Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu chuyện kể về người nữ mà cuộc đời của họ dạy chúng ta những bài học thật quý giá. Một trong những câu chuyện nổi tiếng về người phụ nữ mà hầu hết các kitô hữu đều biết, đó là thánh Maria Mađalêna.
Theo các trình thuật Tin Mừng, đặc biệt trong ngày lễ Chúa PS và tuần bát nhật, nhắc đến Maria Mađalêna: người được Chúa tha thứ nhiều, người có mặt dưới chân thập giá và cũng chính là người đầu tiên được Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra khi Ngài sống lại.
Nhân dịp Giáo hội nâng lễ nhớ của ngài lên hàng lễ kính vào tháng 6 năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận tầm quan trọng của thánh nữ trong Giáo Hội và nhìn nhận ngài là “tông đồ của các tông đồ”.
Với chủ đề trên đây, xin chia 3 điểm nổi bật về thánh nữ:
1/ Maria Mađalêna – Người Môn Đệ Chúa
2/ Maria Mađalêna – Người Đi Tìm Chúa
3/ Maria Mađalêna – Người Truyền Tin Vui
1. Maria Mađalêna – người môn đệ Chúa
Như chúng ta biết, người Do thái thường gọi tắt tên Maria Mađalêna là Maria hoặc Mariam, một cái tên rất là phổ biến vào thời Chúa Giêsu. Chính vì vậy, Maria Mađalêna thường bị hiểu lầm là người phụ nữ tội lỗi đã khóc và xức dầu thơm chân Chúa; thậm chí là Maria, người phụ nữ phạm tội ngoại tình; hoặc là Maria, người chị em trong gia đình của bà Matta và Lazarô.
Thực ra, Maria Mađalêna là một phụ nữ đạo đức và đầy lòng can đảm. Bà có mặt trong nhóm phụ nữ đi theo Chúa Giêsu như bà Gioanna, bà Suzanna và nhiều bà khác. Họ được Chúa Giêsu chữa khỏi quỉ dữ và các bệnh tật. Còn Maria Mađalêna được Chúa trừ cho khỏi 7 quỉ (có thể hiểu là các chứng bệnh phức tạp) (x. Lc 8, 2; Mc 16, 9). Và sau khi trừ khỏi 7 quỉ, Maria Mađalêna đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ, và đi theo để phục vụ Người (x. Lc 8, 1-3).
Vậy trong nhóm những người đi theo Chúa Giêsu, không chỉ có 12 tông đồ, 72 môn đệ mà còn có các chị em phụ nữ nhiệt thành đi theo Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Maria Mađalêna trong nhóm các môn đệ cho thấy tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội gia trưởng thời bấy giờ, đồng thời còn là một mẫu gương về tương quan tình yêu, sâu sắc và bền bỉ của bà.
Chúng ta có thể tham gia vào nhóm các môn đệ của Chúa được không? Dĩ nhiên là được! Khi ba mẹ đưa chúng ta tới nhà thờ để lãnh bí tích rửa tội, khi đó chúng ta đã trở thành người môn đệ Chúa Giêsu trong vai trò là tư tế, vương đế và ngôn sứ rồi đó! Thế nên sự hiện diện của chúng ta trong thế giới ngày nay, nhất là trong mùa đại dịch Covid này, là làm sao cho mọi người thấy Chúa Phục sinh đang thực sự sống trong chúng ta. Chẳng hạn chúng ta có thể quan tâm, giúp đỡ người khác như Maria Mađalêna đã làm. Nhưng để kiên trì làm được điều đó, chúng ta hãy học nơi thánh nữ điểm nổi bật thứ 2 này nhé, đó là “đi tìm Chúa”.
2. Maria Mađalêna – người đi tìm Chúa
Có thể nói, kể từ khi được trừ khỏi 7 quỉ, Maria Mađalêna đã thay đổi lối nhìn và lối sống của mình. Cụ thể là từ nay, bà không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đức Kitô như lời thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Vì thế, bà và các bà khác, đã cùng Chúa Giêsu và các môn đệ đi khắp nơi: từ Galilê, Giuđêa cho tới Giêrusalêm mà điểm dừng cuối cùng chính là đứng dưới chân Thánh giá (x. Mc 15, 40; Mt 27, 56; Lc 23, 49; Ga 19, 25). Đây chính là khoảnh khắc sợ hãi và khủng khiếp nhất đối với Đức Giêsu mà chỉ những ai thực sự có lòng yêu mến mới có thể cảm thấu nỗi đau của Ngài. Ngoài mẹ Maria và thánh Gioan, Maria Mađalêna đã can đảm có mặt tại đó và chứng kiến cái chết đau thương của Ngài.
Hơn nữa, tình yêu chính là động lực thúc đẩy bà ra mộ Chúa ngay từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Và khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, và xác thầy không còn ở đó thì bà khóc lóc và lo buồn tìm Chúa. Nhưng Chúa đã an ủi bà và biến những giọt nước mắt của bà thành niềm vui khi gọi chính tên bà “Maria!”. Niềm vui thực sự không thể giữ riêng cho mình, chính vì vậy Chúa Giêsu bảo bà: “Chị hãy về báo tin cho anh em Thầy biết: Thầy đã sống lại!” Từ đoạn tin mừng này, thánh Tôma Aquinô đã gọi Maria Mađalêna là “tông đồ của các tông đồ”.
Ước chi mỗi người chúng ta, khi được Chúa chữa lành bệnh tật thân xác cũng như tâm hồn, chúng ta có một lối nhìn mới về Chúa và về anh em mình. Nhất là trong môi môi trường dịch bệnh hôm nay, người ta cho rằng: có cái gì đó đang làm cho thế giới bị đảo lộn, một thế giới “vắng bóng Thiên Chúa”… nhưng thực ra, Đức Kitô Phục sinh đang sống và đang hoạt động ở giữa chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra Người. Càng tin tưởng và xác tín vào Chúa bao nhiêu, chúng ta càng có cơ hội trở thành người tông đồ của Chúa bấy nhiêu để loan báo Tin Mừng.
3. Maria Mađalêna – người truyền tin vui
Theo các tác giả sách Tin Mừng, khi Chúa Giêsu phục sinh gọi tên bà Maria, cũng là lúc Chúa trao cho bà sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh.
Bà vui mừng hớn hở trở về, gói ghém bao kinh nghiệm bà vừa trải qua bằng một câu nói đơn giản với các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” và kể lại những điều Người đã nói với bà. Cuộc gặp gỡ tuy không chỉ thể lý mà thôi, nhưng còn là cuộc gặp gỡ tinh thần phát xuất từ tình yêu, một trải nghiệm đến từ trái tim, chứ không phải là lý thuyết suông.
Từ kinh nghiệm gặp Chúa của thánh Maria Mađalêna, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng: trong sứ mạng tông đồ, chúng ta không thể làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh, nếu chúng ta không có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Thật vậy, được nhìn thấy Chúa và được nghe Chúa nói với mình, đó là ước mơ của mỗi chúng ta khi cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng: Maria Mađalêna đã yêu Chúa cách nồng nàn, tha thiết và can đảm trải qua đau khổ để tìm được chính thầy của mình[1].
Qua hình ảnh thánh nữ Maria Mađalêna – “tông đồ của các tông đồ’ mà chúng ta chia sẻ trên đây, đã để lại cho chúng ta những bài học thật là ấn tượng và sâu sắc về TÌNH YÊU. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta có một tâm hồn yêu mến nồng nàn, một khả năng nhạy bén trong tình yêu và phục vụ, để tha nhân có thể nhìn thấy Chúa và chạm được Chúa nhờ đời sống đức tin mỗi ngày của chúng ta.
Nt. Maria Phạm Thị Hoa
Dòng Đa Minh Tam Hiệp
[1] x.Lm Nguyễn Cao Siêu, Suy niệm thứ ba tuần bát nhật Phục sinh, http://gplongxuyen.org.