Bạn tôi

0

Ngồi suy tư, tôi nghĩ về tình bạn thật tuyệt vời: khi ta gặp khó khăn có một bàn tay nắm lấy và một lời động viên cũng làm ta biết cố gắng phấn đấu. Vậy giá trị của tình bạn là gì? Tình bạn là món quà vô giá không thể bán không thể mua, người bạn đó có thể thay đổi cuộc sống của ta dù chỉ là một phần nhỏ nào đó. Tôi từng rất tâm đắc với câu nói của A.Manzoni: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất trên đời này là tình bạn và một trong những hạnh phúc của tình bạn là tìm được một người để gửi gắm những tâm sự thầm kín”. Đó chỉ là những tình cảm thuộc về con người. Điều tuyệt vời hơn tôi còn lãnh nhận một quà tặng tình bạn với Chúa Giêsu, nơi tâm hồn tôi được mời gọi sống tình bạn thân tình với Đấng tôi bước theo. Nhưng bây giờ tôi phải bắt đầu tình bạn đó ra sao, bởi vì:

Thiên Chúa là Bạn của Tôi

Với niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng con người tôn thờ, mọi việc tôn thờ cần được bắt đầu nơi tâm hồn lãnh nhận sự thật mạc khải và được ơn thánh Chúa biến đổi. Hằng ngày tôi vẫn thưa lên với Chúa là Đấng ban cho tôi muôn ơn lành, đã cho tôi một con đường lý tưởng để tôi bước theo. Và tương quan đó tôi cảm nhận như tình cha con, vậy mà bạn lại mời gọi các tông đồ: Anh em sẽ trở nên bạn hữu của Thầy, và cũng mời gọi tôi trở nên bạn hữu. Vậy làm sao tôi có thể rút ngắn khoảng cách của tình cha con để trở nên một tình bạn thân thiết nhỉ?

Khi tản mạn trong bốn Tin Mừng tôi thấy được sự huy hoàng và khôn ngoan của Người, một tình bạn cao quý dám hy sinh mạng sống để cứu chuộc lấy từng phận người hèn mọn. Hay trong Kinh Thánh Cựu Ước, không có chuyện Thiên Chúa gởi đau khổ để thử thách đức tin của chúng ta mà những khó khăn chúng ta gặp là Người muốn uốn nắn ta thêm mạnh mẽ trước khó khăn, dám đương đầu với thử thách. Nhưng trong những thử thách ấy chính Thiên Chúa là Đấng giúp ta gánh vác những đau khổ.

Đôi bạn không cùng đẳng cấp: Bạn là Thầy, tôi là trò

Nền giáo dục trong mọi thời đại, vai trò của người thầy luôn có một vị trí hết sức quan trọng. Người Việt Nam ta từ khi biết cắp sách tới trường mấy ai không thuộc, không khắc ghi lời răn dạy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Chẳng thế mà Nho giáo đã sắp xếp, xác lập thứ bậc quan hệ xã hội: “Quân – Sư – Phụ” (Vua – Thầy – Cha). Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” – Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người. Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh gian nan, trên con đường ấy thầy là người dẫn đường chỉ lối và giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi con người.

Còn vị thầy Giêsu thì sao? Người không viết sách, không mở trường mở lớp để thu nhận học sinh mà giảng dạy khắp nơi: lúc ở bờ hồ, khi thì trên núi hoặc ở trong nhà … các lời Người nói ghi lại trong Kinh Thánh nếu đọc lên cũng không mất thời gian bao nhiêu. Cách Người truyền đạt cho thính giả đầy lôi cuốn: Mọi người tán thành và thán phục điều hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (Lc 4,22). Lại có lúc nhiều câu Người nói rất khó nghe, khó chấp nhận… Thí dụ: “Đừng chống cự người ác. Trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má trái ra nữa” (Mt 5,39); khi các môn đệ bối rối và thậm chí là giận dữ vì “những lời khó nghe” của Thầy mình, những lời đi ngược lại với sự khôn ngoan của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã giải thích rằng những lời của Người là thần khí và sự sống.

Nguồn động lực nào Chúa Giêsu trở nên người Thầy tuyệt vời của tôi? Tôi có dám sống và dám chết cho Lời của Người như các Tông đồ và các môn đệ đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai? Chỉ sau biến cố chết đi và sống lại của Chúa Giêsu, tận mắt thấy Người sống lại, các Tông đồ mới xác tín điều này, dù rằng trước đó các ông đã tận tai nghe biết bao lời giảng dạy đầy uy quyền của Người. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên thập giá, ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi. Bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn diễn ra trước mắt làm ta nhức nhối nhưng cái túng thiếu, quẫn bách, nghèo đói, chưa phải là động lực cuối cùng xô đẩy người ta liều mạng sống cho bằng vì người ta cảm thấy không tìm ra giá trị nào cho cuộc đời của mình: Cuộc đời phi lý, vô nghĩa, không đáng sống! Chúa Giêsu giảng dạy cho chúng ta biết rõ đích điểm của cuộc đời mình và biết đường đi đến đích. Con người không được Lời Chúa hướng dẫn sẽ giống như đàn chiên bơ vơ lạc lõng, không biết đời mình sẽ đi về đâu? Lời Ngài rao giảng như ngọn lửa có khả năng tẩy luyện giúp ta thoát ra khỏi những tâm tình bất chính, và ban cho ta Chúa Thánh Thần để Người tiếp tục sưởi ấm và soi sáng ta đi đến cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu.

Giáo lý Chúa Giêsu dạy như kim chỉ nam giúp tôi bước trong cuộc đời đó là lòng mến với Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Chắc hẳn qua những điều khó hiểu trên dần dần tôi đã khám phá ra nét đẹp tình bạn giữa Chúa Giêsu và tôi. Chúa đã rời bỏ vương quyền để mặc lấy xác phàm của con người, Ngài thực sự mang vào thân mình những đau khổ của chúng ta. Và trong chúng ta, ai đang đau khổ thì chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Người luôn song hành vực dậy những con người đang sống trong đêm tối đau khổ và bất hạnh, hãy để cho ánh sáng yêu thương lóe lên báo hiệu một mầm sống, mầm phục sinh bởi lẽ chính Chúa Giêsu đích thân ở đó. Ngài biết cách trấn an ta trước những ngại ngùng khi ta bước lầm đường và tăng thêm sức mạnh khi ta gặp thử thách.

Quả vậy, với những suy tư nhỏ bé cho tôi thấy Chúa Giêsu rất tuyệt vời, Người không chỉ là một người cha, người thầy mà còn là một người bạn tuyệt vời luôn lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư cung bậc cảm xúc của tôi. Khi tôi kể cho Ngài những biến cố xảy ra trong cuộc sống, tôi tìm được sự bình an trong tâm hồn và có thêm sức mạnh để cùng Người tiếp tục thi hành sứ vụ là muối là men bằng cách đem lửa tình yêu đến cho mọi người.

Nt. Têrêsa Avila Trương Yến Linh 

Comments are closed.

phone-icon