Người ta không thể loan báo Tin Mừng từ chiếc ghế bành
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 19.04.2018
“Loan báo Tin Mừng từ chiếc ghế bành” là điều không thể. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.
Đúng hơn, Chúa Thánh Thần thúc đẩy các Ki-tô hữu loan báo Tin Mừng theo một cách thức mà người ta có thể tóm tắt lại với ba thuật ngữ: “Đứng dậy”, “tạm dừng” và “khởi đi từ hoàn cảnh cụ thể”.
“Bổn phận” và “sứ mạng” của các Ki-tô hữu là quảng bá Đức Tin, bằng cách “bước ra ngoài” và thể hiện “sự gần gũi đối với người khác” – Đức Thánh Cha giải thích. Ở đây, họ không được phép khởi đi từ lý thuyết, nhưng “từ những hoàn cảnh cụ thể”.
Bài giảng của Đức Thánh Cha được phát triển từ Bài Đọc I, tức bài trích sách Tông Đồ Công Vụ nói về việc Thiên Thần đã hiện ra với ông Phi-líp-phê và yêu cầu ông đứng dậy để đi trên con đường nối từ Giê-ru-sa-lem tới Gaza. Đức Thánh Cha đã nhắc tới cuộc “đại bách hại nhắm vào các Ki-tô hữu”, tức cuộc bách hại được bắt đầu sau cuộc Tử Đạo của Thánh Stêphanô, và dẫn tới chỗ “khiến cho các môn đệ phải tản mác khắp nơi”. Nhưng chính “cơn gió bách hại này đã đẩy các môn đệ tới chỗ lên đường”.
“Như một cơn gió thổi tung các hạt giống thế nào thì ở đây cũng diễn ra y như vậy: Các môn đệ bị thổi bay, với hạt giống của Lời, và họ đã rắc gieo Lời Chúa. Và như thế, chúng ta có thể nói với một câu nói đùa: sự tiếp thị Đức Tin đã được sinh ra. Vì cơn bách hại, vì một cơn gió, chúng đã đẩy các môn đệ tới chỗ loan báo Tin Mừng”. Đoạn sách Tông Đồ Công Vụ nói về việc loan báo Tin Mừng cho viên quan tổng quản, chính là một trong những chương “hết sức tuyệt vời” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Nhưng đó còn là một thiên khảo luận đích thực về việc loan báo Tin Mừng nữa. Chúa Giê-su đã loan báo Tin Mừng như thế. Chúa Giê-su đã công bố Tin Mừng như thế. Và Ngài muốn công cuộc loan báo Tin Mừng của chúng ta cũng phải như thế.”
Đứng lên, tạm dừng, và khởi đi từ hoàn cảnh
Chúa Thánh Thần chính là Đấng thúc đẩy Phi-líp-phê và các Ki-tô hữu chúng ta đi tới chỗ loan báo Tin Mừng – Đức Thánh Cha giải thích. Điều này xây dựng trên ba thuật ngữ: “Đứng lên”, “tạm dừng” và “khởi đi từ hoàn cảnh”.
“Việc loan báo Tin Mừng không phải là kế hoạch kỳ quái của việc chèo kéo người khác theo đạo. Không. Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng nói cho bạn biết bạn phải thực hiện như thế nào để mang Lời Chúa đi xa, để mang danh Chúa Giê-su đi xa. Ngài bắt đầu và nói: “Đứng dậy và đi”. Đứng dậy và đi tới đó. Không có việc loan báo Tin Mừng từ chiếc ghế bành. Trong sự đi ra, luôn luôn. Trong sự chuyển động. Đi tới nơi mà tại đó bạn phải công bố Lời.”
Trong mối liên hệ này, Đức Thánh Cha đã nhắc tới vô vàn những người nam và những người nữ đã tự nguyện rời bỏ quê hương và gia đình để đi loan báo Lời Chúa tại những đất nước xa xôi. Và thường xuyên, “không được chuẩn bị gì về mặt thể chất, họ không có thuốc kháng sinh để điều trị những thứ bệnh tật đang phát tán ở đó” – Đức Thánh Cha nói – và họ thường qua đời khi còn rất trẻ hay chết “với tư cách là một vị Tử Đạo loan báo Tin Mừng”. Nhưng tuyệt nhiên, người ta không cần tới những cuốn sách hướng dẫn việc loan báo Tin Mừng. Chỉ cần người ta gần gũi con người, “tạm dừng” để nhìn xem điều gì đang xảy ra, và khởi đi từ hoàn cảnh, chứ không phải từ lý thuyết, thế là đủ.
“Người ta không loan báo Tin Mừng bằng lý thuyết. Công cuộc loan báo Tin Mừng diễn ra nhờ vào sự gần gũi từ con người với con người. Người ta khởi đi từ hoàn cảnh, chứ không phải từ lý thuyết. Loan báo Tin Mừng có nghĩa là công bố Chúa Giê-su Ki-tô, và sự can đảm của Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy người ta tới chỗ lãnh nhận Phép Rửa. Ai loan báo Tin Mừng, người ấy luôn luôn còn một đoạn nữa phải đi tiếp, còn một đoạn nữa, một đoạn nữa, cho tới khi cảm thấy rằng, công việc của mình đã hoàn thành. Người ta loan báo Tin Mừng như thế”.
Đó là một phương pháp đơn giản, Đức Thánh Cha giải thích tiếp, nhưng đồng thời đó cũng là phương pháp của Chúa Giê-su. “Luôn luôn lên đường, luôn luôn có mặt trên các con đường, luôn luôn gần gũi con người, và luôn luôn khởi đi từ những biến cố cụ thể. Người ta có thể loan báo Tin Mừng với ba thái độ như thế. Nhưng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, sẽ có lúc người ta không cần tới những điều đó, vì Chúa Thánh Thần sẽ là Đấng thôi thúc chúng ta đứng dậy, tạm ngừng và xuất phát từ những tình cảnh cụ thể.”
Theo vaticannews.va – 19.04.2018, 11:56
Đa-minh Thiệu