Cậy trông vào Thiên Chúa – Chúa Nhật 30 Thường niên

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

+++++++++++++

Sau khi nghe bài Tin Mừng, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa coi thường các việc lành đạo đức và tán thành những điều xấu xa, tội lỗi. Thực ra, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại thái độ và tâm tình của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn, người thứ nhất thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn gọi là Biệt phái, rất đạo đức và được dân chúng kính trọng. Người Pha-ri-sêu này không phải là người đạo đức giả vì ông ta không chỉ cầu nguyện thôi, mà còn hành động nữa, đã vậy ông còn làm hơn cả lề luật đòi hỏi: ăn chay một tuần hai lần thay vì luật buộc ăn chay mỗi năm vào dịp lễ Xá Tội, nộp cho đền thờ một phần mười tiền thu nhập thay vì nộp một phần mười lợi tức trên các sản phẩm nông nghiệp.

Người Pha-ri-sêu này thành thật, sống đạo đức, nhiệm nhặt. Nhưng tiếc thay, ông ta chỉ say sưa kể lể công trạng, khoe khoang về những thành tích đạo đức của mình. Ông chỉ nghĩ đến lỗi của người khác mà không nghĩ đến tội của mình. Tự cho mình là người đạo đức, thánh thiện nên ông ta khinh chê những người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.”

Người thứ hai thuộc nhóm thu thuế, thường bị mọi người khinh bỉ vì hợp tác với đế quốc La-mã xâm lược và vì những gian lận có thể có của họ khi hành nghề. Ông ta ý thức mình là kẻ tội lỗi, bất xứng, không dám đến gần Chúa, không dám ngước mắt lên trời như những người Do-thái khác khi cầu nguyện, mà chỉ đấm ngực và khiêm nhường thống hối nhìn nhận tội lỗi của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Và ông ta trông đợi tất cả mọi sự vào Thiên Chúa.

Phần kết luận của dụ ngôn này thật ngạc nhiên: Chúa nhậm lời và tha tội người thu thuế; trái lại, Người không nhìn nhận sự công chính của người Pha-ri-sêu. Ông này tưởng rằng mình đã đạt được sự công chính và thánh thiện do chính công trạng của mình. Ông không xin Chúa điều gì cả. Ông không cần đến Chúa nữa. Thực ra, người biệt phái không cầu nguyện thật sự vì ông ta chỉ tự hào về mình và khoe khoang những công trạng của mình. Ông chỉ lên đền thờ để kể công với Chúa mà thôi. Cái “tôi” của ông quan trọng hơn cả, Chúa chỉ đứng hạng thứ yếu, những người khác thì đứng đàng sau thật xa.

Sự công chính không phải do công trạng của mình nhưng do Thiên Chúa ban, do lòng tin của mình vào Chúa Kitô. Thánh Phaolô khẳng định điều này trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê (3, 9). Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cũng không do công của mình. Chúa luôn đến với con người và ban ơn nhưng không cho con người, vì Người là Tình Yêu. Người thu thuế biết mình yếu đuối, tội lỗi nên thành tâm kêu van Chúa. Và Chúa đã nhận lời cầu xin của ông. Thiên Chúa luôn chờ đợi để ban ơn tha thứ và yêu thương chúng ta. Do đó, dù tội lỗi chúng ta có nhiều và nặng nề tới đâu đi nữa thì chúng ta không nên tự giam mình trong tội lỗi, khép kín trong tuyệt vọng, nhưng hãy chạy đến cùng Thiên Chúa với tấm lòng sám hối và đón nhận tình thương yêu vô bờ của Chúa.

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Qua dụ ngôn này Chúa cũng muốn dạy chúng ta về lòng khiêm tốn. Có khiêm tốn mới nhận biết được Thiên Chúa là Ðấng luôn yêu thương và tha thứ. Có khiêm tốn mới biết đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình, mới nhận ra Người là cứu cánh, là cội nguồn hạnh phúc và bình an. Có khiêm tốn mới nhận ra biết bao hồng ân Chúa ban cho mỗi người chúng ta, cho gia đình và cho Cộng đoàn chúng ta. Từ đó, chúng ta mới biết dâng lên Người tâm tình tạ ơn. Và cách hoàn hảo nhất để diễn tả tâm tình tạ ơn đó chính là dâng thánh lễ. Vì mỗi thánh lễ là một hiến tế tạ ơn.

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được điều đó khi tham dự thánh lễ. Amen.

Comments are closed.

phone-icon