Sr. Lucia Xuân Trang, OP
“Tôi đang xả thân cho việc tông đồ này, quên ăn mất ngủ với công tác giáo dục kia, nhưng liệu sứ mệnh đó có phải từ trên cao?”
Không có ai hoạch định phương pháp canh tác cho một mảnh đất nếu không là sở hữu chủ của mảnh đất đó. Cũng không có kỹ sư nào vẽ bản thiết kế cho ngôi nhà, khi ông không có quyền trên các đồ án xây dựng. Cũng thế, nếu công tác của tôi là hình thành một hướng đi cho sứ vụ thì liệu có phải là hão huyền không? Vì tôi đâu phải là sở hữu chủ cuộc đời. Tôi có gì để định đoạt và hoạch định khi hiệu năng lời khấn đã mang hết khả năng đó đi. Nơi ở của tôi đã có người định đoạt, việc làm của tôi đã được sắp sẵn, khả năng của tôi tốt hơn là đừng nghĩ tới, vì đời tu cần vị thánh của sự tuân phục hơn là một thiên tài. Ngoài ra, những cái lặt vặt tối thiểu về nhu cầu vật chất… cũng không do tôi chọn lựa. Nhưng như thế thì cứ: “Ngày ngày nhắm mắt đưa chân, để cho con tạo xoay vần hay sao?
Thật khủng khiếp! Một sự vong thân đến thảm hại. Làm sao để cho thực tế của nghĩa “từ bỏ” này không bị què quặt, vì sự tầm thường và thiếu định hướng của tôi.
Hướng đi của sứ vụ mà mỗi cá nhân qua cầu nguyện và khám phá, qua cung cách đáp trả, qua thực tại của khả năng bản thân, đã hình thành riêng cho mình, là một lời khẳng định sống động rằng: Sự cung hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa khác hẳn với quan niệm phó thác lệch lạc, thiếu sáng kiến của một vài đương sự nào đó thích an phận, hưởng nhàn, chui vào vỏ sò để cái ‘tôi’ được an toàn.
Chính trong hoàn cảnh bần cùng, trắng tay của cùng lời khấn tuân phục, khó nghèo mà đã hình thành nên những tu sĩ khác nhau trong cái độc đáo của mình. Bức tường kín của Đan viện chỉ có một Therése Avila, hay một Gioan Thánh Giá. Cái khác đó là do định hướng của mỗi vị mà chúng ta không thể gom lại. Đời tu không hình thành nên vô số những con số, mà là tạo nên mỗi mã số riêng của từng người tu sĩ trước mặt Thiên Chúa và trước mặt cộng đoàn.
Là một Tu sĩ thuyết giáo, dĩ nhiên sứ vụ của tôi sẽ nương theo bản chất của Dòng, và điểm nhắm mà cộng đoàn tôi đang hướng tới. Tôi hiểu hình thành một hướng đi không có nghĩa là tìm ra những sở thích để thỏa mãn, hay dò ra những nhu cầu bản thân để đáp ứng, và là những điều tôi sẽ nghĩ, sống, và sẽ phải trở thành.
1. Tôi sẽ nên “một Tu sĩ có văn hóa”
Thường người ta chỉ nói đến trưởng thành nhân bản, trưởng thành đời tu, chứ ít nói đến từ VĂN HÓA để chỉ một tính cách. Vì số người bị coi là thiếu văn hóa phải là người có cách xử thế dưới trung bình. Còn các tu sĩ thì cả phẩm chất, đạo đức đều có thể hạng ưu, ấy là chưa nói đến học lực, hay những kiến thức phổ thông. Vì thế mà có thể có tu sĩ nghĩ rằng mình đã đứng trên cả văn hóa. Riêng tôi, trong biết bao giới hạn và vụng về của bản thân, tôi chỉ ước mơ mình thao luyện thế nào để trở nên một tu sĩ có VĂN HÓA. Ước mơ này có thể là xoàng xĩnh với nhiều người, nhưng với tôi nó là cả một tiến trình để thành nhân.
VĂN HÓA là nét đẹp của lối sống, là gốc thẩm mỹ của những ứng xử, giao tiếp, là cái cao thượng của suy tư, là phẩm chất của đạo đức. Nếu như nhân cách Kitô giáo ngại nói đến những hạn từ “trưởng thành”, “nhân bản”, vì một nhân cách Kitô giáo đòi phải viên mãn sự hiện hữu của mình một cách tự nhiên, không giơ những khẩu hiệu ra một cách gò bó, thì văn hóa trong nếp sống xã hội và đời thường cũng phong phú và lung linh như thế. Có thể nói: Một tu sĩ có văn hóa sống trung thực giản dị, mà cũng lịch lãm đến tế nhị, mau mắn nhưng bình tĩnh, am hiểu những vấn đề của chính mình và của xã hội mình đang sống. Và một điều chắc chắn là: với những giá trị của đạo đức, trí tuệ, thuần phong mỹ tục, họ trở nên người của mọi người. Đó mới là chứng từ của một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa của cái đẹp, cái thiện, cái hoàn hảo và là một Thiên Chúa đáng con người phải ước ao chứ không phải là một Thiên Chúa khép kín, cổ hủ, lạc hậu mà Nieztch đã đòi giết đi để con người được thanh thản. Thực tế nhiều người được đời tu đánh giá là trưởng thành, nhưng không thể làm cho xã hội thấy được Thiên Chúa đáng yêu và gần gũi. Vâng, một xã hội của phóng xạ và nhấn nút, của thời trang và mẫu mã hình thức, thì chỉ có nét đẹp của văn hóa, tình người mới làm cho con người biết “thiện cảm” với Thiên Chúa để rồi chính Chúa lôi kéo họ…
2. Thực hiện ý Cha
Trở nên một dụng cụ trong tay Thần khí. Mềm mỏng trước kế hoạch của Cha. Ngoan ngoãn với những gì Cha đề nghị, không chỉ là hướng đi mà còn là khát vọng lớn nhất, chi phối toàn bộ lý tưởng tôi đang theo. Vì thế nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời không phải là những vấp váp đến gần như đổ vỡ, những đụng chạm, bị hiểu lầm, khiển trách … mà là có những thời điểm tôi nhát đảm, tầm thường, không dám nghĩ xem Chúa muốn gì. Sợ thánh ý Chúa làm tôi phải mất mát, tổn thương. Và những lúc đó, xao xuyến, bất an tràn tới, che mờ đi lý tưởng. Thật sự người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu vì quá yêu mà người yêu của họ gây đau khổ cho họ, còn hơn là chẳng gay cấn nào xảy đến chỉ vì người kia lạnh lùng, tẻ nhạt. Cảm giác của những bước thăng trầm của đời tôi chính là cảm giác hạnh phúc của người đang bước đi trong tình yêu, và mãi mãi tôi chọn đi theo hướng này…
Khi quyết định chọn “Ý Chúa” làm hướng đi duy nhất cho sứ vụ, dĩ nhiên tôi loại trừ những gì không phải Ý Chúa, và tôi phân biệt rõ ràng: Tuân phục ý Chúa chưa bao giờ là một chấp nhận mù quáng, thụ động và thiếu sáng kiến như kiểu quan niệm bình dân. Việc biện phân Ý Chúa mỗi ngày làm cho tôi lớn lên về nhân cách, chững chạc trong lựa chọn và nhiệt thành đi đến điểm hơn của sứ vụ. Không thể nói trước đó là những việc gì để hoạch định phương pháp, nhưng phương pháp là nhìn ra điều Chúa muốn.
Việc nhận định Ý Chúa mỗi ngày cũng giúp tôi giũ bỏ được cái thú rong rêu của cuộc đời, bằng cách gạn lọc đi những động lực thiếu trong sáng. Tôi đang xả thân cho việc tông đồ này, quên ăn mất ngủ với công tác giáo dục kia, nhưng liệu sứ mệnh đó có phải từ trên cao? Tôi rất có thể đánh đổi tất cả để lấy một ánh mắt cảm phục, để xây một hàng rào uy tín, cũng có thể vinh quang đó nấp dưới một hình thức khác: Tôi đang tưởng mình xả kỷ, hết lòng với cộng đoàn, chứ không giữ gì cho bản thân, và thực tế đúng vậy, nhưng cộng đoàn tôi? Ban Điều hành tôi? Ban sứ vụ? Ban Truyền giáo? đang cộng tác với nhau để ý Chúa được thể hiện, hay nhân danh sứ vụ để củng cố địa vị lẫn nhau? Và hưởng vinh quang lẫn nhau?
Cuối cùng có thể nói: Nếu không đi trong Ý Chúa, thì ước mơ trở nên một tu sĩ có văn hóa thật là nguy hiểm. Cái dịu dàng, lịch lãm của Don Juan đã hớp hồn bao cô gái, để rồi với sự ích kỷ và động lực thiếu trong sáng, hắn trở nên con người đáng nguyền rủa. Người tu sĩ với mái đầu ngẩng cao, với cặp mắt trong sáng luôn hướng về lý tưởng, đó là một phong cách đáng mơ ước và thu hút người khác, nếu như phong cách đó được bọc trong mọi góc thẩm mỹ của văn hóa nói trên thì chắc chắn việc mở cửa trái tim để lấy thiện cảm sẽ từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và rồi vinh quang cho Thiên Chúa và vinh quang cho bản thân không còn phân biệt được ranh giới.
Vâng, trong Thánh ý Chúa, tôi sẽ là Nữ tu khắc khổ, trong môi trường cần có sự khắc khổ. Tôi sẽ là một Nữ tu xã giao, lịch thiệp, uyên bác nếu môi trường xã hội cần tôi như thế, có điều cần phải không thay đổi là: Một trái tim bao dung luôn rộng mở cho những thích nghi của con người và cho Thánh ý của Thiên Chúa…