Toàn văn Tiếp Kiến Chung: ‘Một lời kinh đòi hỏi sự tin tưởng’

0

Toàn văn Tiếp Kiến Chung: ‘Một lời kinh đòi hỏi sự tin tưởng’

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về ‘Kinh Lạy Cha’

12 tháng Mười Hai, 2018 14:34

VIRGINIA FORRESTER

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Sảnh đường Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục các bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về chủ đề: “Một lời kinh đòi hỏi sự tin tưởng” (trích sách Thánh: trích Tin mừng theo Thánh Luca 11:9-13).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung được kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục mạch giáo lý về “Kinh Lạy Cha” mà chúng ta đã bắt đầu tuần trước. Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ của Người một lời kinh ngắn gọn, táo bạo với bảy lời cầu — một con số không phải là ngẫu nhiên trong Kinh Thánh nhưng nó nói đến sự kiện toàn. Cha nói là táo bạo, vì nếu Đức Ki-tô không giới thiệu cho chúng ta, có lẽ chẳng người nào trong chúng ta — kể cả một nhà thần học trứ danh nhất — lại dám cầu nguyện với Thiên Chúa theo cách như vậy. Thật vậy, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ của Người tiến lại gần với Thiên Chúa và dâng lên những lời cầu xin với lòng vững tâm: trước hết là những điều liên quan đến Người và sau đó là những điều liên quan đến chúng ta. Không cần những lời mở đầu trong “Kinh Lạy Cha.” Chúa Giê-su không dạy những công thức khuôn sáo để “lấy lòng” Thiên Chúa, nhưng Người mời gọi hãy cầu nguyện với Người, bỏ qua những rào cản của sự lo lắng và sợ sệt. Người không dạy chúng ta phải thưa với Thiên Chúa bằng những danh xưng gọi Người là “Đấng Toàn Năng,” “Đấng Cao trọng nhất,” “Người quá cách xa chúng con, con là một kẻ đau khổ.” Không, Người không dạy điều này, nhưng chỉ đơn giản là “Lạy Cha,” tất cả rất đơn sơ, giống như những đứa con đến với cha của chúng. Và câu “Lạy Cha” này diễn tả lòng vững tâm của người con.

Kinh “Lạy Cha” mang đậm chất thực tại cụ thể của con người. Chẳng hạn, lời kinh dạy chúng ta xin lương thực, lương thực hàng ngày, đó là một nhu cầu đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, nó cho thấy rằng đức tin không phải là một điều gì đó “để trang trí,” xa rời khỏi cuộc sống, hay là một điều gì đó chỉ xảy ra khi tất cả mọi nhu cầu khác của con người đã được thỏa mãn. Nhưng lời kinh đó bắt đầu bằng chính cuộc sống. Chúa Giê-su dạy chúng ta lời kinh không bắt đầu trong cuộc sống sau khi cái bụng đã no đủ, nhưng ngược lại nó cư ngụ ở bất cứ nơi nào có con người, bất cứ người nào đói khát, than khóc, vất vả, những người đau khổ và đặt vấn đề “tại sao.” Theo một ý nghĩa nhất định, lời cầu xin đầu tiên của chúng ta đó là tiếng khóc cùng với hơi thở của chúng ta. Trong tiếng khóc của trẻ thơ vừa chào đời thể hiện vận mạng của toàn bộ cuộc sống chúng ta: sự đói khát liên tục của chúng ta, và khát khao vô bờ đối với sự hạnh phúc.

Trong lời kinh, Chúa Giê-su không muốn dập tắt những gì thuộc về con người; Người không muốn làm mất thực tại của nó. Người không muốn cắt mất ý chí của chúng ta muốn đặt những câu hỏi và yêu cầu, mà phải chịu đựng tất cả. Nhưng, Người muốn mọi sự đau khổ, mọi sự phiền muộn là bước tiến về Thiên Đàng và trở thành một cuộc đối thoại.

Có người đã từng nói rằng có đức tin tức là có thói quen biết khóc.

Tất cả chúng ta cần phải trở nên như Ba-ti-mê trong Tin mừng (x. Mc 10:46-52) — chúng ta hãy nhớ lại trích đoạn Tin mừng Ba-ti-mê, con ông Ti-mê –, người khiếm thị đó ngồi ăn xin tại cửa thành Giê-ri-khô. Chung quanh ông có rất nhiều người tốt lành ra lệnh cho ông phải im lặng. “Im miệng đi! Chúa đang đi ngang qua. Im miệng. Đừng làm phiền. Thầy còn nhiều việc phải làm; đừng làm phiền Thầy. Anh đang quấy rầy bằng những tiếng kêu la của anh đó. Đừng quấy rầy nữa.” Tuy nhiên, anh ta đã không thèm nghe lời khuyên đó: với sự cương quyết thánh thiện, anh ta hy vọng rằng tình trạng đau khổ của anh cuối cùng có thể giúp anh được gặp Chúa Giê-su. Và anh ta lại càng kêu lớn tiếng hơn! Và những con người lịch sự kia lại bảo anh ta: “Thôi đi, chúng tôi van anh đấy! Ngài là Thầy. Anh đang biến mình trở nên xấu xí đó!” Và anh ta lại kêu lớn lên vì anh ta muốn được nhìn thấy, anh ta muốn được chữa lành.

“Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi!” (c. 47) Chúa Giê-su nhìn anh ta, và nói với anh: “Lòng tin của anh đã cứu anh” (c. 52), gần như đây là lời giải thích rằng điều tiên quyết cho sự chữa lành của anh ta chính là lời kêu xin, lời khẩn xin đó được kêu lên với lòng tin, còn mạnh mẽ hơn cả “ý thức tốt lành” của rất nhiều người đang muốn anh ta phải im miệng. Lời cầu nguyện không những là sự cần có cho ơn cứu độ, nhưng ngay trong nó có chứa đựng một con đường, vì nó cứu con người thoát khỏi sự tuyệt vọng, sự tuyệt vọng của những người không tin rằng có một lối thoát cho nhiều hoàn cảnh không còn chịu đựng được nữa.

Rồi, người tín hữu chắc chắn cần phải ca khen Thiên Chúa. Các Tin mừng tường thuật cho chúng ta về lời ca khen vui mừng bật ra từ tâm hồn Chúa Giê-su, đầy lòng tri ân Chúa Cha (x. Mt 11:25-27). Những Ki-tô hữu tiên khởi thậm chí thấy cần phải thêm một lời ca khen vào văn bản của “Kinh Lạy Cha”: “Vì Người là Đấng Quyền năng và Vinh quang muôn đời” (Sách Giáo huấn, 8, 2).

Tuy nhiên, chúng ta không phải giữ khư khư lý thuyết của quá khứ cho rằng cầu nguyện mà xin điều này điều nọ là một hình thức của đức tin yếu kém, và lời cầu nguyện đích thực chỉ là ca khen, là lời tìm đến với Thiên Chúa nhưng không bị gánh nặng của sự cầu xin điều này điều nọ. Không, điều này không đúng. Lời cầu xin là rất chân thật, là tự bột phát, đó là một hành động của niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, Đấng tốt lành, Đấng Toàn Năng. Nó là một hành động của niềm tin trong tôi, là một con người bé nhỏ, một tội nhân, một người thiếu thốn. Và vì vậy, lời cầu xin một điều gì đó là rất cao quý. Thiên Chúa Cha là Đấng có lòng thương xót vô bờ dành cho chúng ta và Người muốn con cái của Người nói chuyện với Người mà không hề e dè, được trực tiếp gọi Người là “Cha,” hoặc trong những cơn khốn cùng có thể nói: “Nhưng lạy Chúa, Người đã làm gì với con?” Như vậy, chúng ta có thể kể mọi chuyện với Người, kể cả những chuyện trong cuộc sống của chúng ta bị sai lệch và không thể hiểu nổi. Và Người hứa với chúng ta rằng Người luôn luôn ở bên chúng ta cho đến ngày cuối cùng chúng ta có mặt trên dương thế. Vậy chúng ta hãy đọc Kinh Lạy Cha, bắt đầu một cách đơn sơ như vầy: “Lạy Cha,” hoặc “Thưa Cha.” Và Người hiểu ý chúng ta và thương yêu chúng ta vô cùng.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/12/2018]

Comments are closed.

phone-icon