Ts. Trần Mỹ Duyệt
Mỗi khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”, chúng ta thường nghĩ đến những tạo vật vô hình là các thiên thần. Vậy thiên thần là ai? Các ngài được dựng nên để làm gì? Và làm cách nào chúng ta có thể biết được các ngài cũng như những sinh hoạt của các ngài?
NHỮNG TẠO VẬT VÔ HÌNH
Theo Thánh Kinh và căn cứ trên nhiều truyền thống tôn giáo, các thiên thần là những tạo vật thiêng liêng, vô hình vượt xa hơn con người là những tạo vật hữu hình: “Vì Ngài đã tạo nên con người thấp hơn các thiên thần một chút, và đã đội trên con người triều thiên danh dự và vinh quang” (Thánh Vịnh 8: 5).
Các thiên thần hơn con người một chút vì các ngài là những tạo vật thần linh. Trong khi đó, con người là những tạo vật hữu hình có hồn và có xác. Tuy nhiên, Thiên Chúa “đã đội trên con người triều thiên danh dự và vinh quang”, vì Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể đã mặc lấy hình hài và bản tính của con người.
Các thiên thần có nhiều nhiệm vụ và nhiều vai trò trong Vương Quốc của Thiên Chúa:
– Chầu chực trước ngai tòa Thiên Chúa.
– Phụng sự Thiên Chúa.
– Làm sứ giả của Thiên Chúa.
– Nối kết giữa Thiên Chúa và con người.
– Được chỉ định canh giữ, hướng dẫn con người, và cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
Những tôn giáo như Do Thái Giáo (Judaism), Kitô Giáo (Christianity), và Hồi Giáo (Islam) luôn coi các thiên thần như những tạo vật thần linh nối kết giữa Thiên Chúa và con người. [1] Các thiên thần không phải là nam hay nữ theo sự hiểu biết và kinh nghiệm về phái tính của con người. Tuy nhiên, mỗi khi các ngài được nhắc tới trong Thánh Kinh, từ ngữ dùng để dịch “angel” luôn luôn là nam giới. Cũng vậy, mỗi khi xuất hiện, thiên thần luôn xuất hiện như những người nam. Ngay cả tên gọi của các ngài cũng mang giới tính nam. [2]
PHẨM TRẬT CÁC THIÊN THẦN
Có 250 lần các thiên thần được nhắc đến từ sách Sáng Thế Ký tới sách Khải Huyền. Tuy nhiên, Thánh Kinh không đưa ra con số chính xác các thiên thần được Thiên Chúa tạo dựng.
Trong Khải Huyền, Thánh Gioan viết: “Rồi tôi nhìn lên và nghe tiếng của nhiều thiên thần, con số hàng ngàn ngàn, và hàng vạn vạn” (Khải Huyền 5:11). Linh mục Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Kinh Thánh của ngài, ngài dịch là: “vạn vạn ngàn ngàn”. Trước đó, trong thị kiến tiên tri Daniel đã nhìn thấy “hàng ngàn ngàn phục vụ Ngài; vạn vạn đứng trước Ngài” (Daniel 7:10). Và trong Thư Do Thái cũng nhắc đến con số đạo binh thiên thần hàng hàng lớp lớp (Do Thái 12:22). Hiểu là con số các thiên thần trên trời nhiều vô số kể.
Ngoài số đông các thiên thần tốt lành, Kinh Thánh còn nói đến những thần sa ngã. Đó là các thiên thần đã bị đuổi khỏi thiên đàng vì sự bất tuân phục. Satan là thủ lãnh những đọa thần này. Con số một phần ba các thiên thần sa ngã được nói tới trong Khải Huyền: “Đuôi nó quét xuống một phần ba tinh tú trên trời và ném xuống đất” (Khải Huyền 12:4). Nhiều phiên bản dịch khác nhau, nhưng đa số đồng ý biến cố xảy ra liên quan đến việc Satan phản nghịch lại với Thiên Chúa.
Pseudo-Dionysius, thần học gia và triết gia Công Giáo thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trong tác phẩm De Coelesti Hierarchia (On the Celestial Hierarchy) và Thánh Thomas Aquinas trong Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) trích dẫn từ Tân Ước, đặc biệt trong thư Êphêsô 1:21và Côlôsê 1:16 đã phân định các thiên thần thành ba đẳng, mỗi đẳng gồm ba loại tùy theo vai trò và nhiệm vụ của các thần. Thánh Bonaventure tóm lược 9 phẩm thiên thần theo sau những việc làm của các ngài như: loan tin, truyền đạt, và hướng dẫn, dùi dắt, thúc đẩy, ra lệnh, đón nhận, mặc khải, và xức dầu. Về phẩm trật các thiên thần, ngài cho rằng chỉ 5 vị đầu tiên được sai xuống bởi Thiên Chúa để làm sáng tỏ chính các ngài giữa thế giới vật chất, trong khi bốn phẩm thiên thần cao nhất luôn ở trên trời trước tôn nhan Thiên Chúa.
– Ba đẳng thiên thần
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê đã vẽ ra một bức tranh mờ mờ về đẳng cấp các thiên thần: “Nhờ ngài mọi sự được tạo dựng trên trời và dưới đất, vô hình và hữu hình, dù là Ngai Thần (Thrones) hay Quản Thần (Dominions), Lãnh Thần (Rulers), Quyền Thần (Authorities) – mọi sự đều được ngài tạo dựng và cho ngài” (Côlôsê 1:16). Minh Thần (Cherubim) thì được nhắc đến trong Sáng Thế Ký khi Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Địa Đàng và đặt Cherubim cằm gươm canh giữ (Sáng Thế Ký 3:24).
Về đẳng cấp, các thiên thần được chia thành ba đẳng:
– Đẳng I (cao nhất) gồm các:
Luyến Thần (Seraphim [Seraphimy]),
Minh Thần (Cherubim [Cheruvimy]),
và Bệ Thần hay Ngai Thần (Thrones [Prestoly]).
Seraphim thông đạt tình yêu và sự thật của Thiên Chúa. Ngai Thần truyền đạt mọi sự đến các đẳng thiên thần khác. Gần kề bên Thiên Chúa nhất là Seraphim. Tên Seraphim có nghĩa là “sốt mến” hoặc các thần lửa, bởi vì Thiên Chúa là ngọn lửa của tình yêu.
– Đẳng II (trung bình) gồm các:
Quản Thần (Dominions [Gospodstva]),
Dũng Thần (Virtues),
và Quyền Thần (Powers /Authorities).
Nắm giữ quyền cai quản trên những thần khác, và hướng dẫn các nhà lãnh đạo mặt đất, được thiết lập bởi Thiên Chúa, để họ biết cai trị khôn ngoan.
– Đẳng III (thấp nhất) gồm các:
Lãnh Thần (Principalities/Rulers),
Tổng Thần (Archangels),
và Thiên Thần (Angels).
Là những thần hiểu biết sự khôn ngoan từ các đẳng cao hơn, có liên quan đến những thực tế cụ thể, và phục vụ hữu hiệu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, như những luật lệ tự nhiên, và hướng dẫn các dân nước và từng cá nhân. [3]
– Chín phẩm thiên thần
Từ ba đẳng, các thiên thần thuộc về một trong chín phẩm, mỗi phẩm gồm nhiều thiên thần:
1. Luyến Thần (Seraphim) – Còn được gọi là Thần Sốt Mến, cao nhất trong chín phẩm thiên thần. Phẩm Seraphim gồm bốn thần. Mỗi Seraphim có 4 mặt [4]. Có hai Seraphim được nhắc tên là Seraphiel và Metatron (trong đó, Seraphiel được miêu tả là có cái đầu của phượng hoàng).
Các Seraphim luôn chầu chực, bay quanh ngai tòa Thiên Chúa, tung hô, chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”. Thần Seraphim có sáu cánh: hai cánh che mặt, hai cánh che chân và hai cánh để bay (Isaia 6:1-7). Vì ở gần bên Chúa và luôn được cháy sáng, ánh sáng phát ra từ các Seraphim chói lọi đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên thần khác, có thể nhìn trực tiếp được. [5]\
2. Minh Thần (Cherubim) – Cherubim [Cheruvimy] tiếp theo sau Seraphim trong chín phẩm thiên thần. Các Cherubim mô tả giống con người về bề ngoài, có hai cánh. Trong Tân Ước, các Cherubim thường được gọi là những người trời.[6]
Luôn bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Tên Cherubim có nghĩa là: chan hòa sự khôn khoan, ánh sáng, vì từ các vị – sự sáng với ánh sáng hiểu biết Toàn Năng và thông tri những mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã ban xuống ơn khôn khoan và tỏa sáng về sự thông hiểu Thần Linh thật.
Cherubim được nhắc đến nhiều trong Thánh Kinh như Sáng Thế Ký 3:24, Sách Êdêkien 10:12-24, Sách Các Vua quyển thứ nhất 6:23-28 và sách Khải Huyền 4:6-8. Ông Maisen đã cho đúc hai tượng Cherubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia thánh. Sau này vua Salomon cũng tạc hai tượng Cherubim bằng gỗ ôliu nạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia. Vì thế, các Cherubim được gọi là các thiên sứ hộ giá và đứng đầu trong phẩm trật thiên sứ vì luôn kề cạnh bên Thiên Chúa. [7]
3. Bệ Thần (Thrones) [Prestoly] – Bệ Thần hay Ngai Thần là các thiên thần của sự khiêm nhường, sự bình an và sự phục tùng. Nếu các thiên thần phẩm trật dưới cần đến gần Thiên Chúa thì phải qua các Bệ Thần.
Thronos (tiếng Hy Lạp: θρόνος, “ngai vàng”) cũng xuất hiện trong Khải Huyền 11:16 và Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 1:16. Theo thị kiến của tiên tri Êdêkien 1:15-21, các Bệ Thần được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh “Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe.” (Êdêkien 10:17).
Bệ Thần là biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Cùng với Seraphim và Cherubim, các Bệ Thần không bao giờ ngủ để canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa. [8]
4. Quản Thần (Dominions) [Gospodstva] – Dominionstiếng Latinh: dominationes, tiếng Hy Lạp: kyriotētes, là những thiên sứ phối hợp hoạt động của các thiên binh cấp dưới. Nhiệm vụ chính của các Quản Thần là giữ gìn vũ trụ theo đúng trật tự, đem công lý của Thiên Chúa tới những nơi bất công. Tỏ lòng thương xót của Ngài với con người bằng cách ban sức mạnh cho những nhà lãnh đạo các quốc gia.
Quản Thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên sứ. Tuy nhiên, để phân biệt với các thần khác, các Quản Thần có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu. [9]
5. Dũng Thần (Virtues) – Có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Virtutes có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực, luôn sẵn sàng, dũng cảm thi hành những việc phi thường.
Dũng Thần còn được biết đến là các thần “chiếu sáng.” Ngoài tư cách là thần chuyển động, các Dũng Thần cũng giúp điều khiển thiên nhiên, các phép lạ, khuyến khích con người giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian. [10]
6. Quyền Thần (Authorities) [Vlasti] – Quyền Thần hay các Thiên Thần Chiến Binh vì chiến thắng sự dữ, không chỉ trong vũ trụ mà cả con người. Có quyền trên ma quỷ, ngăn cản sức mạnh của chúng, Quyền Thần cũng giúp con người chiến đấu với các đam mê và tật xấu để từ bỏ những cám dỗ do ma quỷ, thế gian, và xác thịt xúi giục (1 Phêrô 3:22, và Côlôsê 1:16). [11]
Quyền Thần giám sát sự phân chia năng lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Các Quyền Thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo. [12]
7. Lãnh Thần(Principalities)[Nachala] – Các Lãnh Thần có quyền trên các thiên thần cấp dưới và điều khiển các vị hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa (Côlôsê 1:16).
Các Lãnh Thần còn được gọi là Hoàng Thân hoặc Người Cai Trị vì trực tiếp theo dõi các tổ chức lớn, nhỏ, kể cả tầm mức các quốc gia và Giáo Hội, đồng thời bảo đảm việc hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Khôn ngoan và quyền lực nhưng ở khoảng cách xa Thiên Chúa nhất trong các phẩm trật thiên thần để có thể giao tiếp với con người bằng những cách mà chúng ta có thể hiểu.
Lãnh Thần có hình đội một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của các ngài là thực hiện tấn phong cho những nhà lãnh đạo các xứ sở, gìn giữ thế giới vật chất, và giám sát các dân tộc. Lãnh Thần là những quan thầy và bảo hộ cho các vương quốc trên mặt đất. Ngoài ra, còn truyền cảm hứng và tư tưởng trong các lãnh vực nghệ thuật và khoa học. [13]
8. Tổng Thần (Archangels) – Theo truyền thống đã có từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội tôn kính 7 Tổng Thần có tên là Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Camael, Jophiel, and Zadkiel. Ba vị đầu là Michael, Gabriel và Raphael được đặc biệt tôn tính đối với Kitô Giáo Latin, trong khi đó các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương kính nhớ cả 7 vị.
Ngoài ra, cũng theo truyền thống Lutheranism và Anglicanism có 5 vị tổng thần được tôn kính: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel và Jerahmeel. Tuy nhiên Kitô Giáo Chính Thống Đông Phương (Oriental Orthodox Christianity) và Kitô Giáo Chính Thống Tây Phương (Eastern Orthodox Christianity) lại kính nhớ 8 vị, đó là Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jegudiel, Barachiel, và Jeremiel. Bốn vị sau trong số này truyền thống Coptic đặt tên là Surael, Sakakael, Sarathael, và Ananael.
Ba Tổng Thần được Giáo Hội Công Giáo mừng kính vào ngày 29 tháng 9 là Michael, Gabriel và Raphael. Cả ba đều được nhắc tên trong Thánh Kinh vì những vị trí quan trọng của các ngài trong lịch sử cứu độ.
Michael (Micae) – “Ai bằng Thiên Chúa”.
Michael có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Giống như các Tổng Thần khác, Michael thiêng liêng, sức mạnh siêu phàm, nhanh như ánh sáng, không thể bị tổn thương, có giọng oai dũng, khả năng chiến đấu, dũng mãnh, và quyền lực để nói với các loài vật.
Hình ảnh của ngài được diễn tả trong Sách Khải Huyền: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với con Rồng. Con Rồng cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Rồng lớn bị xô nhào xuống. Nó là con rắn xưa, gọi là ma quỷ hay Satan, kẻ chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị xô nhào xuống với nó” (Khải Huyền 12:7-9).
Gabriel (Gabrien) – “Người của Thiên Chúa”.
Trong tiếng Hy Lạp “aggeslos” có nghĩa là “sứ giả.” Gabriel là một trong 7 tổng thần, và là một trong ba tổng thần được nhắc đến trong Luca 1:27-28, cùng với Michael (Khải Huyền 12:7-9), và Raphael (Tobit 12:15). Gabriel là “Sứ Giả của Thiên Chúa” và thuộc đẳng cao hơn trong các thiên thần khác.
Tên Gabriel có nghĩa là “Người của Thiên Chúa” trong tiếng Do Thái, hoặc “Thiên Chúa đã chiếu tỏ quyền năng”. Trong Thánh Kinh, Gabriel là sứ giả xuất hiện trong Cựu và Tân Ước. Biến cố nổi nhất là lần xuất hiện trong ngày ngài truyền tin cho Đức Maria (Luca 1:26-38; Mátthêu 1:20-24). Ngài cũng được cho là thiên thần xuất hiện bên Chúa Giêsu để an ủi Ngài trong lúc Chúa hấp hối ở vườn Gethsemane (Luca 22:43).
Raphael – “Thiên Chúa chữa lành”.
Raphael là tổng thần lần đầu tiên được nhắc đến trong sách Tobit và trong 1 Enoch, cả hai được dự đoán giữa thế kỷ thứ ba và thứ hai BCE.
Là một trong bảy Tổng Thần đứng trước ngai Thiên Chúa (Tobit 12:15), và là một trong ba vị được nhắc đến trong Phúc Âm.
Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Trong Sách Tobit, ngài tự nhận như “Azarias là con của Ananias tiền bối” thuộc dòng họ Tobit, đi cùng Tobit, con của Tobiah. Ngài đã chữa cho Tobiah khỏi mù và trừ quỉ Asmodeus ra khỏi Sarah, vợ tương lai của Tobit. Quỉ Asmodeus đã giết những người đàn ông đã cưới Sarah ngay trong đêm tân hôn trước khi động phòng.
Tổng Thần Raphael là bổn mạng của những người đi đường, những người mù lòa, bệnh tật, không gặp may mắn, y tá, y sỹ và nhân viên y tế. [14]
9. Thiên Thần (Angels) [Angely] – Các thiên thần là những thần trời gần nhất với thế giới và con người. Là người chuyển cầu lên Thiên Chúa và loan báo các sứ điệp cho con người trên thế gian (1 Phêrô 3:22). Một trong các đặc tính của các thiên thần là rất quan tâm và thân thiện trợ giúp những người cầu xin nâng đỡ.
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các thiên thần phục vụ như những sứ giả của Thiên Chúa đối với con người. Trong Cựu và Tân Ước, Thiên Chúa đã không ngừng nhắc lại và dùng các thiên thần để nói ý định của Ngài cho con người, thí dụ, với Abraham, Maisen, Jacob, Gideon, Daniel, Trinh Nữ Maria, Zachariah và Giuse, và nhiều vị thánh cũng như các tiên tri.
Kinh Thánh viết: “Người [Thiên Chúa] truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Thánh Vịnh 91:11-12). Ngoài các tổng thần, chúng ta có thiên thần bản mệnh, là những thiên thần được chỉ định để hướng dẫn và che chở cá nhân mỗi người. Thánh Thomas đồng ý với Thánh Jerome trong trích dẫn Phúc Âm Thánh Mátthêu cho rằng mỗi người chúng ta đều có một thiên thần bản mệnh (Mátthêu 18:10). Đó cũng là cách mà Ngài hằng ở bên chúng ta khi đối mặt với bão tố cuộc đời. Chúa Giêsu khi đề cập đến các thiên thần bản mệnh đã nói: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mátthêu 18:10). Lễ kính các Thiên Thần Bản Mệnh được cử hành vào ngày 2 tháng 10.
__________
Tham khảo
https://www.christianity.com/wiki/angels-and-demons/are-angels-male-or-female.html.
https://en.wikipedia.org/wiki/Hierarchy_of_angels
https://people.howstuffworks.com/9-types-of-angels.htm
5,7,8,9,12,13. Phẩm trật Thiê n sứ trong Kitô giáo. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
6,10,11. Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ beliefnet.com). Chín Phẩm Thiên Thần.
http://giaoxutanviet.com/chin-pham-thien-than/
14.Trần Mỹ Duyệt. Các Tổng Lãnh Thiên Thần. Facebook Duyet Tran, facebook Gia Đình Nazareth. www.giadinhnazareth.org ,https://daminhtamhiep.net , https://www.tinmung.net/THDC-Hai-Ngoai/indexMar.html
https://www.thanhlinh.net, www.conggiaovietnam.net, www.thanhlinh.net