Uy Quyền của Chúa Giê-su

0

LỜI CHÚA: Ga 18,33-37

1. Bối cảnh: Suốt năm phụng vụ vừa qua, chúng ta nghe phúc âm thánh Maccô mạc khải về con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Trong đó, Chúa Giêsu không chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia vinh quang, sẽ vào thành Giêrusalem để tuyên xưng quyền uy của mình. Ngược lại, Ngài luôn nói với các môn đệ, Ngài là người Tôi Tớ đau khổ. Nhưng khi dân chúng tìm đến Chúa Giêsu để đưa Ngài lên làm Vua thì Ngài lánh xa đi chỗ khác.

Hôm nay chúng ta được thánh sử Gioan mạc khải uy quyền thật sự của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong đoạn nói về Đức Giêsu trước tòa án Roma (18, 33-19,16). Ngài đứng trước quan tổng trấn, là nhân vật có quyền lực tối cao, nắm quyền sinh sát trong tay. Đây là một phiên tòa có thể định đoạt về mạng sống của Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã cho mọi người biết chính Ngài đảm nhận trách nhiệm về sứ mạng của Ngài và tuyên bố cho hiểu « Nước » của Ngài không thuộc thế gian này.

2. Bố cục: bản văn được tập trung vào câu hỏi của Philatô : « Ông có phải là vua dân Do Thái không ? », vì thế có thể chia thành 3 đoạn dựa theo ba lần đối đáp giữa Philatô và Chúa Giêsu :

  • cc. 33-34 : đặt vấn đề về tư cách vua
  • cc. 35-36 : đặt vấn đề về các việc làm của Đức Giêsu
  • c. 37 : đặt vấn đề về tư cách vua

3. Vài điểm chú giải

a/ Đặt vấn đề với tư cách là vua (cc. 33-34)

Philatô đi vào trong dinh và hỏi trực tiếp Đức Giêsu có phải Ngài là vua không. Đây là đối thoại đầu tiên Chúa Giêsu bị xét xử vì Ngài là Vua dân Do Thái. Philatô không biết Chúa Giêsu là Vua, ông ta nghe các thượng tế nói với ông ta như vậy. Philatô hiểu nghĩa vua theo quyền bính chính trị. Chúa Giêsu có phải là Vua của vùng đất người La mã chiếm đóng hay không? Chúa Giêsu có phải là mối đe dọa, một người sẽ có quân lính và đang nổi lên chống đế quốc La Mã hay không? Chúa Giêsu không phải là người đầu tiên làm việc đó.

Đức Giêsu hỏi lại Philatô:  “Ngài tự ý nói điều ấy hay những người khác đã nói với Ngài về tôi?“. Qua câu hỏi này, chúng ta thấy Đức Giêsu rất bình tĩnh. Ngài hỏi ngược lại Philatô để ông phải ý thức rằng điều ông nói là do sự hiểu biết riêng của ông hay nhắc lại những gì người khác đã nói, vì đây là một lời buộc tội rất nặng. Kẻ bị cáo nại đến lương tâm của quan tòa và nhắc tới bổn phận phải kiểm chứng cho chính xác và với trách nhiệm các hoàn cảnh thực tế.

b/ Đặt vấn đề về các việc làm của Đức Giêsu (cc. 35-36)

Philatô đã cố ý gài bẫy Đức Giêsu nhìn nhận vương quyền, nhằm hai mục đích, trước là ghép tội mưu phản, sau là sỉ nhục Ngài. Nhưng Đức Giêsu đã khôn ngoan đối đáp, lấy lại thế chủ động, cật vấn trở lại, khiến Philatô lúng túng, phải thanh minh, kẻo bị liên lụy, mang tiếng là a dua với dân Do Thái, cố tình phong vương cho Đức Giêsu, có thể bị mang tội phản quốc, khiến ông phải vội đính chính ngay:“Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi.” Câu hỏi của PhilatôTôi là người Do Thái hay sao? Có tác giả cho rằng Philatô nói như thế là để tỏ ý khinh bỉ người Do Thái. Nhưng có lẽ Philatô chỉ muốn cho rằng ông không biết gì về Đức Giêsu ngoài những gì giới hữu trách Do thái đã báo cáo với ông về Ngài.

Philatô đặt câu hỏi: “Ông đã làm gì?”. Bằng câu hỏi này, Philatô cho thấy rằng ông ý thức về bổn phận của ông, ông không muốn chịu trách nhiệm về các nhận định của kẻ khác, nhưng ông muốn xác định thật rõ những gì bị cáo đã làm trước khi tuyên án.

Đức Giêsu trả lời, nhưng tập trung vào câu hỏi “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”. Thánh sử Gioan cho thấy Đức Giêsu tỏ ra là người làm chủ tình hình qua cách Ngài dẫn dắt cuộc thẩm vấn của Philatô: Philatô hỏi câu thứ nhất, Đức Giêsu hỏi về tư cách của tổng trấn; ông hỏi câu thứ hai, Đức Giêsu trả lời câu thứ nhất: “Nước tôi…”. Đức Giêsu không nêu ra các sự kiện riêng lẻ, nhưng Ngài nhắm đến tính cách toàn thể của công trình của Ngài đó là “Nước Thiên Chúa”.

“Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Đức Giêsu muốn nói rằng Nước của Ngài không phải là kiểu trần gian, không có dính dáng gì với những chuyện lãnh địa hoặc quyền chúa tể, cũng như không liên hệ gì đến việc sử dụng quyền lực.

c/ Đặt vấn đề về tư cách vua (c. 37)

Philatô hỏi một lần nữa “Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu trả lời “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy Ngài không chối Ngài là vua, nhưng không theo cách của vua thế gian này. Ngài đã nói: “Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu…”

Thế gian của Philatô và những người như ông ta là thế gian bị cai trị bằng vũ lực quân sự. Nhưng, các thần dân trong vương quốc của Đức Giêsu “thuộc về sự thật”, và họ lắng nghe lời Ngài. Vị “Vua” này không cai trị một vùng lãnh thổ, nhưng là của “sự thật”. Đức Giêsu thu hút thành phần vương quốc Ngài bằng sự thật của lời Ngài nói, và tình yêu thương Ngài dành cho những người nghe và đón nhận lời Ngài.

“Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”: Đức Giêsu đã tóm tắt cho Philatô về ý nghĩa của sứ mạng của Ngài, về lý do khiến Ngài đến trong thế gian.

“Sự thật” là một đề tài rất quan trọng trong Tin Mừng Gioan. Đây không phải là một khái niệm trừu tượng, một phạm trù hay một ý tưởng, nhưng là một con người. Sự thật là con người mà Philatô đang thấy trước mặt. Sự thật là điều mà Philatô không sao hiểu nổi. Để có thể đón nhận lời chứng của Đức Giêsu và hoạt động của Ngài trong tư cách là vua, người ta phải mở lòng ra với Thiên Chúa. Philatô đã không thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của lời Đức Giêsu đáp, và ông cũng không muốn hiểu.

Suy thêm:

Tôi chấp nhận vương quyền của Đức Giêsu như chính Ngài đã quan niệm và đã sống hay không?

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP

Comments are closed.

phone-icon