Kong Chro: Còn mãi nỗi buồn – Nhật ký Sứ vụ

0

Nhật ký của Lão 

Lão chẳng đi đâu xa, mà Lão cũng chẳng đi được, vì Lão không biết điều khiển con ngựa sắt, sức khỏe của Lão thì cứ tỷ lệ thuận với tuổi lão làng, thế là coi như đã bị bại liệt.

Chúa Giêsu ngày xưa, hay như các cha anh Làng Hồ đi khắp các thành thị, làng mạc giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn, tật nguyền. Còn hai Lão tôi cứ quanh quẩn bụi tre, khóm chuối, chuồng gà. Vào mỗi buổi kinh mai, các Lão dâng lên Chúa tâm tình nguyện xin: “Lạy Chúa, chúng con không có điều kiện đến với anh chị em như các cha anh Làng Hồ ngày xưa đã đi đến từng buôn làng để loan báo Tin Mừng của Chúa, để dạy dỗ cho anh chị em biết Chúa. Xin Chúa dẫn những người anh chị em của chúng con đến với chúng con, và cho chúng con có được tâm tình của Chúa, luôn biết trắc ẩn trước những thiếu thốn, khổ đau của con cái Chúa.”.

Là như thế thôi: Vào buổi chiều, Lão tôi đang chuẩn bị bữa ăn tối, thì một chị người Kinh tên là Vân Thái đến. (Tên chị là Vân, chồng chị tên Thái, Lão tôi gọi chị là Vân Thái). Chị Vân Thái còn rất trẻ, khoảng hai mươi tuổi, vì chị mới lập gia đình, có một con khoảng 1 tuổi. Vân Thái đem bình đến nhà Lão tôi xin nước về uống. Vừa thấy chị, Lão tôi vui vẻ bỏ ngay việc mời chị vào nhà chơi, Vân Thái cũng vui vẻ vào nhà chơi với Lão tôi, chị ngồi chơi, Lão hỏi thăm:
– Làm sao kỳ này Thái có việc làm không? Nhà Vân có rẫy không? Hai vợ chồng làm có đủ ăn không? Chị Vân Thái lắc đầu:
– Dì ơi! nhà con đi làm thuê, việc làm thì khi có lúc không, nhà con không có rẫy, vợ chồng con từ ngoài Bắc vào đây ở nhờ cái nhà trên rẫy người ta bỏ trống, con ở nhà coi con, anh Thái nhà con đi làm thuê không đủ ăn Dì ạ!
– Vậy bố mẹ ở ngoài quê có ruộng vườn nhiều không?
– Nhà Bố mẹ chồng con ở ngoài quê ít đất lắm chỉ có hai sào ruộng cấy lúa thôi, nhà đông người không đủ ăn, bố con đi làm cho mỏ đá, nung gạch, bây giờ Bố con già rồi, không còn làm được nữa. Bố chồng con đưa vợ chồng con vào đây để kiếm chỗ ở, kiếm việc làm, mà đói cả hồn lẫn xác, phần hồn đói vì ở đây không có nhà Thờ, không có Thánh Lễ, không có Cha ban các phép Bí tích; phần xác cũng đói thê thảm: ngày nào chồng con có người thuê mướn, ngày ấy có miếng ăn, ngày nào không ai thuê mướn là cả nhà nhịn đói. Hai vợ chồng con còn bóp bụng chịu đói được, còn cháu bé tội nghiệp lắm lắm, không có tiền mua sữa, cháu đói khóc suốt ngày, con thì chẳng có gì ăn nên chẳng có sữa cho con bú.

Lão tôi nghe cảnh nhà Vân Thái mà xót xa quá, có lắm lúc Lão tôi ngồi cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa, nhìn những cục gạch dưới nền nhà trước mặt, Lão tôi đâm ước ao vớ vẩn: “Ước gì có một cục gạch trong số các cục gạch dưới nền nhà trước mắt Chúa đây lại biến thành cục vàng thì mình sẽ cho Vân Thái ngay cho họ sống đỡ khổ một chút”. Nhưng mà nó chỉ là ước mơ thôi, Chúa đâu có chiều Lão mà làm điều Lão ước mơ vớ vẩn đó. Nhưng Lão cứ cầu xin và Chúa sẽ có cách yêu thương của Chúa.

Ôi! Chúa Giêsu ơi! Ở Kông Chro này còn vương mãi những nỗi khốn khổ như thế đấy. Như có một bà già người dân tộc Bahnar sống cô đơn một mình, các Lão gọi là “mẹ”, mẹ Mlih ấy mà, vì bà cứ xưng với ba Lão là mẹ và gọi các Lão là con. Hằng ngày mẹ Mlih đi lấy phân bò đem đổi lấy gạo ăn, còn đồ ăn là muối cục. Các Lão thương mẹ Mlih lắm, mua phân bò cho mẹ, trả tiền như bà con, nhưng cho mẹ thêm gạo, mì tôm, bột ngọt, xà bông, thịt hay cá, mẹ thích lắm bảo: “Mai mẹ lại đi nhặt ich rơmo (phân bò) nữa, có mua không?” Các Lão trả lời mẹ: “Mẹ cứ lấy về đây chúng con mua hết”. Thế là mẹ vui vẻ ra về, vừa đi vừa cười toe đắc chí khoe “cặp lợi” trống trơ chẳng có cái răng nào. Đi được mấy bước, mẹ lại quay lại hớn hở bảo: “Hôm nay có cái gạo ăn no cái bụng rồi, mấy cái ngày trước mẹ đói cái bụng lắm, Manat kơ kon (cám ơn con). Ngày nào mẹ cũng kiếm được hai bao phân bò, mẹ phải đi rất xa, đến các bãi hoang nơi người ta cột bò mới kiếm được ich rơmo (phân bò), trời nắng thì nhặt được, trời mưa thì chịu thua thôi. Ai nhìn thấy cảnh bà già hom hem gùi cái gùi đầy phân bò ở trong và thêm một bao trên miệng gùi cũng thấy thương, mỗi lần mệt, hạ gùi phân xuống nghỉ rồi lại đeo vào đứng lên thật vất vả nặng nề lại càng tội nghiệp hơn nữa, nhưng mẹ chẳng thấy vất vả mệt nhọc gì cứ mong cho trời nắng để phấn khởi đi nhặt phân bò, thật là tội!

Nỗi khổ, niềm vui và sự phấn khởi của mẹ đã bị những trận mưa dập vùi đi, mẹ lại ngồi trong chòi rách ôm bụng đói meo. Đã thế, những cơn gió lại tạt những giá buốt lạnh lẽo vào thân già của mẹ, vì mấy cái áo Lão tôi cho mẹ mặc tả tơi bẩn thỉu quá rồi không đủ lành để che tấm thân già của mẹ. Mẹ là thế đó, cứ Lão tôi mặc cho cái áo nào là mẹ mặc cho đến khi bỏ đi, không thay, không giặt gì hết, đất cát bụi bậm cứ lớp này đắp đè lên lớp kia, đến nỗi đứng gần mẹ thơm lừng cái mùi ‘hôi’. Lúc nào mẹ cũng đi chân đất, hôm nay Lão tôi cho mẹ đôi dép, hôm sau đến lại thấy chân trần rồi, hỏi mẹ dép đâu? mẹ bảo “cái cháu nó lấy mất rồi” và mẹ đi vào vườn đầy những cỏ gai, mắc cở, mà cứ đi ào ào, mẹ bảo: Mẹ đi quen rồi.

Có một buổi sáng mẹ hăng hái vác cuốc đến nhà lão, mẹ nói: “Cho mẹ làm cỏ vườn với, cho mẹ gạo ăn đi”. Hôm sau mẹ lại vác cuốc đến xin làm cỏ, mặc dù lúc này vườn tre rợp bóng cỏ đâu còn để ngóc đầu, nhưng mẹ cứ vẫn đi tìm cỏ để cuốc, thế cũng vui, cũng được việc cho mẹ, mẹ chịu khó lắm, cuốc được cây cỏ nào là gom đống sạch sẽ gọn gàng. Làm cho nhà Lão ai cũng thích, ngoài bữa trưa còn hai bữa ăn xế nữa, tối về lại có tiền công, có gạo, có mì, có măng, có dầu ăn, có muối … đem về nhà vui vẻ. Mẹ Mlih là thế đó, cứ hết gạo lại vác cuốc đến nhà Lão cuốc đất để bới tiền bới gạo, bới thực phẩm. Mẹ chẳng ngại ngùng gì, vì mẹ coi các Lão là con mẹ mà.

Lão tôi kể lôi thôi cái nỗi khổ cực của người dân tộc ở Kông Chro là vậy, hay còn hơn vậy nữa. Về người già thì vậy, còn mấy người trẻ thì động tức lên là uống thuốc rầy, thuốc cỏ cháy để giải thoát cuộc đời. Như cô bé Bahnar Đinh Thị Thanh con chị Prem mới chỉ mười bảy tuổi đầu, đang học lớp mười một, trắng trẻo xinh lành dễ thương còn hơn người Kinh, bé quen một anh chàng cũng người dân tộc ở làng Ngheh, về nhà đòi mẹ cho bằng được cho bắt chồng, mới bắt chồng chưa đầy ba tháng, hai vợ chồng có chuyện xích mích lời qua tiếng lại, Thanh tức quá uống thuốc cỏ cháy, thuốc thấm người chết, thế là hết kiếp người một cách lãng nhách vô duyên. Bé Thanh là cháu ngoại mẹ Mlih, mẹ khóc sướt mướt tiếc thương cháu mà rằng: “Cháu ơi! cháu đẹp ơi, cháu còn trẻ thế, đẹp thế, đẹp nhất làng mà sao cháu lại chết, sao không bảo tao chết hộ, tao già rồi, xấu xí rồi, cháu chết uổng phí quá mà, cháu trẻ mà, cháu đẹp mà, ôi cháu ôi!”. Chị Prem là mẹ của cô bé Thanh đến nhà Lão khóc quá chừng chừng và nói với Lão: “Cô Sơ ơi, cháu buồn quá, con cháu chết mất rồi, cháu ở nhà một mình, cháu cứ nhớ nó thôi”. Lão tôi an ủi chị: “Ờ, Cô biết chị thương nhớ con, chị buồn lắm, vậy khi nào buồn quá, cứ lên nhà Cô Sơ, Cô Sơ cầu nguyện với Yang cho, Yang sẽ ban cho chị đỡ buồn …”

Đấy, cái nỗi khổ của người ở Kông Chro là như vậy đấy, vì họ chưa biết Chúa, chưa biết thực sự về Yang. Mỗi khi họ cảm thấy không thể thoát được nỗi khổ, là họ tự giải thoát cuộc đời mình bằng chai thuốc cỏ, thuốc trừ sâu hay tự thắt cổ, Lão tôi nói với chị Prem:

“Giá như bé Thanh biết Yang yêu thương bé, bé sẽ thổ lộ với Yang cái nỗi tức tưởi, đau khổ của bé, nỗi đau, nỗi khổ đó nó sẽ được vơi đi, và bé sẽ không phải tìm đến cái chết đau thương như vậy. Nhưng rất tiếc là bé chưa biết thực sự về Yang, thôi cứ an tâm đi, đừng buồn nữa chị Prem ạ, biết đâu bây giờ bé Thanh đang được Yang thương, và Yang nhân từ công bình vô cùng, ai không biết thì Yang không kết tội đâu, và Yang sẽ xử với chúng ta theo lòng nhân hậu của Yang. Yă tin là bé Thanh sẽ được một phần hạnh phúc nào đó ở trong nước của Yang.”

Lão tôi xin kể ít vậy thôi, nếu Lão tôi mà cứ kể mãi nỗi khổ ở đây, nó lôi thôi ‘như ruột chó lồi” để bà con thành phố xa hoa diễm lệ nghe, để có ai động lòng trắc ẩn thương cho người ở miền Kông Chro của tôi không? Cảm Tạ Chúa! Nếu như có ai đó mở tấm lòng từ bi thương xót cho người Kông Chro này dù chỉ một chén nước lã thôi, thì như bà góa đây, chỉ ¼ xu mà Chúa cũng chúc phúc lành và khen ngợi bà lắm.

Còn Lão tôi, tâm tư văng vẳng như nghe tiếng Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Mt 9,37).

Lão tôi mơ một ngày nào cho đồng lúa Kông Chro chín, cho Ông sai thợ đến gặt lúa về.

 

Comments are closed.

phone-icon