Con mê đọc truyện cổ tích và thích nhất là câu chuyện được bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé tên là Lọ Lem”.
Thủa còn nhỏ, con thích truyện “Cô bé Lọ Lem” vì khi đọc câu chuyện này, con thấy người nghèo khổ, người bất hạnh nhưng sống hiền lành, ngay chính sẽ được trời cao đoái nhìn, ban cho những đặc ân mà họ không bao giờ dám nghĩ đến. Bây giờ lớn khôn, con thích câu chuyện này vì con nhìn thấy bản thân con cũng xấu xí, nghèo hèn như cô bé Lọ Lem, nhưng đã được Chúa đoái thương nhìn đến, ban cho con hồng ân được sinh ra trong một gia đình Công giáo và chọn gọi con bước vào Đời sống Thánh hiến trong Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp với bao điều nhiệm lạ mà con chưa từng dám mơ. Vì thế, với cảm nhận mình là cô bé Lọ Lem được yêu thương, con xin viết lại câu chuyện đời con với nhan đề: “ƠN GỌI CỦA LỌ LEM”
1. Ơn gọi làm người
Đọc Tin Mừng nói về gia phả của Chúa Giêsu (x.Mt 1, 1-25), con nhận thấy rằng để Đức Giêsu được sinh ra Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Ngài một dòng tộc. Con nghĩ mình cũng vậy, để cho con chào đời, Thiên Chúa cũng chuẩn bị cho con có một gia tộc, chứ không phải ngẫu nhiên. Để đưa con vào dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp, điều kiện đầu tiên phải là người nữ chứ không phải là nam. Vâng, Ngài đã dựng nên con là một đứa con gái chứ không phải là một đứa con trai như ba má con mong muốn.
Con được sinh ra tại miền cát trắng Nha Trang, trong một gia đình có 8 người con. Khi đã có 3 cô con gái, ba má con khao khát có một đứa con trai nối dõi tông đường vì bị ảnh hưởng bởi quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Cho nên, khi con được thành hình trong lòng mẹ, trong suốt chín tháng mười ngày ba má con bắt đầu nuôi niềm hy vọng được sinh ra một đứa con trai. Cũng may là thời đó chưa có máy siêu âm nên con được an toàn lớn lên với niềm vui và tràn trề ước mơ của song thân. Cho đến ngày con chào đời, ba chỉ còn biết thốt lên “lại là con gái!”. Tuy không phải là con trai nhưng con lại giống ba y đúc nên được ba thương hơn các chị. Cũng từ đó, ba cũng chẳng còn quan trọng là con trai hay con gái nữa vì ba đã sớm nhận ra rằng con nào cũng là con.
Một điều may mắn là con được sống trong một gia đình đạo hạnh nề nếp, ba là người cha kỷ cương, má là một người mẹ đảm đang biết chăm lo và hy sinh cho gia đình. Con chẳng biết ba con học hỏi ở đâu mà huấn luyện chị em chúng con y như trong tu viện vậy. Ba đóng vai trò tu viện trưởng, má là tu viện phó. Cho nên khi vào nhà dòng con không phải tập thích nghi với môi trường tu viện nữa vì mọi sự đã qúa quen thuộc rồi. Ở nhà chị em chúng con muốn đi đâu phải có phép của ba, khi đi phải chào đi, khi về phải chào về, phải có mặt ở nhà trước chín giờ tối để đọc kinh chung gia đình… Con còn nhớ hồi nhỏ, thời chưa có điện, tối thứ bảy nào gia đình con cũng có chương trình họp gia đình. Ba đứng vai trò chủ tọa và cuộc họp rất nghiêm túc. Nội dung cuộc họp là rút ưu khuyết điểm trong một tuần, ba giáo huấn một bài, má có vài điều nhắc nhớ. Ba nhận xét hành vi thái độ của từng người, từ lớn đến bé, ai phạm lỗi nhiều thì bị phạt để cho nhớ. Trong gia đình đâu có khấn hứa gì nhưng con bị phạt toàn là tội không vâng lời. Có lẽ nhờ vậy mà bây giờ con đỡ bướng bỉnh hơn rất nhiều! Thêm nữa là ba con còn đi mượn sách về các thánh cho chị em chúng con đọc. Năm học lớp Sáu, con đã được đọc 2 cuốn sách gây nhiều ấn tượng trong con và con rất thích đó là cuốn Một Tâm Hồn của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và truyện Thánh Maria Goretti. Đọc xong cuốn Một Tâm Hồn, con ước ao được đi tu dòng kín để làm thánh như chị Têrêsa Hài Đồng; rồi khi đọc về tấm gương của thánh Maria Goretti, con lại ước ao mình cũng sẽ trở thành thánh trinh nữ. Ngoài việc mượn sách, ba con còn mua những cuốn sách hay về giáo dục, ba đọc trước rồi khuyến khích chị em chúng con đọc. Con cảm thấy mình hạnh phúc được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, được yêu thương và được chăm lo đầy đủ về tinh thần lẫn vật chất. Tạ ơn Chúa.
2. Ơn gọi làm Ki-tô hữu
Được làm con Chúa quả là một ân ban, nên con luôn tạ ơn Chúa đã cho con sinh ra trong một gia đình Công giáo. Từ khi chào đời cho đến khi vào dòng, con được nuôi dưỡng trong truyền thống và những sinh hoạt tôn giáo của gia đình và giáo xứ. Vì gia đình con ở gần nhà thờ nên thuận tiện cho việc tham dự thánh lễ hằng ngày và tham gia các hoạt động của giáo xứ như ca đoàn, nhạc đoàn. Chính nhờ sự thuận lợi này đã gieo mầm ơn gọi trong con và giúp con lớn lên trong bình an và nhiều điều may lành. Bởi vậy nên con thấy cuộc đời mình có ý nghĩa.
3. Ơn gọi đời thánh hiến
Con xin được trình bày ơn gọi của con theo cấu trúc văn chương của Lc 1,26-38.
Cấu trúc văn chương Lc 1,26-38: gồm 6 nhịp.
– Nhịp 1: Thiên sứ xuất hiện (c.28)
– Nhịp 2: sự xao xuyến bối rối của Đức Maria trước lời mời (c.29)
– Nhịp 3: Thiên sứ cho Đức Maria thấy sứ điệp (c.30-33)
– Nhịp 4: Đức Maria đặt ra những vấn nạn, khó khăn trước sứ điệp (c.34)
– Nhịp 5: Thánh Thần ngự xuống = dấu chỉ (c.35)
– Nhịp 6: Đức Maria mở lòng với Thánh Thần = xin vâng (c.36)
Nối kết hành trình ơn gọi của mình với biến cố Truyền Tin của Đức Maria, trong suy gẫm và cầu nguyện, con xác tín hơn về ơn gọi của mình. Như Đức Maria, thiên sứ có nhiệm vụ đến báo tin Mẹ được tuyển chọn, còn việc thực hiện sứ điệp là do Chúa Thánh Thần. Với con, để dẫn con đến với ơn gọi Đa Minh, Chúa đã cho người đến báo tin dòng Đa Minh tuyển ơn gọi, còn việc con đi như thế nào hoàn toàn là do Thánh Thần dẫn lối :
– Nhịp 1: Thiên sứ mà Chúa sai đến báo tin cho con là cha xứ. Bỗng một ngày, cha xứ đến nhà hỏi con có đi tu không, vì cha mới nhận được thư của Dòng nữ Đa Minh bên Pháp nhờ giới thiệu ơn gọi.
– Nhịp 2: Nghe xong, con phân vân vì bất ngờ và thấy nó phiêu lưu quá; cái tên Đa Minh con chưa nghe bao giờ và lại là Đa Minh ở Pháp. Con ngập ngừng do dự “điều đó xảy ra thế nào được vì con chưa bao giờ đi đâu xa nhà cả”. Nhưng rồi cái tên Đa Minh ấy lại vang vọng trong con. Con tự hỏi phải chăng đây là ý Chúa? Hôm sau, con vào gặp cha xứ thưa với cha là con muốn đi tu ở dòng đó. Cha xứ tươi cười và nói “Được, cha sẽ giới thiệu cho”. Thế là từ hôm đó, con cứ thấp thỏm chờ tin.
– Nhịp 3: Tiếng gọi mỗi lúc một sáng tỏ hơn. Con nghe được tiếng Chúa qua những dấu chỉ.
Trong khi chờ đợi thư hồi âm từ bên Pháp, con tình cờ được một người quen giới thiệu Dòng Đa Minh Tam Hiệp và cho con địa chỉ liên hệ. Con nghĩ, thay vì Đa Minh bên Pháp thì con sẽ đi tu Dòng Đa Minh tại Việt Nam cho gần nhà. Có địa chỉ trong tay, con liền viết ngay một lá thư gởi dì Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh Tam Hiệp, để nói lên ước nguyện muốn đi tu. Trước khi gởi, con thầm khấn với Chúa rằng: “Nếu đúng là ý Ngài muốn thì cho lá thư này đi đến nơi và tỏ cho con một dấu hiệu là con nhận được thư trả lời”. Con tự mang thư đi ra bưu điện gửi rồi bắt đầu hồi hộp chờ thư hồi âm. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua, thư hồi âm cũng đã đến. Ba con thấy địa chỉ người gửi lạ quá nên hỏi ai gửi vậy? Con trả lời: “Từ từ con sẽ kể cho ba má nghe”. Con nhận được thư trả lời thì cảm thấy vui sướng và hồi hộp hơn cả lúc chờ thư nữa. Chưa biết nội dung trong thư là gì nhưng con xác tín rằng đây chính là dấu chỉ Chúa muốn con đến nơi đó. Quả thật, Chúa đã nhận lời của con. Con cảm thấy Chúa lúc này rất gần gũi với mình, như diện đối diện vậy. Con hân hoan mở thư ra đọc và nhận được những lời khích lệ và lời mời “cứ đến mà xem”. Trong thư Dì có gợi ý nên đến vào đầu tháng 8 để tham dự thánh lễ khấn dòng. Đọc đi đọc lại chục lần, con gấp thư lại cẩn thận và giữ cho đến bây giờ. Con bắt đầu kể cho ba má nghe tất cả những gì mình đã âm thầm làm trong thời gian qua rồi xin phép ba má cho con đi vào dòng. Ba má đồng ý và để con tự quyết định ngày vào dòng. Thế là ngày đã đến, con từ giã ba má, các chị và các em để lên đường. Lần đầu tiên xa nhà, hơn nữa chưa hình dung được nơi mình sẽ đến và bắt đầu cuộc sống mới tại đó ra sao, nên khi xe bắt đầu lăn bánh là nước mắt con tuôn ra như thác vậy. Chiếc xe càng xa nhà, nỗi nhớ ba má và các em càng gia tăng nên nước mắt càng giàn giụa hơn. Sáng hôm sau, con đặt chân đến Tu viện và bắt đầu bước vào một môi trường mới và một cuộc sống mới.
Bước vào môi trường Thỉnh viện, con được các Dì giáo “mai mối” dẫn dắt con đến với Hoàng tử Giêsu. Con không cần phải cải trang thành 1 quý bà lộng lẫy như cô bé Lọ Lem, nhưng con đến với Ngài với con người thật nhiều giới hạn của con và Ngài đã đón lấy con, yêu thương con như là duy nhất trên đời vậy. Nơi Giêsu con cũng cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho con và con càng ngày càng muốn yêu Ngài hơn và cố gắng bắt chước các nhân đức của Ngài.
– Nhịp 4: Những vấn nạn trong bước đầu đời tu.
Nhạc viện nơi con học là môi trường của nghệ sĩ nên con gái toàn là tiểu thư, đi học là có kẻ đưa người đưa rước. Thấy bạn bè có người đưa rước đi học, con cũng sinh lòng ước ao có người làm “tài xế” cho mình. Muốn gì được nấy, có một bạn nam học cùng chuyên môn thấy con đi học bằng xe đạp nên ngỏ ý khi đi học thì ghé qua đón con đi học cùng. Chúa đã cho con kịp nhận ra đây là một cám dỗ nên con từ chối. Có hôm đi học con phải mang đàn đi vì học hòa tấu, không tự chở đi được nên con gọi xe ôm chở đi. Tới cổng trường, có người tình nguyện vác đàn lên lớp dùm, ra về thì người ta nhanh nhẹn vác xuống xe, rất là ga-lăng. Nghĩa cử đẹp ấy đã làm cho tim con rung động. Được người ta quan tâm, con cảm thấy vui sướng, thế rồi lại nhớ người ta. Bấy giờ trong con trỗi dậy nhu cầu cần đến tình thương của một người. Con bắt đầu đặt vấn đề: liệu rằng tôi có thể sống đời tu đến trọn đời không, hay là … ? Con phân vân do dự. Tối đến, con có giờ hẹn với Giêsu, một mình trong trầm lắng, đối diện trước Thánh Thể, con thấy mình hổ thẹn quá chừng. Con làm bài toán so sánh, người ta tốt với mình mới vài lần còn Giêsu tốt hơn ngàn ngàn lần. Giêsu còn hiến cả mạng sống vì mình nữa cơ mà. Con tự hứa với lòng mình từ nay chỉ chọn Giêsu mà thôi. Từ nay mình phải tập sống cách mạnh mẽ hơn, đừng để mình bị ràng buộc ai, những cảm xúc kia chỉ là hiện tượng tự nhiên của bản tính con người bình thường thôi. Điều quan trọng bây giờ là mình phải nhận thức đúng để sống đúng. Thế rồi với ơn Chúa, con đã vượt qua được vấn nạn đầu đời tu ấy để thuộc về Chúa cho đến hôm nay.
– Nhịp 5: Qua những dấu chỉ được ban qua các giai đoạn đào tạo sơ khởi, Chúa Thánh Thần làm cho con ngày càng được yêu mến đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn. Dần dần con được đưa vào mầu nhiệm của Thiên Chúa hơn, sống gắn bó với Ngài hơn. Con nhận ra rằng mình không có gì ngăn cản để bước tiếp trong lối sống này.
Xong chương trình học tại Nhạc viện, con được dành thời gian để đi sâu hơn vào mối tương quan với Thiên Chúa, tập sống đời sống huynh đệ cộng đoàn và thực tập sứ vụ đến với người nghèo. Một năm được gọi là đi thực tế, con cảm nghiệm được thế nào là đời sống cộng đoàn, làm quen với các giờ giấc kinh nguyện cùng các Dì trong cộng đoàn. Sau đó con được nhận vào Tiền tập viên, rồi Tập viện. Thời gian này con tập quen với việc cầu nguyện, tâm giao với Chúa, được các Dì dạy cho biết về ba lời khấn, lịch sử dòng và linh đạo Đa Minh.
Hết năm tập I, con được tiến một bước mới là vào năm tập II và được sai đến thực tập tại cộng đoàn. Một năm sống thực tế tại cộng đòan con cảm nghiệm được việc đi thực tập không phải là được làm việc gì nhưng là được thực tập sống đời sống cộng đoàn, được va chạm thực tế đời tu để hiểu hơn bước đường con sắp tiến vào.
Niềm hạnh phúc lớn lao đến với con khi hoàn tất năm Tập II, con được tuyên khấn lần đầu. Con cảm thấy rất hạnh phúc và cảm động khi được Ba Má cùng rước lên, con liên tưởng đến hình ảnh thánh Giuse và Mẹ Maria đem Hài Nhi Giêsu lên đền thờ tiến dâng cho Thiên Chúa. Từ ngày hôm đó, con luôn nhắc nhớ mình là một tu sĩ, và xin Chúa cho con được trung thành với những điều mình đã tuyên khấn.
Sau đó là chương trình thần học 3 năm, con ý thức đây là thời gian để con chuẩn bị hành trang cho sứ vụ, nên con đã cố gắng chú tâm chu toàn bổn phận của một sinh viên thần học. Nhờ có chút hành trang này mà con tự tin hơn khi ra đi thi hành sứ vụ. Kết thúc 3 năm tại mái trường Thần học Liên dòng Thánh Toma, con bắt đầu cho chuyến ra khơi đầu tiên. Năm thứ I, con thực tập tại một xứ truyền giáo. Khi va chạm thực tế, con mới nhận ra rằng những gì mình được học và thực tế thì khác xa lắm. Đối tượng mình tiếp cận thật khó lường trước được, có nhiều em quá bướng bỉnh đến nỗi con không thể dạy được. Con chỉ biết cầu nguyện với Chúa, và nhờ sự nâng đỡ của các Dì, các chị trong cộng đoàn giúp con hoàn tất việc thực tập tông đồ.
Năm thứ II, con được đến miền Tây nguyên, vùng đất trồng được nhiều khoai lang, bắp và bí đỏ. Nhờ ở đó một năm mà giờ đây mỗi khi ăn khoai, bắp, bí, con biết được trồng thế nào mới có được củ khoai, trái bắp và trái bí. Con hiểu được phần nào cuộc sống cơ cực của người nông dân, vất vả, thấp thỏm “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Con cũng được thực tập làm bác nông dân và được coi các em Thiếu nhi. Tuy sống ở miền quê hẻo lánh nhưng các em rất nhiệt tình, chăm chỉ, ngoan ngoãn và rất trưởng thành. Các em tự soạn bài hát, tự đánh máy làm powerpoint để chiếu cho cộng đoàn trong những buổi phụng vụ. Các em được như thế là nhờ cái nếp ngay từ đầu các Dì đi trước đã huấn luyện các em. Đây cũng là điều hay mà con cần học hỏi. Tạ ơn Chúa, cảm ơn các vị tiền bối đã khởi sự để hậu duệ được nhẹ nhàng. Ngoài ra, con cũng dành thời gian đến nhà thăm viếng, chuyện trò với các gia đình để hiểu và chia sẻ bao nỗi truân chuyên của đời sống gia đình.
Con đã cảm nghiệm được sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời con. Qua những năm thực tập con nhận ra rằng, ở mỗi nơi khác nhau con có thêm cơ hội khám phá và học hỏi những kinh nghiệm sống. Chúa đã không trao cho con cái gì quá sức, thật đúng với câu: “Ơn Ta đủ cho con” (x.2Cr 12,9). Và điều con nhớ nhất trong 3 năm thần học, câu định nghĩa về chữ “thần học” của một vị giáo sư, ngài tóm gọn một câu: “Thần học là biết quỳ gối cầu nguyện”. Vâng, giờ đây con đã hiểu. Là người tu sĩ, người tông đồ của Chúa, việc đầu tiên phải làm là biết cầu nguyện.
– Nhịp 6: Kết thúc thời gian thực tập, con được nhận bài sai về Nhà Mẹ dọn khấn trọn. Năm hồi tâm dọn khấn đã cho con có thời gian nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, nhìn lại để xác tín hơn và bước đi mạnh dạn hơn trên con đường dâng hiến, nhìn lại để thấy sự mỏng manh của mình để tín thác vào tình thương của Chúa hơn, và hướng đến tương lai với niềm hy vọng ngày một đổi mới hơn. Nhờ nhìn lại mà con thấy ân sủng Chúa chan hòa trên đời con, để con theo gương Mẹ Maria, sẵn sàng thưa tiếng Xin Vâng ngoan thảo với Chúa và với Hội dòng.
4. Tâm tình tạ ơn:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 4-5)
Vâng, con như cô bé Lọ lem với thân phận chẳng có chút gì danh giá, thế mà Chúa đã đoái nhìn đến con, yêu thương con và cho con cảm nếm tình thương của Chúa. Ngài đã yêu con bằng mối tình không cân xứng và chẳng bao giờ cân xứng. Lọ lem xưa ở trong xó bếp nên mặt mũi lem nhem vì luôn dính lọ. Còn con, mang thân phận con người, con không sao tránh khỏi sự lấm lem bụi đời là những thói hư tật xấu. Lọ lem từ một cô bé tầm thường chẳng ai biết đến bỗng dưng được trở nên xinh đẹp lộng lẫy và có cơ hội sánh vai với Hoàng Tử, cuộc biến đổi ngoạn mục này hoàn toàn là nhờ phép mầu của Bà Tiên. Còn con, từ hư vô con được hiện hữu, được thánh hóa để trở nên con Chúa, và được Chúa mời gọi theo Ngài, tất cả là nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Lọ lem vượt qua được những khó khăn trở ngại trên đường đến với Hoàng Tử là nhờ những bạn thân hỗ trợ. Cũng vậy, với con để vượt qua được những khó khăn trở ngại không thể tránh trong hành trình ơn gọi đời thánh hiến, con đã đón nhận rất nhiều sự trợ giúp của quý Dì và chị em trong cộng đoàn con đã sống.
Cách riêng, con cảm tạ Chúa về hồng ân năm Dọn khấn trọn này. Thật ý nghĩa cho con được hồi tâm dọn lòng chuẩn bị cho hiến lễ trọn đời trong bầu khí của năm Đời sống thánh hiến. Giáo hội và Hội dòng đã cho con cơ hội và điều kiện để làm mới lại tình yêu thuở ban đầu trong đời thánh hiến. Việc làm mới lại được thực hiện bởi việc nhìn về quá khứ với niềm tri ân, sống hiện tại cách say mê và nhắm đến tương lai với niềm hy vọng vì biết rằng đời con có Chúa luôn đồng hành hướng dẫn.
Cuối cùng, con cũng không quên cảm ơn đến Mẹ Hội Dòng, Ba má, quý Dì giáo, quý chị em đã và đang hỗ trợ con tiến bước trong hành trình này.
Sr. NTHD