Nhịp cầu nối những bờ vui

0

19

Nếu bạn đã từng yêu hay đã từng quan sát những cặp đôi đang yêu, chắc chắn sẽ chân nhận rằng khi yêu, con người như có một thần lực biến đổi khiến cho đôi mắt tinh tường hơn để nhìn ra nét đẹp của người mình yêu (cho dù khách quan chẳng ai thấy đẹp); trái tim rộng mở hơn để biết quan tâm, chăm sóc, nâng niu người yêu (và cả những người thân của chàng hay nàng nữa); tính tình cũng cởi mở và “yêu đời” hơn: dễ cười, dễ hát, dễ cảm thông, dễ tha thứ và cũng tinh tế, dễ thương, siêng năng hơn… Nói chung, khi trái tim đang yêu thì cả con người cũng trở nên lạc quan, phấn khởi đến độ không có việc gì là quá khó đối với người ấy. Bởi thế, người ta nói rằng với người đang yêu, mọi sự đều có thể!

Và có lẽ chúng ta cũng đã từng trải nghiệm cảm giác bất ngờ vì cùng là con người ấy trong hoàn cảnh ấy, công việc ấy, … nhưng khi tình yêu đã cạn hoặc trái tim đã “đóng” lại, mọi chuyện lại thay đổi 1800 khiến chúng ta phải ngỡ ngàng thốt lên: “Đâu cả rồi, nghĩa cũ với tình xưa?”, “Đâu mất rồi con người dễ thương ngày ấy?”, “Sao chị ấy/anh ấy thay đổi nhanh quá, trước đây đâu có tệ như vậy!”.

Ngược lại, cũng có những con người đang “khô cứng” như robot biết suy tư, bỗng một ngày chợt nhận ra mình đang yêu hoặc đang được yêu, lại trở nên đầy tràn sinh lực, đầy sáng tạo và đáng yêu.

Những hình ảnh ấy thường được bắt gặp trong cuộc sống chúng ta, không chỉgiới hạn trong tình yêu đôi lứa mà còn liên quan đến cả tình yêu giữa các nhân vị trong một cộng đồng lớn hay trong những cộng đoàn nhỏ hơn, trong gia đình và trong tương quan của một cá nhân đối với người khác. Tự những hình ảnh đời thường ấy là một lời khẳng định giá trị và sức mạnh của tình yêu trong cuộc sống con người: khi có tình yêu, mọi sự đều có thể! Lý do khiến tình yêu có sức biến đổi lạ lùng và tạo nên biết bao điều kì diệu cho cuộc đời là bởi vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 1, 8).Ai có tình yêu là có Thiên Chúa, ai ở trong yêu thương là ở trong Thiên Chúa, ai hành động vì đức ái là hành động vì Thiên Chúa. Tình yêu đẹp thật và kỳ diệu thật, nhưng để sống yêu thương thật sự hoàn toàn không dễ, và càng bất khả thi hơn khi Chúa muốn chúng ta phải yêu như Thiên Chúa (1 Ga 4,11)và yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta (Ga 15,12). Tự sức chúng ta, có thể khẳng định rằng chúng ta không thể làm được. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã thấu tỏ điều ấy nên Người “đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Nhờ vậy, chúng ta có thể yêu thương và cộng tác với Chúa trong việc chuyển trao yêu thương.

Thiên Chúa tạo nên trong chúng ta khả năng yêu thương, Người ban cho chúng ta mẫu gương Giêsu yêu thương đến hy hiến bản thân mình để chúng ta noi theo, Người cũng tinh tế nhờ Chúa Thánh Thần đổ tình yêu vào lòng chúng ta. Tất cả những điều ấy, Thiên Chúa trao tặng cho từng người chúng ta như những “bờ vui”. Những “bờ vui” riêng lẻ! Còn chúng ta có hạnh phúc với quà tặng ấy của Thiên Chúa hay không; những “bờ vui” ấy có được nối kết với những “bờ vui” khác không hay mãi mãi đơn độc, điều ấy hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn tự do của chúng ta. Nhưng nếu muốn nối kết những “bờ vui” khác thì bản thân chúng ta phải có nỗ lực và quyết tâm xây dựng những “nhịp cầu nối những bờ vui”. Vậy làm thế nào để bắc được những nhịp cầu ấy ?

Quan sát những người thợ thi công những nhịp cầu bắc qua các con kênh ở miền Tây hay xem các công nhân xây cầu vượt, chúng ta thấy để có được một cây cầu nối đôi bờ vững vàng chắc chắn, họ có những điều phải tránh và những việc nhất định phải làm. Cũng thế, việc “bắc cầu nối những bờ vui” của chúng ta cũng phải dựa trên một số quy tắc nhất định. Trong số rất nhiều những quy tắc ấy, với giới hạn của một bài viết ngắn, chỉ xin giới thiệuđến bạn một số “mẹo” nhỏđã được các nhà chuyên môn kiểm định giúp chúng ta đạt được hiệu quả cao mà không tốn nhiều công sức:

1. Luyện tập tâm tình yêu thương:

Tâm tình yêu thương là cảm xúc đầu tiên xuất phát từ trái tim để khởi đầu cho các suy tư và hành động sau đó. Dấu hiệu giúp ta nhận biết mình có tâm tình yêu thương là biết chấp nhận và kính trọng tha nhân, sẵn sàng đón nhận và hy sinh cho người khác. Nếu nhận thấy mình còn ích kỷ, kiêu căng, đố kỵ và loại trừ người khác, bạn nên thay đổi một chút nếu không muốn làm “bờ vui lẻ bạn”.

2. Có tư tưởng trong sáng: 

Tâm tình và tư tưởng chi phối lẫn nhau. Vì vậy, một khi đã có tâm tình yêu thương thì không khó để có những tư tưởng trong sáng, và ngược lại. Có tư tưởng trong sáng là không xét đoán khắt khe, tiêu cực và bất công đối với người khác dựa trên suy nghĩ mình có về họ. Thay vào đó, nhờ sự phán đoán khách quan, tích cực và đầy tình xót thương, chúng ta giúp cho những người sống cùng với chúng ta cảm thấy tự tin để sống thực với chính mình, đồng thời cũng vui vẻ và hạnh phúc hơn.

3. Sử dụng ái ngữ:

Cha ông ta có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy”, một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp. Vì vậy mà lời nói có sức xây dựng rất lớn, nhưng đồng thời cũng có sức tàn phá không gì cứu vãn được. Vì thế, để gầy dựng và duy trì tình yêu thương, niềm vui và hạnh phúc, chúng ta phải lưu tâm đến việc sử dụng ái ngữ. Chúng ta không nên để lời nói của chúng ta xúc phạm hay làm phiền lòng người khác, cho dù là vô tình hay hữu ý. Những lời nói thiếu bác ái và công bằng có thể khiến người khác mất bình an nội tâm; những lời tiêu cực và không đúng sự thật gây phiền muộn lâu dài cho người khác; những lời nói nửa đùa nửa thật để nhạo báng người khác gây cho họ những tổn thương sâu xa; những lời nói xấu hay xuyên tạc sau lưng gây mất niềm tin và danh dự …. Lời Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe ; đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn hay la lối thóa mạ” (Ep4,29;31) chắc hẳn phải là quy tắc đầu tiên chúng ta cần giữ để bắc một nhịp cầu yêu thương.

4. Hành vi cao thượng:

Đây là “mẹo” cuối cùng và là tổng hợp của các “mẹo” trên đây. Hành vi thể hiện tâm tình, tư tưởng và thái độ của bạn đối với những người bạn sống cùng cũng như đối với môi trường bạn đang sống. Thánh Phaolô cũng có kinh nghiệm này và chia sẻ với chúng ta một kinh nghiệm ngắn gọn: “anh em hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31b). Phải, loại trừ mọi hành vi gian ác là cách duy nhất giúp cho bạn có được tâm an, trí thiện. Khi lòng bạn an tĩnh, không phải lo nghĩ đến những tính toán hơn thua hại người hại mình, tự khắc nơi bạn sẽ nảy sinh ra các hành vi cao thượng: hòa giải, tha thứ và phục vụ. Đó là nghĩa cử của tình yêu, của bác ái.Trong khi thực hiện các hành vi cao thượng này, thiết nghĩ bạn không thể bỏ qua khuôn vàng thước ngọc mà Chúa Giêsu đã tùng căn dặn chúng ta: “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (M 7,12a). Chắc chắn bạn không muốn đón nhận sự ghét bỏ, thù hận, ti tiện, phải không? Vậy thì hãy bắt đầu những hành vi cao thượng từ những việc nhỏ bé hằng ngày, rồi bạn sẽ thấy, những nhịp cầu yêu thương, tốt đẹp sẽ tự nhiên nối đến bạn.

Bạn mến,

Sống đơn độc trong cái “bờ vui” lẻ loi của chính mình chắc chắn sẽ buồn lắm. Bạn thử thực hiện các mẹo trên xem. Nó đơn giản đến độ bạn không cần phải cố gắng gì cả mà chỉ cần bạn có ước muốn thôi. Tự chính ước muốn sẽ thúc đẩy bạn thực hiện được những điều tốt lành mà chính bạn cũng không ngờ.

Tình yêu hay thù hận đều có sức lan tỏa rất lớn. Từ chọn lựa sống yêu tthương hay thù hận của chúng ta mà môi trường xung quanh sẽ được hay bị ảnh hưởng. Giữa những bấp bênh của đời sống hôm nay, sự sống của chúng ta trở nên mong manh vô cùng, thoắt còn thoắt mất. Vậy thì hà cớ chi chúng ta không chọn sống yêu thương, vì yêu thương và cho yêu thương,và loại trừ tận gốc những thù hận, để không phải hối hận khi đột nhiên một ngày bạn không còn cơ hội để yêu nữa? Hãy khởi đi từ chính mình một nhịp cầu yêu thương, rồi hữu xạ tự nhiên hương, những nhịp cầu khác sẽ tự tìm đếnvới bạn.

Ước mong sau một đời sống gieo và gặt yêu thương, hòa giải, tha thứ và phục vụ, bạn cũng sẽ được tiến bước vào ngôi nhà của Sự Sống – nơi Cha, suối nguồn tình yêu đang đón chờ bạn đến để tuyên bố “con là con của Cha”.

Sr. Tiểu An

Comments are closed.

phone-icon