Thế giới nhìn từ Vatican 16.04 – 22.04.2015

0

1. Khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu và bắn chết thêm 28 tín hữu Kitô Trung Đông

Quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Libya đã giết thêm 28 Kitô hữu người Ethiopia, gọi họ là đại diện của “Giáo Hội Ethiopia thù địch”.

Một đoạn video được khủng bố Hồi Giáo tung lên YouTube ngày 19 tháng Tư cho thấy 12 người đàn ông đã bị chặt đầu 16 người khác bị bắn chết. Vụ chặt đầu 12 vị tử vì đạo đã xảy ra trên một bãi biển, trong khi vụ bắn chết 16 vị khác có lẽ diễn ra trong một sa mạc. Các vụ giết người tàn bạo này diễn ra chỉ hơn hai tháng sau vụ chặt đầu 21 Kitô hữu Coptic trong một video khác được tung lên Internet hồi tháng Hai.

Trong video mới này, một phát ngôn viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS nói các nạn nhân đều là “tín đồ của thập giá,” đại diện cho “quốc gia của thập giá.” Video này còn cho thấy hình ảnh về sự tàn phá các nhà thờ và nghĩa trang Kitô giáo, và cả một lời răn đe các Kitô hữu trên toàn thế giới hãy mau chónng cải sang đạo Hồi hoặc phải đối mặt với một bản án tương tự.

Một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Coptic, là Đức Giám Mục Antonios Aziz Mina của giáo phận Guizeh, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng là thời gian công bố video này lên YouTube cho thấy rằng bọn lãnh đạo cái gọi là Nhà nước Hồi giáo rất nhạy cảm trước những tiến bộ đại kết Kitô Giáo tại Trung Đông. Đức Thượng Phụ Mathias I, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ethiopia, theo dự trù sẽ gặp nhà lãnh đạo Chính Thống Coptic, là Đức Thượng Phụ Tawadros II.

Cuộc họp này đã phải hủy trước vụ giết người tàn bạo này. Phát ngôn viên của Giáo Hội Chính thống Ethiopia đã quyết định ở lại với người đang tron cảnh tang tóc. Tháng Hai vừa qua, bọn lãnh đạo cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tuyên bố rằng Giáo Hội Coptic là kẻ thù của họ ở Libya.

Trong cả hai vụ thảm sát, các nạn nhân đều là những người lao động nghèo nhập cư từ Ai Cập, và Ethiopia sang hoạt động trong ngành xây dựng tại Libya. Kitô hữu sống ở Libya đang sống trong tình trạng nguy hiểm kể từ khi quân khủng bố Hồi Giáo IS hiện diện đông đảo tại đây, sau sự sụp đổ của chế độ Qaddafi.

“Chuỗi dài các vị tử đạo chưa hết đâu”, Đức Cha Mina than thở. “Giáo Hội không bao giờ kêu trách trước giá máu của các vị tử đạo, nhưng đã luôn luôn kính nhớ đến những vị này như những người mà nơi họ chiến thắng vĩ đại và an ủi của Chúa Kitô tỏa sáng.”

2. Đức Thánh Cha tiếp Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học xã hội

Đức Thánh Cha kêu gọi Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội nỗ lực gây ý thức nơi dư luận quần chúng về tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18 tháng Tư, dành cho 45 thành viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “trong chế độ kinh tế hoàn cầu hiện nay chịu sự thống trị của lợi lộc, có những hình thức nô lệ mới nảy sinh, một cách nào đó chúng tệ hại và vô nhân đạo hơn cả những thứ nô lệ trong quá khứ. Vì thế, theo sứ điệp cứu độ của Chúa, chúng ta được kêu gọi tố giác và bài trừ những hình thức ấy. Nhất là chúng ta phải làm cho mọi người ý thức về tai ương mới này trên thế giới mà nhiều khi người ta muốn che giấu.”

Đức Thánh Cha tái lên án nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người là “những tội ác rất nặng nề, một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay. Ngoài ra cần tìm những phương thế thích hợp để trừng phạt những người đồng lõa với thị trường vô nhân đạo này, cải tiến cách thức giải thoát và giúp các nạn nhân tái hội nhập vào xã hội, canh tân những qui luật về quyền tị nạn. Cần giúp các nhà cầm quyền dân sự ý thức về tính chất trầm trọng của thạm trạng này, nó là một sự thoái hóa của nhân loại”.

3. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Italia

Sáng ngày 18 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Italia, Ông Sergio Mattarella, đến viếng thăm ngài lần đầu tiên từ khi được bầu làm tổng thống ngày 31-1 năm nay.

Tổng thống Mattarella năm nay 74 tuổi (1941), đã từng làm đại biểu quốc hội Italia, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng quốc phòng, trước khi trở thành thẩm phán tòa bảo hiến.

Trong lời chào mừng Tổng thống, Đức Thánh Cha ca ngợi quan hệ rất tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Italia. Ngài cũng nói đến tình trạng nhiều người trẻ Italia bị thất nghiệp và gọi đây là “một tiếng kêu đau thương đòi chính quyền, các tổ chức trung gian, các doanh nhân và cộng đồng Giáo Hội, nỗ lực hết sức để giải quyết tình trạng đó, dành ưu tiên tìm giải pháp cho vấn đề.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng đặc biệt lưu ý về việc chăm sóc môi sinh. Ngài nói: “Để tìm cách làm dịu bớt tình trạng thiếu quân bình ngày càng gia tăng và những ô nhiễm, nhiều khi tạo nên những thảm họa môi sinh, cần ý thức về những hậu quả thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên, nó gắn liền với cách thức con người tự ý thức và xử sự với bản thân mình.”

Sau cùng Đức Thánh Cha cám ơn Italia dấn thân tiếp đón nhiều người di dân đang xin được đón nhận, và nhiều khi họ chịu những rủi ro tới sinh mạng của mình. “Hiển nhiên là hiện tượng rộng lớn này đòi phải có sự can dự của nhiều nước. Chúng ta không được mệt mỏi khi yêu cầu một sự dấn thân rộng rãi hơn trên bình diện Âu Châu và quốc tế”.

Sau khi gặp Đức Thánh Cha, tổng thống Italia đã hội kiến với Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và tiếp đó, Đức Hồng Y đã giới thiệu ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh với Tổng thống Matarella

4. Đức Hồng Y Francis George, ‘Ratzinger của Hoa Kỳ’ đã qua đời

Trong một thời đại thuộc các triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô thứ 16, khi Giáo Hội đang cố gắng bơi ngược dòng triều thế tục trong thế giới phương Tây, Đức Hồng Y Francis George của Chicago đã được sự tín nhiệm của hai vị Giáo Hoàng gần như hơn tất cả các vị giám mục Hoa Kỳ khác, như một mũi lao chống lại dòng triều ấy tại Hoa Kỳ.

Theo thông cáo của Đức Tổng Giám Mục Blase Cupich, Đức Hồng Y Francis George, nghỉ hưu từ tháng 11 năm 2014, đã qua đời lúc 10:45 sáng ngày thứ Sáu 17 tháng Tư tại nơi cư trú của ngài ở Chicago vì một chứng ung thư có nguồn gốc ở bàng quang nhưng đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể, khiến việc điều trị không hiệu quả. Ngài qua đời ở tuổi 78 trong sự thương tiếc của người Công Giáo tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Ngài đã được chăm sóc tại gia kể từ ngày 03 tháng 4 sau khi được nhập viện vì thiếu nước và thuốc giảm đau không còn hiệu quả.

Đức Hồng Y Francis George được nhiều người công nhận là vị giáo sĩ cao cấp có một khả năng trí tuệ ngoại thường trong thế hệ của ngài đến mức Đức Hồng Y George đã từng được mệnh danh là “American Ratzinger” – “Ratzinger của Hoa Kỳ”.

Giống như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y George có một quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ về các vấn đề: như phá thai, tránh thai, và phụng vụ Công Giáo. Cũng giống như trường hợp Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người ta có những phản ứng nhanh chóng trước những phát biểu của ngài, khen cũng có, chống cũng có, nhưng không thể lờ đi trước những quan điểm của ngài.

Đức Hồng Y George có một mối say mê trong việc cổ vũ những mối quan hệ giữa đức tin và văn hóa, và đặc biệt là sự khẩn cấp “Tân Phúc âm hóa”.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chicago vào năm 1997, và đặc biệt là trong thời hạn ba năm ngài làm Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2010, Đức Hồng Y George là hiện thân đường lối của Vatican tại Hoa Kỳ và là một trong những giám mục Mỹ có uy tín và ảnh hưởng trên toàn thế giới Công Giáo.

Đức Hồng Y George sẽ đặc biệt được nhớ đến như là kiến trúc sư của cuộc chiến giữa các Giám Mục Hoa Kỳ với chính quyền Obama trong việc ngừa thai và cải cách việc chăm sóc sức khỏe, và là nhà lãnh đạo đã đưa tự do tôn giáo trên thế giới thành một mối quan tâm hàng đầu với các giám mục Mỹ.

Đức Hồng Y Francis George sinh ngày 16 tháng Giêng năm 1937, được thụ phong linh mục dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 21 tháng 12 năm 1963. Ngày 10 tháng 7 năm 1990, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám Mục Yakima, Washington. Ngày 30 tháng Tư năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Tổng Giám Mục Portland Oregon và một năm sau vào ngày 7 tháng Tư năm 1997, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Chicago. 10 tháng sau đó, ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng Hai năm 1998. Ngày 20 tháng 9 năm ngoái, ngài đã về hưu vì sức khoẻ.

5. Tòa Thánh sẽ không trả lời những phản ứng phẫn nộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 15 tháng Tư, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã trả lời câu hỏi của một ký giả nêu lên về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ ngày 12 tháng 4, trong đó ngài gọi đích danh cuộc tàn sát 1.5 triệu người Armeni cách đây 100 năm là “cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”. Cha nói:

“Những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về cuộc ‘diệt chủng người Armenia phải được xét trong một đường hướng rõ ràng, và trước sau như một, theo hướng đối thoại. Đức Giáo Hoàng đã đắn đo trong bài diễn văn của Ngài và nhắc lại điều đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 khẳng định. Chúng tôi ghi nhận phản ứng của Thổ nhĩ kỳ nhưng chúng tôi không nghĩ đây là trường hợp để tranh luận hoặc để cãi vã nhau. Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng ghi nhận những gì đã xảy ra để có một thái độ thích hợp hầu đạt có một lịch sử tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Sau những phản ứng gay gắt của thủ tướng, ngoại trưởng và đại sứ của Thổ nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh, về bài diễn văn của Đức Thánh Cha, ngày 14 tháng 4, đến lượt tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ muốn “lên lớp” cho Đức Giáo Hoàng và nói rằng: “Tôi muốn cảnh giác Đức Giáo Hoàng đừng lập lại sai lầm ấy nữa”. Ông cũng kêu gọi hãy tín nhiệm “các sử gia để tránh nói sảng” và có một cái nhìn tốt về “các thực tại”.

Hôm trước đó, ngoại trưởng Thổ cho rằng những lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng hôm 12-tháng 4 là một “sự vu khống”, không hợp với luật pháp về từ “diệt chủng”.

Thật ra trong diễn văn đầu thánh lễ ngày 12 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trưng dẫn nguyên văn Tuyên ngôn chung của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Đức Tổng thượng phụ Karekin II của Giáo Hội Armenia Tông Truyền ký kết tại Etchmiadzin ngày 27 tháng 9 năm 2001. Tuyên ngôn này định nghĩa cuộc tàn sát 1.5 triệu người Armenia hồi năm 1915 là “cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”, và cầu mong mở lại con đường hòa giải giữa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Trong bối cảnh này, cần ghi nhận rằng chính tổng thống Erdogan, tuy phê bình mạnh mẽ, nhưng đã lập lại đề nghị với Armenia thành lập một ủy ban chung gồm các sử gia để nghiên cứu văn khố của hai nước về vấn đề này.

6. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi.

Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy xuất hành, ra khỏi bản thân và con người cũ, để tiến bước theo tiếng gọi của Chúa.

Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ 4 sau lễ Phục sinh, 26 tháng 4 năm 2015, với chủ đề “Xuất hành, kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi”.

Trong sứ điệp công bố hôm 14 tháng 4 năm 2015, Ðức Thánh Cha gợi lại kinh nghiệm xuất hành của Dân Chúa, của các Tổ Phụ trong Cựu Ước, và ngài khẳng định rằng:

“Nơi căn cội của mỗi ơn gọi Kitô có một chuyển động cơ bản của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là rời bỏ chính mình, ra khỏi tiện nghi thoải mái và sự cứng nhắc của cái tôi để tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; giống như Tổ Phụ Abraham rời bỏ quê hương, lên đường trong niềm tín thác, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho để tiến về đất mới. Sự “ra đi” này không phải là sự coi rẻ cuộc sống, tâm tình và nhân tính của mình, trái lại, ai lên đường theo Chúa Kitô thì sẽ tìm được cuộc sống sung mãn, đặt trọn bản thân phụng sự Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: “Ai từ bỏ gia cư, hoặc anh em, chị em, cha mẹ, hay con cái, đồng ruộng, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và sẽ được sự sống đời đời làm gia sản” (Mt 19,29).

Ðức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Kinh nghiệm xuất hành chính là mô hình của đời sống Kitô, nhất là những người đón nhận ơn gọi đặc biệt tận hiến phục vụ Tin Mừng. Kinh nghiệm ấy hệ tại thái độ luôn tái hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước, đi từ sự chết đến sự sống.. Ơn gọi luôn luôn là một hoạt động của Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi tập quán và sự dửng dưng, phóng chúng ta hướng về niềm vui hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa chính là để cho Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ổn định giả tạo của mình để lên đường tiến về Chúa Giêsu Kitô là đích điểm đầu tiên và cuối cùng của đời ta, và là hạnh phúc của chúng ta”.

Ðức Thánh Cha nhận xét rằng “tiến trình xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân như thế làm cho đời sống chúng ta đầy vui mừng và ý nghĩa”. Ngài đặc biệt nhắc nhở điều đó cho các bạn trẻ và nhắn nhủ rằng: “Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp hơn.. Thật là đẹp dường nào khi để cho tiếng gọi của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, đón nhận Lời Chúa và bước theo vết của Chúa Giêsu”.

7. Theo gương Đức Thánh Cha, Nghị viện châu Âu lên án tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm thứ Tư 15 tháng Tư, Nghị viện châu Âu đã theo gương Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận các vụ thảm sát năm 1915 giết hại người Armenia là một tội ác diệt chủng. Với nghị quyết này và cung cách phản ứng lại của Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng gia nhập liên hiệp châu Âu của nước này đã trở nên xa vời hơn bao giờ.

Sau thế chiến thứ nhất, do những dàn xếp chính trị lắt léo của các cường quốc, không ai trong guồng máy lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm vào tội ác chống nhân loại trầm trọng đến mức tước đi mạng sống của 1.5 triệu người bị trừng trị. Trong Thánh Lễ tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát kinh hoàng này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “che dấu hay bác bỏ tội ác giống như việc để vết thương tiếp tục chảy máu mà không chịu băng bó nó!”. Việc che dấu này, theo Đức Giáo Hoàng, là tiền đề cho hàng loạt các vụ giết hại hàng loạt của Quốc Xã và Cộng Sản sau đó.

Nghị quyết của Nghị viện châu Âu đã được thông qua với đa số phiếu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem việc tưởng niệm này là cơ hội “để nhìn nhận tội ác diệt chủng người Armenia và trên cơ sở đó mở đường cho một sự hòa giải chân chính giữa hai dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.”

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ nghị quyết của châu Âu thậm chí trước khi nghị quyết này được bỏ phiếu.

“Đối với chúng tôi nó sẽ đi từ lỗ tai này và ra ở lỗ tai khác. Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận lời buộc tội này. Những vết nhơ của tội ác diệt chủng trên đất nước của chúng tôi là không thể chấp nhận được.”

Bộ Trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói sau cuộc bỏ phiếu rằng liên hiệp châu Âu đang tìm cách viết lại lịch sử.

Thủ tướng Ahmet Davutoglu hôm thứ Năm cáo buộc rằng “Có một băng đảng tội ác chống lại chúng ta hình thành, các tính toán của mặt trận này đều hướng về phía ngăn chặn con đường của chúng ta. Đức Giáo Hoàng đã rơi vào những cái bẫy đang được thiết lập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.”

8. Ðức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya.

Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Giám Mục Kenya trong nỗ lực hòa giải các phe phái và sắc tộc tại nước này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 25 Giám Mục Kenya tại buổi tiếp kiến sáng ngày 16 tháng 4 năm 2015 nhân dịp các vị bắt đầu tuần lễ hành hương Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngài viết:

“Giáo Hội tại Kenya phải luôn trung thực với sứ mạng của mình như một dụng cụ hòa giải, công lý và hòa bình. Trung thành với toàn thể gia sản đức tin và giáo huấn luân lý của Giáo Hội, anh em có thể củng cố quyết tâm cộng tác với các vị lãnh đạo Kitô và không Kitô, trong việc thăng tiến hòa bình và công lý tại đất nước anh em, qua đối thoại, tình huynh đệ và thân hữu. Như thế, anh em có thể đồng thanh và can đảm hơn trong việc tố giác mọi bạo lực, nhất là những bạo lực người ta phạm nhân danh Thiên Chúa”.

Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “cùng với anh em, tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị giết vì những hành vi khủng bố hoặc xung đột chủng tộc, bộ tộc tại Kenya cũng như tại các vùng khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người bị giết tại Ðại học Garissa hôm thứ Năm Tuần Thánh vừa qua”.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở các Giám Mục đặc biệt gần gũi và dành thời giờ cho các Linh Mục thuộc quyền. Ngài khích lệ các vị trong việc mục vụ gia đình, củng cố những gia đình đang phải chiến đấu vì hôn nhân tan vỡ, thiếu chung thủy, nghiện ngập hoặc bạo lực, tăng cường việc mục vụ giới trẻ, huấn luyện họ trở thành những môn đệ có khả năng dấn thân trường kỳ và hiến thân, dù trong hôn nhân hay trong đời sống Linh Mục và tu trì”.

“Tuy không xen mình vào những việc trần thế, nhưng Giáo Hội cũng phải nhấn mạnh với những người ở vị thế lãnh đạo và cầm quyền về các nguyên tắc luân lý thăng tiên công xích và xây dựng xã hội như một tập thể”.

Kenya rộng 610 ngàn cây số vuông, với khoảng 42 triệu dân cư, thuộc hơn 40 nhóm chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, và tại đây thường có những chia rẽ và xung đột bộ tộc, ảnh hưởng trên chính trị và kinh tế.

Các tín hữu Công Giáo chiến 31.2% dân số và thuộc 4 tổng giáo phận, 20 giáo phận.

9. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo về cuộc tắm máu có thể xảy ra ở Aleppo

Phát biểu hôm thứ Sáu 17 tháng Tư tại phiên họp thứ hai của Liên Hợp Quốc về sự bách hại các Kitô hữu, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza rằng nói các nhà lãnh đạo thế giới nên tiếp cận vấn đề “với cả hai mắt mở rộng.”

“Và khi chúng ta đi sâu vào các chi tiết của cuộc bức hại các Kitô hữu trên toàn cầu, chúng ta sẽ rất khó giữ cho đôi mắt mình đừng nhỏ lệ”.

Tổng giám mục Auza nói tiếp: “Ngay cả khi chúng tôi đang nói với quý vị đây, hàng ngàn người trên khắp thế giới đang bị khủng bố, bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người, bị phân biệt đối xử và bị giết chết chỉ đơn giản vì họ là những tín hữu Kitô.”

Đức Tổng Giám Mục đã tóm lược một vài hình thức bạo lực chống lại các Kitô hữu gần đây: Tại Iraq và Syria, Libya và Nigeria, Kenya và trong khu vực tiểu Á, mặt đất của quả địa cầu này đã nhuốm máu theo nghĩa đen của từ này. Chúng ta đã nhìn thấy những hình ảnh man rợ trong đó các Kitô hữu Coptic bị chặt đầu ở Libya; nhà thờ đầy xác người bị bom nổ hất tung lên trong khi họ đang cử hành phụng vụ ở Iraq, Nigeria và Pakistan; các cộng đồng Kitô giáo cổ xưa bị đuổi ra khỏi nhà cửa của họ trên đồng bằng Nineveh của Kinh Thánh; các sinh viên Kitô Giáo bị bắn chết ở Kenya …

Khi đề cập đến những âu lo về một cuộc thảm sát có khả năng xảy ra tại Aleppo, thủ phủ của người Kitô hữu Syria, Đức Tổng Giám mục Auza nhắc nhở Liên Hiệp Quốc rằng tình trạng bách hại các Kitô hữu vẫn đang có chiều hướng gia tăng dữ dội tại Trung Đông. Ngài nhắc lại rằng theo báo cáo của chính Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong vòng 25 năm qua, khoảng 2 triệu người Kitô hữu đã phải trốn khỏi Iraq; ở các nước lân cận, người dân nông thôn Kitô hữu đang biến mất, ở những khu vực các tín hữu Kitô đã hiện diện từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo.

10. Cuộc rước Phục sinh truyền thống gần 700 năm của các tín hữu Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi

Bulgaria hay Bảo Gia Lợi là quốc gia có một lịch sử lâu dài ít nhất là từ năm 460 trước Chúa Giáng Sinh. Vào thế kỷ thứ chín quốc gia này đón nhận Kitô Giáo như là quốc giáo và người dân có một lòng đạo rất sốt sắng.

Chẳng may là vào năm 1396, Bảo Gia Lợi bị thua trận trong chiến tranh với Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và bị nước này cai trị trong một khoảng thời gian kéo dài gần 500 năm. Cụ thể là đến năm 1878 Bảo Gia Lợi mới thoát ra được ách đô hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số các quốc gia ở Đông Âu, dấu ấn Hồi Giáo được thấy đậm nét nhất tại quốc gia này với gần 8% dân số theo đạo Hồi và hàng ngàn đền thờ Hồi Giáo nguy nga trên một đất nước chỉ rộng có 110,000 km vuông, tức là chỉ lớn hơn tiểu bang Tennesee một chút.

Gần cuối cuộc chiến tranh giữ nước chống lại Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ từ 1371 đến 1396, người dân vùng Bachkovo đem dấu một ảnh Đức Mẹ trên một ngọn núi. Từ đó đến nay trải qua gần 700 năm, cứ vào ngày thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh hàng năm họ đều có cuộc rước kiệu từ nhà thờ của tu viện Bachkovo lên núi nơi họ đã từng chôn dấu ảnh Đức Mẹ. Truyền thống rước kiệu này vẫn diễn ra ngay cả trong thời bách hại gay gắt của cộng sản.

Hôm 13 tháng Tư vừa qua, hàng ngàn các tín hữu Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi đã tham gia vào cuộc hành hương hàng năm này.

Antoaneta Topchian, một nữ bác sĩ y khoa cho biết: “Trong suốt 12 năm qua, năm nào tôi cũng đến đây. Mỗi năm tất cả gia đình chúng tôi đều đến tu viện Bachkovo vào Thứ Hai Phục Sinh để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Điều này đã là truyền thống gia đình của chúng tôi.”

Nikolina Ilieva, một phụ nữ đã về hưu nói: “Tôi đã bị ung thư trong hai năm qua nhưng tôi vẫn khoẻ mạnh. Hàng năm tôi đều đến đây với hy vọng xin Đức Mẹ cho tôi có sức khỏe tốt.”

Nikola Stoev, một người đàn ông đã về hưu cho biết: “Tôi đến đây xuất phát từ niềm tin của mình. Nhưng tôi cũng xin Đức Mẹ ban sức khỏe cho tôi. Đi bộ từ đây lên đến đỉnh núi rồi đi xuống cũng là một chuyện tốt cho sức khoẻ của tôi”

Cảnh sát Ý bắt giữ 15 người nhập cư Hồi giáo hôm 16 tháng Tư sau khi một vụ việc tàn bạo trong đó hàng chục Kitô hữu đã bị ném xuống biển từ một chiếc tàu chở người tị nạn đi từ Libya sang Italia.

Các nhân chứng báo cáo một băng nhóm của người tị nạn Hồi Giáo trên tàu đã ném một số hành khách cùng đi với họ xuống biển. Có tới 40 người có thể đã chết đuối trước khi nhà chức trách Ý can thiệp để giải cứu những người sống sót.

Các nghi phạm bị buộc tội giết người “vì hận thù tôn giáo.”

12. Đức Thánh Cha có thể sang thăm Cuba vào tháng 9

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 17 tháng Tư, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết có thể Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm Cuba trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 9.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Hoa Kỳ nhân dịp Đại hội các Gia đình Công Giáo thế giới lần thứ 8, diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania từ ngày 22 đến 25 tháng 9.

Trong thời gian này, Đức Thánh Cha cũng sẽ đến nói chuyện tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ và trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Cha Lombardi cho biết đang có những bàn bạc với chính quyền Cuba. Do đó, liệu cuối cùng Đức Thánh Cha có thăm Cuba hay không vẫn chưa thể có câu trả lời dứt khoát và vẫn chưa có chương trình cụ thể.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử viếng thăm Cuba từ 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã thăm hai thành phố Santiago de Cuba và thủ đô Havana của Cuba từ 26 tới 29/3/2012. Sau chuyến viếng thăm của ngài, ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã được coi là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Cuba.

13. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại 3 nước Nam Mỹ vào tháng 7

Một thông cáo do Văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm thứ Năm 16 tháng Tư cho biết Đức Thánh Cha sẽ thực hiện một chuyến tông du đến ba nước Mỹ châu Latin vào đầu tháng Bảy theo sau những lời mời của các nguyên thủ quốc gia và các Giám mục Công Giáo tại những nước này.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ecuador từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 7, sau đó là Bolivia và Paraguay từ mùng 8 đến mùng 10 và từ mùng 10 đến 12 tháng 7.

Chi tiết đầy đủ của chương trình tông du sẽ được công bố sau.

Ecuador có 15.7 triệu dân trong đó 74% là người Công Giáo. Trong tổng số 10.7 triệu dân tại Bolivia, số người Công Giáo chiếm 76.8%. Paraguay có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất là 89.6% nhưng là nước có ít dân nhất trong ba nước. Theo thống kê vào tháng 7 năm 2014, Paraguay có 6.7 triệu dân.

14. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô

Sáng thứ Sáu 17 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các thành viên của qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô. Các vị đang ở Rôma trong chuyến hành hương hàng năm của mình.

Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1988 để quyên góp một khoản tiền hỗ trợ cho sứ mệnh của Đức Thánh Cha. Quỹ này đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ và hàng năm đã thu được hơn 220 triệu Mỹ Kim, trong đó 111 triệu Mỹ Kim được dùng để tài trợ và cấp học bổng cho các công tác giáo dục.

Trong diễn từ Đức Thánh Cha nói: “Sự đa dạng của các dự án được hỗ trợ bởi qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Giáo Hội để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của gia đình nhân loại, khi Giáo Hoàng ý thức được nhu cầu to lớn và liên tục của rất nhiều anh chị em, chúng ta”

Ngài ca ngợi quỹ đã cung cấp các “phần trăm đáng kể” của các nguồn tài nguyên cho việc giáo dục và đào tạo các linh mục trẻ, nam và nữ tu sĩ ở những nơi mà các Giáo Hội địa phương đang cần được giúp đỡ.

Đức Thánh Cha cho biết hỗ trợ này sẽ giúp đẩy nhanh ngày mà các Giáo Hội này có thể tự túc và chuyển những thành quả quảng đại này cho những người khác.

15. Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Sáng thứ Năm 16 tháng Tư, Niên giám mới của Tòa Thánh, 2015, đã được đệ trình Đức Thánh Cha.

Hiện diện trong buổi đệ trình có các chức sắc thuộc Văn phòng thống kê trung ương của Tòa Thánh, và 3 vị lãnh đạo thuộc dòng Don Bosco đặc trách nhà in Vatican, trong đó có thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, giám đốc kỹ thuật của cơ sở ấn loát này.

Thông cáo của Văn phòng thống kê của Tòa Thánh cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Hai năm 2014 đến 14 thánng Hai năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm 3 tổng giáo phận, 4 giáo phận và 2 đơn vị hành chánh khác.

Số tín hữu Công Giáo trong Giáo Hội từ năm 2005 đến 2013 tăng 12% tức là từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254 triệu, tức thêm có thêm 139 triệu tín hữu, và hiện nay chiếm 17.7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Sự tăng trưởng số tín hữu Công Giáo mạnh nhất là tại Phi châu, tăng 34%, tức là tù 153 triệu hồi năm 2005 lên 206 triệu trong năm 2013. Dân Công Giáo tại Mỹ châu tăng 10.5% và tại Á châu tăng 17.4% trong cùng thời gian vừa nói.

Tổng số nhân viên mục vụ của Giáo Hội gồm các Giám Mục, linh mục, Phó tế, tu sĩ nam nữ và thừa sai giáo dân tính đến cuối năm 2013 là 4 triệu 762 ngàn 458 người, tức là tăng thêm gần 300 ngàn người so với năm 2005. Trong số các nhân viên này có 5,173 giám mục (tăng thêm 40 vị so với năm 2012. Số linh mục là 415,348 vị.

16. Lịch cử hành phụng vụ của Ðức Thánh Cha trong tháng Tư và tháng Năm năm 2015.

Đức Ông Guido Marini, chưởng nghi Văn phòng Nghi lễ phụng vụ Phủ Giáo Hoàng đã công bố các cử hành phụng vụ do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2015 như sau:

Ngày 26 tháng Tư, Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ phong chức linh mục lúc 9g30 tại Vương cung thánh đường Vatican.

Ngày mùng 3 tháng Năm, Chúa Nhật thứ năm mùa Phục Sinh, ngài sẽ viếng thăm mục vụ giáo xứ Regina Pacis, nghĩa là Nữ vương Hoà bình ở Ostia, lúc 16 giờ.

Ngày 12 tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ khai mạc Ðại hội Toàn thể Caritas Quốc tế, lúc 17g30 bên trong Ðền thờ Thánh Phêrô.

Sáng Chúa Nhật 17 tháng Năm là Chúa Nhật thứ bảy Phục Sinh, ngài sẽ tuyên thánh cho các Chân phước: Jeanne-Emilie Villeneuve, Maria-Alphonsa Danil Ghattas, Maria Baouardy và Maria Cristina Brando lúc 10 giờ tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Sáng Chúa Nhật 24 tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

17. Tại Constantinople cũng sẽ có lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng tại Armenia

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 17 tháng Tư, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết ngay tại thành phố Constantinople của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23 tháng Tư tới đây một nghi lễ tưởng niệm 100 năm vụ diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức.

Để tránh khiêu khích nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ nơi mà chính sách đàn áp tôn giáo rất dã man, thông tấn xã Fides nói rõ là Đức Aram Ateshian là Thượng Phụ của Giáo Hội Armenia Tông Truyền sẽ cử hành Phụng Vụ Thánh để cầu nguyện cho những người đã chết trong những vụ thảm sát vào năm 1915 nhưng tránh không dùng từ “diệt chủng”.

Tại Yerevan thủ đô của Armenia, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II, sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân vụ diệt chủng này vào cùng ngày 23 tháng Tư. Chuông trong tất cả các nhà thờ của người Armenia trên thế giới sẽ được rung 100 lần – trừ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hành động này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường

Đức Thượng Phụ Tawadros II, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic, sẽ đến Yerevan để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng như một cử chỉ hiệp thông với Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

18. Chương trình tông du Sarajevo của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Theo công bố của phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngày 6 tháng Sáu năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Sarajevo thủ đô của Bosnia-Herzegovina.

Ngài sẽ rời sân bay Fiumicino của Roma lúc 7g30 và sẽ đến sân bay quốc tế Sarajevo lúc 9g. Sau nghi lễ chào mừng diễn ra lúc 9g30 tại quảng trường trước Dinh Tổng thống, Ðức Thánh Cha sẽ gặp tổng thống và các giới chức chính quyền dân sự lúc quá 10g.

Lúc 11g, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại sân vận động Kosevo. Sau thánh lễ, ngài sẽ gặp gỡ và dùng bữa trưa với các giám mục lúc 13g15 tại Toà Sứ thần Toà Thánh. Lúc 16g20 Ðức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Vào lúc 17g30, Ðức Thánh Cha sẽ tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn tại trung tâm sinh viên Quốc tế của Dòng Phanxicô.

Hoạt động sau cùng của ngài diễn ra lúc 18g30 khi Ðức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại Trung tâm giới trẻ “Gioan Phaolô II” của tổng giáo phận.

Nghi lễ từ biệt tại sân bay quốc tế Sarajevo sẽ diễn ra lúc 19g45 và Ðức Thánh Cha sẽ trở về đến sân bay quân sự Ciampino ở Roma lúc 21g20 cùng ngày.

19. Đức Giám Mục Jean-Clément Jeanbart cảnh báo lịch sử vụ thảm sát người Armenia 100 năm trước đang lặp lại tại Aleppo

“Trước sự thờ ơ của thế giới, trong những ngày này, khi chúng ta tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia, lịch sử đang lặp lại tại Aleppo”, Đức Cha Jean-Clément Jeanbart là Giám Mục Công Giáo nghi lễ Melkite tại Aleppo đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm 16 tháng Tư.

Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria đã là chiến trường đẫm máu giữa quân chính phủ Syria và các thành phần thánh chiến Hồi Giáo. Từ một tháng qua, tình hình đã trở nên nguy hiểm hơn với sự gia tăng quân số của quân khủng bố Hồi Giáo IS sau khi hiệp ước ngưng bắn bị phá hủy.

Trong đoạn video này tổng thống Bashar al-Assad đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đã xúi giục các bên tham chiến tại Alleppo phá vỡ các cam kết đã được đặc sứ của Liên Hiệp Quốc là ông Staffan de Mistura đạt được trước đó.

Một thế kỷ trước, trong thời gian Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát người Armenia, nhiều người đã chạy về Alleppo lập nghiệp ở đây, xem đây là vùng đất an toàn.

Sơ Annie cho biết về tình hình cụ thể trong thành phố: “Người dân có cảm tưởng bị bỏ rơi. Chúng tôi còn 8 cộng đoàn các nữ tu tiếp tục ở lại giúp đỡ dân chúng. Trước cuộc chiến, thành phố này có 70,000 Kitô hữu, nhưng chỉ trong một tuần qua đã có 10,000 người bỏ chạy”.

Dân chúng đã bắt đầu bỏ chạy với số lượng lớn khỏi Aleppo từ sau vụ pháo kích diễn ra tối thứ Bẩy Tuần Thánh làm 14 Kitô hữu thiệt mạng.

Cha Ziad Hilal, một linh mục dòng Tên coi sóc một cộng đoàn ở thành phố Homs đang tiếp đón người dân Aleppo lánh nạn cho biết.

Cha nói: “Hàng trăm gia đình, đặc biệt là các gia đình Kitô giáo, đã bỏ trốn chạy về các khu vực ven biển và các thung lũng của người Kitô, bao gồm Homs. Họ đã mất tất cả của cải của họ và có nhu cầu về tất cả mọi thứ: nhà ở, chăn, nệm, và quần áo. Có cả một số người bệnh nặng sống phụ thuộc vào thuốc”

VietCatholic Network

Comments are closed.

phone-icon