Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trước Giáo Triều Rô-ma: Danh mục các đức hạnh cần thiết

0

Diễn Văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

trước Giáo Triều Rô-ma nhân dịp đón mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

thứ Hai ngày 21.12.2015: Danh mục các đức hạnh cần thiết

Anh chị em thân mến,

Với niềm vui, Cha xin bày tỏ với anh chị em lời cầu chúc nồng thắm nhất của Cha nhân dịp Đại Lễ Chúa Giáng Sinh và Năm Mới: cầu chúc anh chị em một Đại Lễ Giáng Sinh đầy phúc lành và một năm mới tràn ngập niềm vui. Cha cũng bao hàm trong lời cầu chúc này tất cả các nhân viên, các vị đại diện Giáo Hoàng, và đặc biệt là những người đã chấm dứt sứ mạng của mình trong năm vừa qua vì đã đạt tới giới hạn tuổi tác. Chúng ta cũng hãy nhớ tới những người đã được gọi về trước tôn nhan Thiên Chúa. Niềm tưởng nhớ và lời cám ơn của Cha xin được dành cho tất cả anh chị em và những người  họ hàng thân thuộc của anh chị em.

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Cha với anh chị em vào năm 2013, Cha đã muốn nhấn mạnh tới hai khía cạnh quan trọng và có tính liên kết chặt chẽ với nhau của công việc thuộc Giáo Triều: tính chuyên nghiệp và sự phục vụ, và ở đây được phản ánh như là hình ảnh mô phỏng nhân vật Thánh Giu-se. Trái lại, trong năm vừa qua, nhằm chuẩn bị cho Bí Tích Giao Hòa, chúng ta đã bàn bạc với nhau về một số cơn cám dỗ và những bệnh tật – đó là “danh mục các bệnh tật của Giáo Triều” – mà chúng có thể tấn công bất cứ Ki-tô hữu hay bất cứ cơ quan Giáo Triều, cộng đoàn, Hội Dòng, Giáo xứ hay phong trào nào của Giáo hội. Đó là những căn bệnh, là sự phòng ngừa, là sự giám sát, là sự chăm sóc và trong một số trường hợp, thật tiếc rằng, đòi hỏi người ta phải có những mổ xẻ và phẫu thuật thật đớn đau và dai dẳng.

Trong suốt năm qua, một số trong những căn bệnh ấy đã đột nhiên xuất hiện; chúng đã gây ra những cơn đau không hề nhỏ cho toàn thân thể, và đã gây tổn thương nội tại cho nhiều người.

Bổn phận của Cha là phải xác nhận rằng, những cuộc gặp gỡ như thế này đã và vẫn sẽ là cơ hội để đưa ra những suy tư chân thành cũng như đưa ra những biện pháp có tính quyết định. Công cuộc cải tổ sẽ được tiếp tục thực hiện với sự kiên quyết, với lý trí và nghị lực rõ ràng, vì Ecclesia semper reformanda (Giáo hội luôn luôn phải được cải tổ).

Tuy nhiên, những căn bệnh và thậm chí là những vụ bê bối sẽ không thể che phủ được tính hiệu quả của các sứ vụ mà Giáo Triều Rô-ma đang thực hiện một cách hết sức nỗ lực cho Đức Thánh Cha và cho toàn Giáo hội, với trách nhiệm, với sự dấn thân và hy sinh, và đó là một niềm an ủi thực sự. Thánh I-nha-xi-ô dậy rằng, “bản chất của thần dữ là, khơi lên những nỗi sợ hãi của lương tâm, tạo ra tâm trạng buồn sầu và đặt ra những rào cản, bằng cách là hắn làm cho người ta lo lắng với những lý do sai quấy để người ta không tiếp tục tiến về phía trước nữa. Trái lại, bản chất của Thần Khí tốt lành là trao ban lòng dũng cảm và sức mạnh, gửi đến những niềm ủi an và những giọt lệ, trao ban ơn ling hứng và sự điềm tĩnh, bằng cách là Thần Khí ấy làm cho tất cả mọi rào cản đều trở nên dễ dàng, và dọn dẹp những rào cản đó, để người ta tiếp tục tiến lên trên con đường thiện hảo.”[1]

Sẽ là một sự bất công lớn nếu không bày tỏ lòng biết ơn được cảm nhận một cách sâu xa, cũng như bày tỏ sự khích lệ thích đáng đối với tất cả những con người đàng hoàng và tận tâm mà họ đang làm việc trong Giáo Triều với sự dấn thân vô hạn, với sự tận tụy, trung tín và với tính chuyên nghiệp – họ đang trao tặng cho Giáo hội và cho người kế vị Thánh Phê-rô niềm an ủi về tình liên đới và sự tuân phục của họ, ấy là chưa kể tới những lời cầu nguyện chân thành của họ nữa.

Thêm vào đó, nhiều trở ngại, nhiều nỗ lực và sự sa ngã của nhiều người và của nhiều viên chức, cũng là những bài học và những cơ hội để lớn lên và không bao giờ là nguyên cớ dẫn tới sự nản chí. Chúng chính là những cơ hội để “hồi tưởng lại những điều căn bản”, có nghĩa là thẩm tra lại để biết xem chúng ta đang ở trong sự minh bạch về chính mình, về Thiên Chúa, về tha nhân, về sensus Ecclesiae (cảm thức về Giáo hội) và về sensus fidei (cảm thức Đức Tin) như thế nào.

Ngày hôm nay Cha muốn nói với anh chị em về việc “hồi tưởng lại những điều căn bản” này, trong khi chúng ta đang đứng trong điểm khởi phát của cuộc hành hương mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Giáo hội khai mạc cách nay một ít ngày, và đối với Giáo hội cũng như đối với tất cả chúng ta, Năm Thánh này chính là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy niềm biết ơn, thúc đẩy sự hoán cải, thúc đẩy sự canh tân, thúc đẩy sự thống hối và thúc đẩy sự giao hòa.

Trong thực tế, Đại Lễ Giáng Sinh chính là một Đại Lễ về Lòng Thương Xót vô bến bờ của Thiên Chúa, như Thánh Augustino thành Hippo đã nói: “Phải chăng sẽ là điều bất hạnh đối với chúng ta nếu như có một Lòng Xót Thương nào đó còn lớn hơn Lòng Xót Thương mà nó thúc giục Đấng Sáng Tạo nên Thiên Đàng khiến Ngài bỏ trời mà xuống trái đất, và nó thúc giục Đấng Sáng Tạo nên trái đất phải mặc lấy một thân xác phải chết? Chính Lòng Thương Xót đó đã ra lệnh cho Chúa Tể vũ trụ phải nhận lấy thân phận tôi tớ, đến độ Đấng chính là “lương thực” lại cảm thấy đói khổ; Đấng chính là đồ uống hoàn hảo, lại cảm thấy khát khô; Đấng chính là sức mạnh, lại trở nên yếu nhược, Đấng chính là sự chữa lành, lại bị gây thương tích; Đấng chính là sự sống, lại có thể chết. Và tất cả những điều đó sẽ thỏa mãn cơn đói khổ của chúng ta, sẽ xoa dịu cơn khát khô của chúng ta, sẽ làm cho sự yếu nhược của chúng ta trở nên mạnh mẽ, sẽ dập tắt hoàn toàn tính hèn hạ của chúng ta, và sẽ đốt lên Tình Yêu trong chúng ta.”[2]

Trong bối cảnh mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót này và trong bối cảnh chuẩn bị mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, mà Đại Lễ này đang đứng sẵn trước cửa rồi, Cha muốn giới thiệu với anh chị em một công cụ thực tiễn để sống thời gian hồng phúc này một cách đầy phong nhiêu. Đó là một “bảng danh mục không thể bị múc cạn các đức hạnh cần thiết” đối với những người đang thi hành sự phục vụ trong Giáo Triều, và đối với tất cả những ai muốn làm cho sự dâng hiến hay công việc của họ đối với Giáo hội được trở nên phong nhiêu.

Cha mời gọi các vị lãnh đạo của các cơ quan trong Giáo Triều và những vị Bề Trên, hãy làm phong phú hóa và bổ khuyết cho danh mục đó. Đó chính là một bản danh sách mà nó phát xuất trực tiếp từ việc phân tích* một bài thơ với chữ đầu là “MISERICORDIA – Lòng Thương Xót”, hầu cho Lòng Thương Xót dẫn dắt và soi sáng cho chúng ta.

1. Missionarietà e pastoralità – tinh thần truyền giáo và hoạt động mục vụ có tính nền tảng:

Tinh thần truyền giáo chính là điều làm cho Giáo Triều trở nên sáng tạo và phong nhiêu, và cũng cho phép điều ấy xuất hiện; nó chính là bằng chứng đối với tính hiệu quả, với tính hiệu năng và với tính đích thực nơi công việc của chúng ta. Đức Tin chính là một hồng ân, nhưng mức độ của Đức Tin chúng ta lại biểu lộ trong việc chúng ta có khả năng giới thiệu nó như thế nào.[3] Bất cứ người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng đều là những nhà truyền giáo của Tin Mừng, trước tiên là với đời sống, với công việc và với chứng tá vui mừng và đáng tin cậy của mình.

Hoạt động mục vụ căn bản và lành mạnh chính là một nhân đức đặc biệt cần thiết đối với bất cứ Linh mục nào. Nó chính là sự nỗ lực hằng ngày để bước theo vị Mục Tử tốt lành, Đấng chăm sóc đoàn chiên của mình cũng như trao hiến mạng sống mình để cứu mạng sống của những người khác. Ngài chính là tiêu chuẩn cho mọi hoạt động thuộc Giáo Triều và thuộc đời sống Linh mục của chúng ta. Nếu không có hai đôi cánh trên, chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay được, và cũng không thể đạt tới được lời chúc phúc dành cho “viên đầy tớ trung tín” (xc. Mt 25,14-30).

2. Idoneità e sagacità – Tư cách và sự sâu sắc:

Tư cách đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân để đạt được những điều kiện tiên quyết vừa có tính cần thiết lại vừa có tính thúc bách, hầu thi hành những bổn phận riêng và những hoạt động một cách tốt nhất có thể, với trí tuệ và linh cảm. Nó chống lại những hình thức tiến cử qua thư từ và tiền hối lộ.

Sự sâu sắc chính là sự hiện diện tinh thần nhằm thấu hiểu mọi trạng huống và bắt tay vào giải quyết với sự khôn ngoan và sáng tạo. Tư cách và sự sâu sắc cũng chính là lời đáp trả của con người trước ân sủng của Thiên Chúa, nếu như mỗi người trong chúng ta thực hiện theo châm ngôn rất nổi tiếng: “Thực hiện tất cả mọi việc như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và sau đó để lại tất cả cho Thiên Chúa như thể không có tôi”. Đó là thái độ của người môn đệ hằng ngày hướng về Thiên Chúa với những lời mà nó phát xuất từ một lời cầu nguyện được viết ra bởi Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê XI: “Xin dẫn dắt con với sự khôn ngoan của Chúa, xin đỡ nâng con với đức công chính của Ngài […], xin khích lệ con với sự tốt lành của Chúa, xin bảo vệ con với quyền năng của Ngài. Lạy Chúa, con xin trao hiến cho Chúa mọi cảm nghĩ của con, để chúng luôn hướng về Chúa; mọi lời nói của con để chúng trở thành của Chúa; mọi hành động của con để chúng tương hợp với Thánh Ý của Chúa; mọi sự đau khổ của con để chúng được hiến dâng cho Chúa.”[4]

3. Spiritualità e umanità – Linh đạo và lòng nhân:

Linh đạo chính là cột sống của bất cứ sự phục vụ nào trong Giáo hội cũng như trong đời sống người Ki-tô hữu. Nó chính là điều nuôi dưỡng tất cả mọi hoạt động của chúng ta, nó hỗ trợ và bảo vệ trước sự già nua của con người và trước những cơn cám dỗ hằng ngày.

Lòng nhân chính là điều thể hiện sự chân thực của Đức Tin chúng ta. Ai chối bỏ nhân tính của mình, người ấy sẽ chối bỏ mọi sự. Lòng nhân chính là điều phân biệt chúng ta với những chiếc máy và với những con Rô-bốt mà chúng không thể cảm nhận được bất cứ điều gì, và không để cho mình được gây xúc động từ bên trong. Nếu việc khóc một cách thành thực hay việc cười lên một cách hồn nhiên là điều khó khăn đối với chúng ta, thì có nghĩa là sự diệt vong của chúng ta đã bắt đầu, và “con người” chúng ta đã bị biến thành một cái khác. Lòng nhân chính là khả năng gặp gỡ tất cả mọi người với mối thiện cảm trìu mến, với sự thân thiết và với sự lịch thiệp tử tế (xc. Phil 4,5). Mặc dầu linh đạo và lòng nhân chính là những phẩm hạnh tự nhiên, nhưng chúng cũng có khả năng được hiện thực hóa một cách trọn vẹn, cũng như có khả năng được khao khát thường xuyên và được thể hiện hằng ngày.

4. Esemplarità e fedeltà – sự gương mẫu và lòng tín trung:

Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng đã nhắc nhớ Giáo Triều Rô-ma về “ơn gọi trở nên gương mẫu của họ”[5] – gương mẫu để ngăn ngừa những gương mù mà chúng gây tổn thương cho con người từ trong tâm hồn, và đe dọa tính đáng tin cậy của chứng tá chúng ta.

Trung tín đối với sự thánh hiến của mình, đối với ơn gọi của chúng ta: Chúng ta hãy luôn nhớ tới lời của Chúa Ki-tô: “Ai trung tín trong những việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; và ai bất lương trong những việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10); và “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã!” (Mt 18,6-7).

5. Razionalità e amabilità – sự khôn ngoan và sự lịch thiệp:

Sự khôn ngoan sẽ giúp ngăn ngừa thói đa cảm thái quá, và sự lịch thiệp sẽ giúp ngăn ngừa những phóng đại trong bộ máy hành chính cũng như trong việc soạn thảo những chương trình và những kế hoạch. Đó là những ân ban mà chúng rất cần thiết đối với sự thăng bằng của nhân cách: “Kẻ thù sẽ rất lưu ý để xem xem liệu linh hồn này vạm vỡ hay tinh tế, và nếu nó tinh tế, thì rồi kẻ thù sẽ cố gắng làm cho linh hồn ấy trở nên tinh tế một cách quá đáng, để sau đó làm cho linh hồn ấy trở nên khiếp sợ cũng như làm cho linh hồn ấy trở nên rối mù”[6]. Bất cứ sự phóng đại nào cũng đều là một chỉ dấu của một tính khí thất thường.

6. Innocuità e determinazione – sự khôn ngoan lành thánh và sự cương quyết:

Sự khôn ngoàn lành thánh làm cho chúng ta thận trọng trong việc kết án, cũng như làm cho chúng ta có khả năng kiềm chế những hành vi hấp tấp và vội vàng. Đó chính là khả năng tạo điều kiện cho điều tốt nhất mà nó nằm trong chúng ta, trong những người khác và trong những trạng huống, đạt tới được sự đột phá, nhờ vào những hành vi thận trọng và đầy hiểu biết. Nó hệ tại ở chỗ là gặp gỡ những người khác giống như thể chúng ta đang chờ đợi điều đó từ họ (xc. Mt 7,12; Lc 6,31).

Sự cương quyết chính là hành vi với ý chí có chủ đích rõ rệt, với một quan điểm rõ ràng và với sự tuân phục Thiên Chúa – và chỉ vì quy luật tối cao: salus animarum (vì phần rỗi các linh hồn) (xc. CIC Can. 1725).

7. Carità e verità – Đức Ái và Chân Lý:

Đức Ái và Chân lý là hai đức hạnh gắn kết không thể tách rời nhau của đời sống Ki-tô giáo: Thực thi Chân lý trong Đức Ái và sống Đức Ái trong Chân Lý (xc. Eph 4,15) [7]. Thực ra, Đức Ái mà không có Chân Lý thì sẽ trở thành ý thức hệ của “tất cả mọi sự tán thành” có tính phá hoại, và Chân lý mà không có Đức Ái thì sẽ trở thành “công lý theo mặt chữ” một cách mù quáng.

8. Onestà e maturità – sự ngay thẳng và sự chín chắn:

Sự ngay thẳng chính là sự chính trực, sự gắn kết và là hành vi trong sự chân thành tuyệt đối đối với chính bản thân chúng ta và đối với Thiên Chúa. Ai ngay thẳng, người ấy sẽ hành động một cách trung thực không chỉ dưới cái nhìn của người giám thị hay của bề trên. Người ngay thẳng sẽ không sợ bị bất ngờ, vì người ấy không bao giờ lạm dụng sự tín nhiệm của người tin tưởng vào họ. Người ngay thẳng không bao giờ làm ra vẻ như mình là ông chủ của những con người và của những đồ vật mà họ và chúng được ủy thác cho ông để quản lý, giống như tên “đầy tớ xấu” đã làm (xc. Mt 24,48). Sự ngay thẳng chính là nền tảng mà tất cả mọi phẩm chất khác đều được đặt trên đó.

Sự chín chắn chính là sự nỗ lực và cố gắng để đạt tới được sự hòa điệu giữa những khả năng về thể lý, tâm lý và thiêng liêng của chúng ta. Nó chính là mục tiêu và là kết quả của một quá trình phát triển mà nó không bao giờ chấm dứt cũng như không lệ thuộc vào tuổi tác của chúng ta.

9. Rispetto e umiltà – sự thận trọng và khiêm nhượng:

Sự thận trọng chính là ân ban của một tâm hồn cao thượng và tế nhị; nó là nét điển hình của những người luôn luôn cố gắng để lưu ý một cách xứng hợp đến người khác, đến vai trò riêng của họ, đến các vị bề trên, đến những người bề dưới, đến những hành vi, những văn kiện, đến bổn phận phải giữ kín và đến sự bí mật; nó cũng là nét điển hình của những con người hiểu để lắng nghe một cách lưu tâm cũng như để nói một cách lịch thiệp.

Trái lại, sự khiêm nhượng chính là phẩm hạnh của các Thánh và của những con người tràn ngập Thiên Chúa: họ càng trở nên quan trọng, thì niềm ý thức trong họ cũng càng trở nên mạnh mẽ hơn rằng, họ chẳng là gì cả, và nếu như không có ơn Chúa thì họ chẳng thể làm được bất cứ điều chi (xc. Ga 15,8).

10. “Doviziosità” e attenzione – quảng đại và chu đáo:

Chúng ta càng tín thác vào Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài, thì chúng ta sẽ càng trở nên quảng đại và rộng lượng hơn, vì chúng ta biết: người ta càng cho đi nhiều thì người ta lại càng được đón nhận nhiều hơn. Trong thực tế, việc mở ra tất cá các Cổng Thánh tại tất cả các Vương Cung Thánh Đường trên thế giới sẽ là điều vô ích nếu như cánh cửa lòng chúng ta lại bị đóng kín trước Tình Yêu, nếu như những đôi tay của chúng ta không thực hành việc cho đi, nếu như các ngôi nhà của chúng ta lại thiếu niềm hiếu khách, và nếu như các ngôi Thánh Đường của chúng ta không thực hiện việc đón nhận.

Sự chu đáo có nghĩa là lưu ý đến những chi tiết, cho đi những điều tốt nhất của chúng ta, và trong mối liên hệ đến những tật xấu và những sai sót của chúng ta, không bao giờ buông lỏng dây cương. Thánh Vinh-sơn Phao-lô đã cầu nguyện với những lời sau đây: “Lạy Chúa, xin giúp con để con nhận ra ngay lập tức những người đang đứng cạnh con, những người đang bị sợ hãi và vô phương hướng, những người khổ đau nhưng không hề biểu lộ những điều ấy ra bên ngoài, những người đang cảm thấy bị cô lập với ý muốn của mình.”

11. Impavidità e prontezza – dũng cảm và linh hoạt:

Trở nên dũng cảm có nghĩa là, không để cho mình bị sợ hãi khi tận mắt chứng kiến những điều khó khăn, giống như Daniel trong hang sư tử và Đa-vít trước mặt Goliath; nó có nghĩa là hành động một cách gan dạ và kiên quyết mà không hề do dự, “như một chiến binh thiện chiến” (xc 2.Tim 2,3-4); có nghĩa là, trở nên như Abraham và Đức Maria, thực hiện bước đi đầu tiên mà không lưỡng lự ngập ngừng.

Trái lại, sự linh hoạt chính là khả năng hành động với sự tự do nội tại và với sự uyển chuyển, mà không hề bám bứu vào những đồ vật vật chất mà chúng chỉ nhất thời và mau qua. Trong Thánh Vịnh có lời viết rằng: “Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi” (Tv 62,11). Trở nên linh hoạt có nghĩa là luôn luôn lên đường mà không bao giờ tự chất nặng lên mình với việc ky cóp những điều không cần thiết và tự nhốt mình trong những kế hoạch riêng, và không hề để cho mình bị thống trị bởi lòng khát khao tiền bạc.

12. Affidabilità e sobrietà – sự đáng tin cậy và sự điều độ:

Người có sự đáng tin cậy chính là người biết nghiêm túc với những bổn phận của mình và biết tuân thủ một cách vững vàng, khi người ấy bị quan sát, nhưng trước hết là khi người ấy ở một mình; đó là người biết phát tán cảm giác an bình vào trong môi trường chung quanh, vì người ấy không bao giờ gây thất vọng cho sự tin tưởng mà nó được gửi gắm cho người ấy.

Sự điều độ – nhân đức cuối cùng trong bản danh mục này, nhưng không phải là nhân đức cuối cùng trong ý nghĩa về tầm quan trọng của nó – chính là khả năng khước từ những sự thừa bứa và chống lại sự thống trị của tâm tính tiêu thụ. Điều độ có nghĩa là khôn ngoan, đơn sơ, quan tâm tới điều chính yếu, bình thản và tiết chế. Điều độ có nghĩa là chiêm ngưỡng thế giới với cặp mắt của Thiên Chúa – với cái nhìn của người nghèo và đứng về phía người nghèo. Điều độ chính là một phong cách sống[8], mà nó chỉ cho thấy địa vị ưu tiên của người khác với tư cách là nguyên tắc đạo đức thuộc đẳng cấp, và diễn tả cuộc sống như là thái độ ân cần và sự phục vụ đối với người khác. Con người điều độ chính là người có tính liên kết, mạch lạc và căn cơ trong tất cả mọi sự, vì người ấy biết cánh để hạn chế, để thực hiện những điều hữu ích, để tái sinh, để sửa chữa và để sống với một ý nghĩa cho đúng mức độ.

Anh chị em thân mến,

Lòng Thương Xót không phải là một cảm giác nông cạn, nhưng nó là một sự tổng hợp của Tin Mừng, là sự chọn lựa của người muốn có cách nghĩ của “con tim Chúa Giê-su”[9] và muốn chân thành bước đi theo Chúa, Đấng nói với chúng ta: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em trên trời là Đấng Xót Thương!” (Lc 3,36; xc. Mt 5,48). Cha Ermes Ronchi quả quyết rằng: “Lòng Thương Xót – sự phẫn nộ đối với nền công lý, thói gàn dở đối với trí thông minh, niềm an ủi đối với người lầm lỗi: Cái giá mà chúng ta phải trả cho cuộc sống và cho việc chúng ta được yêu thương, chỉ có thể được đền trả với Lòng Thương Xót.”

Vì thế, ước chi Lòng Thương Xót sẽ dẫn dắt những bước đi của chúng ta, sẽ gợi hứng cho những cuộc cải tổ của chúng ta, cũng như sẽ chiếu sáng cho những quyết định của chúng ta. Ước chi nó sẽ trở nên một chiếc trụ có khả năng gánh đỡ những công việc của chúng ta. Ước chi nó sẽ dậy cho chúng ta biết khi nào thì phải tiến về phía trước và khi nào thì phải thực hiện một bước lùi. Ước gì nó sẽ là điều làm cho chúng ta hiểu được sự nhỏ mọn và không đáng kể nơi những công việc của chúng ta trong nhiệm cục cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa và trong sự cao cả cũng như trong thực tại đầy nhiệm mầu nơi công việc của Ngài. Và để nhận thức được điều đó, chúng ta phải để cho mình được đụng chạm tới từ trong nội tâm bởi lời cầu nguyện tuyệt vời mà nó thường được gán cho Chân Phúc Oscar Arnulfo Romero, nhưng lại được thực hiện lần đầu tiên bởi Đức Hồng Y John Dearden:

Đôi khi nó giúp chúng ta lùi lại một bước

Để nhìn xa hơn.

Vương quốc không chỉ nằm ở bên kia những nỗ lực của chúng ta,

nhưng cũng còn nằm ở bên kia những đường chân trời của chúng ta nữa.

Trong cuộc sống của mình, chúng ta chỉ có thể hoàn thành được một phần nhỏ,

từ sự mạo hiểm tuyệt vời mà nó là công trình của Thiên Chúa.

Tất cả mọi việc mà chúng ta thực hiện, không có bất cứ điều chi hoàn hảo cả.

Điều đó có nghĩa là, vùng đất vượt quá xa chúng ta.

Không có lời phát biểu nào có thể diễn tả hết được những điều mà nó có thể được nói.

Kkông có lời cầu nguyện nào có thể biểu lộ Đức Tin một cách trọn vẹn.

Không có Kinh Tin Kính nào có thể dẫn tới sự thành toàn.

Không có cuộc viếng thăm mục vụ nào có thể mang theo mình những giải pháp cho tất cả.

Không có chương trình nào có thể thực hiện hoàn toàn sứ mạng của Giáo hội.

Không có mục tiêu nào có thể đạt tới được sự hiện thực hóa trọn vẹn của nó.

Vấn đề nằm ở chỗ là:

Chúng ta rắc gieo những hạt giống mà vào một ngày nào đó chúng sẽ mọc lên.

Chúng ta vun tưới cho những hạt mầm đã được rắc gieo sẵn,

và biết rằng, những người khác sẽ chăm sóc chúng.

Chúng ta đặt nền móng cho một cái gì đó mà nó sẽ phát triển và lớn lên.

Chúng ta mang theo những nắm men mà chúng sẽ làm gia tăng gấp bội những khả năng của chúng ta.

Chúng ta không thể làm được tất cả mọi việc,

nhưng để bắt đầu, hãy lưu tâm tới cảm giác giải thoát.

Điều đó sẽ trao cho chúng ta sức mạnh để thực hiện một điều chi đó cũng như để thực hiện tốt việc đó.

Có thể vẫn có nhiều việc vẫn còn đang dang dở, nhưng đó là một sự khởi đầu, một bước đi trên một con đường.

Có một điều may mắn rằng, ân sủng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và thực hiện những việc còn lại.

Rất có thể là chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy sự thành toàn của những công việc đó,

nhưng đó là sự khác biệt giữa người kiến trúc sư và viên phụ hồ.

chúng ta là những nhân viên phụ hồ chứ không phải là những kiến trúc sư;

chúng ta là những viên đầy tớ chứ không phải là Đấng Messias.

Chúng ta là những Ngôn Sứ của một tương lai mà nó không thuộc về chúng ta.

Giáo Triều Rô-ma, thứ Hai ngày 21 tháng 12 năm 2015

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

……………………………………………………………………….

Ghi chú:

[1] Linh Thao, 315.

[2] Serm. 207, 1: PL 38, 1043.

*Đó là một cách chơi chữ, mà tiếc rằng nó không thể được hiểu một cách đẩy đủ khi phiên dịch; nhưng chúng ta cố gắng làm cho nó được sáng tỏ, ít nhất là về khía cạnh hình thức.

[3]“Chiều kích truyền giáo không chỉ là một vấn nạn thuộc về lãnh vực địa lý, nhưng còn là một vấn nạn liên quan tới các dân tộc, các nền văn hóa, và liên quan đến từng cá nhân con người, vì những „ranh giới“ của Đức Tin không chỉ diễn ra xuyên qua những địa điểm và những truyền thống của con người, nhưng còn xuyên qua con tim của từng người. Bằng một cách thức đặc biệt, Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rằng, sứ vụ truyền giáo, tức sứ mạng mở rộng những ranh giới của Đức Tin, liên hệ đến bất cứ người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng như liên hệ đến tất cả mọi cộng đoàn Ki-tô giáo“ (Sứ Điệp nhân Ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo 2013, 2).

[4] Missale Romanum, Editio typica tertia 2002.

[5] Diễn Văn trước Giáo Triều Rô-ma (21.09.1963): AAS 55 (1963), 793-800.

[6] Thánh I-nha-xi-ô Loyola, Linh Thao, 349.

[7]“Tình Yêu trong Chân Lý mà Chúa Giê-su Ki-tô đã chứng thực với cuộc sống dương thế của Ngài, và trước hết là với cái chết và sự phục sinh của Ngài, chính là động cơ chính yếu đối với sự phát triển thực sự của bất cứ con người nào cũng như của toàn thể nhân loại […] Nó là một sức mạnh, mà sức mạnh này có nguồn cội của mình trong Thiên Chúa, Đấng là Đức Ái vĩnh cửu và là Chân Lý tuyệt đối“ (Đức Bê-nê-đíc-tô XVI., Thông Điệp Caritas in veritate [29.06.2009], 1: AAS 101 [2009], 641). „Vì thế, việc liên kết Đức Ái và Chân Lý với nhau, không chỉ trong đường hướng »veritas in caritate« (Eph 4, 15) được phác họa bởi Thánh Phao-lô, nhưng cũng còn trong sự ngược lại và trong sự bổ sung của »caritas in veritate«, là điều rất cần thiết. Chân Lý phải được tìm kiếm, phải được thấy và phải được diễn tả trong „sự đại kết“ của Đức Ái. Nhưng về phía mình, Đức Ái phải được hiểu, phải được chứng thực và phải được thực hành trong ánh sáng của Chân Lý“ (Nt, số 2).

[8]Một lối sống được khắc ghi bởi sự điều độ sẽ dẫn con người đi ngược trở về với „thái độ vô vụ lợi, quên mình và hài hòa, tức những điều phát sinh từ sự ngạc nhiên về sự hiện hữu và về vẻ đẹp, mà nó làm cho sứ điệp của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và vô hình, được nhận ra trong những sự vật hữu hình“ (Đức Gio-an Phao-lô II., Thông Điệp Bách Chu Niên [01.05.1991], 37: AAS 83 [1991], 840); xc. Versch. Autoren, Nuovi stili di vita nel tempo della globalizzazione, Fondaz. Apostolicam actuositatem, Rom 2002.

[9]“Cụm từ ´Con tim Chúa Giê-su“ cho phép nghĩ ngay tới nhân tính của Chúa Ki-tô và nhấn mạnh tới sự phong phú về cảm nghĩ của Ngài, tức sự chạnh lòng thương đối với các bệnh nhân; sự yêu mến đối với những người nghèo; Lòng Xót Thương đối với các bệnh nhân; sự trìu mến đối với các em nhỏ; sự mạnh mẽ trong việc tố cáo tính giả hình, thói kênh kiệu và bạo lực; sự hiền từ đối với những đối thủ của Ngài; sự nhiệt thành trong việc làm vinh danh Thiên Chúa Cha, và sự vui mừng về những kế hoạch đầy nhiệm mầu và quan phòng của ân sủng… Ngoài ra, cụm tự ấy còn nhắc nhớ tới sự buồn bã của Chúa Ki-tô về sự phản bội của Giu-đa, nhắc tới sự thiếu niềm ủi an trong cảnh cô đơn, nhắc tới sự sợ hãi khi phải đối diện với cái chết, nhắc tới sự trao hiến con thảo và vâng phục trong đôi tay của Thiên Chúa Cha. Và tiên vàn, nó diễn tả Tình Yêu mà nó tuôn trào ra một cách mãnh liệt từ trong nội tâm của Ngài: Tình Yêu khôn cùng đối với Thiên Chúa Cha, và Tình Yêu vô biên đối với con người“ (Đức Gio-an Phao-lô II., Bài Huấn Dụ trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung ngày 09.07.1989: Giáo Huấn XII, 2 [1989], 60).

Comments are closed.

phone-icon