Tín thác vào Lòng Thương Xót để được sống – CN 2 Phục Sinh, năm C

0

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền 

Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa – một lễ trọng được chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina, người nữ tu đơn sơ, khiêm hạ, nhưng đã trở thành “Tông Đồ của Lòng Thương Xót.”

Chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina:
“Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa trước khi quay về với Lòng Thương Xót Cha trong niềm tín thác” (NK 570).

Điều này cho thấy Lòng Thương Xót là cánh cửa duy nhất mở vào sự sống đời đời. Qua cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thể hiện đỉnh cao của tình yêu thương và tha thứ, ngay cả cho những kẻ đã đóng đinh Người.

Và hôm nay, như trong Tin Mừng Gioan, Chúa Phục Sinh hiện đến và ban Thánh Thần, kèm theo ơn tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.”

Đây là bằng chứng sống động rằng, Lòng Thương Xót không chỉ là một ý niệm đẹp, nhưng là một thực tại sống động, đầy quyền năng, được thực thi qua Hội Thánh – cách riêng qua Bí Tích Hòa Giải.

Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi chị Faustina: “Hỡi ái nữ của Cha, công việc và nhiệm vụ của con ở đời này là nài xin Lòng Thương Xót cho toàn thế giới.” (NK 570)

Thế giới hôm nay – giữa chiến tranh, hận thù, đổ vỡ, vô cảm – càng cần hơn bao giờ hết một làn sóng cầu nguyện, ăn năn và khẩn xin Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng ta hãy thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót, chính kinh nguyện này đã làm cho thiên thần thi hành án phạt trở nên bất lực khi Thánh Faustina cầu nguyện với lòng thống hối: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn, và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.…” (NK 475)

Điều đó cho thấy sức mạnh cứu độ và xoa dịu công lý Thiên Chúa mà lời kinh này mang lại.

Và  Chính Chúa Giêsu cũng phán: “Lời kinh này là phương thế để làm nguôi cơn nghĩa nộ của Cha.” (NK 476) Và “bằng lời kinh này, con sẽ cầu xin được mọi sự, nếu điều đó hợp với ý Cha.” (như NK 687):

Vì sao lời kinh này mạnh mẽ đến thế? Bởi vì ta không xin gì nhờ công trạng của ta, mà nhờ Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Đức Giêsu Kitô, tức là dâng lên Thiên Chúa chính hy tế của Chúa Giêsu – hy lễ toàn hảo nhất, làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Chúa đã quả quyết: “Lời kinh này có thể làm nguôi cơn nghĩa nộ của Cha.” (NK 476) Tin vào lòng thương xót còn là cách đo lường ân sủng ta nhận được qua việc cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu đã mạc khải:

“Lòng Thương Xót của Cha lệ thuộc vào lòng tín thác của các con. Nếu lòng tín thác các con lớn lao, khi ấy lòng quảng đại của Cha sẽ không còn giới hạn.” (NK 548)

Tín thác – nghĩa là hoàn toàn đặt mình trong tay Thiên Chúa, như Thánh Faustina đã từng thưa: “Con chỉ muốn Chúa, lạy Chúa Giêsu. Con muốn yêu mến Chúa bằng chính tình yêu Chúa đã mến thương con.” (NK 587)

Chúng ta hãy học nơi chị Faustina sự đơn sơ, khiêm nhường và lòng vâng phục tuyệt đối. Dù gặp thử thách, hiểu lầm, khước từ, chị vẫn một lòng trung thành với sứ mạng: rao giảng Lòng Thương Xót Chúa không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống dâng hiến, hy sinh và âm thầm chịu đựng.

Đồng cũng trở thành tông đồ lòng thương xót Chúa khi mạnh mẽ loan truyền tình thương ấy cho mọi người. Đây cũng là sứ điệp mà Chúa muốn mời gọi chúng ta như xưa Ngài đã nói với thánh nữ Faustina rằng:  “Con hãy nói cho toàn thế giới biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót vô biên của Cha” (x. NK 570; 580)

Chúng ta có thể rao giảng Lòng Thương Xót qua:
– Sự tha thứ không tính toán.
– Sự lặng thầm chịu đựng trong yêu thương.
– Lời cầu nguyện cho các linh hồn lạc lối, nguội lạnh, tội lỗi.
– Sự khiêm nhường chấp nhận chính mình yếu đuối, và để cho Chúa uốn nắn mình nên khí cụ yêu thương.

Anh chị em thân mến, Lễ Lòng Thương Xót hôm nay là một lời mời gọi tha thiết: trở về với Chúa, tín thác vào Chúa, và mang tình yêu của Chúa đến cho người khác. Xin cho chúng ta, như Thánh Faustina, biết sống để ca tụng Lòng Thương Xót, và để cho lòng thương xót ấy tái tạo chúng ta trong từng giây phút sống.

“Muôn đời con sẽ ca tụng Lòng Thương Xót Chúa” (NK 522)

Comments are closed.

phone-icon