Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Bế Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XV, 28.10.2018
Anh chị em thân mến,
Biến cố mà chúng ta vừa nghe, chính là biến cố cuối cùng trong số những biến cố mà Thánh Mác-cô thuật về những hoạt động của Chúa Giê-su khi Ngài lên đường. Ngay sau đó Ngài sẽ đi về Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ chịu chết và phục sinh. Vì thế, Bác-ti-mê chính là người cuối cùng đi theo Chúa Giê-su trên con đường của Ngài: từ người hành khất bên vệ đường thành Giê-ri-cô, anh trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, và cùng với những người khác đi về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta cũng đã cùng đi trên một con đường, chúng ta đã tổ chức xong Thượng Hội Đồng Giám Mục, và giờ đây Tin Mừng nhấn mạnh tới ba bước đi có tính căn bản đối với con đường Đức Tin.
Trước tiên, chúng ta hãy ngắm nhìn anh Bác-ti-mê: Tên của anh có nghĩa là “con ông Ti-mê”. Và bản văn nhấn mạnh tới yếu tố đó: “Bác-ti-mê, con ông Ti-mê” (Mc 10,46). Nhưng với sự đề cao trong Tin Mừng, một nghịch lý đã trở nên rõ ràng: Người cha đã vắng mặt. Bác-ti-mê nằm một mình bên vệ đường, không nhà cửa, cũng không cha mẹ: Anh không được ai yêu thương, nhưng đã bị bỏ rơi. Anh còn bị mù lòa và chẳng có ai lắng nghe anh; khi anh muốn nói, thì người ta lại muốn bắt anh phải thinh lặng. Nhưng Chúa Giê-su đã lắng nghe tiếng kêu than của anh. Và khi Ngài gặp anh, Ngài đã để cho anh được nói. Không khó để đoán ra việc Bác-ti-mê muốn xin cái gì: Rõ ràng là một người mù sẽ ước muốn có được thị giác và muốn được nhìn thấy. Nhưng Chúa Giê-su đã không vội vã, Ngài dành thời gian để lắng nghe. Đó là bước đi đầu tiên trên con đường Đức Tin: lắng nghe. Đó là hoạt động mục vụ lắng nghe: lắng nghe trước khi nói.
Nhưng nhiều người trong số những kẻ đang tháp tùng Chúa Giê-su thì lại nhắc nhở Bác-ti-mê rằng, anh phải thinh lặng (xc. Mc 10,48). Đối với những người môn đệ đó, người nghèo túng chính là một sự gây nhiễu trên đường, là một cái gì đó không được dự kiến trong chương trình đã được ấn định trước. Họ đặt nước đi của họ đàng trước nước đi của Thầy; họ coi những lời của mình hơn lời của người khác; họ đi theo Chúa Giê-su, nhưng lại có những kế hoạch riêng trong đầu. Đó là một mối nguy mà người ta luôn luôn phải lưu tâm tới. Trái lại, đối với Chúa Giê-su, tiếng kêu cầu của những người van xin sự giúp đỡ không phải là sự gây nhiễu có khả năng cản đường, nhưng là một vấn đề cuộc sống. Lắng nghe cuộc sống là điều quan trọng đối với chúng ta biết chừng nào! Con cái của Cha Trên Trời sẽ luôn lắng nghe những người anh chị em của mình: không tán gẫu vô ích, nhưng lắng nghe những nhu cầu của tha nhân chúng ta. Lắng nghe với Đức Ái, với sự kiên nhẫn như Thiên Chúa vẫn thể hiện đối với chúng ta, với lời cầu nguyện thường xuyên được lập đi lập lại của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi, Ngài luôn vui mừng khi chúng ta kiếm tìm Ngài. Chúng ta cũng hãy cầu xin cho được ơn có một con tim biết sẵn sàng lắng nghe. Nhân danh những người lớn chúng tôi, Cha muốn nói với các bạn trẻ rằng: Xin hãy thứ lỗi cho chúng tôi, nếu chúng tôi không thường xuyên lắng nghe các con; nếu chúng tôi, thay vì mở con tim của các con ra, thì lại nói quá nhiều vào tai các con. Với tư cách là Giáo hội của Chúa Giê-su, chúng tôi muốn lắng nghe các con với tất cả tình mến, trong niềm tin tưởng đơn giản rằng, cuộc sống của các con vô cùng quý báu đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn trẻ trung và cũng rất yêu thương những người trẻ; và trong niềm tin tưởng rằng, cuộc sống của các con cũng rất quý báu đối với chúng tôi, đúng là rất cần để tiến về phía trước.
Sau khi lắng nghe thì đến bước thứ hai, đó là đồng hành trên con đường Đức Tin: biến mình thành tha nhân. Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giê-su, Ngài đã không cử bất cứ ai trong số đám người đang đi theo Ngài đến gặp Bác-ti-mê, không, Ngài trực tiếp gặp gỡ anh cách cá nhân. Ngài nói với anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Anh muốn gì: Chúa Giê-su đã đặt mình vào trong hoàn cảnh của Bác-ti-mê, Ngài không làm ngơ giả điếc trước những mong chờ của anh; tôi sẽ làm: hành động chứ không chỉ nói; cho anh: không phải theo những tưởng tượng mà chúng chỉ thích hợp với một người nào đó, nhưng là cho anh, trong hoàn cảnh của anh. Thiên Chúa làm như thế, và liên hệ một cách cá nhân đến mối tương quan đầy tình mến đối với từng cá nhân. Việc hành động theo cách của Ngài sẽ làm sáng tỏ sứ điệp của Ngài: Đức Tin nẩy mầm như thế trong cuộc sống.
Đức Tin đi xuyên qua cuộc sống. Nếu như Đức Tin chỉ tập trung vào những công thức có tính giáo điều, thì nó sẽ có nguy cơ chỉ tác động tới cái đầu mà không hề đụng chạm tới con tim. Và nếu nó chỉ tập trung vào công việc thì sẽ có nguy cơ trở thành duy luân và tự giới hạn trên bình diện xã hội. Trái lại, Đức Tin là cuộc sống: nó hệ tại ở chỗ sống Tình Yêu của Thiên Chúa, tức Tình Yêu đã biến đổi cuộc sống chúng ta. Chúng ta không được phép trở nên duy học thuyết, cũng không được phép duy hành động; chúng ta được kêu gọi tiếp tục thực hiện những công trình của Thiên Chúa theo cách thức của Ngài, và cụ thể là trong sự gần gũi: hoàn toàn gần gũi với Ngài, trong sự hiệp thông với nhau, gần gũi những người anh chị em của mình. Gần gũi: đó là mầu nhiệm để tiếp tục trao đi điều cốt lõi của Đức Tin, chứ không phải một khía cạnh thứ yếu nào đó.
Biến mình thành tha nhân có nghĩa là, mang sự mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống của những người anh chị em, và phương dược khắc trị cơn cám dỗ của toa thuốc viết sẵn cũng nằm ở đó. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, liệu có phải chúng ta đang là những Ki-tô hữu có khả năng trở thành tha nhân, có khả năng rời bỏ cái nhóm riêng của mình, để ôm ghì lấy những người “không thuộc về nhóm chúng ta”, cũng như những người mà Thiên Chúa đang kiếm tìm cách sục sôi hay không? Luôn luôn có cơn cám dỗ mà nó thường được Kinh Thánh nói tới: rửa tay để chứng tỏ mình vô tội. Đám đông mà bài Tin Mừng hôm nay nói tới, đã làm như thế. Ca-in đã làm điều đó với A-ben, và Phi-la-tô thì làm điều đó với Chúa Giê-su: rửa tay để chứng tỏ mình vô can. Trái lại, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su, và như Ngài, hãy làm cho đôi tay của mình bị vấy bẩn. Ngài vốn là đường (xc. Ga 14,6), nhưng đã dừng lại trên đường vì Bác-ti-mê; Ngài vốn là ánh sáng cho thế giới (xc. Ga 9,5), nhưng đã cúi mình xuống trước một người mù. Chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giê-su đã khiến cho đôi tay của Ngài bị vấy bẩn vì mỗi người chúng ta, và khi chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá cũng như khi rời khỏi việc ngắm nhìn đó, chúng ta hãy nhớ rằng, Thiên Chúa đã biến mình thành tha nhân của tôi trong tội lỗi và cái chết. Ngài đã biến mình thành tha nhân của tôi: tất cả đều bắt đầu từ đó. Và nếu vì Tình Yêu đối với Ngài, chúng ta cũng trở thành những người tha nhân, thì chúng ta sẽ trở thành những người mang đến sự sống mới: không phải là những bậc thầy của mọi người, cũng chẳng phải là những chuyên viên về đời sống thiêng liêng, nhưng là những chứng nhân của Tình Yêu cứu độ.
Làm chứng chính là bước thứ ba. Chúng ta hãy chiêm ngắm những người môn đệ đã gọi Bác-ti-mê: Họ không đến với người hành khất để trao cho anh vài đồng xu, hay để khuyên răn anh vài nhời; họ đến nhân danh Chúa Giê-su. Trong thực tế, họ chỉ nói với anh có ba câu, mà ba câu đó đều có nguồn gốc từ Chúa Giê-su: “Can đảm lên, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10,49). Trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giê-su mới nói: Can đảm lên, vì chỉ mình Ngài mới làm cho con tim được hồi sinh. Trong Tin Mừng, chỉ có mình Chúa Giê-su mới nói: Hãy đứng dậy!, để chữa lành tâm hồn và thể xác. Chỉ có Chúa Giê-su mới kêu gọi những người đi theo Ngài hãy thay đổi cuộc sống của họ, bằng cách là Ngài giúp họ đứng bằng hai chân trên mặt đất, cũng như mang ánh sáng của Thiên Chúa vào trong sự tăm tối của cuộc sống. Giống như Bác-ti-mê, nhiều người con trai và con gái cũng như nhiều bạn trẻ đang lên đường kiếm tìm ánh sáng trong cuộc đời. Họ đang tìm kiếm Tình Yêu đích thực. Và giống như Bác-ti-mê, bất chấp việc đang có nhiều người, nhưng anh chỉ kêu cầu một mình Chúa Giê-su thôi, thì những người trẻ cũng đang đang kêu gào cuộc sống như vậy, nhưng thường chỉ nhận được những lời hứa trống không, cũng như chỉ thấy được một ít người thực sự quan tâm tới họ.
Việc ngồi đó để chờ đợi những người anh chị em đang trên đường tìm kiếm đến gõ cửa nhà chúng ta, đó là điều không thuộc về Ki-tô giáo; chúng ta phải đến với họ, và ở đây, đừng mang cái tôi của mình tới, nhưng hãy mang Chúa Giê-su đến cho họ. Ngài đang sai chúng ta đi giống như các môn đệ ngày xưa, để chúng ta nhân danh Ngài mà khích lệ họ cũng như giúp họ đứng dậy. Ngài sai chúng ta đi để chúng ta nói với mọi người rằng: “Thiên Chúa xin bạn hãy để cho mình được yêu thương bởi Ngài”. Thay vì mang tới sứ điệp cứu độ có khả năng giải phóng ấy, chúng ta lại thường mang tới chính cái tôi của chúng ta, những “toa thuốc” của chúng ta và những “nhãn hiệu” Giáo hội của chúng ta biết là dường nào! Thay vì biến Lời Chúa thành của mình, chúng ta lại thường chào bán những ý tưởng riêng của chúng ta như thể đó là Lời Ngài vậy! Người ta thường cảm thấy gánh nặng nơi các tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện bằng hữu của Chúa Giê-su biết là dường nào! Và rồi chúng ta sẽ trở thành một NGO, trở thành một tổ chức bán chính phủ, nhưng lại không trở thành cộng đoàn của những người được cứu độ biết sống niềm vui của Thiên Chúa.
Hãy lắng nghe, biến mình thành tha nhân và làm chứng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, con đường Đức Tin đã kết thúc theo một cách thức hết sức tuyệt vời và ngỡ ngàng với Lời của Chúa Giê-su: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10,52). Ở đây, Bác-ti-mê đã không đọc Kinh Tin Kính, và ngoài ra cũng chẳng làm điều gì đặc biệt cả; anh chỉ kêu xin Lòng Thương Xót. Việc cảm thấy mình cần tới ơn cứu độ chính là sự khởi đầu của Đức Tin, là con đường trực tiếp dẫn tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đức Tin đã cứu thoát Bác-ti-mê không hệ tại ở chỗ ông có những hình ảnh rõ ràng về Thiên Chúa, song hệ tại ở chỗ kiếm tìm Ngài, mong muốn gặp gỡ Ngài. Đức Tin chính là một câu hỏi của sự gặp gỡ chứ không phải là lý thuyết. Chúa Giê-su đến thông qua sự gặp gỡ, và con tim của Giáo hội sẽ đập trong sự gặp gỡ. Vì thế, không phải các bài giảng của chúng ta sẽ mang lại công hiệu, nhưng là chứng tá cuộc sống của chúng ta.
Và Cha xin cám ơn chứng tá của tất cả anh chị em, những người đã tham dự vào cuộc “cùng lên đường” này. Chúng ta đã làm việc cùng nhau với sự tự nguyện trong niềm mong ước muốn được phục vụ Thiên Chúa và Dân Người. Cầu xin Chúa chúc lành cho những bước đi của chúng ta, để chúng ta có khả năng lắng nghe những người trẻ, trở thành tha nhân của họ, và trao cho họ chứng tá từ niềm vui cuộc sống của chúng ta: Chúa Giê-su.
Đền Thờ Thánh Phê-rô
Sáng Chúa Nhật ngày 28 tháng 10 năm 2018
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ