ĐỘC THÂN NGÀY NAY
Nguyên tác: Supplément à vie chrétienne
Tác giả: Yves Raguin, SJ.
Chuyển ngữ: Lm. Đặng Xuân Thành
Phần II: KINH NGHIỆM SỐNG ĐỘC THÂN
13. Vết thương lòng
Giữ sự trinh khiết vì Chúa và vì Tin Mừng không phải là không đau đớn. Dù đã kết hợp với Thiên Chúa và Giáo hội với cả tấm lòng, tinh thần và sự sống, người ta vẫn cảm thấy sâu sắc sự thiếu thốn những gì mà tình yêu thiêng liêng giữa vợ chồng và con cái đem lại. Có ca tụng tình yêu Thiên Chúa, kết hôn với cộng đoàn, hiến thân cho anh em đến đâu đi nữa, cũng không thể xóa hết khát vọng yêu thương, không phải yêu thương trong đức tin nhưng trong vòng tay của nhau.
Khi nhìn những cặp vợ chồng đang yêu thương nhau, đang đùa vui chung quanh mình, có thể ta lại ước ao được yêu thương như thế. Không có lý do gì khiến ta phải hoảng hốt khi nhìn thấy ước ao điều đó. Có thể nói rằng đó là bằng cớ chứng tỏ nơi ta mọi sự đều diễn ra một cách bình thường. Hãy vui trước hạnh phúc của người khác. Nhưng đừng tìm cách hưởng thụ những gì chúng ta từ khước, đừng cố gắng tưởng tượng niềm vui khi được sống với một người vợ hay một người chồng hết sức thân ái. Niềm vui dâng lên trong lòng ta như nhựa sống trào dâng trong mùa xuân, đó là chuyện rất tự nhiên đối với mọi người. Nhưng đừng đón nhận niềm vui ấy một cách tiếc nuối, ghen tị… cho dù đôi khi ta cảm thấy khát khao mãnh liệt được biết thế nào là quấn quít yêu thương.
Sống độc thân không phải là tạo nên phái tính thứ ba, không phải nam cũng chẳng phải nữ. Sự độc thân không phá hủy bản tính tự nhiên của ta. Cần phải có những lúc ta cảm thấy khát khao được sống theo phái tính của mình. Những gì chúng ta không được cố ý ước ao vì đã hiến dâng trinh khiết của mình cho Thiên Chúa, vẫn có thể đến trong óc tưởng tượng và giấc mơ của ta khiến ta thèm khát dù không muốn. Đừng lo ngại về chuyện đó, nhưng hãy coi đó như một yếu tố góp phần làm cho ta được quân bình ngay trong khi sống độc thân vì Chúa.
Chính kinh nghiệm trên đây, và kinh nghiệm thèm khát tình yêu, kinh nghiệm khoái lạc dục tính, cũng giúp ta hiểu thế nào là trinh khiết trong đời sống độc thân. Trinh khiết trong đời sống độc thân không phải là giết chết thân xác và thoát khỏi mọi khát vọng xác thịt. Nhưng là không chiều theo sự thu hút của khát vọng đó, không tìm kiếm nó, không thỏa mãn với khát vọng đó, bởi vì ta đã đặt tình yêu ở chỗ khác. Chúng ta có thể bị vùi dập trong khát vọng xác thịt (đã chỗi dậy một cách tự nhiên trong ta dù không muốn), mà vẫn hoàn toàn tự do trước khát vọng đó. Qua kinh nghiệm đó ta mới thấy tình yêu mà ta đã dâng hiến cho Chúa sáng ngời lên như một viên ngọc rơi trong một bể nước đục ngầu hay như một đóa hoa sen tươi nở giữa đầm lầy. Trinh khiết là vẻ sáng ngời của tinh thần và con tim. Sự trinh khiết ấy có thể đơm hoa rực rỡ ngay trong một thân xác bị dằn vặt, vùi dập.
Cũng có khi con người cảm thấy cùng một lúc sự thu hút hết sức xác thịt và tình yêu rất thuần khiết đối với Thiên Chúa. Đằng sau những cảm quan đang run lên về khát khao nhục dục, trong lòng ta vẫn điềm nhiên một cách bình an lạ lùng, bởi vì ta đã cắm chặt ý chí của ta trong Đấng đã được ta chọn để yêu thương.
Tuy nhiên cũng có lúc các cảm quan của ta hoảng hốt bấn loạn lên. Nỗi khát khao khoái lạc dục tính bỗng trở nên mãnh liệt tới độ ngay cả ý chí của ta cũng bị chinh phục. Ta cứ vật vờ qua lại rồi cuối cùng đành để mặc cho ý chí, nhưng lúc đó ý chí cũng không còn làm gì được nữa, không biết tự vệ thế nào nữa. Ý chí đã bị thu hút, lôi kéo tay chân của nó đã đầu hàng và ý chí bị bỏ rơi. Ý chí đã nhượng bộ ngay khi lẽ ra nó đã có thể tránh được. Tuy nhiên thật khó phân biệt mức tội của nó. Mỗi người phải hết sức thành thật với mình về điểm này và đừng để mình bị mắc lừa khi bào chữa cho mình dễ dàng quá. Có nhiều trường hợp ta cảm thấy ý chí như bị hiếp đáp. Nó đã phải chịu nhiều cuộc tấn công kịch liệt quá nên cuối cùng đành phải nhượng bộ… và thậm chí nhượng bộ không phải để hưởng thụ những cám dỗ ấy, mà để cho xong cuộc chiến và được an bình. Có người cho rằng trong trường hợp này họ đã phạm tội, họ đã muốn vui thú, đã đi tìm vui thú… trong khi, thật sự, nơi họ luôn luôn có muôn ước muốn sâu xa là từ khước những cám dỗ đó.
Đó chính là những nghịch lý của cuộc sống, chúng ta không bao giờ ‘là một con người duy nhất trong các hành vi như ta mong muốn… Những kinh nghiệm này thường để lại trong ta một mặc cảm tội lỗi rất sâu xa, đang khi lẽ ra chúng phải giúp ta có một cái nhìn sáng suốt hơn về thực tế. Đối với những ai thật sự thiết tha với đời sống trinh khiết, thì có kinh nghiệm đi kinh nghiệm lại sự khốn cùng của mình như thế họ mới ý thức được rằng sự trinh khiết hệ tại ở tinh thần, chứ không phải nơi thân xác. Nếu nhìn vào đáy lòng mình, ta sẽ thấy rằng dù không muốn nhưng mình vẫn bị lôi kéo vào trong những kinh nghiệm khoái lạc thể xác, tuy nhiên lòng mình vẫn trung thành với Chúa hơn bao giờ. Vì nếu không trung thành, lòng ta sẽ không cảm thấy khổ đau khi thấy mình bất trung.
14. Những áp chế cần thiết
Người ta rất hay lẫn lộn sự triển nở phân cách của con người với tự do muốn làm gì tuỳ ý. Nhiều người cho rằng không thể phát triển được nếu bị đôi chút áp chế. Khi đòi phát triển theo khuynh hướng tự nhiên sâu xa của mỗi người, chẳng qua là họ đòi muốn làm gì tuỳ ý.
Nghệ thuật nào cũng có những sự áp chế. Nghệ thuật lớn là nghệ thuật đã vượt qua những sự áp chế, nhưng trước đó nó cũng phải đi qua những áp chế, chịu những áp chế, làm chủ những áp chế và cuối cùng vượt qua những áp chế đó để đạt tới sự tự do trọn vẹn. Như vậy những người đã tự do tới mức làm chủ được những áp chế sẽ có thể làm ra rất nhiều việc tốt. Còn những thứ tự do khác chỉ sinh ra được cỏ cây hoa lá thôi.
Tình yêu cũng cần có những áp chế mới lớn lên và trở thành tình yêu thật được. Tình yêu dễ dàng quá chỉ qua loa trên lớp vỏ bên ngoài và chóng biến thành một sự si mê ngây ngất trẻ con. Trong tình yêu đó không bao giờ ta thấy có lởi nói, cử chỉ, thái độ hay cái nhìn nào có thế gọi là đã gói tron vẹn hữu thế của con người. Bao lâu tình yêu còn dừng lại ở vài ba kỹ thuật yêu đương, ta có thể nói rằng giữa hai bên đã thiết lập mối quan hệ nhưng tình yêu thì chưa. Cần phải có một nghệ thuật khéo léo thuộc một lĩnh vực khác hẳn mấy kỹ thuật ấy mới gợi dậy được khao khát và khoan khoái nơi bạn mình. Nhưng nghệ thuật khéo léo này chính là cái đẩy tình yêu đến chỗ phảỉ tự đào sâu hơn để trở thành tình yêu đích thực giữa hai người.
Tình yêu nhân loại nào cũng phải chấp nhận có những áp chế, những cấm đoán. Không thể đòi mọi thứ tự do mà loài người có thể nghĩ ra, chỉ vì tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai người, giữa hai tự do. Tình yêu đi đôi với sự kính trọng nhau, luôn luôn chú ý đến người kia và muốn thế phải từ bỏ những ý kiến riêng cũng như cảm quan riêng của mình. Hơn nữa, tình yêu nào cũng phải giữ cho khỏi bị thu hút bởi những hấp lực bên ngoài, vì những hấp lực này có thể làm cho tình yêu xáo trộn và lệch đi và hướng tới người khác. Tình yêu, căn bản của sự độc thân tận hiến, chỉ có thể lớn lên nếu nó được giữ gìn trong sạch nguyên tuyển – Trong tình yêu người ta không thể cho phép mình ve vãn ai tuỳ thích, lấy cớ đó chỉ là những trò chơi vô tộí. Người ta không đùa với tình yêu. Để tình yêu có thể lớn lên trong ta, ta phải giữ gìn cho tình yêu ấy không vướng một sự thỏa hiệp nào. Dù ngọt ngào và có thể vô tội tới đâu đi nữa như một mối tình nhỏ làm dao động lòng ta, ta cũng phải khước từ ngay khi nó làm ta không được tự do hoàn toàn trong việc hiến thân cho Thiên Chúa. Phải kinh nghiệm được Thiên Chúa là mối tình duy nhất của mình, dù để có kinh nghiệm đó ta phải trả giá bằng biết bao nước mắt.
Mọi quan hệ khiến tình yêu Chúa bị san sẻ đều phải bị cắt đứt. Chỉ có tình cảm nào hoàn toàn vào trong tình yêu đối với Chúa mới được chấp nhận. Đó là định luật căn bản của tình yêu trong đời sống hôn nhân cũng như trong đời sống độc thân.
Đôi khi người ta phạm tội với tình yêu đã dành cho Chúa vì tình yêu này như quá xa vời, mà con tim ta lại khao khát tình yêu nhân loại. Đó chính là sự yếu đuối mà lẽ ra chỉ được phép vô tình có thôi. Ta phải chiến đấu với cả mạng sống mình để trung thành với tình yêu duy nhất đó.
Ai cũng biết rằng nếu mình tự do quá trớn với một phụ nữ, thì rất có thể sẽ rơi vào cuộc khi người phụ nữ cảm thấy mình được săn đuổi, được yêu thương… và cũng thế đối với một phụ nữ ‘đùa giỡn’ với cảm giác của một người đàn ông. Những người độc thân vì Nước Trời đôi khi ngây thơ đến mức lạ lùng về điểm này. Có thể họ nghĩ rằng mình đã là thiên thần. Khả năng tình cảm của họ chưa chín muồi một cách bình thường và dường như họ chưa có kinh nghiệm về sự mong manh non yếu của mình.
Tuy nhiên, khôn ngoan không có nghĩa là lạnh lùng, là nghi ngờ người khác phái. Một người ý thức rõ mình là gì hẳn phải biết xử sự thế nào. Sự vụng về lúng túng, lạnh lùng và thiếu thành thực là kết quả của việc không biết mình, không lường trước được những phản ứng phía mình cũng như phía họ một cách chắn chắn.
Mục tiêu của những áp chế là làm cho sự tự do trong ta được lớn lên, một sự tự do xây dựng trên sự bình an sâu xa của ta. Chúng ta tự biết những điều mình nói, những tình cảm mình biểu lộ với người khác, qua lời nói và hành động của mình, sẽ đi đến đâu. Chúng ta cũng biết ý chí của mình mạnh tới đâu, cái nhìn của mình sáng suốt tới mức nào. Chúng ta thừa biết mình có thể nghe hết mọi chuyện mà không lung lay dao động, nhưng chỉ một sự bày tỏ tình cảm hay yêu thương thôi đủ làm ta xao xuyến rồi. Nếu chắc chắn về mình, chúng ta có thể tiếp nhận tình cảm, biến nó thành của mình, vui mừng với tình cảm đó và đưa nó đi vào đáy lòng ta để nó làm giàu cho khả năng yêu thương của ta.
Nếu tình yêu với Chúa trong ta không mạnh đủ để giữ ta khỏi mọi sa ngã, thì ta phải bố trí những lan can ở các bờ vực thẳm sâu đến nỗi làm ta chóng mặt. Tuy nhiên ta không có điều kiện để bố trí những lan can ấy ở mọi chỗ. Nếu mối quan hệ nào đó làm ta dao động và ta có thể tránh được con người đó, thì tốt hơn nên bớt gặp người đó đi. Còn nếu không thể được thì phải hướng về Chúa nhiều hơn, sao cho những hấp lực ấy được điều chỉnh để cũng hướng về Chúa và khi đã ở trong ánh sáng của Chúa thì hấp lực ấy sẽ không còn rực rỡ nữa.
15. Một tinh thần tự do trong một thân xác
Tình yêu của vợ chồng lớn lên được trong chính những quan hệ xác thịt nhưng đồng thời luôn vượt lên trên những quan hệ đó. Trong thời kỳ đính hôn, tình yêu này đã được triển nở đẹp lạ lùng ngay cả trước khi đôi bên gặp nhau trong thân xác. Và bây giờ khi đã thành vợ thành chồng, họ cũng phải coi biểu hiện thật sự của tình yêu nằm ở đằng sau thân xác, nằm ở bên kia những sự ôm ấp vuốt ve. Như vậy tinh thần càng gỡ ra khỏi thân xác bao nhiêu thì tình yêu càng được tự do bấy nhiêu, làm như thế không phải để xua đuổi hay dẹp thân xác sang một bên, nhưng là để rọi sáng thân xác, để nó có đầy đủ giá trị của nó, giá trị của một dấu chỉ về sự hiện diện.
Trong đời sống độc thân, ta cũng phải làm chủ thân xác, những phản ứng, những cái nhìn, óc tưởng tượng như thế, để nhờ đó ta có thể đi vào trong những quan hệ rất thâm sâu với tất cả những ai đang cần sự giúp đỡ, sự hiện diện và yêu thương. Biết bao người đã tìm đến các linh mục hay tu sĩ. Điều họ muốn là những lời khuyên, nhưng trên hết là sự thông cảm, một chút yêu thương. Những người tiếp nhận những nỗi niềm tâm sự ấy phải được hoàn toàn tự do để có thể chú ý lắng nghe họ và nếu cần để làm bạn hay tỏ bày tình yêu mà ai cũng khao khát. Có rất nhiều người tận hiến cho Chúa, nhưng ảnh hưởng chỉ là con số không, vì họ không thể thắt chặt những dây quan hệ nhân bản như tôi vừa nói. Đời sống độc thân đã tước đoạt hết mọi tình cảm nơi họ đến nỗi họ không thể yêu thương nữa… Họ sống trong thế giới khép kín của họ, như những cô gái già, những ông cụ non. Những người đến xin chút tình cảm hay chút lưu tâm của họ đều bị gọi như những kẻ vô phận sự dám đi vào thế giới của họ để quấy rầy và đe dọa họ.
Thật ra tới mức cực đoan đó thì có lẽ rất ít, nhưng quan hệ thiếu sự ấm áp của tình người thì nhiều lắm. Nói như thế không phải là bắt ta phải ẵm người khác trên tay, là siết chặt họ vào lòng, vì có thể đó là một cách đóng kịch, làm bộ yêu hết mọi người vì yêu Chúa. Đó cũng không phải là điều Đức Kitô đòi hỏi nơi chúng ta khi kêu chúng ta yêu thương kẻ khác như người đã yêu thương ta. Tình yêu của Đức Kitô thật đại đồng phổ quát, nhưng theo Tin Mừng ta cũng thấy rõ. Người không phân phát tình thương trong những túi may sẵn. Quan hệ của người luôn luôn có tính cách biệt vị, cá nhân. Người không bảo Martha và Maria: “Mời hai cô ngồi xuống đó, hãy nghe tôi nói và đừng ghen tị nhau nữa”. Martha được yêu mến cũng như Maria vậy, nhưng một cách khác. Vả lại Martha cũng không phàn nàn là không được người yêu thương bằng Maria, cô chỉ phàn nàn là có quá nhiều việc phải làm. Có lẽ cô cũng muốn ngồi nghe thôi như Maria chăng?… không chắc như vậy? Theo tôi cô hài lòng vì được làm bếp cho những người cô yêu thương.
Điều cần thiết là phải làm sao đạt tới mức tự do hoàn toàn trong khi quan hệ với người khác. Chúng ta có thể nói với họ rằng chúng ta yêu họ thật sự, yêu chính họ, yêu tất cả con người họ, chứ không phải chỉ yêu linh hồn thôi, như người ta thường nói yêu linh hồn người khác vì yêu Chúa. Muốn vậy phải làm sao có thể bày tỏ mối tình yêu đã tự chủ hoàn toàn, với những biểu hiện thật trong sáng, không bao giờ hàm hồ nghi nghĩa. Nhưng khi còn trẻ thì khó làm chủ được tình cảm như thế. Vì vậy rất nên khép mình vào một thứ kỷ luật nghiêm ngặt trong nhiều năm, nếu muôn sau này đạt được một tình bạn đích thật trong đời sống độc thân. Chúng ta có thể luôn luôn bị ảo tưởng rằng mình đã tự do hoàn toàn được đối với xác thịt.
Tuy nhiên chỉ có thể có được tự do như thế khi biết thật rõ về lòng dạ con người. Những người trong sạch có một cái nhìn hết sức trong sáng, không phải trong trắng một cách ngây thơ như của trẻ con, nhưng đó là sự trong trắng của những người trưởng thành đã đo lường, đã rà soát hết con người thật của mình.
Nhân dịp nói tới sự tự do đối với thân xác, tôi cũng cần phải nói thêm đôi chút về sự tự do mà một số người chủ trương, và đã cắt nghĩa sai lệch từ câu nói: “Với những ai trong sạch thì cái gì cũng trong sạch hết”. Những người ấy cho họ đã đạt được sự tự do đối với cảm năng và xác thịt đến lúc có thể giao tiếp, họ sờ mó, vuốt ve, ôm hôn và hơn thế nữa mà vẫn không sao, vì tất cả những hành vi đó đối với họ bây giờ chỉ là những cách bình thường để bày tỏ một tình cảm hết sức thiêng liêng thôi. Đó cũng là lập trường của những người theo phái ‘Cathares’ (Tu luyện) của thời Trung cổ, những người tự xưng mình như thế, nghĩa là những người ‘thanh sạch’, vì đã giải thoát mình được khỏi những lôi cuốn của thể xác. Chúng ta đã rõ những lý thuyết đó sẽ đưa tới những hậu quả nào… Thân xác không mấy chốc sẽ giành lại thế thượng phong của tinh thần. Bên ngoài nó có vẻ nhượng bộ, chịu thua hay biến đi một thời gian, nhưng rồi thình lình nó sẽ nắm lại vai trò của nó và kéo tinh thần và con đường khoái lạc thể xác. Đành rằng không có gì giống niềm vui của tinh thần hơn là niềm vui của một tình yêu chân chính, nhưng khi đã dâng hiến trinh tiết cho Chúa thì thật là lầm lẫn khi đòi sử dụng con đường dành riêng cho tình yêu vợ chồng để tìm niềm vui đó.
Muội Muội sưu tầm
(Còn nữa)