giá trị và vai trò quan trọng của các ngài trong gia đình. Tôi làm thế qua việc đồng hoá chính mình với những người ấy, vì tôi cũng thuộc thế hệ này.
Khi ở Phi Luật Tân, dân Phi chào đón tôi bằng từ: “Lolo Kiko” – nghĩa là Ông Francis – họ gọi “Lolo Kiko!” Điều quan trọng đầu tiên cần phải nhấn mạnh là: sự thật là xã hội có khuynh hướng loại bỏ chúng tôi, nhưng Chúa chắc chắn là không. Chúa không bao giờ loại bỏ chúng tôi. Người mời gọi chúng ta đi theo Người trong tất cả mọi giai đoạn của cuộc đời, và tuổi già cũng có một ân sủng và một sứ vụ, một ơn gọi đích thực của Chúa. Tuổi già là một ơn gọi. Tuổi già chưa phải là lúc để “gác mái chèo nghỉ ngơi.” Giai đoạn này của cuộc đời chắc chắn khác những giai đoạn trước; chúng ta cũng có một chút “tự sáng tạo” vì xã hội của chúng ta chưa sẵn sàng, cả về tâm linh và luân lý, để ban cho thời điểm này của cuộc đời một giá trị trọn vẹn. Bởi vì, thực ra, có thời gian để tuỳ nghi xử dụng không phải là điều thông thường; điều đó còn đúng hơn nữa với thời nay. Và linh đạo Kitô giáo cũng phần nào bị bất ngờ khi phải phác thảo một linh đạo cho những người cao niên. Nhưng cảm tạ Chúa vì không thiếu những chứng từ của những vị thánh cao niên!
Tôi rất cảm động vì “Ngày của những người Cao Niên” đã được tổ chức ở đây, tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào năm ngoái, chật ních cả quảng trường. Tôi đã nghe những câu chuyện của những người cao niên là những người đã hy sinh phục vụ tha nhân, và cả những câu chuyện của các cặp vợ chồng, họ nói: “Chúng con kỷ niệm 50 năm thành hôn; chúng con mừng 60 năm thành hôn.” Điều quan trọng là để cho những người trẻ, là những người sớm cảm thấy mệt mỏi, chứng kiến điều ấy. Chứng từ về sự chung thuỷ của những vị cao niên thật là quan trọng. Và ngày hôm đó có rất nhiều chứng từ như thế ở quảng trường này. Đó là một suy nghĩ phải được tiếp tục, cả trong Hội Thánh lẫn ngoài đời. Tin Mừng đến cùng chúng ta với một hình ảnh rất đẹp và đáng khích lệ. Đó là hình ảnh của ông Simeon và bà Anna, mà Tin Mừng về Thời Thơ Ấu của Chúa Giêsu kể lại cho chúng ta, được Thánh Luca biên soạn. Họ chắc chắn là đã già, “Ông cụ” Simeon và “nữ ngôn sứ” Anna, đã 84 tuổi. Không giấu tuổi người phụ nữ này. Tin Mừng nói rằng họ hằng ngày chờ đợi sự xuất hiện của Chúa, với lòng trung thành lớn lao, trong nhiều năm dài. Họ muốn gặp Người hôm đó, thu thập các dấu chỉ về Người mà họ chỉ biết qua trực giác lúc ban đầu. Có lẽ khi ấy họ cũng phần nào muốn buông xuôi đành chết trước khi biến cố này xảy ra: nhưng việc chờ đợi lâu dài ấy vẫn tiếp tục chiếm ngự toàn thể cuộc sống của họ, họ không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vục này: chờ đợi Chúa và cầu nguyện. Vâng, khi Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đến Đền Thánh để chu toàn huấn lệnh của Lề Luật, ông Simeon và bà Anna bất ngờ được Chúa Thánh Thần đánh động và sinh động hoá (x Lc 2:27). Sức nặng của tuổi già và sự chờ đợi biến mất trong một giây phút ấy. Họ đã nhận ra Hài Nhi, và đã tìm thấy một sức mạnh mới, cho một sứ vụ mới: tạ ơn và làm chứng cho Dấu Chỉ này của Thiên Chúa. Ông Simeon ứng khẩu một thánh thì tuyệt đẹp về niềm vui (Lc 2:29-32) – vào lúc đó ông là một thi sĩ – và Bà Anna đã trở thành người đầu tiên rao giảng về Chúa Giêsu, “bà đã nói về Người cho tất cả những ai đang trông chờ ơn cứu chuộc của Giêrusalem” (Luke 2:38).
Các ông bà thân yêu, các người cao niên thân mến, chúng ta hãy theo vết chân của những vị lão thành phi thường này! Chúng ta cũng hãy phần nào trở thành những thi sĩ của cầu nguyện: chúng ta hãy vui mừng trong việc tìm kiếm lời lẽ của mình; chúng ta hãy nhận lời mà Lời Chúa dạy chúng ta làm của mình. Những lời cầu nguyện của các ông bà và những người cao niên là một món quà tuyệt vời cho Hội Thánh! Lời cầu nguyện của các ông bà và những người cao niên là một món quà cho Hội Thánh, là một kho báu! Đó cũng là cách tiêm chích sự khôn ngoan lớn lao vào toàn thể xã hội con người: đặc biệt là một xã hội quá bận rộn, quá ràng buộc, quá phân tâm. Phải có người hát cho họ, hát những dấu chỉ của Chúa, phải có người loan báo những dấu chỉ của Thiên Chúa, và phải có người cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy nhìn vào Đức Bênêđictô XVI, người đã chọn dành giai đoạn cuối cùng của đời mình trong cầu nguyện và lắng nghe Thiên Chúa! Và điều này tuyệt đẹp! Olivier Clement, một tín hữu vĩ đại của thế kỷ trước, theo truyền thống Chính Thống, đã nói: “Một nền văn minh mà ở đó không còn cầu nguyện là một nền văn minh trong đó tuổi già không còn ý nghĩa. Và điều này thật đáng sợ. Việc chúng ta cần trước hết nơi tất cả những người cao niên là cầu nguyện, bởi vì tuổi già được ban cho chúng ta để làm việc này.” Chúng ta cần những người già cầu nguyện vì tuổi già được ban cho chúng ta chính là để làm việc này. Việc cầu nguyện của người cao niên là một điều tuyệt đẹp.
Chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì những ơn ích nhận được, và lấp đầy khoảng trống vô ơn bao bọc quanh Người. Chúng ta có thể cầu bầu cho những kỳ vọng của các thế hệ trẻ và đem lại phẩm giá cho việc tưởng niệm và sự hy sinh của những thế hệ đã qua. Chúng ta có thể nhắc nhở những người trẻ đầy tham vọng rằng một cuộc đời không có tình yêu là một cuộc đời cằn cỗi. Chúng ta có thể nói với những người trẻ đang sợ hãi rằng nỗi lo âu về tương lai có thể được khắc phục. Chúng ta cũng có thể dạy cho những người trẻ chỉ biết yêu mình rằng cho đi còn vui hơn là nhận lại. Các ông bà nội ngoại tạo thành bản “hợp ca” thường trực của một cung thánh tâm linh vĩ đại, ở đó những lời khẩn nguyện và những bài ca ngợi khen nâng đỡ cộng đồng đang làm việc và đấu tranh trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Cuối cùng, cầu nguyện không ngừng thanh luyện tâm hồn. Lời ngợi khen và khẩn cầu Thiên Chúa ngăn ngừa việc cứng lòng trong oán hờn và ích kỷ. Sự hoài nghi của một người già đã đánh mất ý nghĩa của chứng từ của mình, coi thường người trẻ và không chịu truyền thông sự khôn ngoan của cuộc đời, là một điều tồi tệ biết bao! Trái lại, đẹp thay sự khuyến khích mà những bậc cao niên có thể cho những người trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa của đức tin và cuộc đời! Đó thực sự là sứ vụ của ông bà, là ơn gọi của những người cao niên. Những lời của ông bà có một điều gì đặc biệt cho giới trẻ. Và các em biết điều ấy. Tôi vẫn còn mang với tôi trong Sách Nguyện những lời mà bà tôi đã viết cho tôi ngày tôi chịu chức linh mục, tôi thường xuyên đọc chúng và chúng có ích cho tôi.
Tôi muốn có một Hội Thánh thách thức nền văn hóa xa thải với niềm vui tràn đầy của một vòng tay ôm ấp mới giữa những người trẻ và người già! Và đây, vòng tay ôm ấp này, là điều tôi cầu xin Chúa hôm nay!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
___________
Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150311_udienza-generale.html