Cánh cửa khó quên – Suy niệm CN XXI TN, năm C

0

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN, NĂM C

CÁNH CỬA KHÓ QUÊN

s1

LỜI CHÚA: Lc 13, 22-30

Tôi không sao quên được câu truyện xảy ra với chính bản thân tôi cách đây gần sáu chục năm. Số là bố tôi có cách giáo dục đặc biệt nhiều lần làm tôi choáng váng, cái choáng đó đã để lại nơi tôi những bài học nhớ đời. Tôi là một đứa trẻ nhút nhát: sợ ma, sợ sâu, sợ rắn rết, sợ sét, sợ súng đạn…nhưng sợ nhất vẫn là ma. Bố tôi biết những đểm yếu đó của tôi nên Ngài hay thử thách tôi theo cách của ngài. Ngay từ bé, Ngài đã tập cho tôi đi vào con đường hẹp của Tin Mừng. Còn tôi rất sợ kiểu thử thách này nhưng nó vẫn thường xẩy ra.

Xứ đạo tôi toạ lạc trên một ngọn đồi thơ mộng của xứ Anh Đào. Đứng trên ngọn đồi là du khách có thể nhìn được toàn cảnh của thành phố hoa lệ. Vào một buổi chiều không mong ước kia, tôi đi lễ như thường lệ và thường phải về nhà rất tối. Điện thời đó còn rất khan hiếm, mỗi nhà chỉ có được một ngọn đèn leo lắt đủ cho mọi người tránh được những chướng ngại vật trong nhà. Mỗi lần đi lễ về là tôi phải băng mình trong đêm tối bằng cách vừa chạy vừa hét để đuổi ma. Về được tới nhà là mồ hôi tôi nhễ nhãi mặc dù trời lạnh thấu xương.

Thật xui cho tôi cái đêm kinh hoàng ấy! Tôi về nhà trong tâm trạng sợ hãi vì trời sắp đổ mưa, tiếng thông reo lẫn trong tiếng gió rít với những bóng đen lởn vởn trong các nhà đổ bỏ hoang như đang vồ bắt cái thân mảnh khảnh đói ăn của tôi. Tôi mong từng giây phút về được tới nhà, nhưng càng mong thì đường càng dài. Khi chạy về tới sân người tôi lạnh cứng, chân tôi run cầm cập, chẳng ai ra mở cửa đón tôi như thường lệ. Căn nhà im lìm chìm trong bóng tối. Tôi gọi to và đập cửa liên hồi vì không thể chịu đựng thêm được nữa. Vẫn không có tiếng trả lời, tôi bật khóc thất vọng. Sau hai phút giận hờn, mẹ tôi bước ra mở cửa. Tôi nặng nề bước vào, lòng ấm ức: cả nhà quên mình rồi.

Lòng tôi đang sôi động thì ba tôi lên tiếng: Hôm nay mẹ con mua hột vịt lộn ngon lắm! Mẹ để cho con năm cái nhưng thằng em của con nó ăn hết phần con rồi. Ba tôi mắng em tôi: Sao con lại ăn phần của chị?

Mẹ tôi nhìn bố tôi nói: Tội nghiệp con bé!

Nghe thế tôi nghẹn ứ cổ vì tôi vốn thích hột vịt lộn và thời đó nhà tôi đâu dễ gì có hột vịt lộn ăn thường xuyên. Tôi quay phắt lên nhà trên với những bước chân bình bịch giáng xuống đất. Tôi lên giường tưởng tượng ra những hột vịt lộn ngon thơm phức mà nuối tiếc với những giòng nước mắt hậm hực. Tôi nghe ngóng xem ai đó có than tiếc cho tôi không. Vẫn bầu khí im lặng như khi tôi về. Tôi tự than: bà tôi, bố mẹ tôi vô tình nhỉ, quên tôi sao! Cái thằng em tham ăn kia sao không nghĩ đến chị. Nó ăn khoẻ thế! Nó ăn hết phần mình cơ à!

Tôi chờ đợi nhưng không thấy ai đến an ủi tôi, tôi khóc to rồi lấy hai chân đập phình phịch trên giường mỗi lúc một to hơn và dồn dập hơn. Nghe thế, bố tôi lên và nói: Làm gì có hột vịt lộn, bố thử xem con có tham ăn không, tham ăn như thế thì tu với tác làm sao được! Tôi được một trận đòn nhớ đời. Trận đòn không đau vì roi nhưng đau vì xấu hổ.

Hôm nay đọc Tim Mừng Chúa bảo phải vào cửa hẹp, tôi lại nhớ đến câu truyện ngày xưa ấy, nếu tôi khiêm tốn, chấp nhận sự thử thách của bố tôi thì tôi đã không bị ăn đòn và mang tai tiếng với gia đình là bà thánh ăn tham.  Tôi nổi tiếng trong gia đình đến nỗi bố tôi đặt kinh cầu: Lạy ơn bà thánh ăn tham, khi còn ở thế gian này bà rất tham ăn, ngày nay trên trời xin bà cũng cầu cho chúng tôi được tham ăn như bà. Mỗi lần nghe kinh cầu này tôi rất hổ thẹn.Nhưng cái hổ thẹn trần gian còn có ngần có hạn chứ cái hổ thẹn đời sau khi Chúa nói với tôi: “ Ta không biết các ngươi” còn thất vọng đến chừng nào!

Trong lúc tuyệt vọng đó, có thể tôi còn một chút để bám víu khi thưa với Chúa: “Con đã ăn uống trước sự hiện diện của Ngài và Ngài đã từng dạy chúng con trên các đường phố”. Nhưng khi cửa đã đóng, thời gian cứu độ đã chấm dứt thì tôi có kêu gào than van cũng vô ích. Cánh cửa đó không tự động đóng mở nhưng nó là kết quả của sự chiến đấu. Cuộc hành trình trần gian này của tôi giống như người leo núi nhưng đỉnh núi đó không phải là thế gian này. Tôi có thể chết khi đang leo, dang dở ở giữa núi. Phần thưởng chỉ dành cho người leo mãi không bao giờ ngừng.Tôi sẽ bị tụt dốc khi ngừng lại bằng lòng với độ cao của mình và ảo tưởng về phần rỗi của mình: “ Lạy Thày, có phải ít người được vào Nước Trời chăng?”Thiên Đàng chỉ dành cho tôi và một ít người; người tội lỗi , dân ngoại bị loại trừ chăng? Nếu ngây ngô nghĩ như thế thì không khéo chính tôi lại bị nguyền rủa: “ Hãy xéo đi xa Ta, hết thảy phường gian ác”. Và lúc đó tôi đau khổ khi tận mắt nhìn thấy hạnh phúc của những người tôi kết án. Những người bị coi là tội lỗi thấp hèn ở thế gian này có thể lại cao cả trên Nước Trời.

Một bà sang trọng kia được mọi người kính trọng vì nhiều tiền nhiều của và có vị thế trong xã hội. Khi chết, bà đến cửa Thiên đàng, Thiên Chúa sai Thiên Thần đến dẫn bà đến nhà bà. Họ qua nhiều dãy phố đẹp hoành tráng rồi băng qua nhiều khu ngoại ô đến một cánh đồng hoang thì xuất hiện một túp lều siêu vẹo. Thiên Thần chỉ : đây là căn nhà của bà. Người đàn bà hốt hoảng kêu: Nhà tôi à! Tôi không thể sống ở đây.

Thiên Thần bảo: Xin lỗi bà! Nhưng đó là căn nhà của bà. Chúng tôi không thể làm cho bà căn nhà khác được vì đấy là tất cả vật liệu bà đã gửi lên cho chúng tôi.

Câu truyện minh họa này nói với tôi: tiêu chuẩn của Nước Trời không phải là tiêu chuẩn của trần gian này. Cái nhất của trần gian sẽ là cái rốt trong Nước Trời. Những người bị tôi loại trừ lại là những người chiếm được chỗ nhất trong nước Thiên Chúa. Những người tuy không biết Thiên Chúa nhưng họ lại giữ luật Chúa hơn tôi: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ tù rạc, thăm nom giúp  đỡ người đau yếu…thì Nước Trời chính là của họ vậy.

Vậy cửa hẹp là cửa Trời khó để vào. Ai cũng có thể được vào nhưng chưa chắc ai cũng vào được.

 Cửa Trời hẹp muốn vào phải rũ cái tôi, bỏ những cái cồng kềnh làm cho mình không lọt cửa.

Nên tôi phải trở nên bé nhỏ, luôn làm theo ý Chúa, dựa vào ơn Chúa, nương vào sức mạnh của Chúa  và sống yêu thương mới vào được Nước Trời.

Hôm nay Chúa chỉ cho tôi thấy: kẻ không theo tiêu chuẩn của ông chủ để ông chủ nhận ra mình sẽ bị từ chối. Tôi phải sống thế nào để ông chủ nhận ra tôi là môn đệ của Ngài.

Nữ tu Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon