Mong chờ niềm an ủi của Thiên Chúa – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 25.09.2017

0

Mong chờ niềm an ủi của Thiên Chúa
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 25.09.2017

87

Các Ki-tô hữu nên mong chờ niềm an ủi của Thiên Chúa, tin tưởng vào niềm an ủi đó, và luôn nhớ đến nó. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài giảng của Ngài được khởi đi từ Bài Đọc I trích từ sách Ét-ra. Bài Đọc này kể lại việc dân Israel được phép rời bỏ nơi lưu đầy để trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 539 trước Chúa Ki-tô nhờ vào sắc lệnh của vua Ki-rô nước Ba-tư.

Hồi ấy, Thiên Chúa “đã viếng thăm dân Ngài và mang dân trở về lại Giê-ru-sa-lem” – Đức Thánh Cha giải thích. Cụm từ “viếng thăm” này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, vì trong một mối liên hệ nào đó, “sự thăm viếng chính là một cuộc giải phóng, cũng như là một hành vi cứu độ của Thiên Chúa.”

Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài luôn mang đến cho chúng ta niềm vui, Ngài đặt chúng ta vào trong tình trạng được an ủi. Vâng, như được trình bày trong Thánh Vịnh, ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan, giờ đây Thiên Chúa sẽ an ủi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an ủi thiêng liêng. Và niềm an ủi ấy không phải chỉ là một cái gì đó đã xảy ra lúc bấy giờ – nó là một cấp độ trong đời sống thiêng liêng của từng người Ki-tô hữu, toàn bộ Kinh Thánh dậy cho chúng ta biết điều đó.”

Vì thế, bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng có thể tin tưởng vào “cuộc viếng thăm” của Thiên Chúa: sẽ có cả “những khoảnh khắc yếu đuối lẫn những khoảnh khắc hùng mạnh”, nhưng “Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài” – Đức Thánh Cha chia sẻ. Mong chờ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa cũng có nghĩa là mong chờ với “nhân đức khiêm nhượng nhất của mọi Đức Hạnh”, tức Đức Cậy, hoàn toàn hy vọng. Niềm hy vọng “luôn luôn nhỏ bé, nhưng đôi khi nó rất mạnh mẽ, mặc dù nó kín đáo như vật nung đỏ trong đống than hồng”. Nếu một Ki-tô hữu không sống ”trong sự chờ đợi hồi hộp” vào niềm an ủi của Thiên Chúa, thì có nghĩa là người ấy “đang bị nhốt lại”, đang “bị đặt trong kho”.

Niềm an ủi của Thiên Chúa đụng chạm tới bạn từ bên trong, nó đụng chạm tới bạn, và ban cho bạn nhiều hơn nữa Đức Mến, Đức Tin và Đức Cậy. Nó đưa bạn tới chỗ khóc vì tội lỗi của mình. Và ngay cả khi chúng ta nhìn ngắm Chúa Giê-su và nhìn ngắm cuộc khổ hình của Ngài: chúng ta cũng sẽ khóc với Chúa Giê-su… Niềm an ủi của Ngài sẽ nâng tâm hồn bạn lên với những điều thuộc thượng giới, lên với những điều thuộc về Thiên Chúa. Nó cũng sẽ trấn an tâm hồn bạn với sự bình an của Thiên Chúa. Đó là niềm an ủi đích thực. Nó không phải là chương trình văn nghệ gải trí – tất nhiên, không có gì phải chống lại chương trình văn nghệ giải trí cả, vì không phải lúc nào nó cũng xấu, và hơn nữa, chúng ta lại là những con người, nên đôi khi cũng cần phải giải trí – nhưng niềm an ủi sẽ đón nhận bạn, và rồi người ta sẽ có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta có thể nhận ra rằng: Đó là Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy tạ ơn vì niềm an ủi của Thiên Chúa, vì sự viếng thăm của Ngài.

Niềm an ủi quả thực là rất mạnh mẽ, nhưng người ta không thể giữ cho nó cứ mạnh mẽ như thế mãi được – nó chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc. Tuy nhiên, nó để lại những dấu ấn. Giữ lại những dấu ấn đó có nghĩa là duy trì chúng trong ký ức, có nghĩa là luôn nhớ tới chúng. Dân Israel luôn luôn nhớ tới việc họ được giải thoát khỏi cảnh lưu đầy: chúng ta đã trở về lại Giê-ru-sa-lem, vì Thiên Chúa đã giải phóng chúng ta. Chờ đợi niềm an ủi, nhận ra niềm an ủi, và bảo tồn niềm an ủi trong ký ức, tức luôn nhớ tới nó. Và nếu khoảnh khắc mạnh mẽ này qua đi thì điều gì sẽ còn lại? Thưa, sự bình an. Và sự bình an chính là cấp độ cuối cùng của niềm an ủi.

Theo de.rv 25.09.2017 sk

Lm. Đa-minh Thiệu

Comments are closed.

phone-icon