Tôi còn nhớ, cách đây 3 năm, một tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại đèo Đại Ninh, Bắc Bình, Bình Thuận đã khiến ít nhất 10 người, trong đó có 9 du khách người Nga thiệt mạng và 16 người khác bị thương. Có lẽ đây là lần đầu tiên một tai nạn nghiêm trọng làm cho số du khách người nước ngoài chết nhiều nhất tại Việt Nam.
Có người bảo rằng đó là dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn nhắc nhở người dân Nga nói chung và cách riêng là du khách Nga, một nước đã từng được coi là “cố nội” của chủ nghĩa vô thần. Nhận xét như thế có lẽ cũng có phần đúng!?
Bởi vì xuất phát từ một thực tế đáng suy nghĩ. Được biết du khách nước ngoài tới Việt Nam phần đông là người Nga. Và đa số theo Kitô giáo. Tuy nhiên, số người giữ đạo là rất ít. Cứ đến các nhà thờ ở khu du lịch Mũi Né vào các ngày Chúa Nhật thì biết. Tìm mỏi cả mắt cũng chẳng thấy người Nga nào giữa những du khách nước ngoài đến dự lễ ở các nhà thờ. Họ sống như không có đời sau vậy. Có vẻ như “di chứng” vô thần chủ nghĩa vẫn còn “tươi sống” nơi họ. Ai giữ đạo mặc ai, ai đi nhà thờ mặc ai. Còn mình chỉ lo vui chơi trầm mình hưởng thụ nơi các khu resort, nhà hàng, vũ trường, quán bar… Dường như họ chẳng quan tâm gì đến những thực tại đời sau, ngay cả những người được biết là có đạo đi nữa.
Âu đó cũng là thực trạng chung của con người ngày hôm nay. Vì quá bận tâm lo lắng và gắn chặt vào các thực tại đời này, nên họ dễ dàng quên đi cùng đích đời mình là sự sống đời sau.
Đối với chúng ta, những người Kitô hữu thì khác, niềm tin vào sự sống đời đời là một trong những tín điều quan trọng của đạo giáo. “Sự sống đời đời” cũng là một trong những chủ đề lớn trong Tin Mừng Gioan. Thế nhưng sự sống đời đời đến từ đâu và đến qua trung gian nào?
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng. Sự sống đời đời đến từ tình yêu của Chúa Cha, nguồn mạch sự sống: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một mình” (Ga 3,16a). Vì yêu thương, Thiên Chúa Cha đã ân ban cho con người chính quà tặng sự sống là Con Một của mình để con người có được sự sống đời đời, nhờ tin vào danh Ngài.
Và như thế, trung gian mà qua đó sự sống đời đời được trao ban chính là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Nếu trong thời Cựu Ước, trước thảm hoạ bị rắn độc cắn chết, nhờ nhìn lên con rắn đồng mà dân Do Thái được cứu sống, tất nhiên được cứu sống đời này thôi, thì trong thời Tân Ước, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô mà con người được sống và được sống đời đời. Bởi vì Đức Kitô có vị trí trỗi vượt: Ngài đến từ trời cao, đến từ cung lòng Chúa Cha (x. Ga 3, 31-32). Hơn nữa, Ngài còn có vai trò hết sức đặc biệt: là trung gian duy nhất. Đấng trung gian ấy đã thực sự chiến thắng sự chết và đã phục sinh. Đây là dấu chứng đảm bảo cho sự sống đời đời, sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô và dấn bước theo Ngài: “Ai tin vào Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3,16b).
Vậy, chúng ta có quan tâm đến sự sống đời đời mai sau hay không? Chúng ta có tin nhận Đức Kitô và sống gắn bó với Ngài để được sống đời đời hay không? Nhất là chúng ta đã sống niềm tin đó thế nào? Nếu chúng ta tự hào mình có đạo, có niềm tin, nhưng không sống đạo, không sống niềm tin thì chúng ta cũng thuộc hạng người “vô thần thực tiễn” không hơn không kém, hạng người đang chiếm ưu thế trong thời đại hôm nay.
Lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con xin dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân vì Chúa đã yêu thương tặng ban cho chúng con quà tặng sự sống là chính Con Một yêu dấu của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết tin tưởng cậy trông vào Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng đã chết cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Xin cũng giúp chúng con biết đáp trả tình yêu ấy bằng nỗ lực sống hết tình và làm chứng hết mình cho niềm tin vào sự sống đời đời mai sau. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long