Thánh Mát-thi-a Tông Đồ – Kính ngày 14.5

0

Thánh Mát-thi-a Tông Đồ là môn đệ “thứ 13“ của Chúa Giê-su. Chữ Mát-thi-a thực ra chỉ là hình thức viết tắt của chữ Mattathias trong tiếng Hýp-ri: tên đầy đủ của Ngài phải là Mát-ta-thi-a. Không có nhiều thông tin về Ngài xét về khía cạnh sử học. Và vì thế, những gì người ta biết được về Ngài hầu hết đến từ những truyền thuyết. Theo sách Tông Đồ Công Vụ thì sau khi Chúa Giê-su về Trời, nhóm Mười Một môn đệ của Ngài đã họp nhau lại để bầu chọn một người thế chỗ cho Giu-đa Iscariot – kẻ đã phản bội Chúa và đã tự sát. Hai ứng cử viên cho vị trí đó là ông Giu-se Ba-sa-ba và ông Mát-thi-a.

Sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại cuộc bầu chọn trên với những lời như sau: „Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt –. Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giê-ru-sa-lem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Kha-ken-đơ-ma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng:

Ước gì lều trại nó phải tan hoang,
không còn ai trú ngụ.
Và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó.

Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.

Họ đề cử hai người: ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô và ông Mát-thi-a. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai, để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ“ (Cv 1,15-26).

Theo bản tường thuật trên thì Mát-thi-a chính là người đã cùng Nhóm Mười Một đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa họ, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ họ và được rước về trời. Ông là người phải cùng với Nhóm Mười Một làm chứng rằng, Chúa Giê-su đã phục sinh.

Theo sử gia Êusêbiô – Giám mục Thành Cesarea -, thì Thánh Mát-thi-a là người xuất thân từ một gia đình giầu có tại Bê-lem. Ngài biết Chúa Giê-su ngay từ lúc còn là một thanh niên, và là một trong nhóm 70 Môn Đệ của Ngài. Khi còn sinh thời, đích thân Chúa Giê-su cũng đã từng sai nhóm này đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (xc. Lc 10,1).

Theo một số truyền thuyết thì Thánh Mát-thi-a chỉ hoạt động Tông Đồ tại vùng Giu-đê-a mà thôi. Và vì Ngài đã thực hiện quá nhiều phép lạ, đã có những bài giảng hết sức hấp dẫn cũng như đã làm cho rất nhiều người trở lại Ki-tô giáo, nên đã bị tố cáo trước Thượng Hội Đồng của người Do-thái, và cuối cùng đã bị Thượng Hội Đồng này kết án tử hình bằng cách bị ném đá. Nhưng do Ngài vẫn sống sót sau cuộc ném đá, nên theo phong tục của người Rô-ma, người ta đã dùng một chiếc rìu để chém đầu Ngài.

Theo một số truyền thuyết khác thì trước tiên, Thánh Mát-thi-a đã loan báo Tin Mừng tại Hy-lạp, rồi tại vùng Cáp-ca và tại vùng Biển Đen của Êthiopia. Vào năm 63, Ngài đã bị dân ngoại ném đá nhưng vẫn sống sót. Cuối cùng, người ta đã phải dùng rìu để chặt đầu Ngài.

Có truyền thuyết kể rằng, Ngài đã bị những kẻ chuyên ăn thịt người bắt trói. Trong lúc chúng định ăn thịt Ngài thì Thánh An-rê Tông Đồ đã hiện ra với ánh sáng chói lòa để cứu Ngài thoát khỏi tay bọn ác nhân đó. Và rồi Ngài đã được thanh thản ra đi với cái chết bình an.

Ngay từ thế kỷ thứ II đã xuất hiện một cuốn Ngụy Phúc Âm với tên gọi là: „Tin Mừng Theo Thánh Mát-thi-a“.

Phần lớn các Thánh Cốt của Thánh Mát-thi-a hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rô-ma. Vào thế kỷ thứ IV, với sự trợ giúp của Đức Giám Mục Agritius, Thánh Helena, tức hoàng thái hậu của hoàng đế Constantin, đã chuyển một phần Thánh Cốt của Thánh Mát-thi-a về Trier (một thành phố cổ nằm ở phía Tây nước Đức, và là cố đô của Đế quốc Rô-ma). Phải mãi tới thế kỷ thứ IX trở đi mới xuất hiện những văn bản nói về nơi bảo quản và tôn kính các Thánh Cốt của Thánh Mát-thi-a. Và mãi tới năm 1050 người ta mới lần đầu tiên thấy được các Thánh Cốt của Thánh Nhân tại Trier. Kể từ đó, các Thánh Cốt của Ngài mới được đặt lên trên bàn thờ của nhà thờ St. Eucharius.

Mộ của thánh Mát-thi-a tại Trier là ngôi mộ duy nhất của các Thánh Tông Đồ nằm ở phía Bắc dãy núi Alpe. Có truyền thuyết cho rằng, một phần thánh Cốt của Thánh Mát-thi-a đã được chuyển từ Trier tới Goslar (thuộc bang Niedersachsen của Đức ngày nay). Một phần Thánh Cốt khác của Ngài thì lại được mang từ Trier tới Padua (một thành phố nằm ở phía Bắc nước Ý), và được bảo quản và tôn kính trong nhà thờ Thánh Giustina.

Vào thế kỷ XII, Đức Giám Mục Lambert de Liège đã biên soạn một cuốn hạnh Thánh Mát-thi-a. Đây là một bộ sưu tập về các phép lạ, các thị kiến vào mỗi dịp dân chúng tổ chức mừng kính Ngài, cũng như những bài tường thuật về các biến cố phát hiện ra các Thánh Cốt của Ngài, kể cả những lần di chuyển các Thánh Cốt đó. Vào thời Trung Cổ, rất nhiều tín hữu đã muốn hành hương tới mộ của Thánh Mát-thi-a. Cũng trong thời gian ấy, nhiều Huynh Đoàn mang tên Mát-thi-a đã được thành lập. Ngày nay, việc hành hương để viếng mộ Thánh Mát-thi-a cũng vẫn đang còn là điều mong ước đối với nhiều tín hữu.

Trong hội họa và điêu khắc, Mát-thi-a luôn có mặt trong các bức tranh hay các bức phù điêu về các biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, biến cố Đức Maria qua đời và được rước về trời, đặc biệt là biến cố nhóm Mười Một bầu chọn Ngài làm Tông Đồ. Tuy nhiên, trong các bức họa về nhóm 12 Tông Đồ thì Ngài lại thường bị lu mờ bởi sự hiện diện của Thánh Phao-lô. Cũng trong nghệ thuật hội họa, Thánh Mát-thi-a luôn được trình bày với một cuốn sách trên tay để tượng trưng cho phẩm vị Tông Đồ, và một chiếc rìu hay một chiếc kích (một loại vũ khí thời cổ) để tượng trưng cho phúc Tử Đạo của Ngài.

Người ta cho rằng, câu cuối cùng trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ là do Ngài thêm vào: “et vitam aeternam – và sự sống đời đời”.

Vô vàn những phong tục về Thánh Mát-thi-a đã phát sinh từ lòng đạo đức bình dân, thậm chí có cả những điều dị đoan nữa. Theo đó, tại Bô-hê-mi-a, cứ vào ngày 24 tháng 02 (trước đây, Lễ kính Thánh Mát-thi-a được cử hành vào ngày này), người ta sẽ rung những cây ăn trái để cầu mong cho chúng được bội thu. Trong đêm mừng kính Thánh Nhân, người ta sẽ lấy những chiếc lá của cây Thường Xuân đem đặt trên mặt nước để cầu mong cho được khỏe mạnh khỏi phải ốm đau. Thậm chí, trong đêm mừng kính Thánh Mát-thi-a người ta còn gieo những lá quẻ để thăm dò tương lai nữa.

Trước đây, Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Mát-thi-a vào ngày 24 tháng 02. Tuy nhiên, kể từ khi có cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ (1969) tới nay, Lễ của Thánh Mát-thi-a đã được Giáo hội Công giáo cử hành vào ngày 14 tháng 05 với bậc Lễ kính. Nhưng riêng các Giáo phận thuộc khối tiếng Đức thì vẫn mừng kính Thánh Mát-thi-a vào ngày 24 tháng 02.

Giáo hội Tin Lành cũng vẫn giữ nguyên ngày mừng kính Thánh Mát-thi-a là ngày 24 tháng 02.

Giáo hội Anh giáo thì mừng kính Thánh Mát-thi-a vào cả hai ngày: 24 tháng 02 và 14 tháng 5.

Giáo hội Chính Thống giáo mừng kính Thánh Mát-thi-a vào ngày mồng 09 tháng 8.

Còn Giáo hội Cốp-tít thì lại mừng kính Thánh Nhân vào ngày mồng 04 tháng 3.

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

Comments are closed.

phone-icon